Paris kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Debussy

Chủ Nhật, 18 Tháng Hai 20188:00 CH(Xem: 4613)
Paris kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Debussy

media
Kể từ đầu tháng Hai 2018 và trong vòng 6 tháng liên tục, nhà hát lớn Philharmonie de Paris tổ chức chương trình tưởng niệm 100 năm ngày giỗ của Claude Debussy. Nhân dịp này, dàn nhạc giao hưởng của nhà hát lớn đều có lên chương trình biểu diễn các tác phẩm tiêu biểu của Debussy vào những ngày cuối tuần (tại các thính phòng và hội trường chính Pierre Boulez).

Đợt hoà tấu trong khuôn khổ chương trình ‘‘Week End Debussy 100’’ diễn ra song song với các buổi hội thảo chuyên đề, các cuộc triển lãm và các xưởng sáng tác trong khuôn viên Viện Bảo tàng Âm nhạc. Trong khi đó, các festival nhạc cổ điển, các nhà hát tại Paris cũng như các thành phố lớn đều đưa các tác phẩm Debussy vào lịch biểu diễn. Nhìn chung, lễ kỷ niệm lần này có vẻ hoành tráng hơn nhiều so với chương trình tổ chức cách đây 5 năm, nhân 150 năm ngày sinh của tác giả (1862-1918).

Riêng đối với giới yêu chuộng âm nhạc cổ điển, năm nay là một năm quan trọng bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử phát hành băng đĩa, toàn bộ các tác phẩm của Claude Debussy được sưu tầm, sàng lọc, hòa âm lại rồi tập hợp thành một bộ tuyển tập, được xem như là phong phú, đầy đủ nhất từ trước tới nay.

Hãng đĩa Deutsche Grammophon cho phát hành bộ sưu tập gồm 24 cuộn CD mang tựa đề Claude Debussy : The Centenary Edition. Trong khi đó, hãng đĩa Warner Classics cho ra mắt bộ toàn tập "Claude Debussy : The Complete Works" bao gồm tổng cộng 33 cuộn CD, trong đó có những tác phẩm xuất sắc đầu tay, những bản giao hưởng phức hợp đồ sộ, một số giai điệu ít được phổ biến, từng được ghi âm rồi bị thất lạc.

Thế nhưng trong số 33 cuộn CD ghi âm, quan trọng hơn cả là đĩa nhạc bao gồm các tác phẩm sáng tác cho đàn dương cầm piano do chính tác giả Debussy thu thanh và trình bày. Cho dù về mặt hoà âm, một cuộn CD như vậy khó thể nào có chất lượng kỹ thuật cao bằng thời nay, nhưng xét về mặt lịch sử, cuộn CD này lại cực kỳ có giá trị, bởi vì ngoài là tác phẩm ‘‘gốc’’ nó còn thể hiện rõ ràng chủ ý diễn đạt của tác giả.

Giới sưu tầm hay chuyên ngành không thể nào mà bàn cãi về chủ đích của Debussy trong cách chơi một khúc đàn, họ cũng không thể diễn giải dài dòng về thông điệp hay cảm xúc mà Debussy gửi gấm vào trong các tác phẩm của ông.

Lập trường sáng tác cũng như kiến thức âm nhạc của Debussy mang đậm ảnh hưởng của hai trào lưu nghệ thuật : trường phái ấn tượng trong hội họa và chủ nghĩa tượng trưng trong văn học. Gợi hứng từ hai khuynh hướng chủ đạo ấy, Claude Debussy đã thực hiện bước đột phá nghệ thuật, cách tân lối sáng tác cả nội dung lẫn hình thức, để đưa âm nhạc của cái thời ông đang sống vào một con đường ‘‘hiện đại’’ hơn, mang nhiều tính thử nghiệm, cấp tiến.

Bộ toàn tập The Complete Works của hãng đĩa Warner Classics lại càng có ý nghĩa do nó cho thấy cái quá trình tìm tòi sáng tác của Claude Debussy. Tác giả này trở thành dấu gạch nối cần thiết, dung hoà được cả hai vế : một bên là nét chuẩn mực hàn lâm của các tác giả như Gounod, Massenet hay là Saint Saëns và bên kia là tính khuynh đảo bứt phá của Stravinsky, Bartók hay là Messiaen…

Bộ toàn tập cũng cho thấy tính khai phóng của Debussy trên nhiều lãnh vực, trước hết là ở ngôn ngữ và cấu trúc hòa âm. Sinh thời, Claude Debussy chuộng sáng tác những hợp âm ‘‘nghịch tai’’, mà thời nay người ta cho rằng nó gần giống với nhạc jazz, (Duke Ellington và Bill Evans là những nhạc sĩ jazz đầu tiên đã sử dụng cách kết hợp âm thanh như vậy). Tuy nhiên, ngôn ngữ hòa âm của Debussy còn có nhiều luồng ảnh hưởng khác như dòng nhạc của thời kỳ Phục hưng, hay là nhạc ngũ cung của quần đảo Nam Dương (Indonesia) mà ông từng được nghe biểu diễn nhân Hội chợ Triển lãm Toàn cầu tổ chức tại Paris vào năm 1889.

Nét độc đáo nhất trong sáng tác của Debussy là cách xử lý yếu tố thời gian, như thể ông muốn níu kéo từng nốt nhạc, làm cho giai điệu trở nên khoan thai tĩnh tại, dòng thời gian trong tác phẩm của Debussy như thể được co giãn tới mức tột cùng, một khái niệm hoàn toàn mới, phản bác lại lập trường của dòng âm nhạc ‘‘chính thống’’ cổ điển, khi mà tiết tấu hoàn toàn lệ thuộc vào nhịp điệu

Từ các bản giao hưởng “La Mer” (Biển cả), “Prélude à l’après midi d’un faune” (Giấc ngủ trưa của thần Điền dã), “Estampes” (Những bức tranh khắc) cho tới Tổ khúc "Suite Bergamasque", đặc biệt là chương ba mang tựa đề "Clair de Lune" (Ánh trăng) hay nhạc sáng tác cho sân khấu kịch "Le martyre de Saint Sébastien" (Thánh Sébastien tử vì đạo), hầu hết các tác phẩm của Debussy là những khung trời rộng mở, gọi mời người nghe thả hồn vào những cuộc phiêu lưu bất động, viễn du cõi mộng. Các tác phẩm đều có nét đẹp huyền ảo kỳ diệu, thế nhưng, nét quyến rũ mềm mại ở bề ngoài tác phẩm vẫn không che khuất tính mạo hiểm táo bạo trong cuộc hành trình nội tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 07 Tháng Sáu 20188:40 SA
( HNPD )dù chúng mày có là Việt Minh /là Cộng Sản Đông Dương /là Xã Hội Chủ Nghĩa Anh Em dù chúng mày ở bên kia vĩ tuyến
Thứ Tư, 06 Tháng Sáu 20185:41 CH
(HNPD) Quê hương tôi đó ! Xa xôi vạn dậm ngút ngàn Đang bùng lên lớp sóng triều tranh đấu, Chặt đứt xích xiềng, phá vỡ cùm kẹp lầm than
Thứ Ba, 05 Tháng Sáu 201810:41 SA
( HNPD ) có những cái blog & web /của bọn đặc công nằm vùng bên Pháp /chủ trương văn nghệ xoa dầu cù là chung chung