Những lối vào tiểu thuyết Patrick Modiano

Chủ Nhật, 06 Tháng Sáu 20216:00 CH(Xem: 2126)
Những lối vào tiểu thuyết Patrick Modiano
rfi.fr

Những lối vào tiểu thuyết Patrick Modiano

Sơn Ca

"Gần như không có gì. Tựa một vết chích côn trùng thoạt tiên tưởng rất nhẹ" (1). Văn chương Patrick Modiano giống như cách người ta đi sượt qua nhau, đọc lần đầu cảm giác "gần như không có gì", nhưng rất có thể kiểu văn chương vẻ ngoài giản dị ấy sẽ lôi tuột ta vào những "hố đen", "nơi xét về mặt lâu dài, chúng ta có nguy cơ bị chất tối nuốt trọn." (2)

Tiểu thuyết của Modiano thường có hình ảnh về "những thành phố nơi chỉ cần rẽ ở một góc phố là đã tới một khu rừng" (3), hay những "phố dẫn thẳng tới bầu trời, như thể dẫn tới rìa một vách đá [...] thứ đôi khi vẫn chiếm lấy bạn trong những giấc mơ." (4) Đọc Modiano là cách ta đi lang thang trong sách rồi bị trượt vào những lối nhỏ ấy, những con dốc ấy và đến với thế giới modianesque, nơi tiểu thuyết trước đan vào tiểu thuyết sau, nơi sách và cuộc đời chảy tràn vào nhau, nơi ta nghẹt thở trước những đoạn văn siêu thực, nơi không-thời gian chồng lớp lên nhau.

Trong đó có danh sách tên những con chó lạc, những người bị mất tích, những gara ô tô bí ẩn, những vụ scandal trên tạp chí, những vụ án trong hồ sơ cảnh sát... Những triết gia, nhà văn, nghệ sĩ đã qua đời được Modiano làm sống lại trong tiểu thuyết của mình. Đọc Modiano như cách người ta đọc những trang giấy trắng được viết bằng hóa chất đặc biệt hơ trên lửa, những chi tiết hiện lên từ vô hình, hay như cách người ta rửa những bức ảnh chụp trong phòng tối mà Modiano đã chia sẻ trong diễn từ Nobel năm 2014 : "Vào lúc bóc ảnh trong phòng tối, ảnh chụp trở nên dần dần hiển hiện. Trong khi một người tiến hành đọc một cuốn tiểu thuyết, tiến trình hóa học như thế cũng diễn ra."

Những chi tiết ấy luôn được được Modiano đặt vào như những vì sao trên trời, đôi khi ta lướt qua vô tình, nhưng chúng thường đột ngột lóe sáng vào lúc ta không ngờ nhất.

Trong tiểu thuyết Để em khỏi lạc trong khu phố nhân vật nhớ về một bộ phim ông xem trong rạp. "Một câu nói trong bộ phim tối đó quay về trong tâm trí ông [...] "Để đến được với em, con đường anh phải theo mới kỳ lạ làm sao"." Modiano không hé lộ thêm thông tin gì về bộ phim, như thể nhân vật đã ngồi xem một bộ phim vô thường vô phạt. Nhưng câu nói đó bỗng lấp lánh sáng và đó là câu kết trong phim Pickpocket của đạo diễn Robert Bresson.

Đây là một tín hiệu có liên quan đến nội dung tiểu thuyết. Một nhà văn muốn tìm lại người con gái của mình 15 năm trước nên đã đưa một chi tiết trong đời thực vào tiểu thuyết mong cô nhận ra để tìm lại mình. Cuối cùng ông đã gặp lại được cô nhờ "đánh cắp một phần đời thực cho vào tiểu thuyết". Ngay cả từ "đánh cắp" Modiano dùng cũng liên quan đến từ pickpocket nghĩa là kẻ móc túi. Theo đó, một phần nội dung của tiểu thuyết có điểm tương đồng với bộ phim ở nghĩa cả hai người đàn ông đều làm những việc khác thường để đến với người mình yêu.

Đừng bỏ qua những tên sách được nhắc đến trong tiểu thuyết của Modiano. Chúng như những chiếc đèn xi nhan báo hiệu bạn đọc chuẩn bị rẽ vào một câu chuyện có tính chất tương đồng. Những lời đề từ, tên nhân vật, một địa chỉ... có thể sẽ dẫn ta vào một trò chơi thú vị. Modiano cài cắm những chi tiết đời thực vào văn chương, nhưng theo cách làm nhòe chúng trước khi đặt vào tiểu thuyết, và giăng mắc chúng rải rác trong những cuốn sách của mình.

Trong tiểu thuyết Một gánh xiếc qua có hình ảnh một người đàn ông trìu mến tốt bụng. "Ông không hiểu nổi tại sao một ông bố và một bà mẹ lại có thể bỏ rơi hoàn toàn một cậu bé say mê văn chương với cuốn sách gối đầu giường có tên là Cho các tâm hồn nhạy cảm." Nguyên mẫu ngoài đời là nhà văn Raymond Queneau, người đã dẫn dắt Modiano vào con đường văn chương. Trong tiểu thuyết Un pedigree, Modiano kể rằng ông và Queneau gặp nhau vào mỗi chiều thứ 7, và Queneau hiền từ và dễ mến, có điệu cười một nửa như mạch nước ngầm và một nửa khàn khô.

Cuốn Cho các tâm hồn nhạy cảm là một tuyển tập thư của Stendhal. Trong Một gánh xiếc qua trước khi trốn chạy, nhân vật chàng trai đã chạy ngược lên gác vơ một đống sách cũ vào bọc để mang theo, trong đó có cuốn này. Tên nhà văn Stendhal nằm ở đầu cuốn Để em khỏi lạc trong khu phố với lời đề từ : "Tôi không thể đưa ra hiện thực của sự việc, tôi chỉ có thể trình bày cái bóng của chúng" (Stendhal)

Cũng trong Một gánh xiếc qua, chàng trai nhận thấy : "Những quyển sách ấy đã có sẵn ở đó từ lâu trước khi bố tôi đến ở căn hộ này. Người thuê nhà trước, tác giả Đi săn bằng chó, đã bỏ quên chúng [...] một François Vernet bí ẩn nào đó."

Đây cũng là một chi tiết bắt nguồn từ đời thực. Đầu năm 1943, bố mẹ Patrick Modiano sống tại căn hộ ở 15 Quai de Conti. Trước đó có hai nhà văn từng ở căn hộ này trong những khoảng thời gian khác nhau là Maurice Sachs và François Vernet. Hai nhà văn này đã để lại những cuốn sách cũ trong căn phòng thời thời thơ ấu của Patrick Modiano (5). Họ đều mất năm 1945. Maurice Sachs được Patrick Modiano tái sinh trong tiểu thuyết Quảng trường ngôi sao : "Chúng tôi uống rượu cho đến ba giờ sáng để ăn mừng cuộc hội ngộ này, Từ hôm đó trở đi, hai chúng tôi không rời ông Maurice kia nửa bước và chúng tôi long trọng thề là sẽ giữ bí mật chuyện ông ta còn sống."

Cũng trong tiểu thuyết Để em khỏi lạc trong khu phố Modiano viết : "Nhưng mùa hè, mọi thứ đều lơ lửng – một mùa "siêu hình", như Maurice Caveing, thầy giáo triết học của ông ngày xưa vẫn nói." Maurice Caveing là triết gia nhưng ông chia sẻ trên một tạp chí rằng đó không phải là câu nói của ông mà chỉ là sáng tạo của Modiano mà thôi (6). Tiểu thuyết Encre Sympathique của Modiano có nhắc lại hình ảnh mùa hè siêu hình : "Chưa bao giờ Paris dịu dàng và thân thiện với tôi đến thế, chưa bao giờ tôi đi sâu vào lòng mùa hè đến thế, đây là mùa mà một nhà triết học tôi đã quên tên gọi là mùa siêu hình."

Modiano chia sẻ trong một bài phỏng vấn : "Paris của tôi không phải một Paris của niềm sầu nhớ mà là một Paris trong mơ, được tạo nên bởi những chi tiết trong đời thực hòa cùng tưởng tượng. Những chi tiết này trở nên phi thời gian. [...] gợi mở trí tưởng tượng hơn là cố gắng khôi phục lại quá khứ. Đó là văn học. Quá khứ trở nên phi thời gian. Và sự vượt khỏi dòng thời gian, đó là văn học." (7)

Những số điện thoại, tên đường phố trong tiểu thuyết Modiano đều không là sự tình cờ. Số 5 Rue de Quatrefages trong tiểu thuyết Souvenirs dormants là địa chỉ của nhà văn Georges Perec. Số 45 Rue de Courcelles trong tiểu thuyết Livret de famille là địa chỉ của nhà văn Marcel Proust (8).

Trên tờ Paris-Soir ngày 31 tháng 12 năm 1941, xuất hiện một mẩu tin tìm kiếm một cô gái Do Thái bị mất tích, tên là Dora Bruder, 15 tuổi. Cô gái, cũng như hàng ngàn trẻ em thanh thiếu niên Do Thái thời đó, đã bị trục xuất khỏi Pháp đến trại tập trung ở Áo, và bị sát hại. Năm 1988, từ mẩu tin ngắn tìm được trên tờ báo cũ này, Patrick Modiano đã tự làm những cuộc kiếm tìm, lần theo những dấu vết, kết hợp những chi tiết thực tế và trí tưởng tượng, viết lên cuốn tiểu thuyết Dora Bruder, xuất bản năm 1997. Năm 2015, tại quận 18, con đường mang tên Promenade Dora Bruder ra đời để tưởng nhớ những nạn nhân Do Thái ở Paris trong thời Đức tạm chiếm.

Quá khứ với Modiano là mùi hương ê te xuyên suốt các tác phẩm, cũng là một chỉ dẫn không nên bỏ qua để mở những tầng sâu hơn vào nội tâm nhân vật. Tiểu thuyết La Petite BijouUn pedigree cùng nhắc đến chi tiết trong đời thực hồi Modiano 5 tuổi, khi còn học ở Biarritz, vào một buổi chiều tan trường, không có ai đến đón, ông đã tự băng qua đường và một chiếc xe tải nhỏ đã va vào mình. Người lái xe đưa ông đến chỗ các bà sơ, những người đã đặt những miếng bông tẩm ê te lên mũi giúp ông ngủ ngon khỏi những cơn đau. "Kể từ đó tôi đặc biệt nhạy cảm với mùi ê te. Quá đậm đặc. Mùi ê te có một đặc tính kỳ lạ là nó gợi nhớ tôi về những nỗi đau và cùng lúc xóa nó đi ngay tức khắc. Ký ức và lãng quên." (9)

Quy hồi vĩnh cửu, một tư tưởng triết học Nietzsche được nhắc nhiều đến trong Ở cuốn cafe của tuổi trẻ lạc lối, cũng là một yếu tố quan trọng trong tác phẩm của Modiano, giúp chúng ta đi sâu hơn vào tất cả chi tiết, ký ức, câu chuyện lặp đi lặp lại trong tiểu thuyết của ông.

Nietzsche viết rằng: "Và nếu một sớm mai hay một đêm khuya nào đó, một con quỷ lén lút trượt vào nơi sâu thẳm nhất của nỗi cô đơn và nói với bạn rằng: ”Cuộc đời này, với tất cả những gì ngươi đang sống và đã sống, ngươi sẽ phải sống nó thêm một lần nữa và trong vô lượng lần, và nó sẽ không có gì tươi mới, ngược lại mọi nỗi đau, mọi niềm vui, mọi suy tư và những tiếng thở dài và tất cả những gì nhỏ bé và to lớn không diễn tả nên lời trong cuộc đời ngươi sẽ trở lại với ngươi, và tất cả đều theo cùng một trình tự và cùng một chuỗi nối tiếp, và cả con nhện này và cả ánh trăng giữa những tán cây này, và cả khoảnh khắc hiện tại này và chính ngươi nữa. Một chiếc đồng hồ cát của sự tồn tại vĩnh cửu bị đảo ngược không ngừng, và ngươi cùng với nó, chỉ là cát bụi của cát bụi."

Nhưng sự hấp dẫn nhất trong tiểu thuyết của Modiano, với tôi, là nghệ thuật miêu tả sự mong manh và chơi vơi trong sâu thẳm con người, là những đoạn văn viết về ký ức đẹp như thơ, là những đoạn văn đậm chất siêu thực. "Đột nhiên, họ thật cách xa chúng tôi, trong một khoảng thời gian khác, và giờ đây khi cảnh ấy đã đông cứng lại vĩnh viễn, tôi sẽ nói : trong một khoảng thời gian khác." (10)

Nhân vật của Modiano hay tự hỏi : mình có đang mơ không, có phải người kia đến từ kiếp trước không ? Tiểu thuyết của Modiano thường có những đoạn nhân vật đối diện nhau trong hiện tại, muốn sờ đến, muốn chạm tới nhau nhưng luôn bị ngăn cách bởi một tấm màn mỏng trong suốt không thể vượt qua, không rõ đó là tấm màn được làm bằng thời gian, bằng không gian, bằng mộng tưởng hay bằng ký ức.

Modiano luôn nhặt một điểm trong quá khứ mang về hiện tại, rồi phủ lên một lớp sương bảng lảng mơ hồ trước khi trả nó về chỗ cũ. Modiano cũng tài tình nhặt hai hay nhiều điểm trên bản đồ thời gian và chập lại làm một rồi cố gắng gọi tên, lý giải, tự làm cho mình an lòng bởi ngôn từ. "Điểm cố định" là một từ khóa rất quan trọng trong thế giới của Modiano, thế giới của người luôn đi ngược thời gian truy tìm bản thể, nguồn cội mình ; thế giới của người luôn đi tìm "những mối quan hệ giữa người với người", "để cuộc sống thôi là sự trôi nổi vĩnh viễn." (11)

Những cuộc gặp gỡ trong tiểu thuyết của Modiano đôi khi là những kết nối mong tìm lại hơi ấm con người, mong tìm một bến đỗ trong tâm hồn nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là khao khát tìm một điều gì đó đã mất bên trong mình. Người ấy cứ đi tìm kiếm, lý giải, mong nó được sáng tỏ ra nhưng càng tìm kiếm càng đi vào mơ hồ bí ẩn. Bởi thế những cuộc gặp gỡ luôn như trong ảo mộng, như cầm cái đẹp, sự ấm áp về tình yêu, tình người, hạnh phúc trên tay nhưng cảm giác bất an luôn khởi lên thường trực, bất an như thể : "Ngay cả cái tháp Eiffel mà tôi trông thấy đằng xa, bên kia sông Seine, cái tháp Eiffel đôi khi làm ta yên dạ là thế, cũng giống như một đống sắt vụn cháy thành than." (12)

Ở tận cùng của tất cả những kiếm tìm lặp đi lặp lại, ở mọi kết nối với những người xa lạ đầy mong manh và cũng chính vì mong manh nên đẹp đẽ ấy, ta nhận ra rằng thực chất Modiano đang nương nhờ vào những điểm cố định ấy để kết nối với chính bản thể mình. Và ngay cả Paris, Paris đã từng thuộc về tất cả những người yêu mến thành phố này, đã trở thành một Paris riêng khác của Patrick Modiano, nơi ông biến Paris thành một thành phố bên trong mình : "Paris nơi tôi sống và khám phá qua những cuốn sách của mình không còn nữa. Tôi viết chỉ để tìm lại. Đó không phải là nỗi hoài nhớ, tôi không tiếc nuối những gì của ngày xưa. Chỉ đơn giản là tôi đã biến Paris bên trong mình, thành một thành phố mộng mơ, phi thời gian nơi các thời đại chồng lên nhau và là nơi hiện thân của điều mà Nietzsche gọi là "quy hồi vĩnh cửu"." (13)

Dẫn nguồn :

(1) Để em khỏi lạc trong khu phố, Patrick Modiano, Phùng Hồng Minh dịch, NXB Văn học và Công ty sách Nhã Nam, năm 2016.

(2) Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối, Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, NXB Văn học và Công ty sách Nhã Nam, năm 2014.

(3) Từ thăm thẳm lãng quên, Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, NXB Hà Nội và Công ty sách Nhã Nam, năm 2018.

(4) Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối, Patrick Modiano, Trần Bạch Lan dịch, NXB Văn học và Công ty sách Nhã Nam, năm 2014.

(5) Dans la peau de Patrick Modiano, Denis Cosnard, nhà xuất bản Fayard, năm 2011.

(6) Maurice Caveing : 1923-2019, Guy Bruit trong tạp chí Raison présente tháng 4 năm 2019.

(7) Modiano: "Paris của tôi không phải một Paris của niềm sầu nhớ mà là một Paris trong mơ", bài phỏng vấn thực hiện bởi François Busnel, L'express, 4 tháng 3 năm 2010.

(8) Paris dans les pas de Patrick Modiano, Gilles Schlesser, Parigramme, 2019.

(9) Un pedigree, Patrick Modiano, Gallimard, 2005.

(10) Một gánh xiếc qua, Patrick Modiano, Cao Việt Dũng dịch, NXB Văn học và Công ty sách Nhã Nam, năm 2017.

(11) La petite bijou, Patrick Modiano, Gallimard, 2002.

(12) Phố của những cửa hiệu u tối, Patrick Modiano, Dương Tường dịch, NXB Hà Nội và Công ty sách Nhã Nam, năm 2014.

(13) Paris thành phố bên trong tôi, bài phỏng vấn thực hiện bởi Jérome Garcin, Bibliobs, ngày 8 tháng 2 năm 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn