Đôi lời về Chuyện người con gái Nam Xương

Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20171:00 SA(Xem: 6322)
Đôi lời về Chuyện người con gái Nam Xương
nlvnpf-1263-087

Truyền kì mạn lục – Chuyện người con gái Nam Xương -(trang 87)

Nguyễn Lê Kiều Nhi

Văn học trung đại, với những câu chuyện thú vị về gia đình, đất nước, chính trị, xã hội, thân phận con người và những nỗi oan nghiệt ngã luôn được biến hóa và được các tác giả cho ra đời những tập truyện, thơ,… Bên cạnh đó, những ý kiến trái chiều về nhân vật, về cốt truyện cũng là một đề tài theo tôi là rất thú vị. Nỗi oan nàng Vũ Nương và chàng Trương Sinh cũng là một chủ đề không kém phần thú vị. Ta nhìn lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Ngay từ đầu truyện, Nguyễn Dữ đã chỉ ra nét đẹp của nàng Vũ Nương: “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, cũng vì cái nét đẹp đó mà Trương Sinh đã “mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Như thế, Trương cũng là một người biết trân trọng phẩm chất đẹp của người phụ nữ, chứ đâu hoàn toàn là xấu! Tuy nhiên, Trương cũng là người đa nghi, hay ghen và có chút vũ phu, lại thất học, đó chính là những cái xấu của Trương. Vợ chồng thuận hòa, gia đình hạnh phúc là thế nhưng lại chẳng kéo dài được bao lâu, gia đình chia cắt bởi chiến tranh. Cũng vì cái điểm yếu là thất học mà Trương phải đi lính đánh giặc Chiêm.

05a5c578bda9224af76a88bea9fa4fec.jpg

Cái buổi chàng ra đi cũng là cái buổi đầu nước mắt với lời nói của bà mẹ và lời nói của Vũ Nương. Đọc truyện, ta thấy được lời của bà mẹ thường đơn giản, không cầu kỳ nhưng rất chân thành, chỉ khuyên con mình nên biết giữ mình, biết tiến biết lui, không ham danh lợi, chỉ thế thôi. Còn lời nói của Vũ Nương thì đầy những điển tích, hay thành ngữ như “đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm” hay “rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì”, “nhìn trăng soi thành cũ”, “trông liễu rũ bãi hoang”, “thương người đất thú” hay “cánh hồng bay bổng”,… đầy ẩn ý nhưng cũng rất chân thành, thể hiện rất hay, rất đẹp những tình cảm của nàng dành cho Trương. Qua đây ta cũng thấy được Vũ Nương là người có học thức, lại là đối ngược với Trương, kẻ thất học. Điều này có ẩn ý gì? Hay chỉ là một sắp đặt ngẫu nhiên để thể hiện cái phẩm chất tài đức của Vũ Nương? Có lẽ điều này chỉ có Nguyễn Dữ mới có thể biết được.

Lời dẫn trong bài cũng lắm điển tích hay thành ngữ: “mối tình muôn dặm quan san”, “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”, nhưng nó lột tả khá thành công nỗi buồn, nỗi nhớ chồng của người chinh phụ, khi mà người vợ chẳng thể nào biết chồng của mình sống chết ra sao. Cái hình ảnh bướm lượn đầy vườn, vốn gợi cho ta một khung cảnh đẹp, cũng rất mơ hồ như đám mây che kín núi, thơ mộng nhưng cũng man mác. Giống như tâm trạng của nàng bấy giờ, mơ hồ, huyễn hoặc, rằng không biết chàng ấy giờ ra sao, còn sống hay đã chết? Quả là lấy cảnh mà lột đươc cái tình của con người!

Rồi khi mẹ chồng ốm, Vũ Nương vẫn chăm sóc chu đáo, tận tình, lo lắng thuốc thang, thần phật mong cho mẹ chồng khỏi bệnh. Nhưng cái bệnh này là tâm bệnh, vì nhớ con, vì lo lắng cho sự an nguy của con mà bà mẹ mới sanh bệnh. Thế rồi chẳng được bao lâu, bà mẹ mất, Vũ Nương cũng buồn khổ, cũng lo ma chay như cha mẹ ruột. Mà người mẹ chồng cũng đã chúc phúc cho người con dâu: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Thế mới thấy được tình cảm mẹ chồng – nàng dâu không phải lúc nào cũng nghiệt ngã, mà chỉ cần đối tốt với nhau, yêu thương nhau , dù chỉ một chút thôi cũng đủ để có một mối quan hệ đẹp rồi.

Qua năm sau, Trương về sau cơn chinh chiến, lại biết được mẹ mất, trong lòng đau xót vô cùng, đành hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con đi thăm. Gặp lúc đau lòng, lại thấy đứa con quấy khóc, không chịu nhận mình là cha, nghe những lời nói của con, Trương lại càng thêm đau lòng cùng tức giận. Lại cái tính hay ghen của Trương, cơn giận lại càng dễ bùng phát thêm, càng nghĩ lại càng giận, đinh ninh là vợ hư, mối nghi từ đó mà chẳng gỡ được. Lúc này đây, Trương chỉ còn cách phát tiết, trút giận lên người vợ của mình mới có thể hả cơn giận, lại có hành vi đánh đập vũ phu lên người vợ của mình, rồi đuổi đi mà không hề quan tâm đến những lời biện bạch của chính Vũ Nương và cả họ hàng làng xóm.

Ta xét đến những lời biện bạch của nàng: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chư thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”.

Trong lúc bối rối vì bị nghi oan, thế nhưng lời nói của Vũ Nương lại có những hình ảnh ẩn dụ như “tô son điểm phấn” hay “ngõ liễu tường hoa”, thực giống với lời nói của một kẻ bình tĩnh hết mực, nhưng lúc này đây, nàng lại đang khóc. Qủa là có một sự đối ngược ở đây, hay là cái tài của nàng đã ăn cả vào máu, ngay cả trong lúc bối rối, hoảng sợ cũng có thể bộc lộ ra cái tài của mình trong lời nói?

Lại nói về một vế nhỏ: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”, ta thấy được nàng hạ mình, hay đó là sự thật? Nếu là sự thật thì phải chăng ta thấy được một xã hội phân biệt giàu nghèo hết sức rõ rệt ở đây, kẻ nghèo hèn thì bị khinh hay sao? Hay nàng không được chọn lựa kẻ sẽ đi với mình đến hết đời mà cưới Trương vì cha mẹ, mới nói đến hai chữ “nương tựa” với hai tầng lớp khác biệt hoàn toàn chỉ trong một câu: kẻ khó – nhà giàu?

Lại xét đến lời nói lúc trước khi nhảy xuống sông Hoàng Giang của nàng: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.

Vũ Nương lại dùng từ “nương tựa”, nhưng lần này nàng lại là nương tựa vào Trương với cái “thú vui nghi gia nghi thất”, nghĩa là cái thú vui thành đôi vợ chồng hạnh phúc, gây dựng hạnh phúc gia đình. Chỉ là có hứng thú thôi sao?

Ngay từ đầu truyện, Nguyễn Dữ cũng nói Trương “mến vì dung hạnh” mới cưới nàng về, chứ đâu vì tình yêu thực sự. Lại tiếp đến câu nói sau, ta bắt gặp những hình ảnh “bình rơi trâm gãy”, “mây tạnh mưa tan”, “sen rũ trong ao”, “liễu tàn trước gió”, “khóc tuyết bông hoa rụng cuống”, “kêu xuân cái én lìa đàn”, “nước thẳm buồn xa” và có cả ngọn núi Vọng Phu kia nữa.

Những hình ảnh trên đều nói về hạnh phúc tan vỡ, nỗi thất vọng vì mình bị nghi oan. Nếu chúng ta để ý, ta có thể thấy được lời nói của Vũ Nương thường có vần điệu nhịp nhàng, uyển chuyển, phải chăng đây là cái tài của nàng, mà Nguyễn Dữ muốn đề cao thêm cái đức hạnh và cái tài của nàng mới cho nàng cái cách nói như thế, dù cho đó là lời nói khi nàng bối rối, cả khi nàng tuyệt vọng nữa?

Sau một thời gian bị Trương “lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi” thì Vũ Nương đã đến giới hạn của sự buồn tủi, oan ức mà không thể minh oan, và cách giải thoát của nàng đó chính là cái chết. Có lẽ ý nghĩ mình muốn chết, mình phải chết của nàng đã xuất hiện từ lâu, đến cái giới hạn kia, cũng là lời nói của nàng trước khi tự tử. Sau khi nói lời ấy, nàng lại “tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than” thì có lẽ không hợp lý với một con người muốn chết ngay tức khắc, mà là trải qua những suy nghĩ về cái chết của mình.

Nàng muốn chết, nhưng phải là chết sao cho đẹp, chết sao cho sạch sẽ kia. Lời than của nàng cũng vẫn là nhằm mục đích thanh minh cho nàng với trời đất và với thần sông kia: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Sau khi nàng chết, Trương cũng là động lòng thương mặc dù vẫn giận nàng thất tiết, cũng cho người vớt thây nàng, cũng buồn khổ mới “ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya” đấy chứ. Trong đêm đó, chính Đản là người giải oan cho mẹ, rằng cha Đản trước kia cũng chỉ là chiếc bóng khi Đản trỏ bóng chàng Trương trên vách mà bảo là cha nó. Lúc này, Trương đã biết mình đã hiểu oan cho vợ, nhưng chàng làm sao có thể chuộc lại lỗi lầm khi Vũ Nương đã chết?

Đây quả là một nỗi oan nghiệt ngã khôn cùng của Vũ Nương. Người ta nói rằng, nguyên nhân gián tiếp đầu tiên dẫn đến nỗi oan của Vũ Nương là việc Trương đi đánh giặc ngoài biên ải, cũng là do chiến tranh, cũng là khiến cho mẹ chàng Trương mất. Cũng có người nói đó không phải là nguyên nhân, mà nếu thay đổi cốt truyện, chàng Trương đi học, hay đi làm ăn cũng sẽ như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu là đi học hay đi làm ăn, với một người không có học như Trương thì quả là chưa thỏa đáng, vả lại nếu thực là đi học hay đi làm ăn, bà cụ cũng sẽ không thể nào nhớ và lo lắng đến mức sinh bệnh, và khi bà bị ốm, chẳng nhẽ Trương không về thăm bà hay sao? Do đó, chiến tranh quả là một nguyên nhân vậy.

Nguyên nhân thứ hai chính là lời nói bông đùa của Vũ Nương đối với con, rằng cái bóng của nàng là cha Đản. Có người nói nàng vì thỏa lòng mong nhớ của nàng với chàng Trương mà nàng lại nói đùa với con như thế. Nhưng theo tôi, lời nói bông đùa đó cũng giống như câu đùa cợt của những người họ hàng, làng xóm nói với một đứa bé khi mẹ nó sinh con: “Mẹ con có em bé rồi, không thương con nữa đâu”.

Và từ câu nói đùa tưởng chừng vô hại đó mà dẫn đến những hậu quả khôn lường. Có thể đứa trẻ hiểu đó là câu nói đùa và quên ngay, nhưng cũng vẫn có thể đứa trẻ tưởng là nói thật và có những hành động như đánh đập đứa em vừa chào đời, ghét em, hay thậm chí là tự tử,…

Như thế, lời nói đùa tưởng chừng vô hại đã đẩy Vũ Nương vào một nỗi oan mà không oan, và trong lời than trước khi nhảy xuống sông Hoàng Giang, Vũ Nương có nói: “Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.” thì nàng không lừa chồng nhưng lại dối con chiếc bóng mình là cha Đản.

Và sau này, khi Đản lớn, biết chuyện rồi, lại không xuất hiện nỗi oan kia của Vũ Nương, thì thằng bé sẽ nghĩ gì về mẹ nó khi cái suy nghĩ cái bóng của mẹ nó là cha nó đã thâm căn cố đế trong đầu nó? Chắc chắn nó sẽ khó lòng mà tin tưởng được mẹ nó khi mẹ nó đã lừa nó suốt bao nhiêu năm trời!

Hay mặt khác, trong lời nói của Đản: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.” thì nó thể hiện cái suy nghĩ là cha nó không hề thương yêu nó, bởi cái hành động “chẳng bao giờ bế Đản cả”.

Nếu cái suy nghĩ này kéo dài thì sao? Nếu Đản lớn lên, Vũ Nương không bị nghi oan đi nữa thì với cái ý nghĩ đó, sau này tình cảm của Đản đối với cha nó sẽ thế nào? Luôn làm mọi thứ thật tốt để cha vui lòng, hay có thái độ chán ghét, thù hằn với cha nó? Hay trong cái câu: “Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít” thì nó sẽ nghĩ sao về cha nó? Bị câm hay thậm chí là không thèm nói chuyện với nó? Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ thấy cái lời nói đùa của Vũ Nương thực chẳng đơn giản, mặc dù nó xem như rất đơn giản, chẳng có gì đáng quan tâm như nhiều người đã nghĩ!

Như ông Nguyễn Đình Chú đã từng nói: “Cái bóng là gì vậy? Nếu không phải là một biểu tượng cho sự đồng nhất mình với chồng. Kim – Kiều yêu nhau, Nguyễn Du đã có một cách nói đến mức sơn cùng thủy tận về chữ đồng trong tình yêu: Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Nguyễn Dữ trước Nguyễn Du trong Chuyện người con gái Nam Xương lấy cái bóng Vũ Nương để nói là cha Đản, tức là chồng Vũ Nương, kể cũng là một cách nói sơn cùng thủy tận về chữ đồng trong đạo vợ chồng.” Nếu thực như thế thì Đản làm sao mà hiểu được chiếc bóng này có ý nghĩa gì, dù nhớ chồng, mong muốn thể hiện sự đồng nhất kia thì tại sao cứ phải là nói với đứa con còn chưa hiểu chuyện? Với cái tài của nàng, tại sao lại không gửi gắm vào thi ca, hay vẽ bức tranh về Trương,… để thỏa lòng mong nhớ? Cùng với sự phân tích của tôi về tâm lý của Đản thì “cái cách nói sơn cùng thủy tận về chữ đồng trong đạo vợ chồng kia” không hề có tác dụng gì cả, thậm chí nó còn phản tác dụng, để lại hậu quả khôn lường.

Hay Vũ Nương cũng không hiểu rõ tâm lý con trẻ như nhiều người mẹ khác, cũng gây ra lắm mâu thuẫn trong gia đình, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bởi tâm lý con trẻ vô cùng quan trọng, nếu nó nghĩ nhất định điều gì là đúng, thì nó sẽ mãi nghĩ như thế, khó lòng mà gỡ ra được trong tương lai, cũng vì cái suy nghĩ ấy thâm căn cố đế trong đầu nó rồi!

Nguyên nhân nữa xuất phát từ cái tính đa nghi, hay ghen và vũ phu khi tin lời đứa con vừa mới học nói của mình. Một đứa bé thì biết gì mà nói cho đúng? Nhưng cũng không thể hoàn toàn trách Trương cho được, bởi Trương vừa từ trận mạc biên ải đánh giặc về, lại nghe tin mẹ mất, trong lòng đã buồn khổ, con lại không chịu nhận mình là cha, rồi lại nghe tin vợ thất tiết mới có thể làm ra những chuyện như thế.

Lại nói đến những lời nói có phần mờ ám về Vũ Nương và “cha Đản” thì cái việc “đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi” thì chỉ có những đôi gian phu dâm phụ mới có hành động lén lút đi lại trong đêm. Nếu đường đường chính chính thì sao lại phải đến đêm mới đến?

Điều đó càng làm Trương chắc chắn rằng vợ mình thất tiết. Cái việc gì con người ta cho là đúng, đinh ninh là đúng thì nó sẽ theo ta suốt đời, thâm căn cố đế trong đầu ta. Trương cũng thế, đinh ninh là vợ hư, thất tiết thì sẽ mải cho là vợ hư, bỏ ngoài tai tất cả những lời biện bạch của cả nàng và họ hàng làng xóm. Qua cái hình tượng nhân vật Trương Sinh này, người ta lại nói đến thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Nhưng liệu một con người trong xã hội đó có lột tả được hết bản chất của xã hội hay chế độ xã hội đó hay không? Trương là con người gia trưởng, độc đoán, nhưng nào phải ai trong xã hội cũng có cái tính đó như Trương?

Nhìn rộng ra, thoát ly ra gia đình của Trương và Vũ Nương, ta vẫn thấy chi tiết “họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng” chứ đâu có chịu hoàn toàn những sự áp bức từ xã hội? Phải chăng người ta nói đến cái chế độ phong kiến là do người ta nghĩ đến cái thế lực đồng tiền trong cái chế độ ấy? Vũ Nương có nói câu “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”, phải chăng người ta nói đến cái giai cấp giữa giàu sang và nghèo hèn? Hay với chi tiết Trương “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” người ta nói đến cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đối với hôn sự của người phụ nữ, không hề xuất phát từ tình yêu? Hay vì những cuộc chiến tranh trong thời phong kiến đó?

Đến với nguyên nhân trực tiếp nhất đẩy Vũ Nương đến với nỗi oan khiên ấy, ta trở lại với lời nói của Đản. Người ta thường nói “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, Trương quả học theo câu nói ấy, nhưng đối với một đứa trẻ vừa mới học nói thì quả là khó chấp nhận được. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, cũng là vì cái suy nghĩ non nớt của nó, tưởng chừng lời nói đùa của mẹ nó là thật mà Vũ Nương đã vướng vào cái nỗi oan thất tiết kia. Cũng chính lời nói ngây thơ của nó mà mẹ nó được giải nỗi oan, chỉ là lời nói đó đến quá muộn: khi Vũ Nương đã tự vẫn ở bến sông Hoàng Giang.

Đáng nhẽ đến đây là hết truyện, thế nhưng Nguyễn Dữ lại cho Trương một cơ hội chuộc lại lỗi lầm và được gặp lại vợ mình, mặc dù đó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi và mờ ảo. Nguyễn Dữ đã trao lại cơ hội gặp mặt, đưa tin và cách để Trương chuộc lại lỗi lầm cho Phan Lang. Ta xét những lời nói của Vũ Nương lúc vừa gặp Phan, có một vẻ gì đó lạnh lùng và cũng không còn thấy xuất hiện những hình ảnh ẩn dụ, cũng không có vần điệu nữa.

Phải chăng vì tuyệt vọng quá độ mà cái tài của nàng đã biến mất? Nhưng khi Phan nhắc đến nhà cửa, mộ phần cha mẹ không ai chăm sóc và Trương ở nhà đợi nàng, thì nàng lại đổi giọng mà khóc, lời nói cũng xuất hiện thành ngữ “ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam”, ta thấy được không phải nàng đã hết tình với nhân thế, mà chỉ là giấu giếm tình cảm trong lòng mà thôi. Lại nói đến Phan, những lời nói của Phan với Vũ Nương cho ta thấy được Phan là người có học thức, trong lời nói cũng có khá nhiều điển tích và thành ngữ như “nghĩa khác Tào Nga”, “hờn không Tinh Vệ”, “thóc cũ không còn, thóc mới vừa gặt”,.. cũng đầy vần điệu.

Khi Phan kể lại chuyện, Trương không tin quả thực là rất đúng, bởi Trương nghĩ Vũ Nương đã chết, lại nói chuyện động rùa, Linh Phi và con người làm sao có thể thở dưới nước, ở dưới nước làm sao có thể có lầu gác, lại có yến tiệc được. Qủa là khó tin. Đến khi nhìn thấy chiếc hoa vàng, Trương mới giật mình sợ hãi là thế. Tuy thế, chàng cũng vẫn theo lời, lập đàn tràng ba ngày đêm, mong chuộc lại lỗi lầm và được gặp Vũ Nương, như thế Trương cũng là một con người có tình cảm, biết hối lỗi và mong muốn chuộc lại lỗi lầm của mình đấy thôi. Rồi đến khi gặp Vũ Nương, nàng ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, sau là đến năm mươi xe cờ tán, võng lọng rực rỡ, rất đẹp, nhưng cũng rất mờ ảo, huyễn hoặc, lúc ẩn lúc hiện như chẳng có thực vậy. Chàng vội gọi, có lẽ vì nhớ mà đến nỗi vội như thế.

Thế nhưng Vũ Nương lại nói: “Đa tạ chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”, và rồi “trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất”. Qủa là phũ phàng! Nàng đã để cho Trương hy vọng, hy vọng rằng nàng có thể trở về chung sống với mình như trước kia, thì nàng lại để cho Trương phải thất vọng, gặp mặt chỉ trong chốc lát rồi xa nhau mãi mãi… Cũng coi đây là sự trừng phạt của Vũ Nương dành cho Trương, là một bài học cho những tính xấu của Trương vậy.

Với một kết thúc mở như thế, đoán sao được tâm trạng của chàng Trương, cả Đản và cả Vũ Nương nữa. Chàng Trương sẽ buồn khổ hay mau chóng quên đi và có người vợ mới? Đản sẽ ra sao nếu không có mẹ ở cạnh? Vũ Nương sẽ sống cuộc sống ra sao, bình lặng, không suy nghĩ hay mải nhớ chồng nhớ con, nhớ quê nhà? Tất cả đều mở và chẳng ai có thể biết được chính xác. Thế nên đành tạm dừng ở đây vậy.

Tôi không xét cái tài của Nguyễn Dữ, cũng không nói về nghệ thuật của truyện ở đây mà chỉ nói về cốt truyện mà thôi. Chỉ thuần nói về cốt truyện với tâm lý nhân vật, chỉ dừng lại ở nhân vật và nội dung mà thôi! Nếu theo Văn Tâm nói: “Tương tự văn tự sự trung đại, nội dung Chuyện người con gái Nam Xương nặng về động tác, nhẹ về khắc họa nội tâm và miêu tả chi tiết.” thì người ta sẽ mãi chỉ hiểu Trương luôn xấu xa, còn Vũ Nương thì luôn tốt đẹp. Nên nhớ rằng không ai là hoàn hảo cả, cũng không hoàn toàn tốt, mà chũng chẳng ai hoàn toàn xấu cả. Việc đi vào nội tâm, tâm lý nhân vật vô cùng cần thiết để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn về các nhân vật trong truyện, cũng như đúng bản chất văn chương trung đại là cô đọng, xúc cảm vậy.

nghiencuulichsu.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 15 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) hết Cuội đến Bờm bấy nhiêu năm 2 thằng này độc diễn o được tích sự gì ?
Thứ Sáu, 14 Tháng Chín 20186:06 SA
uổng công rùa đội đáphi công phí củachờ mong của bá tánh thiên hạ
Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20186:07 SA
( HNPD )bây chừ đến 3 Đặc Khu Đít dân & quần chúng lũ lượt xuống đường
Thứ Ba, 11 Tháng Chín 20186:24 SA
( HNPD ) " đù má cách mạng mùa thu "1 bọn mãi quốc cầu vinh