"Hai quê hương" : Cuốn sách thú vị

Thứ Ba, 06 Tháng Tư 202110:06 SA(Xem: 5355)
"Hai quê hương" : Cuốn sách thú vị
Vợ chồng mình vừa được anh Nguyễn Xuân Thọ tặng cuốn hồi ký “Hai Quê hương”. Cuốn sách viết về những ký ức của anh từ lúc bốn tuổi theo cha từ Bình Định ra tập kết ở miền Bắc; lớn lên ở miền Bắc; 1967 đi học nghề ở Cộng hòa Dân chủ Đức; 1971 về Việt Nam công tác; 1991 vợ chồng định cư ở Đức…
rUiqVHHQY56grLZ0UmoB304GAPuc2FG5ab3YAQKsS0nW0DpCB7wJpopubjCdH_1B2C3FXPhcob6l-gYCG8CxzlK6ClsuAkVSPWmDFirVOmJEl_xwEyy3vntrWcGxk9CFSVn_lEM=w281-h400
Mạc Văn Trang – "Hai quê hương" : Cuốn sách thú vị

Cầm cuốn sách, xem qua mục lục, mình tò mò đọc ngay chương 5 ở cuối sách.: “NƯỚC ĐỨC CHIA CẮT”. Đọc chương này thấy có mấy điều đáng suy ngẫm.

1. Sau năm 1991 anh Thọ lập nghiệp ở Cộng hòa liên bang Đức. Lúc này nước Đức đã thống nhất. Trường nghề bưu điện ngày xưa anh cùng với hơn 20 bạn Việt Nam học ở đó nay không còn nữa. Các thầy cô giáo cũng tản mát đi khắp nơi… Vậy mà anh cùng với mấy bạn đã hết lòng hết sức đi tìm các thầy cô ngày xưa. Tìm mãi cũng được hơn chục thầy cô và các anh chị đã ba lần tổ chức họp mặt với các thầy cô giáo cũ… Các nhà giáo này đã không tưởng tượng được có những cuộc hội ngộ như thế. Họ vô cùng cảm động. Có lẽ tình nghĩa thầy trò là một trong những giá trị quý báu của người Việt chúng ta, đáng được truyền bá và tôn vinh...

2. Nhưng có chuyện buồn vì khi nước Đức thống nhất, những hồ sơ của mật vụ (STASI) CHDC Đức để lại, đã lộ ra mấy giáo viên làm việc cho STASI, chuyên theo dõi báo cáo về các đồng nghiệp! Nhiều giáo viên bảo, nếu có ông ấy..., bà ấy..., tao không đến! Có hai vợ chồng giáo viên trước làm việc cho STASI đến khi thống nhất nước Đức, họ đã rất xấu hổ phải chạy trốn đi rất xa để ẩn náu. Cuối cùng anh Thọ cũng tìm ra được họ và vẫn trân trọng tình thầy trò làm họ càng cảm động vô cùng…

3. Anh Thọ bằng tuổi và kết bạn với Michael con trai của cô giáo dạy văn Helgard Verleih; cha Michael vốn là một nhà cách mạng chống phát xít Hitler và bị tù đày… Sau khi chế độ phát xít sụp đổ, ông là một trong những khai quốc công thần của nước CHDC Đức. Rồi ông mất sớm, lúc Michel mới 14 tuổi…

Michael là cậu bé thông minh, đọc rất nhiều sách văn học, triết học trong tủ sách của cha mẹ. Cậu sớm hiểu biết và có bản lĩnh hơn hẳn những bạn cùng trang lứa. Cậu không tham gia sinh hoạt đội Thiếu niên, đoàn thanh niên, coi đó là những hoạt động vô bổ…

Hồi là học sinh lớp 10, 16 tuổi, Michael thấy tờ báo tường của lớp đăng các bài tranh luận về tóc dài. Cậu liền rủ một bạn dán hình K. Marx lên chỗ trống của tờ báo và viết: “Tóc thì không được dài, nhưng râu thì có thể“! Cả lớp được một trận cười vui vẻ suốt cả ngày.

Nhưng hôm sau thầy hiệu trưởng phát hiện ra “vấn đề”. Thầy đã chấn chỉnh tư tưởng học sinh cả lớp và lần lượt từng em đứng lên phê phán Michael. Cậu bạn thân lại là người "đấu tố" Michel “máu" nhất. Cậu bị cả lớp cô lập. Đi cùng chuyến tàu điện có 7- 8 bạn nhưng họ luôn xa lánh Michael. Cũng không có gì lạ, vì lúc đó nhiều người lớn trái quan điểm với đảng, bị quy là “phản động” thường bị gia đình vợ con, bạn bè xa lánh…

Càng cô độc, Michel càng đọc nhiều sách hơn và may mắn cậu luôn được mẹ đồng cảm và cô bạn gái Gudrun học kém một lớp, con bí thư huyện ủy, luôn thương mến, cảm phục… Nhờ xuất sắc lại được bạn của cha bảo lãnh nên Michael được vào trường đại học Humboldt danh tiếng và tốt nghiệp xuất sắc.

Năm 1975 anh cưới Gudrun nhưng cả nhà cô dâu không ai đến dự. Dù vậy hai vợ chồng sống rất hạnh phúc....

4. Năm 1983, Mỹ và NATO đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Tây Đức để răn đe khối VACSAVA. Thanh Niên Tây Đức rầm rộ xuống đường phản đối. Liên Xô cũng đưa tên lửa đầu đạn hạt nhân vào Đông Đức, nhưng toàn đảng, toàn dân, toàn quân CHDC Đức im re. Michael lúc này đã là nhà nghiên cứu nổi tiếng. Anh bồn chồn lo lắng không yên vì lòng yêu nước và trách nhiệm với dân tộc...

Anh quyết định viết một lá thư 15 Trang gửi cho Tổng bí thư Chủ tịch nước Honecker và thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl để nói rằng không thể biến nước Đức thành bãi chiến trường hạt nhân, nước Đức cần phải thống nhất bằng hoà bình...!. Mặc dù anh đã gửi thư bí mật và ẩn danh nhưng STASI điều tra từ dấu vết của chiếc máy chữ đánh văn bản và cuối cùng đã tìm ra thủ phạm. Họ vui mừng vì nghĩ đây là một trọng án, do một tổ chức thế lực thù địch, có bàn tay của nước ngoài, âm mưu chống phá nhà nước... Nhưng dù có tra tấn kiểu gì, cuối cùng họ chỉ bắt được có mình Michael. Anh bị kết án tù 4 năm.

Nhưng sau đó được chính quyền Tây Đức chuộc anh rồi chuộc cả mẹ và vợ con anh sang Tây Đức.

Ta cũng nên biết: “Trong thời gian từ 1962 đến 1989 chính phủ Cộng hòa liên bang Đức đã chi hơn 3,41 tỷ DM để mua lấy tự do cho 33.750 tù chính trị trong các nhà tù của Đông Đức. Ngoài ra chính phủ CHDC Đức cho 250.000 công dân của minh sang định cư ở Tây Đức, chính phủ CHLB Đức đã phải chi thêm hơn 5 tỷ DM, tổng số 8,44 tỷ DM”...

5. Mấy lần họp mặt với các thầy cô giáo cũ, thấy họ đều ổn cả, vì được nước Đức thống nhất (thực ra là Tây Đức) trả lương hưu hậu hỹ. Thấy một cô giáo đi xe xịn, ăn mặc sang trọng, hỏi ra mới biết chồng cô là đại tá phi công của CHDC Đức, được trả lương hưu như đại tá phi công của Tây Đức nên sống rất phong lưu.

Nhưng anh Thọ không nguôi đi tìm cô giáo Helgard Verleih và vợ chồng Michael. Mãi cho tới năm 2017 anh mới tìm được Michael với biết bao niềm Xúc động…

Mới đọc chương 5 của cuốn sách mà đã cảm nhận được bao nhiêu điều thú vị.

Thì ra nước CHDC Đức là mẫu hình lý tưởng XHCN, dân ăn ngon, mặc đẹp, nhà ở đàng hoàng, xe cộ thoải mái, không sợ thất nghiệp, giáo dục, y tế miễn phí… nhưng người dân lại không muốn sống trong một xã hội công an trị, luôn “đấu đá địch - ta” và nhồi sọ tư tưởng, làm tha hoá bản tính NGƯỜI!

Cảm ơn anh Nguyễn Xuân Thọ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn