Những nghệ sĩ với duy nhất một ca khúc để đời

Chủ Nhật, 04 Tháng Tư 202110:08 SA(Xem: 3775)
Những nghệ sĩ với duy nhất một ca khúc để đời
rfi.fr

Những nghệ sĩ với duy nhất một ca khúc để đời


Lao động nghệ thuật không phải là chặng đường trải hoa hồng. Trong âm nhạc, có nghệ sỹ như nhóm The Beatles cuộc đời là hàng loạt bản hit được công chúng đón nhận. Ngược lại, có những nghệ sỹ cả sự nghiệp ngắn ngủi chỉ được ghi nhận một bản hit xuất sắc nhất.

4 Non Blondes - What’s Up

4 Non Blondes là ví dụ điển hình của ban nhạc chỉ có duy nhất bản hit để đời. Năm 1992, nhóm rock alternative nữ từ bang California trình làng album đầu tay Bigger, Better, Faster, More (Lớn hơn, tốt hơn, nhanh hơn và hơn thế). Đây vừa là album duy nhất và cuối cùng sự nghiệp của họ trước khi chia tay năm 1994.

Album này sản sinh ra một single (đĩa đơn) làm nên tiếng tăm lẫy lừng của nhóm. Ca khúc What’s up do chính nhóm sáng tác và thể leo tới thứ hạng 14 trong top 100 Billboard. Bài hát có điệp khúc rất ấn tượng “Yeah Yeah Yeah, What’s going on?” lặp lại với giọng nữ khoẻ khoắn, đầy tính hippi. Có vẻ như giai điệu bắt tai này như thỏi nam châm thu hút khán giả khắp châu Âu. Single bán rất chạy, trở thành đĩa hát vàng, đến giờ nhiều ca sỹ thể hiện lại như Pink.

Thật đáng tiếc, sau sự ra đi của ngôi sao Linda Perry - người hát chính và chơi guitar, nhóm tan rã vào năm 1994. Sự tồn tại của 4 Non Blondes kéo dài bốn năm từ 1989 đến 1993. Tuy nhiên với khán giả, họ vẫn toả sáng xuyên thời gian nhờ bản hit nội lực What’s up ám ảnh với giai điệu rock cháy bỏng.       

Foreigner I want to know what love is

Trái với 4 Non Blondes, nhóm hard rock Anh-Mỹ Foreigner có bề dày sáng tác và biểu diễn nhất định. Các thành viên bạn nhạc đều người Anh, ngoại trừ ca sỹ hát chính Lou Gramm người Mỹ. Họ cho ra đời 9 album phòng thu từ năm 1977 đến năm 2009 và gây tiếng vang lớn kể từ album đầu tay Foreigner (1977).

Tuy nhiên, phong độ đỉnh cao chỉ rơi vào thời điểm thập niên 1980 khi album Agent Provocateur ra mắt năm 1984. Ca khúc I want to know what love is (Tôi muốn biết tình yêu là gì) mới khiến họ được biết đến rộng rãi hai bên bờ Đại Tây Dương và trên toàn cầu. Bản ballad có đoạn mở đầu khá trầm, nhẹ nhàng và điệp khúc vút bay mạnh mẽ.

Điểm chung các ca khúc đỉnh cao 1 hit là giai điệu đẹp, không thể nhầm lẫn vào đâu được. Nó truyền tải bản sắc riêng của ban nhạc và sự thăng hoa cảm xúc. Về sau, diva Mariah Carey cũng cover lại ca khúc và truyền tải hết nội lực thể hiện vượt bản gốc. Nếu đối chiếu hai phiên bản cạnh nhau, khán giả mới thấy biên độ trầm bổng của bài hát khá phiêu linh, khiến cho Carey vất vả mới làm tròn được thử thách.

Trước đó, nhóm Foreigner cũng có một số single đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng Billboard như Waiting for a girl like you (Đợi chờ một cô gái), Hot Blood hay Double Vision. Sức mạnh của bản ballad I want to know what love is làm lu mờ hết các bản hit cũ của họ. Sau album này, cùng với sự ra đi của ca sỹ Lou Gramm, Foreigner sa sút phong độ khiến các chất lượng các album sau đó xuống dốc không phanh. Một lần nữa, những bản hit đỉnh cao có giá trị tham chiếu và so sánh. Họ đã tiêu thụ đến 80 triệu đĩa hát, gần một nửa trong số đó tại thị trường Mỹ. Nhắc tới Foreigner, chắc chắn khán giả nhớ nhất ca khúc đinh của nhóm I want to know what love is.

Dan Hill Sometimes when we touch

Nhắc tới Dan Hill, ít khán giá biết  tới ca sỹ, khiêm nhạc sỹ sáng tác gốc Canada này. Nhưng nếu nhắc tới bản ballad Sometimes when we touch (Khi đôi ta gần nhau) thì chắc hẳn ai cũng đều ngạc nhiên, thích thú. Bài hát ra đời năm 1977, leo lên hạng 3 bảng xếp hạng Billboard. Giai điệu của bài hát mạnh mẽ, ca từ khắc họa sự chân thành, cảm xúc tràn ngập trong tình yêu. Bản ballad này từng được các danh ca như Rod Stewart hay Barry Manilow cover lại.

Hầu hết khán giả lầm tưởng bài hát mô tả sự thăng hoa tình yêu của một căp đôi mặn nồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nam ca sỹ sinh năm 1954 này chia sẻ với báo giới đây là kỷ niệm chuyện tình buồn : “Cô ấy thích một người đàn ông khác, điều đó làm tim tôi tan vỡ. Do đó, tôi cần viết một ca khúc có thể chiến thắng trái tim cô ấy. Nó phải đam mê mãnh liệt đến mức cô ấy nghĩ rằng tôi là người đàn ông của cô”.

Bản ballad này vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Dan Hil, biến ông trở thành một ngôi sao quốc tế. Cả thế giới chào đón tài năng của Dan Hill, ông trở thành nhạc sỹ sáng tác và nhà sản xuất cho nhiều ca sỹ khác. Năm 1996, Hill nhận được giải Grammy cho vai trò đồng sản xuất album Pop xuất sắc Falling into you của diva Canada, Celine Dion. Sau ca khúc này, Hill có một ca khúc gây được tiếng vang Can’t we try (Sao chúng ta không thử) nhưng nhạt nhòa trước bản hit giàu cảm xúc và tôn thờ tình yêu đã đi vào lòng người. Bản hit cuộc đời không phải là dấu chấm hết, mà nó mở ra chương mới với cuộc đời nghệ sỹ như Dan Hill.

You ask me if I love you ; And I choke on my reply ; I'd rather hurt you honestly ; Than mislead you with a lie ; And sometimes when we touch ; The honesty's too much ; And I have to close my eyes and hide ; I wanna hold you til I die ; Til we both break down and cry ; I wanna hold you till the fear in me subsides.

Em hỏi anh rằng anh có yêu em ; Anh nghẹn ngào trả lời ; Anh thà làm em tổn thương thành thực ; Hơn là lừa dối em ; Khi đôi ta gần nhau ; Sự thành thực quá lớn ; Anh chỉ muốn nhắm mắt và giấu đi điều đó ; Anh muốn ôm em tới khi qua đời ; Đến khi chúng ta cùng gục ngã và khóc lóc ; Anh muốn ôm em đến khi nỗi sợ trong anh lắng xuống.

The Verve Bittersweet Symphony

So với các bản hit các nghệ sỹ khác, số phận bản hit Bittersweet Symphony của nhóm rock Anh Quốc, The Verve khá truân chuyên. The Verve thành lập từ năm 1990 bởi bốn thành viên chính. Ca sỹ hát chính Richard Ashcroft, guitar Nick McCabe, guitar bass Simon Jones và tay trống Peter Salisbury. Đến năm 1997, họ tạo được đột phá lớn với thành công thương mại của album Urban Hymn (Thánh ca đô thị). Đáng chú ý, ca khúc Bittersweet Symphony (Bản giao hưởng cay đắng) leo lên hạng 2 ở bảng xếp hạng âm nhạc Anh quốc.

Video clip cũng gây ấn tượng mạnh với hình ảnh Ashcroft đi bộ trên phố, không ngại va quệt tất cả người đi đường. Đây là bản hit xuất sắc chủ yếu ở phần nhạc nền rất đẹp, dựa trên bản phối khí The Last Time của The Andrew Oldham Orchestra.

Tuy nhiên, thành công của The Verve kéo theo trận chiến pháp lý với nhóm Rolling Stones kéo dài tới tận 22 năm mới chấm dứt. Lúc đầu, Rolling Stones đồng ý cấp phép cho The Verve sử dụng 1 đoạn 5 khuông nhạc với khoản ăn chia 50-50% thù lao xuất bản. Khi bản nhạc được đề cử giải Grammy thì tình huống xoay chuyển 180 độ. Người quản lý của Rolling Stones, Allen Klein đã đòi thù lao lên mức 100%. Sau đó, tên tuổi The Verve chìm xuống sau vụ kiện nhưng dư âm của Bittersweet Symphony vẫn vang vọng theo thời gian. Đó vẫn là bản hit số 1 và duy nhất của The Verve trong mắt người hâm mộ.

Ngoài bốn tác phẩm xuất sắc kể trên, còn rất nhiều ví dụ sinh động về các bản hit để đời như nhóm The Bangles với bản hit Eternal Flame, nhóm AHA với ca khúc vui nhộn Take On Me. Một giây phút huy hoàng có thể cứu vãn cả sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi của các ban nhóm, nghệ sỹ. Vì họ đã bừng sáng và thăng hoa trong sự hoan hỉ của công chúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn