HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN? - PHẠM ĐỨC NHÌ

Thứ Ba, 06 Tháng Hai 20188:27 CH(Xem: 5320)
HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN? - PHẠM ĐỨC NHÌ

Tho-hoa-dep
HỒN THƠ TỪ ĐÂU ĐẾN?

                                                     (Bài 1)

Cảm Xúc Trong Thơ

Thơ là trò chơi của con chữ, vần điệu và cảm xúc. Có lẽ thấy được điều đó nên Nguyễn Hưng Quốc đã đưa ra định nghĩa “Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm”. Khác với thơ, mục đích chính của văn là chuyển tải thông điệp. Cũng có khi có cảm xúc nhưng thông điệp là chính, cảm xúc chỉ là sản phẩm phụ. Với thơ, cảm xúc gần như là tất cả. Thông điệp cũng có đấy nhưng nhiều khi chỉ là con kênh để cảm xúc có chỗ lưu chuyển.

 

Đọc thơ là tìm cái cảm giác khoan khoái, thích thú tỏa ra từ bài thơ. Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra cảm xúc trong thơ có nhiều tầng bậc. Theo tôi, có 3 tầng bậc.

 

Có người sợi dây thần kinh sướng rung lên khi gặp một chữ, một từ hay, một hình ảnh đẹp. Đó là tầng bậc 1. Có người cũng sướng cái sướng ở tầng bậc 1 nhưng khi thấy bài thơ nhất quán, liền lạc, thế trận kín kẽ, hiệu quả thì cảm giác sướng mạnh hơn nữa. Đó là cảm xúc ở tầng 2.

 

Nếu bài thơ lại có thêm cái hơi nóng cảm xúc tỏa ra, không phải từ các con chữ, câu thơ mà hình như từ đâu đó giữa những hàng kẻ để những người thưởng thức thơ sành điệu cảm nhận được và thấy vô cùng sảng khoái. Đó là cảm xúc ở tầng 3, thứ cảm xúc cao cấp ở trong thơ.  Khi cảm xúc tầng 3 lên tới đỉnh điểm đúng lúc bài thơ kết thúc (cao trào), ta có hồn thơ.

 

Cho nên khả năng thấy được, cảm được cái hồn của bài thơ là rất quan trọng, đặc biệt với những người làm công việc bình thơ. Tại sao? Vì hồn thơ là dấu hiệu chứng tỏ bài thơ đã đến được Bến Bờ Thi Ca, phần thưởng cao quý nhất cho công việc làm thơ. Bài thơ chỉ có thể có hồn khi đó là tiếng lòng chân thật vì thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Viết được bài thơ có hồn thi sĩ đã ban cho những người đọc bài thơ ấy một ân huệ lớn, được đối thoại với mình (thi sĩ) bằng Tiếng Người Chân Thật và có những giây phút được trở lại làm Con Người (viết hoa). Còn phần còn lại của nhân loại cũng là người nhưng tim đã khô cứng bởi những quy luật, cung cách ứng xử của xã hội văn minh; họ rất hòa nhã, lễ phép, lịch sự nhưng rất “lạnh”, đang dần dà biến thành những người máy vô cảm.

 

Cách Hành Xử Của CON NGƯỜI (Viết Hoa)

 

Mới đây, Larry Nassar – một bác sĩ từng là thành viên trong trong ban lãnh đạo đội tuyển thể dục dụng cụ (Gymnastics) Olympics Mỹ - đã bị kết án từ 40 đến 175 năm tù vì tội lợi dụng cương vị bác sĩ của mình, trong khoảng thời gian 2 thập kỷ, tấn công tình dục ít nhất 265 nữ bệnh nhân trong đó có 3 con gái của ông Mark Margraves.  Người cha đau khổ - trong phiên tòa mới nhất – đã bất chấp lề luật nghiêm ngặt của toà án - xông về hướng bị cáo Larry Nassar với tất cả sức mạnh và sự giận dữ của mình để tấn công lão bác sĩ đốn mạt này nhưng ông đã bị rất đông nhân viên an ninh tòa án kịp thời vật ngã và còng tay trước khi gây hại cho lão ta.

 

Lòng thương con và sự giận dữ lên tới đỉnh điểm đã khiến người cha nổi cơn điên, không nghĩ gì đến hình phạt mà pháp luật Mỹ sẽ dành cho ông sau đó, đã “quên” cách hành xử lịch sự, văn minh trước công đường. Lúc ấy “cái tôi đích thực” đã vùng dậy, đẩy “cái tôi văn hóa” qua một bên để giành quyền làm chủ thân xác của ông. Mặc người đời bàn tán sai đúng, daị khôn, tôi vẫn cho cách hành xử của người cha lúc ấy mới thật là cách hành xử của Con Người (viết hoa) mà vì mải mê tuân theo những nguyên tắc của nếp sống văn hóa trong xã hội văn minh, ông đã quên mất từ lâu.

 

Thử tưởng tượng một lúc 3 đứa con gái xinh đẹp, mơn mởn như những đóa hoa xuân bị con quỷ dâm đãng làm hoen ố sự trinh trắng thì có người cha nào đứng đối mặt với nó mà không căm giận, nổi điên cho được. Khi tôi viết những dòng chữ này ông Mark Margraves đã xuất hiện trên truyền hình xin lỗi những người hiện diện trong phiên toà (và người Mỹ) về hành động nóng nảy, “thiếu văn hóa” của mình. Một điểm đặc biệt là bà Chánh Án của phiên tòa đã “lờ đi” không truy cứu trách nhiệm hình sự người cha đáng thương. Sau đó trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội, nhiều người còn tôn vinh ông Mark Margraves là “Anh Hùng” (Hero).

 

Vì Thơ Là Tiếng Lòng Chân Thật

 

Với thơ cũng vậy. Thi sĩ rất cần cái trạng thái nổi điên như người cha đau khổ kia, tạm thời giã từ “cái tôi văn hóa” trở về với “cái tôi đích thực” để giải bày tiếng lòng chân thật của mình với độc giả. Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong Thơ Đến Từ Đâu (Nguyễn Đức Tùng) đã phán rất thẳng thừng nhưng, theo tôi, rất chính xác:

 

Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’ thì tôi viết được mấy lời kha khá.”

 

Lúc ấy lý trí sẽ trở thành bất khiển dụng vì đã bị đẩy lùi vào một góc. Đây là điều kiện tối cần thiết để tạo hồn thơ. Nhưng những người ý thức được sự cần thiết đó rất ít, mà dù có ý thức được điều đó đi nữa, cái trạng thái nổi điên ấy đâu phải cứ muốn là sẽ có, cứ gọi là sẽ đến; phải biết cách thai nghén và kiên nhẫn đợi chờ. Vậy mà như thế vẫn chưa đủ. Kỹ thuật thơ của thi sĩ phải vươn tới một trình độ khả dĩ chuyển tải được tứ thơ và những nét đẹp của bài thơ một cách vững vàng để cảm xúc có thể nương theo đó phát triển thành hồn thơ. Tâm hồn phấn khích, cao hứng hay ngay cả nổi cơn điên mà kỹ thuật thơ yếu kém thì cảm xúc có gom được tý nào cũng theo nhưng lỗ hổng yếu kém đó mà xì ra hết.

 

Xin giới thiệu với độc giả bài thơ của một cháu gái con người bạn học cùng trường hồi trung học, tôi tình cờ đọc được khoảng hơn 10 năm trước:

 

ĐÙA VỚI NÁNG

 

Sáng nay gọi nắng ra sân

Nắng theo em đến khắp trần gian vui

Nhìn em ngơ ngác nắng cười

Hôn lên đôi má hồng tươi màu vàng

Em nhìn nắng chiếu miên man

Bỗng dưng lòng thấy chứa chan yêu đời.

 

Vâng! Hơn 10 năm qua tôi vẫn thuộc lòng bài thơ để có dịp bàn về hồn thơ là sẽ đem ra dẫn chứng. Cháu gái lúc ấy tuổi khoảng 15, 16 gì đó, buổi sáng ra sân chơi đùa với nắng; nói là chơi đùa nhưng theo tứ thơ thì cháu gái chỉ đứng giữa sân phơi nắng sáng, nhìn mình rồi ngơ ngác nhìn cảnh vật xung quanh đẹp như tranh dưới ánh mặt trời, lòng bỗng rộn ràng vui và cảm thấy yêu đời chan chứa.

 

Tâm trạng của cháu gái, dĩ nhiên, chưa đến mức “Thiên Địa Nhân quy nhất” (1) như của những thiền sư đạt đạo nhưng rất ngây thơ, trong sáng và tươi mát vì không trĩu nặng tư ý, tư dục như những thi sĩ đã vào đời. Cảm xúc ở tầng 3 - thứ cảm xúc có được do thi sĩ đang ở trạng thái phấn khích, cao hứng - nhẹ nhàng lan tỏa, cho người đọc cái cảm giác sảng khoái thật dễ thương.

 

Rất tiếc, cháu gái còn non tay, bài thơ có mấy chỗ dùng từ không đúng, không hợp nên cái cảm xúc ấy đến rồi lặng lẽ ra đi. Mấy chỗ dùng từ không đúng, không hợp là:

 

     1/ “Nắng theo em đến khắp trần gian vui

 

Em chỉ quanh quẩn trong sân thì làm sao “Nắng theo em đến khắp trần gian vui” được?

 

     2/ “Hôn lên đôi má hồng tươi màu vàng”

 

Chữ “Hôn” hay nhưng không đúng. Chữ “Phủ” mới đúng (nhưng không hay)

 

     3/ Từ “miên man” không hợp với tâm trạng “chứa chan yêu đời

 

Kết Luận

 

Đọc thơ, ai cũng thích gặp bài thơ chan chứa chất tình, hồn thơ lai láng. Mỗi thi sĩ, đều có cách riêng của mình, réo gọi hồn thơ. Nhưng xin đừng quên kỹ thuật thơ ca - chữ, câu, các biện pháp tu từ và thế trận chữ nghĩa – cũng rất quan trọng. Không có nó thì dù có cao hứng, có “cái gì nhập” đi nữa cũng không thể có bài thơ hay. Tầng 3 chỉ có thể yên tâm phát sinh và phát triển khi nền móng của nó là tầng 1 và tầng 2 vững vàng. Nếu chuyên cần học hỏi, rèn luyện kỹ thuật thơ ca, chú ý lắng nghe tiếng xao động trong tim mình, biết kiên nhẫn đợi chờ, thì một lúc nào đó thật bất ngờ, hồn thơ sẽ ập đến.

 

PHẠM ĐỨC NHÌ ( HNPD )

 

Chú Thích:

 

1/ Trời, Đất và Người hợp nhất.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn