Thành công của mạng nghe nhạc trực tuyến Spotify

Thứ Ba, 30 Tháng Ba 20219:54 SA(Xem: 3163)
Thành công của mạng nghe nhạc trực tuyến Spotify
rfi.fr

Covid-19 : Thành công của mạng nghe nhạc trực tuyến Spotify

Tuấn Thảo

Xem phim trực tuyến có mạng Netflix, còn nghe nhạc trực tuyến có Spotify. Dịch Covid-19 đã khiến cho làng ca nhạc và điện ảnh "truyền thống" phải điêu đứng, trong khi các dịch vụ giải trí trên mạng lại bội thu. Đầu năm 2021, mạng Netflix của Mỹ đã vượt ngưỡng 200 triệu thành viên. Còn mạng Spotify của Thụy Điển gần như cán mốc 350 triệu người sử dụng, trong đó có 155 triệu thành viên đăng ký có trả phí. 

Trong tháng 03/2021, Spotify đã thông báo triển khai mạng dịch vụ tại hơn 80 quốc gia khác, trong đó có Pakistan, Bangladesh và các nước châu Phi như Nigeria, Tanzania hay Mozambique... Như vậy, Spotify đã tăng gấp đôi số địa bàn hoạt động, cung cấp cả hai gói dịch vụ : loại cơ bản miễn phí, và dịch vụ premium cao cấp có tính phí.

Ngoài thư viện âm nhạc khổng lồ bao gồm cả triệu bài hát, Spotify còn cung cấp thêm nhiều podcast (tập tin âm thanh hay video để tải về nghe trên điện thoại hay trên máy tính). Người sử dụng tại các thị trường mới được quyền truy cập vào hầu như toàn bộ danh mục của Spotify, hiện có hơn hai triệu nội dung chương trình, kể cả âm nhạc, podcast và audiobook (sách nói).

Chiến lược phát triển các chương trình âm thanh

Được thành lập vào năm 2006, Spotify hiện đạt mức doanh thu 6,8 tỷ euro hàng năm và dịch Covid-19 đã giúp cho mạng này thu hút thêm thành viên, nhất là trong thời kỳ có các đợt phong tỏa. Với gần 350 triệu người có đăng ký tài khoản sử dụng, Spotify đương nhiên trở thành "hệ thống âm nhạc trực tuyến quan trọng nhất trên thế giới".

Ngoài việc phân phối âm nhạc, một trong những chiến lược của Spotify vẫn là việc phát triển các nội dung qua podcast. Danh mục Spotify hiện thời đã có khoảng 700.000 chương trình như vậy. Chương trình podcast đem lại nhiều lợi nhuận hơn, nhất là các sản phẩm làm "tại gia" do chính Spotify sản xuất, thường kèm theo bên trong các tin quảng cáo, dưới dạng âm thanh hay hình ảnh.

Bên cạnh đó, Spotify còn cho ra mắt thêm nhiều tựa sách nói (audiobook) mà mạng này nắm giữ độc quyền phân phối và phát hành của riêng mình trên nền tảng của mình. Trong thời gian đầu, Spotify cho ghi âm các audiobook dựa theo những tác phẩm hay tiểu thuyết kinh điển đã được đưa vào phạm vi công cộng, tức là không còn thuộc về quyền sở hữu của bất kỳ cá nhân nào.

Spotify mời các tên tuổi lớn của làng điện ảnh quốc tế ghi âm các tập "sách nói", chẳng hạn như ngôi sao màn bạc Hilary Swank hay là nam diễn viên Forest Whitaker. Tính tổng cộng đã có khoảng 10 quyển audiobook bằng tiếng Anh, được tung lên mạng vào cuối tháng 01/2021, trong đó có tác phẩm The Awakening của nhà văn Mỹ Kate Chopin, theo lối kể chuyện của Hilary Swank, quyển sách Cuộc đời của một kẻ nô lệ da đen, kể lại tiểu sử của Frederick Douglass sau đó trở thành một nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền, với giọng đọc của Forest Whitaker. David Dobrik thử lửa với kiệt tác Frankenstein của nữ văn sĩ người Anh Mary Shelley, còn tiểu thuyết Persuasion của ngòi bút lẫy lừng Jane Austen được kể với giọng đọc của diễn viên Cynthia Erivo.

Thành công bước đầu nhờ đọc truyện Hary Potter 

Các tác phẩm này đã được tuần báo The Hollywood Reporter phát hành trực tuyến, mỗi quyển được chia thành nhiều chương ngắn, ghi âm thành những tập podcast. Để làm tăng thêm giá trị của những tập sách nói này, Spotify đã thực hiện một loạt bài phỏng vấn, trong đó giáo sư văn học Glenda Carpio thuộc trường đại học Harvard, cho biết đôi dòng phân tích cô đọng, ngắn gọn về mỗi tác phẩm.

Có thể nói đây là lần đầu tiên Spotify tự sản xuất các audiobook, trước đây mạng này chỉ phân phối các sách nói đã có sẵn. Lần ra mắt này nằm trong dự án "thử nghiệm" mà tập đoàn Thụy Điển đang thực hiện, để phổ biến rộng rãi hơn nữa các nội dung âm thanh có giá trị với mục đích học tập chuyên sâu hay đơn thuần giải trí.

Bước đầu trong kế hoạch thử nghiệm đã diễn ra hồi mùa xuân năm 2020. Trong lúc các nước Âu Mỹ còn bị phong tỏa, mạng Spotify đã phát hành trực tuyến phiên bản âm thanh của Harry Potter và viên đá phù thủy, tập một của bộ truyện ăn khách cùng tên. Sách nói này gồm nhiều giọng đọc nổi tiếng, kể cả nam diễn viên Daniel Radcliffe, người đã từng vào vai cậu bé phù thủy đeo kính cận trên màn ảnh lớn.

Vào mùa hè năm 2020, tập đoàn này đã tuyển dụng một chuyên viên điều hành mảng sách nói, đây là dấu hiệu cho thấy tham vọng mới của Spotify trên thị trường audiobook, một lãnh vực mà hiện nay do hãng Audible, một chi nhánh của tập đoàn Amazon, thống trị. Ban đầu được biết đến là một mạng nghe nhạc trực tuyến,  Spotify dần dần chuyển sang khai thác các chương trình âm thanh khác như podcasst và audiobook kể từ đầu năm 2019, vì đó là những ngành có tốc độ phát triển mạnh với tỷ lệ tăng trưởng gồm hai số hàng năm.

Tuy nhiên trong chiến lược phát triển nhanh chóng, tập đoàn Thụy Điển gần đây đã gặp phải một số trục trặc. Thật vậy, kể từ đầu tháng 03/2021, hàng ngàn bài hát K-pop không hiểu vì sao đã biến mất khỏi Spotify. Mạng này đang có tranh chấp với nhà phân phối Kakao M. có trụ sở tại Seoul, công ty này hiện nắm giữ quyền khai thác nhiều sản phẩm giải trí đến từ Hàn Quốc.

200 ca sĩ K-pop lại bị xóa tên trên Spotify

Trong bộ sưu tập của Kakao M., ngoài các siêu sao nhạc K-pop, còn có nhiều tên tuổi khác rất nổi tiếng trên xứ Hàn, cho dù tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của họ chưa bằng các nhóm như BTS, SNSD, BiGBaNG, BlackPink, KaRa, Red Velvet, Shinwha... Hãng Kakao M. nắm giữ bản quyền của nhiều nghệ sĩ Hàn như Sistar, IU, Monsta X, Epik High. Thay vì nhanh chóng giải quyết bất đồng và như vậy tránh gây bất bình nơi các thành viên có trả phí đăng ký dịch vụ, hai công ty này lại đổ lỗi cho nhau, khi cho rằng chính phía bên kia đã gây bế tắc, do vậy thỏa thuận hợp tác giữa hai bên đã không được triển hạn.

Kết quả là khoảng 200 nghệ sĩ và ban nhạc K-pop đã bị xóa tên trên mạng Spotify, chỉ một tháng sau khi tập đoàn Thụy Điển triển khai dịch vụ của mình trên thị trường các nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc. Điều đó đã khiến cho nhiều cư dân mạng bất mãn, và nhiều fan hâm mộ K-Pop thông qua các mạng xã hội đã cho biết họ đóng luôn tài khoản Spotify (cho dù họ là thành viên trung thành kể từ 5 đến 10 năm qua). Các thành viên này chuyển qua đăng ký các mạng dịch vụ khác có sẵn nhiều ban nhạc pop Hàn Quốc như là Deezer của Pháp, Apple Music, Google Play Music cũng như YouTube Premium của Mỹ.

Trong năm qua, đã có khoảng 400 triệu người đăng ký dịch vụ các mạng xem phim cũng như nghe nhạc trực tuyến trên toàn thế giới. Riêng trong lãnh vực âm nhạc, số thành viên mới đã tăng vọt lên mức 32% chỉ trong 12 tháng. Spotify vẫn đứng hàng số 1 trên thế giới với 35% người đăng ký có trả phí, Apple Music về nhì với 19% thành viên có trả phí. Còn tại Pháp, Deezer vẫn dẫn đầu với 37,5% thị phần nhờ catalogue nhạc Pháp khổng lồ (Spotify hạng nhì 25,2% và Apple Music hạng ba 13,4%).

Trên một thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh quyết liệt, Spotify cũng như Netflix buộc phải giữ khoảng cách với các thương hiệu khác. Chiến lược của Spotify phát triển thêm chương trình âm thanh đã thành công trong bước đầu, nhưng đánh mất hợp đồng phân phối K-Pop lại là một vố đau. Mãi đến gần ba tuần sau, Spotify mới ký lại với Kakao M. một hợp đồng phân phối nhạc Hàn, nhưng hàng ngàn thành viên đã rời mạng này để chuyển sang các dịch vụ khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn