• Hanna Flint
  • BBC Culture

Alamy

Nguồn hình ảnh, Alamy

Khi Tahar Rahim được mời thủ vai chính trong 'Người Mauritania', bộ phim của đạo diễn Kevin Macdonald kể về về tù nhân Mohamedou Ould Slahi, người bị giam cầm 14 năm không qua xét xử ở nhà tù Vịnh Guantanamo, lượng thông tin anh biết về nhà tù này của Hoa Kỳ chỉ tương đương một khán giả phương Tây bình thường mà bộ phim nhắm đến.

Rahim từng nghe nói về các bài báo viết về việc các quân nhân tại Căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở Cuba đối xử tệ với tù nhân, nhưng thành thật mà nói, anh đã không tưởng tượng được rằng "một đất nước như Hoa Kỳ lại cho phép binh lính ứng xử với con người theo cách như vậy".

Nhưng sau khi ký hợp đồng tham gia bộ phim, dựa trên hồi ký của Slahi có tên Nhật ký Guantánamo, thì diễn viên người Algeria gốc Pháp này bắt đầu tự nghiên cứu và mọi thứ thay đổi.

"Tôi đọc kịch bản, tôi đọc quyển sách, tôi xem nhiều phim tài liệu và trò chuyện với Mohamedou, vì vậy tôi hài lòng với vai diễn của mình," Rahim trả lời BBC Culture. "Nhưng tôi đã buồn và giận dữ vì tôi biết đó là câu chuyện có thật."

Trước ngày 11/9, hình ảnh đại diện nổi tiếng nhất của Nhà tù Vịnh Guantánamo là trong bộ phim làm năm 1992 có tên 'A Few Good Men' (Vài Người Tử Tế), do Aaron Sorkin chuyển thể từ vở kịch cùng tên của ông. Bộ phim kể về một tấn kịch pháp lý với các diễn viên Tom Cruise, Demi Moore và Kevin Bacon chống lại nhau khi các luật sư quân đội cố gắng đưa vụ án hai sĩ quan thủy quân lục chiến Hoa Kỳ giết đồng đội tại căn cứ này ra tòa án binh.

Bộ phim nổi tiếng mô tả diễn biến phiên tòa đầy kịch tính với cảnh trung úy Kaffee (do Cruise thủ vai) đối chất với sĩ quan chỉ huy căn cứ, Đại tá Jessup (do Jack Nicholson diễn).

Kaffee muốn Jessup thừa nhận rằng ông có gây tác động đến vụ giết người lính thủy quân lục chiến Santiago và là người đã chỉ đạo màn che đậy vụ án sau đó.

"Tôi muốn sự thật!" anh gào lên, để bị Jessup bắt bẻ rằng, "Cậu không thể kiểm soát nổi sự thật!" và sau đó hắn diễn thuyết về sự cần thiết của tội ác trong quân đội, dựa vào lý lẽ nhằm duy trì trật tự để bảo vệ quốc gia.

"Con trai, chúng ta sống trong thế giới có tường ngăn, và những bức tường đó do binh lính cầm súng canh gác. Ai sẽ làm những công việc đó? Cậu hả?" Jessup nhổ toẹt trên bục nhân chứng.

"Ta không có thời gian lẫn phải hạ mình giải thích cho một gã trai lớn lên và ngủ ngon lành trong tấm chăn tự do mà ta gầy dựng, và sau đó quay sang chất vấn tư cách mà ta đem lại tự do! Ta thà là nghe cậu nói 'cảm ơn' và đi mà lo chuyện của cậu."

Hóa ra là, đó là một phần thông tin người ta có thể đoán trước được rằng nhà tù Vịnh Guantánamo là nơi để Jessup tung ra những tuyên bố đầy tính giáo điều.

Từ khi Tổng thống George W Bush thiết lập căn cứ này thành nhà tù vào năm 2002 để giam giữ những phần tử khủng bố Hồi giáo được cho là có liên quan đến vụ tấn công 11/9 vào nước Mỹ, thì nơi có biệt danh hiệu là "Gitmo" này đã trở thành tam điểm của cuộc tranh luận nảy lửa về sức mạnh của quân đội Mỹ và niềm tin rằng kết quả có thể biện minh cho phương tiện.

Sắp xếp bằng chứng trên màn ảnh

Có một tranh luận từ lâu đã xảy ra trong giới làm phim và truyền hình.

Vào năm 2005, kênh truyền hình cáp PBS của Hoa Kỳ phát một trong những phim tài liệu đầu tiên về những gì diễn ra bên trong Nhà tù Vịnh Guantánamo. Bộ phim Câu hỏi Tra tấn (The Torture Question) là một phần trong dòng phim Frontline của kênh này.

Bộ phim xem xét nỗ lực của chính quyền ông Bush khi tạo ra khuôn khổ pháp lý cho kỹ thuật thẩm vấn tăng cường với tù nhân ở nhà tù Vịnh Guantanamo, cũng như ở các căn cứ của Hoa Kỳ tại Afghanistan và nhà tù Abu Ghraib ở Iraq.

Tương tự, các phim như Gitmo - The New Rules of War (Gitmo - Quy luật Mới của Chiến tranh) (2006), Taxi to the Dark Side (Taxi đến vùng đen tối) (2007), Explorer: Inside Guantánamo (Khám phá nhà tù Guantánamo) (2009) và The Guantánamo Trap (Bẫy Guantánamo) (2011), tất cả đều có lời kể từ những cựu tù nhân, sĩ quan quân đội, người tiết lộ tin tức, luật sư và nhiều người khác, qua đó vẽ lên bức tranh về những phương thức gây tranh cãi được sử dụng với 780 người, chủ yếu là người Trung Đông, Nam Á và gốc Bắc Phi, những người bị chính phủ Mỹ giam cầm trong 18 năm qua.

Các bộ phim tài liệu có số lượng nhiều hơn so với thể loại tự truyện về chủ đề này, nhưng đạo diễn người Anh Michael Winterbottom đã kết hợp hai thể loại kể chuyện này vào bộ phim truyện tài liệu năm 2006 có tên The Road to Guantánamo (Đường tới Guantánamo).

Nhà làm phim xây dựng câu chuyện về "Bộ Ba" để kể lại những vụ việc dẫn đến việc họ bị bắt giữ ở Afghanistan vào năm 2001, và sau đó bị giam hai năm tiếp theo ở căn cứ, và cùng lúc sử dụng các diễn viên, trong đó có Riz Ahmed trong vai diễn đầu tiên của anh để làm tăng kịch tính với trải nghiệm kinh khủng mà họ phải chịu đựng.

Bộ phim của Winterbottom thuộc dạng hiếm, trong đó chỉ khai thác góc nhìn của Ruhal Ahmed, Asif Iqbal và Shafiq Rasul, thay vì những góc nhìn của kẻ bắt giữ hay người đại diện luật pháp cứu giúp họ.

Tuy nhiên, hai trong số những bộ phim tài liệu khác về nhà tù Guantánamo, Camp X-Ray (2014) và The Report (2019), đều tập trung xa hơn vào góc nhìn của người Mỹ da trắng.

Bộ phim trước xây dựng câu chuyện hư cấu tập trung vào một nữ quân nhân đóng tại căn cứ, do Kristen Stewart thủ vai. Cô dần dần trở nên vỡ mộng với chỉ huy sau khi chứng kiến cách ứng xử vô nhân tính với tù nhân và cô trở thành bạn với một người tù: Ali Amir (do Peyman Moaadi diễn), một người Hồi giáo sinh trưởng ở Đức bị bắt cóc từ nhà ở Bremen trong đoạn đầu phim.

Ali được xây dựng trong vai trò là con người "hoang dã cao quý", yêu thích Harry Potter và có thiên hướng cấp tiến với phụ nữ, khiến anh khác hẳn với những người cùng bị giam cầm và không văn minh khác. Họ thường đầy những thói coi thường phụ nữ và không hề khoan dung so với anh.

Nhưng nếu phim Camp X-Ray làm in hằn định kiến ác ý về tù nhân người Hồi giáo, thì phim The Report xóa sạch nhân phẩm họ.

Bộ phim truyện về luật pháp của Scott Z Burns dựa trên câu chuyện có thật của Dan Jones, do Adam Driver diễn.

Dan Jones là điều tra viên đứng đầu trong vụ án điều tra bản phúc trình của Uỷ ban Tình báo thuộc Thượng viện về tình trạng tra tấn, là tài liệu ghi chép về chương trình di lý, giam cầm và tra khảo tù nhân mà CIA đã thực hiện từ năm 2002 đến 2008.

Jones được mô tả như một vị "hiệp sĩ da trắng", phơi bày sự thật cho công chúng Mỹ biết về hoạt động tra tấn tù nhân, trong đó có trấn nước với những người bị cáo buộc là thành viên của al-Qaeda như Abu Zubaydah (do Zuhdi Boueri diễn). Được coi là tù nhân đầu tiên trải qua hình thức thẩm vấn tăng cường sau khi bị bắt ở Pakistan năm 2002, Zubaydah tiếp tục bị chính quyền Mỹ giam cầm không qua xét xử.

Tuy nhiên, bộ phim của Burns mô tả về trải nghiệm của một người Palestine sinh trưởng ở Ả-rập Saudi, tên khai sinh là Zayn al-Abidin Muhammad Husayn, một cách tuy bi thảm nhưng lại hời hợt.

Zubaydah đồng thời được xây dựng với vai trò là kẻ xấu một chiều trong phim và chẳng hơn gì một bị bông cho đặc vụ CIA đấm. Điều này gây ra khoảng trống cảm thông giữa anh và khán giản xem phim, vốn không thể nào có được với những chấn thương nội tạng mà ống kính máy quay buộc họ phải xem.

Daphne Eviatar, Giám đốc phụ trách bộ phận an ninh Hoa Kỳ và nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết thông thường những bộ phim không khắc họa hình ảnh người tù như những con người.

"Khó có thể nào lột tả đầy đủ cuộc sống hàng ngày của họ khi mà đó chỉ là phần cảnh nền cho bộ phim dài 1-2 giờ đồng hồ," Eviatar nói với BBC Culture. "40 người vẫn đang bị giam giữ vô thời hạn ở đó; hầu hết người dân Mỹ chẳng biết những người này là ai, cũng chẳng biết họ xuất thân từ nền văn hóa nào, hay bằng cách nào mà họ bị bắt giữ và giao nộp cho nhà chức trách [Hoa Kỳ], bị giao nộp vì tham nhũng hay vì các mục đích chính trị."

"Bên cạnh việc đặt những người này ngoài vùng phủ sóng của luật pháp Mỹ, việc giam giữ họ tại Guantánamo cũng khiến họ nằm ngoài tầm với của sự tưởng tượng của Mỹ."

'Vị cứu tinh da trắng'

Với cách miêu tả đầy thiện cảm đối với lính Mỹ và những người thực thi pháp luật, những người được thể hiện là đã cố gắng giúp tù nhân, cả hai bộ phim nói trên còn có thể bị phê bình dưới góc độ truyền thống là loại phim "vị cứu tinh da trắng", tập trung vào nhân vật chính người da trắng đến giải cứu người da màu, và chỉ tập trung vào vế trước mà giảm nhẹ vai trò của vế sau.

Những câu chuyện dạng này có thể là cách giải tội cho cảm giác tội lỗi của khán giả người da trắng đồng thời khuyến khích họ mua vé xem phim để xem về những cộng đồng mà họ không biết đến nhiều.

Phim Người Mauritania cũng chiều theo cách kể chuyện theo số đông này, dù chỉ đến mức độ nhất định.

Tập trung vào hành trình bi thảm của Slahi từ quê nhà ở Mauritania, nơi anh bị bắt hai tháng sau sự kiện 11/9 và bị cáo buộc cấu kết với al-Qaeda, cho đến khi đến Vịnh Guatanamo, bộ phim cũng dành thời lượng đáng kể cho lực lượng pháp lý Hoa Kỳ làm việc theo hai phe, cùng nhân danh công lý: bảo vệ và chống lại anh.

Đó là Jodie Foster trong vai người bảo vệ anh, luật sư Nancy Hollander, chiến đấu vì tự do cho thân chủ, và diễn viên Benedict Cumberbatch trong vai công tố viên quân sự, đại tá Stuart Couch, người cố gắng áp bản án tử hình với Slahi cho đến khi chứng cớ mới xuất hiện.

Tuy nhiên, dù các bộ phim này cho các diễn viên da trắng thể hiện quyền lực thì phim vẫn muốn giới hạn thời gian xuất hiện của họ, theo nhà thiết kế sản xuất Michael Carlin.

"Thông thường diễn viên cố gắng và làm vai diễn của họ lớn hơn, nhưng trong trường hợp này, hiệu ứng gần như ngược lại," Carlin nói với BBC Culture. "Họ không muốn làm bất cứ điều gì có thể làm át đi câu chuyện của Mohamedou, vì đó là lý do họ thực hiện bộ phim. Họ không làm phim này vì tiền."

Slahi bị buộc tội khủng bố vì ông từng ủng hộ al-Qaeda thời thập niên 1980 trong phong trào nổi dậy ở Afghanistan. Nhưng sau nhiều năm bị tra tấn về tâm lý và thể chất trong trại tù, ông được Hollander giúp thắng trong vụ kiện chính phủ Mỹ giam giữ ông bất hợp pháp.

Ông chưa bao giờ bị kết án nhưng bị giam cầm hơn sáu năm cho đến khi được phóng thích vào năm 2016, và cả hai diễn viên Foster và Cumberbatch đều không muốn chiếm màn ảnh thể hiện nỗi đau của ông.

Slahi tin tưởng Macdonald không chỉ vì khả năng của ông trong việc xây dựng những phim tài liệu thực tế như Chạm Vào Hư Không (Touching the Void) (2003) và Marley (2012) mà còn vì kinh nghiệm của ông với Châu Phi khi thực hiện bộ phim chân dung Vị Vua Cuối Cùng của Scotland (The Last King of Scotland) (2006), trong đó diễn viên Forest Whitaker thủ vai Tổng thống Uganda Idi Amin. "Bộ phim đó cực kỳ thuyết phục," tác giả nói.

Bộ phim dựa hầu hết vào Slahi để xây dựng hình ảnh xác thực với, với kịch bản được viết dựa trên câu chuyện mà ông viết trong hồi ký.

Người từng là tù nhân này đã miêu tả chi tiết cho Macdonald và Carlin về chuyện ông bị giam cấm cố ở Guantánamo ra sao, cơ thể của ông đã được sử dụng để giúp đo đạc chính xác kích cỡ của những chiếc cũi và buồng giam cực nhỏ mà ông bị giam, qua đó họ có thể tái tạo lại hình ảnh trại tù trong cấu trúc tổng thể do các kỹ sư quân sự xây ở Cape Town, Nam Phi.

Để tái tạo hình ảnh nhà tù Guantánamo, nhà sản xuất dựa vào ảnh chụp hiện trường do hãng thông tấn ảnh cung cấp, hình ảnh mà những người lính đăng tải trên mạng và những tư liệu có vẻ như là tài liệu quân sự, sổ tay do các cố vấn quân sự cung cấp, nhưng Slahi giúp phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

"Một số cố vấn quân sự mà chúng tôi sử dụng trong ngành điện ảnh thì có vẻ như rất sùng bái quân đội, vì vậy chúng tôi cần đón nhận và sử dụng thông tin của họ với thái độ cẩn trọng. Nhưng Mohamedou có thể giúp tôi phân loại [tất cả] để chúng tôi biết hình nào là thật, hình nào không, và hình nào phù hợp sử dụng cho câu chuyện của ông ấy," Carlin chia sẻ.

Góc nhìn nhân văn

Nhóm sáng tạo trong đoàn làm phim không muốn rơi vào tình trạng xây dựng hình ảnh Slahi ở mức kém nhân văn.

Bộ phim người The Mauritanian xây dựng một số cảnh hành xử tàn nhẫn mà anh gặp phải, nhưng mỗi khi cảnh tra tấn xuất hiện trpng phim, phim đưa khán giả sang phần ký ức của Slahi về cuộc sống của anh trước khi bị bắt giữa.

"Ngay khi bạn tra tấn nhân vật, chúng trở nên không còn chút cảm thông nào, điều này thật lạ lùng," Carlin giải thích. "Nhưng chúng tôi không muốn làm một bộ phim đầy cảnh tra tấn, vì vậy Kevin và tác giả kịch bản muốn đưa anh ra khỏi không gian đó khi điều khủng khiếp xảy ra và đưa anh về quá khứ, để bạn có thể tiếp tục nhìn anh như một con người."

Rahim dành thời gian trao đổi với Slahi để cả hai có thể hiểu trải nghiệm của ông, và có khái niệm về nhân cách và cách cư xử của ông, nhưng chính bản thân diễn viên lại cảm thấy mình thật "ngu ngốc" về một số câu hỏi mà anh đã đặt ra.

"Tôi trò chuyện về những gì xảy ra ở đó và thấy triệu chứng PTSD thể hiện trên gương mặt của ông ấy và tôi cảm thấy tệ," nam diễn viên nhớ lại. "Tôi cảm thấy, tôi không muốn làm vậy, ông ấy đã khổ sở một thời gian quá dài vì vậy tôi ngưng lại và chuyển qua nói về những thứ khác để tôi có thể biết về tính cách của ông, cách ông di chuyển, cách trò chuyện, cách ông đặt câu hỏi, cách đùa giỡn. Nó giúp tôi có thể nhập vai tốt hơn."

Rahim - nổi tiếng với vai diễn được giới phê bình công nhận trong bộ phim về nhà tù ở Pháp năm 2009 có tên A Prophet (Đấng Tiên tri) và loạt phim về ngày 11/9 vào năm 2018 tên The Looming Tower (Tòa tháp tối) (trong phim anh đóng vai một sĩ quan FBI trong đời thực có tên Ali Soufan cũng đóng trong bộ phim The Report) - đã cố gắng hết sức để tránh bị coi là một trong các nhân vật khủng bố Hồi giáo mà phim ảnh và truyền hình đã xây dựng 20 năm qua.

Nhưng khi đọc kịch bản bộ phim Người Mauritania, anh nhận thấy đây là một trong số ít phim mà có "nhân vật người Hồi giáo với thiện cảm làm trung tâm trong một bộ phim Mỹ," và cảm thấy được tăng sức mạnh khi tham gia vào dự án.

"Tôi cần phải biết rằng [Slahi] vô tội vì nếu ông ấy là khủng bố, tôi không nghĩ tôi có thể diễn được vai này," Rahim nói. "Tôi không muốn nói rằng không có khủng bố. Một phần nhỏ những người đó đã chiếm toàn bộ sự chú ý và chúng ta thậm chí không nhìn thấy những người khác và đó là những người phải khổ sở không kém gì."

"Mohamedou thắng trong vụ án của ông, ông ấy vô tội và những bộ phim và lời khai của ông là dành cho thế hệ kế tiếp," nam diễn viên nói.

"Tôi không quan tâm đạo diễn là người da trắng, da đen hay Châu Á. Những phim này cần phải được thực hiện và người ta phải cho khán giả thấy lịch sử, nếu không chúng ta sẽ trở nên tồi tệ bởi sẽ lặp lại những hành động sai lầm đó."

Slahi không muốn sống lại những khoảnh khắc tồi tệ nhất trong thời gian bị giam dữ và vì vậy ông đã tránh xem những cảnh đau đớn nhất trong phim.

Nhưng giờ đây sách của ông đã được chuyển thể thành bộ phim truyện quan trọng, ông tin rằng đây là ví dụ rõ ràng cho hấy ngòi bút có thể mạnh mẽ hơn thanh kiếm.

"Tôi không tin vào bạo lực, nhưng toàn bộ câu chuyện của tôi là về bạo lực với cơ thể của tôi, với sự vô tội, với gia đình và tôi chưa từng làm gì với nước Mỹ," ông nói. "Phim của tôi là chiến thắng bất bạo động, đó là chiến thắng của ngòi bút."

Tuy nhiên, thực tế là dù có rất nhiều phim truyện, phim tài liệu, chương trình truyền hình, sách và bài báo viết về hiện thực ở trại tù, nhưng nhà tù này giờ vẫn còn hoạt động.

Chính quyền Obama hứa hẹn sẽ đóng cửa trại giam và thất bại. Giờ đây Tổng thống Biden nói ông sẽ đóng cửa nhà tù trước khi hết nhiệm kỳ đầu tiên. Vì vậy với tổng thống mới trong Phòng Bầu Dục, liệu Người Mauritania có phải là bộ phim về nhà tù Vịnh Guantanamo ẽ mở màn cho sự kết thúc của nhà tù này?

Rahim muốn khán giả có thể nhận được thông điệp về "hy vọng và sự tha thứ thay vì sự phẫn nộ," trong khi Eviatar cho biết, "bất cứ bộ phim nào xây dựng lại thảm kịch ở Guantánamo, thì sự bất công và hỗn loạn đã đẩy nhiều người đến đó và vì vậy gây áp lực với chính phủ Hoa Kỳ buộc họ phải đóng cửa nhà tù, bộ phim đã làm được việc tốt."

Slahi, vốn vẫn tiếp tục bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ và Anh Quốc 5 năm sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Guantánamo, không được đền bù hay xin lỗi gì.

Ông hy vọng bộ phim sẽ cho thế giới phương Tây thấy ông là người vô tội và định kiến xấu về người Trung Đông và Bắc Phi cần phải kết thúc.

"Tôi muốn mọi người biết câu chuyện về phía tôi và tôi cảm thấy biết ơn là bộ phim đã trở thành một phim lớn," ông nói.

"Tôi không có vũ khí, tôi không có cảnh sát. Tôi không có thiết bị bay giết người, nhưng tôi có ngôn từ và tôi muốn nói về chủ nghĩa loại trừ vốn mang cái nhìn tiêu cực với thế giới Ả Rập và Châu Phi. Chúng tôi không thể bị bắt cóc; chúng tôi không thể bị tra tấn."

The Mauritanian ra mắt ở một số rạp tại Mỹ và có mặt trên các dịch vụ chiếu phim từ ngày 2/3. Bộ phim được khởi chiếu tại Anh Quốc trên Amazon Prime từ ngày 1/4.