‘Minari’ hứa hẹn gây bất ngờ lớn ở lễ trao giải Oscar 2021

Thứ Bảy, 20 Tháng Ba 20212:00 SA(Xem: 3185)
‘Minari’ hứa hẹn gây bất ngờ lớn ở lễ trao giải Oscar 2021

HOLLYWOOD, California (NV) – “Minari,” bộ phim nhỏ của đạo diễn Lee Isaac Chung, trong tuần này được đề cử giải Oscar Phim Hay Nhất, tiếp tục hứa hẹn gây bất ngờ lớn ở lễ trao giải phim hàng đầu thế giới vào Tháng Tư.

CN-Minari-Nam-Han-1
“Minari” kể về “giấc mơ Mỹ’ của một gia đình nhập cư gốc Nam Hàn. (Hình: David Bornfriend/A24 via AP)

Như hầu hết phim khác, cuối “Minari” có dòng chữ tuyên bố đây chỉ là tác phẩm hư cấu, và bất kỳ chi tiết nào giống nhau giữa nhân vật trong phim với người thật ngoài đời đều hoàn toàn ngẫu nhiên.

Nhưng không hẳn như vậy. Bộ phim về đề tài gia đình được giới phê bình khen ngợi này nói về tuổi thơ của chính đạo diễn Chung ở vùng quê Arkansas, và hầu như mọi thứ trong đó đều là do ông nhớ lại.

Trước đó, ông Chung đang đau đầu tìm đề tài cho phim mới. Lấy cảm hứng từ những tiểu thuyết của Willa Cather về quê hương Nebraska của bà, đạo diễn 42 tuổi này quyết định kể lại tuổi thơ của mình. Ông đến thư viện địa phương rồi bỏ ra cả buổi chiều để lên danh sách những kỷ niệm thời thơ ấu.

“Ban đầu, tôi đâu có nghĩ sẽ viết đến 80 [kỷ niệm], nhưng cuối cùng, chừng đó kỷ niệm ùa về trong một buổi,” ông Chung nói với đài phát thanh NPR. “Đây là những kỷ niệm nhỏ, sống động.”

Cho dù không có chút thông tin nào, có lẽ khán giả cũng dễ dàng nhận thấy rằng “Minari” là câu chuyện tiểu sử cá nhân. Mỗi chi tiết đều cụ thể, mỗi cảnh đều đặc trưng, và mỗi nhân vật đều thật đến mức khán giả không bao giờ cảm thấy đây là chuyện tưởng tượng; mà cảm thấy như các nhân vật đang kể lại cuộc đời của họ sống động và hấp dẫn đến mức có thể làm phim mà không cần thêm thắt gì khác.

CN-Minari-Nam-Han-2
Alan Kim đóng vai David, nhân vật được cho là chính đạo diễn Lee Isaac Chung thời nhỏ. (Hình: David Bornfriend/A24 via AP)

Hạt giống rau cần Nam Hàn kết nối tình thân

“Minari” lấy bối cảnh nước Mỹ những năm 1980, nhưng không nói rõ chính xác là năm nào, có thể trước đó hay sau đó 10 năm.

Nhân vật chính trong phim, và cũng là cuộc đời thật của đạo diễn Chung, là David (Alan Kim đóng), đứa con trai 7 tuổi của hai người Nam Hàn nhập cư độ tuổi 30 là anh Jacob (Steven Yeun đóng) và chị Monica (Yeri Han đóng).

Đến lúc này, gia đình nhà Yi vẫn sinh sống ở California, nơi vợ chồng anh Jacob làm công nhân phân loại gà tại một lò ấp gà.

Mỗi ngày, họ được giao một thùng gà con để phân loại thành từng nhóm theo trống, mái. Gà mái con được giữ lại vì sau này sẽ đẻ trứng, còn gà trống con thì bị cho thẳng vô lò đốt. Đó là lý do anh Jacob dặn con trai rằng đàn ông phải cố gắng hết sức để chứng tỏ không phải là người vô dụng.

CN-Minari-Nam-Han-3
Nữ diễn viên Yeri Han và Steven Yeun đóng vai hai vợ chồng Nam Hàn đến Mỹ sinh sống những năm 1980. (Hình: Josh Ethan Johnson/A24 via AP)

Sau 10 năm “dòm ngó đít gà,” anh Jacob đánh liều mua 50 mẫu đất ở Arkansas. Ban ngày, hai vợ chồng vẫn làm việc ở lò ấp gà gần đó, nhưng anh Jacob dự tính dùng thời gian rảnh cũng như tiền dành dụm để trồng nông sản mà anh có thể bán cho dân nhập cư đồng hương Nam Hàn.

David và chị gái Anne (Noel Kate Cho đóng) rất vui vì có cánh đồng, khu rừng và dòng suối riêng để khám phá. Được nhà quay phim nổi tiếng là Lachlan Milne quay, vùng đất đầy nắng và xanh mướt của gia đình nhà Yi đẹp như Vườn Địa Đàng.

Nhưng chị Monica không hài lòng vì cảm thấy như bị kẹt giữa nơi hoang sơ, trong căn nhà tạm mà có thể bị lốc xoáy xé toang bất kỳ lúc nào. “Đất chỗ này là tốt nhất nước Mỹ,” anh Jacob tranh cãi. “Đó là lý do anh chọn chỗ này?” chị Monica hỏi. “Vì đất?”

CN-Minari-Nam-Han-4
Nữ tài tử kỳ cựu Yuh Jung Youn trong vai bà ngoại của David. (Hình: A24 via AP)

Dần dần, sự căng thẳng giữa hai vợ chồng ngày càng tăng. Một cảnh khiến khán giả xúc động: Phản ứng trước cuộc cãi nhau của cha mẹ vào lúc tối khuya, David và Anne gấp phi cơ bằng giấy ghi dòng chữ “đừng cãi nhau” trên cánh.

Nhưng chẳng bao lâu sau, anh Jacob và chị Monica tìm ra giải pháp. Họ mời mẹ của chị Monica là bà Soon Ja (Yuh Jung Youn đóng) đến sống chung và trông nom hai đứa cháu.

Chị Monica bật khóc nhớ quê nhà khi nhìn thấy những bao ớt và cá cơm mà mẹ đem sang. Ngoài ra, còn có bao hạt giống rau cần Nam Hàn (minari) để gia đình có thể trồng trên đất Mỹ.

CN-Minari-Nam-Han-5
“Minari” cho khán giả thấy rõ những khó khăn của việc sinh sống và lập nghiệp nơi xứ lạ. (Josh Ethan Johnson/A24 via AP)

“Minari” lập nghiệp nhưng không theo lối mòn

Nhưng David tỏ ra không thích ở chung phòng với một người mà cậu bé càu nhàu rằng không cư xử như “bà ngoại bình thường.” Lý do chính David phản đối: “Bà có mùi Nam Hàn.”

Tuy nhiên, bà Soon Ja cố gắng hòa nhập với đời sống Mỹ để gắn bó hơn với cháu. Bà dắt cháu đi trồng rau cần bên suối. Bà kể cho chúng nghe cây rau này mạnh mẽ và hữu ích như thế nào, và dự đoán sẽ mọc rất nhanh. Cuối cùng, David trở nên thân thiết với bà ngoại sau khi bà dạy cậu bé chơi bài, băng bó vết thương, và ru cậu bé ngủ.

“Minari” thiên về tình thân trong gia đình hơn là sự xung đột về văn hóa. Khi các nhân vật nói chuyện về bệnh tim của David, hoặc khi nhìn thấy rắn độc trong rừng, lời nói của họ nghe như gia đình sắp gặp khủng hoảng, nhưng mọi thứ trôi qua êm xuôi không dự đoán được như chính cuộc đời.

“Minari” cho khán giả thấy rõ những khó khăn của việc sinh sống và lập nghiệp nơi xứ lạ, nhưng không bao giờ đi theo lối mòn của những phim cùng chủ đề. Với cốt truyện như vậy, khán giả có thể lo sợ rằng các nhân vật sẽ gặp điều tồi tệ nhất, nhưng không có tình huống căng thẳng nào trong phim liên quan đến phân biệt chủng tộc.

CN-Minari-Nam-Han-6
Hàng sau, từ trái, nữ diễn viên Han Yeri, nam diễn viên Steven Yeun, đạo diễn Lee Isaac Chung. Hàng trước từ trái, nữ tài tử Yuh Jung Youn cùng hai diễn viên nhí Alan Kim, và Noel Cho chụp chân dung quảng bá “Minari” tại Liên Hoan Phim Sundance ở Park City, Utah, hôm 20 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Taylor Jewell/Invision/AP, File)

Cách miêu tả đời sống dân nhập cư trong “Minari” phức tạp hơn nhiều, chứ không chỉ là xung đột với dân địa phương. Về mặt nào đó, hình ảnh David đội nón bóng chày, lái xe máy kéo là rất “Mỹ,” và dân địa phương tỏ ra thân thiện hơn gia đình nhà Yi. Thực vậy, một cậu bé ở nhà thờ hỏi David tại sao mặt mũi của cậu bé “tẹt quá vậy,” nhưng chỉ một phút sau, lại mời David sang nhà ngủ.

Kịch bản và diễn xuất tinh tế, quay phim đẹp, cùng với nhạc phim dễ thương, “Minari” hấp dẫn đến mức dễ dàng khiến người ta quên rằng bộ phim mang tính tiến bộ như thế nào. Cách đây chỉ vài năm, khó có thể tưởng tượng một bộ phim về gia đình người Mỹ gốc Hàn, ngôn ngữ trong phim chủ yếu là tiếng Hàn, lại được giới phê bình đánh giá cao.

Nay, chúng ta có bộ phim Mỹ nói về một gia đình Mỹ gốc Hàn cụ thể ở một nơi cụ thể, mà lại ấm áp và chân thật đến mức sẽ được khán giả khắp nơi đón nhận. (Thanh Long) [qd]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn