"L'anomalie", giải Goncourt Pháp đạt doanh thu kỷ lục

Thứ Ba, 23 Tháng Hai 20212:00 SA(Xem: 3949)
"L'anomalie", giải Goncourt Pháp đạt doanh thu kỷ lục
rfi.fr

"L'anomalie", giải Goncourt Pháp đạt doanh thu kỷ lục

Tuấn Thảo

Kể từ khi được cho ra mắt độc giả cách đây 7 tháng, tiểu thuyết "L'anomalie" (tạm dịch Điều bất thường) của nhà văn Pháp Hervé Le Tellier đã bán được hơn 633.000 bản, đạt doanh thu kỷ lục khoảng 8 triệu euro. Theo nhà xuất bản Gallimard, trong số các tác phẩm từng đoạt Giải văn học Pháp Goncourt, "L'anomalie" thuộc vào hàng ăn khách nhất, tính từ năm 1903 tới nay.

Theo số liệu gần đây nhất của Viện nghiên cứu thị trường GfK, kể từ khi được phát hành vào mùa hè năm 2020, tác phẩm "L'anomalie" của tác giả Hervé Le Tellier, chiếm hạng nhì trên danh sách các giải Goncourt bán chạy nhất (633.000 bản). Tác phẩm này chưa soán ngôi quyển tiểu thuyết "L'Amant " (Người Tình) của nữ văn hào Marguerite Duras (hạng nhất 1,63 triệu bản) nhưng lại vượt qua mặt "Les Bienveillantes" (Những kẻ thiện tâm) do nhà văn gốc Mỹ Jonathan Littel viết bằng tiếng Pháp (hạng ba 618.000 bản). Tiểu thuyết này sau khi đoạt giải Goncourt vào năm 2006, đã ăn khách khá đều đặn trong vòng 15 năm qua.

8 triệu euro sau 7 tháng ra mắt độc giả 

Giải thưởng Goncourt 2020 là một quyển tiểu thuyết thiên về khoa học viễn tưởng, được viết bởi một thành viên trong nhóm "văn học thử nghiệm" mang tên là Oulipo của Pháp ("trường phái" này do hai nhà văn Raymond Queneau và François Le Lionnais thành lập vào đầu những năm 1960). Tiểu thuyết "Điều bất thường" kể lại câu chuyện lạ kỳ của một nhóm hành khách và phi hành đoàn trên một chuyến bay trong tháng Sáu của hãng hàng không Air France. Chiếc phi cơ dân sự này sau khi bay qua một trận bão dữ dội, buộc phải hạ cánh xuống một căn cứ quân sự Mỹ, vì không được lệnh đáp xuống phi trường quốc tế JFK ở vùng ngoại ô thành phố New York. 

Vấn đề ở đây là khi đáp xuống căn cứ quân sự, toàn bộ các hành khách và phi hành đoàn đều bị cơ quan mật vụ Mỹ bắt giữ. Lý do là vì vài tháng trước đó, vào tháng Ba, một chuyến bay khác của Air France nhưng với cùng một phi hành đoàn và danh sách hành khách y hệt như tháng Sáu đã từng hạ cánh xuống thành phố New York, sau khi gặp bão trên không. Chuyện gì đã thật sự xẩy ra để gây ra một "điều bất thường" như vậy ? Phải chăng trận bão đã đưa chuyến bay này vào vòng lặp thời gian, hay là chiếc phi cơ bị lạc vào "đa vũ trụ" khi mà mọi thứ có thể tồn tại song song và điều đó có thể giải thích vì sao nơi hành khách và phi hành đoàn lại có đến hai phiên bản giống hệt nhau (tháng Ba và tháng Sáu). 

Về nội dung, có thể nói quyển tiểu thuyết "L'anomalie" (Điều bất thường) của nhà văn Hervé Le Tellier được viết như kịch bản phim tâm lý pha với một chút khoa học viễn tưởng. Thể loại này có vẻ hơi khô khan, không hẳn là sách dành cho đại chúng, ngoài giới hâm mộ đọc truyện sci-fi và các tác phẩm dystopia. Có lẽ cũng vì thế mà trong đợt xuất bản đầu tiên, Gallimard chỉ in 12.000 quyển. Đáng ngạc nhiên thay, tác phẩm này đã thành công vượt bực, ngoài sự mong đợi của chính tác giả cũng như của nhà xuất bản. Với giá trung bình là 12 euro mỗi quyển sách, doanh thu của "L'anomalie" đạt tới mức 8 triệu euro 7 tháng sau ngày được tung ra thị trường.

Bí quyết thành công của "Điều bất thường"

Có một vài yếu tố giải thích cho sự thành công bất ngờ này. Trong thời kỳ nước Pháp bị phong tỏa, các hiệu sách cũng không được mở cửa, hai yếu tố đó đã khiến cho nhiều hộ gia đình muốn tìm lại thú vui đọc sách, mặt khác họ cũng mua thêm sách để biếu tặng bạn bè người thân và qua đó bày tỏ tình đoàn kết với các chủ hiệu sách. Còn lễ trao giải văn học Goncourt sau nhiều lần bị trì hoãn, rốt cuộc đã diễn ra cuối tháng 11/2020 đúng ngay vào mùa mua sắm quà tặng nhân những ngày lễ cuối năm. Vì thế cho nên việc biếu tặng sách, trong đó có tiểu thuyết "Điều bất thường", hơn bao giờ hết lại trở thành chuyện hiển nhiên.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất theo giới chuyên ngành xuất bản vẫn là nội dung của tác phẩm. Quyển tiểu thuyết "L'anomalie" (Điều bất thường) của tác giả Pháp Hervé Le Tellier đã được giới phê bình khen ngợi tán thưởng, nhờ vào cốt truyện lạ kỳ, ý tưởng táo bạo, đưa người đọc vào thế giới du hành kỳ ảo, giữa thực và mộng nhưng không phải là chuyện viển vông mà lại mang đầy tính lôgic toán học chặt chẽ.

Bản thân nhà văn Hervé Le Tellier cũng khá bất ngờ trước đà thành công của tác phẩm "Điều bất thường". Ông cho biết vẫn chưa hiểu vì sao quyển sách lại trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản nhưng hẳn chắc điều đó giúp thay đổi vị trí của tác giả này trên văn đàn. Hầu hết các cuốn sách của Hervé Le Tellier trước đây, chưa bao giờ vượt quá mức 35.000 bản và bán được như vậy đã là rất nhiều đối với nhà văn này. Hiện giờ sau nhiều lần tái bản, quyển tiểu thuyết đã xấp xỉ 650.000 quyển, phía nhà xuất bản Gallimard dự trù in gần một triệu quyển, vì mức tiêu thụ hiện nay là khoảng 20.000 bản được bán ra mỗi tuần. 

Phim ăn khách phóng tác từ tiểu thuyết Goncourt

Cốt truyện kỳ lạ chẳng những thu hút bạn đọc mà còn gây nhiều hứng thú cho giới sản xuất và các nhà phóng tác kịch bản thành phim truyện. Việc chuyển thể các tác phẩm văn học từng đoạt Goncourt thành những bộ phim dành cho màn ảnh lớn, gần như đã trở thành một truyền thống ở Pháp. Từ "La Vie devant soi" (Cuộc sống ở trước mặt 1975) của Romain Gary với bút danh Émile Ajar cho tới "Les Noces barbares" (Hôn thú dã man 1985) của Yann Quéffelec, các tác phẩm Goncourt từng được tái hiện trên màn ảnh lớn. Gần đây hơn, các tác phẩm phóng tác từ các truyện đoạt Goncourt như "Une chanson douce" (Điệu ru êm đềm 2019) của Leïla Slimani hay là "Au revoir là-haut" (Tạm biệt trên kia 2017) của Pierre Lemaitre đều đã thu hút đông đảo khán  giả Pháp vào rạp, với khoảng hai triệu lượt người xem, trước khi có dịch Covid-19 buộc các rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Về điểm này, sự thành công ngoạn mục nhất vẫn là quyển tiểu thuyết "L'Amant" (Người Tình), trong đó nhà văn Marguerite Duras kể lại thời thơ ấu của bà ở Việt nam, tác phẩm này đã đoạt giải Goncourt vào năm 1984. Tính đến nay, tựa sách này đã bán được hơn 1,63 triệu bản, theo nhà xuất bản Éditions de Minuit, dù cho tới tận bây giờ quyển "L'Amant" (Người Tình) của tác giả Duras vẫn chưa bao giờ được phát hành dưới dạng sách bỏ túi, và quyển tiểu thuyết vẫn được bán ở mức từ 12.000 đến 14.000 bản mỗi năm. 

Khi được đạo diễn Pháp Jean Jacques Annaud chuyển thể lên màn bạc vào năm 1992 với cặp diễn viên Jane March và Lương Gia Huy trong vai chính, bộ phim cùng tên đã thành công ở phòng vé, thu hút hơn 3,7 triệu lượt người xem. Hy vọng rằng quyển tiểu thuyết "L'anomalie" (Điều bất thường) sẽ sớm có phiên bản điện ảnh và biết đâu chừng sẽ phá luôn kỷ  lục do quyển "L'Amant" nắm giữ về số lượng độc giả cũng như khán giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn