Nguyễn Ngọc Chính - Nước mắt mùa thu

Thứ Ba, 19 Tháng Giêng 20215:50 CH(Xem: 3984)
Nguyễn Ngọc Chính - Nước mắt mùa thu

Tôi không rành về âm nhạc lắm nhưng thời còn trẻ, thập niên 60s, cũng đã từng tham gia một ban nhạc học sinh và có trình diễn trên sân khấu rạp hát Hòa Bình ở Đà Lạt. Cũng cần phải nhắc lại như thế vì bài viết này mang chủ đề về âm nhạc mà đề tài đó lại vừa thân quen nhưng cũng vừa lạ lẫm.

b9zBN0VXKqlEciTFQlEFEAQa-d3FMlfiC4Av5lD355MaCF0qSHsvV_czr7SezLcKAXRJyRv5ddf-oZQws6L_jHPg2k9hYijNYpUactpKmIJmtMom1bZfg5EVgKDQWTJJCZVizHg=w439-h252
Nguyễn Ngọc Chính - Nước mắt mùa thu
Có một sự tình cờ, phải nói là ngẫu nhiên, năm 1953 gia đình tôi từ Hà Nội vào Đà Lạt, trùng với thời gian một cô gái cũng rời Hài Phòng vào Sài Gòn, một năm trước cuộc di cư của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc vào Nam. Nhà cô lại ở gần một ông thầy đàn guitar nên cô thường đến đó học hát. Còn tôi học đàn mandolin, lại học thổi sáo trước khi học đàn guitar.

Năm 1960, khi đó mới 17 tuổi, sắp thi Tú tài, cô nữ sinh cùng các bạn đến dự buổi sinh nhật của một cô bạn trên sân thượng phòng trà Bồng Lai. Một người bạn nảy ra ý kiến, “Ê, Oanh, mày hát một bài tặng cho con Liên đi!”.

Sau này, cô viết trong tùy bút của mình: “Tôi hát bài “Tà Áo Xanh” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, còn có tên gọi khác là bài “Dang dở”… Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi có thể hát bài hát đó để mở đầu cho sự nghiệp ca hát!”.

Bài hát tưởng chừng như để góp vui trong một buổi sinh nhật bình thường trên sân khấu phòng trà… nhưng định mệnh đã khiến nó “lọt” vào tai ông chủ phòng trà Bồng Lai. Ông đến khen, “Em hát được lắm, em có muốn đi hát không?”. Cô Oanh kể lại:

“Tôi trả lời, “Dạ thưa không!”. Ông nói, “Em hát hay quá, tại sao không đi trình diễn cho mọi người nghe?”… “Dạ không, mẹ cháu không muốn cho cháu đi hát”. Ông ấy thuyết phục, “Em đi hát em vẫn có thể đi học được. Em không phải thức khuya, vì em đến đây hát lúc 9 giờ, 10 giờ em đã về rồi. Một tiếng đó, em có thể nói mẹ em đến nhà bạn học bài”.

Thế rồi ông chủ phòng trà đưa ra một số tiền thù lao mà cô Oanh “thực sự… choáng”. Một cô nữ sinh đi uống ly đậu đỏ, một đồng còn phải xé đôi ra, thì có được một số tiền thế này quả là ngoài sức tưởng tượng! Số tiền thù lao Oanh không còn nhớ là bao nhiêu nhưng đối với cô lúc đó là cả một “gia tài”!

Còn đang nghĩ tới nghĩ lui, bạn bè lại khuyến khích, “Đi đi Oanh, chắc mẹ không biết đâu mà sợ!”. Trong gia đình cô, các chú, các cậu đều hát rất hay, có lẽ vì “con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh” nên cô đã bước vào “cái nghiệp cầm ca” từ lúc nào không hay.

Ngoài việc học ở trường, học đàn với thầy riêng, cô còn tham gia ca hát trong ban nhạc thiếu nhi Tuổi Xuân của nhạc sĩ Ngọc Bích. Có thể nói, con đường sự nghiệp của cô được phát triển từ khá sớm.

Đi hát được một thời gian ngắn, cô bị mẹ phát hiện và… cấm đi hát. Ông chủ phòng trà Bồng Lai phải tìm đến tận nhà để xin mẹ cô cho phép cô đi hát. Sau nhiều lần thuyết phục, mẹ cô mới đồng ý và đi xem con gái hát. Nghe được giọng hát của con gái trên sân khấu, bà đồng ý cho cô đi hát, nhưng vẫn giám sát suốt hai năm trời.

Chẳng mấy chốc cô nổi tiếng với danh hiệu “nữ hoàng của các phòng trà” vì hồi đó chính quyền của ông Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa vũ trường, chỉ còn những nơi người ta đến nghe nhạc nên được gọi là “phòng trà”.

Cô hát tại phòng trà Queen Bee của Jo Marcel, Trúc Lâm Trà Thất của Mạnh Phát rồi qua Tự Do và Ritz... Trong thập niên 60, cô cũng mở riêng cho mình một phòng trà. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn cô phải đóng cửa chỉ vì:

"Tôi đi hát trước Khánh Ly vài năm và có phòng trả của riêng mình trên đường Lê Lai. Phải cái phòng trà của tôi ở tận tầng 7. Bình thường khán giả vẫn đi thang máy, nhưng hôm nào mất điện phải leo bằng chết, nên thành ra vắng khách. Bản thân tôi leo xong cũng chẳng còn sức mà hát...”

Trái đất tròn nên cô lại sang hát tại phòng trà của Khánh Ly. Con đường ca hát của cô phải nói là gặp nhiều thuận lợi. Trong số các ca sĩ nổi tiếng thời đó phải kể đến Thái Thanh có phần điệu đà với những cách luyến láy cầu kỳ, Khánh Ly với giọng “khàn khàn, nhừa nhựa” còn Thanh Thúy giọng trầm tựa như “tiếng hát liêu trai”!

Cô thì khác. Một số nhà phê bình âm nhạc cho rằng cô khác với những ca sĩ cùng thời vì họ hát “giọng mũi”, còn cô lại hát giọng alto, lấy hơi từ bụng nên phát âm thật đầy và thật rõ. Cũng vì thế, cô xuất hiện như một “nhân tố lạ” trong làng ca nhạc thời đó.

Cô tên thật là Bùi Thị Oanh nhưng mang nghệ danh Lệ Thu, “nước mắt của mùa thu”! Sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh, danh ca Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 7 giờ, ngày 15 tháng 1 năm 2021 tại California, Mỹ.

Tin cô từ trần vào tuổi 78 khiến công chúng vô cùng bàng hoàng và thương tiếc. Cuộc đời ca hát của Cecilia Lệ Thu đã để lại cho những người hâm mộ một sự mất mát không thể nào thay thế được.

Vĩnh viễn Lệ Thu là “danh ca huyền thoại”, có một không hai. Cái tên định mệnh Lệ Thu mãi mãi vẫn còn đó và cái tên do Phạm Duy đặt qua bài hát “Nước mắt mùa thu” vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả hâm mộ.

https://chinhhoiuc.blogspot.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn