Robin Williams và “Mrs.Doubtfire”

Thứ Hai, 04 Tháng Giêng 20212:00 CH(Xem: 3528)
Robin Williams và “Mrs.Doubtfire”
rfi.fr

Robin Williams và “Mrs.Doubtfire” - Người đàn bà đẹp trên màn ảnh - Tạp chí văn hóa

Lệ Thu

Vào những thời điểm của niềm vui, của sự đầm ấm, như là Giáng Sinh hay năm mới, người yêu điện ảnh chắc hẳn không thể không nhớ tới Robin Williams. Trên bầu trời đầy ắp danh hài của kinh đô điện ảnh Hollywood, người ta thấy ông như là một ngôi sao nhỏ bé sáng lấp lánh.

Dấu ấn trong từng vai diễn

Mỗi vai diễn của Robin Williams đều được thể hiện giống một vai diễn để đời, đầy ngẫu hứng, hài hước, dí dỏm và cũng không thiếu đi sự sâu sắc cần thiết.

Có ai đó đã từng nói “ẩn sau những diễn viên Hài là những trăn trở đến từng milimet của cuộc sống”. Họ phải đủ Vui để luôn giữ được tình yêu đời nhưng cũng phải đủ thâm thúy để cười vào mũi khổ đau. Những vai diễn của Robin Williams cũng vậy, người ta nhìn thấy trong đó niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở và cả hạnh phúc.

Trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp, Robin Williams đã ba lần được đề cử giải Oscar cho “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” và nhận giải “Diễn viên nam phụ xuất sắc nhất”. Ông cũng từng được nhận hai giải thưởng Emmy, bốn giải Quả Cầu Vàng, hai giải Screen Actors Guild và năm giải Grammy. 

Tờ Vogue Paris đã đưa ra 7 bộ phim mà Robin Williams từng tham gia diễn xuất có ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thơ của chúng ta: 

Goodmorning VietNam – của Barry Levinson (1987)

Dead Poets Society – của Peter Weir (1990)

Hook – của Steven Spielberg (1991)

Mrs.Doubtfire – của Chris Columbus (1994)

Jumanji – của Joe Johnston (1995)

Flubber – của Les Mayfield (1997)

Good will hunting – của Gus Van Sant (1997)

Trong số 7 bộ phim này, phải kể đến Quả Cầu Vàng cho “Nam diễn viên chính xuất sắc ở thể loại phim ca nhạc hoặc phim hài” cho vai diễn Mrs.Doubtfire trong bộ phim cùng tên. Đây cũng là vai diễn mà Robin Williams đã tạo nên hình tượng “người đàn bà đẹp” - như là một cách nói ẩn dụ - của riêng ông.

Quả cầu vàng cho một câu chuyện đẹp

Truyện phim kể về cuộc sống của anh chàng Daniel và vợ là Miranda cùng ba đứa con vô cùng xinh đẹp ở San Francisco. Daniel làm nghề lồng tiếng cho phim hoạt hình, khá bận rộn. Một ngày kia, anh bỏ việc rồi về nhà tổ chức sinh nhật cho con trai. Bữa tiệc gây ảnh hưởng tới hàng xóm và gây nên cuộc cãi vã giữa anh với Miranda. Sự việc như giọt nước làm tràn ly khiến Miranda đòi li dị. Quan tòa trao quyền nuôi con cho Miranda nhưng vẫn nhấn mạnh rằng nếu Daniel tìm được công việc mới ổn định thì sẽ được nuôi con chung với vợ.

Lúc này, Daniel biết Miranda đang tìm người giúp việc để trông chừng bọn trẻ và giúp đỡ việc nhà nên anh đã bày trò loại hết các ứng viên khác, còn mình thì giả giọng làm phụ nữ để đăng kí. Anh nhờ người em trai là một chuyên gia hóa trang tạo ra một mặt nạ da người để anh có thể giả dạng thành một bà già. Đây là lúc mà Robin Williams thể hiện tài năng diễn xuất của mình. Những hỉ nộ ái ố, những tình huống cười ra nước mắt bắt đầu khi mà anh chàng Daniel phải làm quen với bộ đồ nặng cả chục kí để biến hình thành bà Doubtfire to béo mập mạp, cơ mặt phải tạo cảm xúc chân thực nhất với một mớ mặt nạ bằng cao su và đặc biệt là phải làm quen với việc mặc đồ lót của phụ nữ.

Ban đầu, Daniel chỉ đóng vai bà Doubtfire với mục đích được gần gũi các con, sợ bảo mẫu khác sẽ không an toàn cho chúng, nhưng sau đó, anh chàng nhận ra chỉ khi anh trở thành một người đàn bà đúng nghĩa thì anh mới có thể ở cạnh chúng, ở cạnh gia đình của mình. Việc trở thành một người đàn bà ở đây có nghĩa là “khi bạn muốn hiểu ai đó thì hãy đặt mình vào vị trí của họ”. Và thế là, Daniel, lúc này là bà Doubtfire, bắt đầu học nấu ăn. Từ việc giấu diếm mua đồ ăn bên ngoài về, anh tự tay nấu nướng, bày biện, dọn dẹp nhà cửa. Anh nói chuyện, giúp các con giải tỏa những vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn và đặc biệt là tâm sự với Miranda.

Daniel bỗng thấy rằng việc anh có mặt ở nhà là hoàn toàn vô nghĩa nếu anh không biết chia sẻ cả việc nhà lẫn tâm tư tình cảm với vợ. Daniel nhận ra Miranda không hề bất công khi đòi li dị với anh. Vợ anh thật ra đã quá mệt mỏi với công việc của cô và cả việc nhà, dọn dẹp, nấu nướng, ăn uống, dạy dỗ các con … Và sự rạn nứt giữa họ là điều tất yếu không thể tránh khỏi.

Bỗng nhiên, sau những chia sẻ, gần gũi, thoáng một giây phút nào đó, sự chu đáo dưới lốt một người đàn bà của Daniel đã khiến Miranda ngã lòng. Chỉ một chút nữa cô đã nghĩ bà Doubtfire có vấn đề về giới tính và mọi nỗ lực của Daniel sẽ đổ bể.

Trường đoạn Daniel và Miranda tâm sự với nhau, ánh mắt anh trao gửi cho vợ khi vẫn đang trong vai trò của bà quản gia chính là trường đoạn xúc động nhất mà ta có thể cảm nhận được từ Robin Williams. Đã có lúc ông khiến khán giả phân vân liệu hai nhân vật này có phải cùng một người thủ vai ? Bởi sự dịu dàng tinh tế, bởi ánh mắt, giọng nói của bà Doubtfire đã trở nên quá chân thực.

Giữa những chi tiết dở khóc dở cười mà Daniel phải xoay trở để không lộ vai diễn với mọi người xung quanh, với vợ con anh, và những cảm xúc rung động thấu hiểu của một Daniel hoàn toàn khác … Giữa những giằng xé nội tâm của nhân vật, nửa muốn nói lên sự thật để được cơ hội quay về, nửa lo sợ sẽ bị ghét bỏ nếu sự thật được phơi bày … ta thấy màn trình diễn tài tình, hài hước nhưng cũng vô cùng sâu sắc, đầy năng lượng của Robin Williams.

Rồi Daniel cũng có một công việc trong đài Truyền hình, cơ hội để anh được nuôi con cùng Miranda, được gần cô nhiều hơn, được quay lại đã rất rõ ràng nếu không có sự xuất hiện của nhân vật thứ ba, là Stu, người bạn mới của Miranda.         

Lúc này, Daniel đã cho hai đứa con lớn biết về chân tướng của bà Doubtfire để có được sự ủng hộ của các con, tuy nhiên, anh vẫn không khỏi khó chịu và ghen tị với Stu. Cuộc chạm trán mặt đối mặt của hai người bỗng đến quá nhanh, ngoài dự kiến của Daniel. Đây cũng là trường đoạn lột tả được hết khả năng diễn xuất tuyệt vời của Robin Williams.

Ngày mà Daniel được giám đốc đài hẹn gặp để bàn việc mở một show truyền hình mới cho anh lại đúng ngày mà Stu tổ chức tiệc sinh nhật cho Miranda. Oái oăm thay, cả hai sự kiện này lại diễn ra tại cùng một địa điểm, cùng một thời gian. Tới đây, Robin Williams đã thể hiện cực kì xuất sắc những cái trái khoáy, sự nháo nhào, vội vã đến bấn loạn của nhân vật Daniel khi cùng lúc vừa phải đóng vai bà Doubtfire để dự bữa tiệc sinh nhật, vừa phải là chính mình để bàn công việc với giám đốc. Có lúc, anh đã vào nhầm bàn với vợ trong bộ dạng của  mình nhưng là giọng nói của bà bảo mẫu. Lúc khác, anh lại kéo ghế ngồi chễm chệ uống rượu mạnh với ông giám đốc khi đang mang gương mặt và trang phục của bà Doubtfire.    

Mọi việc bị đẩy lên cao trào khi Stu bị nghẹn đồ ăn và Daniel, trong vai bà Doubtfire đã phải lo cấp cứu cho anh ta. Tấm mặt nạ rơi ra trước sự kinh ngạc của bao người. Sự việc bại lộ, Miranda vô cùng sốc, còn Daniel thì mất hết mọi hi vọng.

Tiếng cười đang vang lên sảng khoái thư giãn từ đâu phim thì tới đây, lại nhường chỗ cho những xúc cảm thật sâu lắng, đâu đó còn là một vài sự tiếc nuối bởi phim kết thúc không hề có hậu theo kiểu như mọi người vẫn nghĩ và mong chờ. Daniel có được show diễn cho riêng mình trên truyền hình với nhân vật chính là bà Doubtfire, Miranda cảm thông cho anh nhưng họ đã không quay lại với nhau.

Một cuộc đời đáng sống

Câu thoại mà Daniel nói với các con mình là “Ba mẹ chia tay nhau không có nghĩa là ba mẹ hết yêu thương con, tình yêu dành cho các con không bao giờ thay đổi”.

Nhiều người đặt ra câu hỏi không biết đó có phải là điều mà Robin Williams muốn nhắn nhủ tới con trai của ông sau khi ông và người vợ đầu li dị vào năm 1988 không ? Hay liệu đó có là điềm báo cho cuộc chia tay sau đó của ông với người vợ thứ hai vào năm 2008 ? Không ai có thể biết chắc chắn. Chỉ biết rằng nhân vật bà Doubtfire đã được Robin Williams làm cho trở nên thật sống động, thật đẹp, và hình tượng “người đàn bà đẹp” mà ông dựng lên chính là biểu tượng cho sự cảm thông, chia sẻ của một người đàn ông với người đàn bà mà họ yêu.

Những năm cuối đời, R.W bị mắc một số căn bệnh, một trong số đó được chuẩn đoán là chứng trầm cảm tuổi già. Ông đã trải qua nhiều năm trong tình trạng suy sụp. Tuy nhiên, ta vẫn thấy ông xuất hiện trên một vài TV show, ở các series phim hài ngắn (như “The Crazy ones”). Khó ai có thể nhận thấy tình trạng bệnh tật của ông nếu chỉ xem phim ông tham gia diễn xuất. Bởi nhiều khi, nghệ sĩ Hài ẩn giấu nỗi cô đơn của họ bên dưới hàng vạn tiếng cười.

Robin Williams qua đời vào năm 2014. Bà Susan Schneider, người vợ thứ ba và cũng là người vợ cuối cùng của ông đã nói là bà “hy vọng mọi người sẽ nhớ tới niềm vui, nụ cười mà Robin Williams đã mang tới cho hàng triệu khán giả, hơn là sự ra đi của ông”.

Đó cũng là cách mà Robin Williams đã chọn để sống, là gõ những cánh cửa, mang tiếng cười, tình yêu thương tới những ngôi nhà đầm ấm để chúng ta biết yêu thương và trân trọng nhau hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn