100 năm ngày sinh của thiên tài Charlie Parker

Thứ Tư, 23 Tháng Mười Hai 20207:00 CH(Xem: 2713)
100 năm ngày sinh của thiên tài Charlie Parker
rfi.fr

100 năm ngày sinh của thiên tài Charlie Parker

Tuấn Thảo

Nói rằng Charlie Parker là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, có lẽ vẫn còn chưa đủ. Nhờ vào tài nghệ sáng tác và chơi kèn saxo, Charlie Parker là người đã thay đổi diện mạo của làng nhạc jazz vào đầu những năm 1940. Nỗ lực cách tân ấy vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Nếu còn sống, Charlie Parker năm nay sẽ tròn 100 tuổi. 

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại Kansas City (bang Missouri, miền nam Hoa Kỳ), Charlie Parker thừa hưởng từ nhỏ năng khiếu chơi đàn dương cầm của thân phụ. Ông học kèn saxo alto từ năm 11 tuổi, với khát vọng gia nhập sau này một dàn nhạc chuyên nghiệp, lưu diễn ở khắp nơi để thỏa mãn giấc mộng ‘‘hải hồ’’. Vào thuở thiếu thời, Charlie Parker đã tham gia vào rất nhiều phiên biểu diễn nhạc jazz để thi thố tài năng (jam session). Cũng từ đó mà Charlie Parker được các đồng nghiệp mệnh danh là ‘‘Bird’’ rút gọn từ chữ ‘‘YardBird’’, trong tiếng lóng có nghĩa là tân binh, lính mới. 

Tuổi trẻ tài cao, ngựa non háu đá. Tài nghệ chơi kèn saxo của ông được công nhận là hiếm thấy, nhưng Charlie Parker lúc bấy giờ vẫn chưa được rèn luyện tới nơi tới chốn, ít ra kỹ thuật vẫn chưa đủ tầm bay xa để phát huy trọn vẹn tham vọng nghệ thuật cao vời. Diễn viên kiêm đạo diễn kỳ cựu Clint Eastwood là người đã giải mã bí mật của hiện tượng Charlie Parker. Trong bộ phim tiểu sử (biopic) quay vào năm 1988, dành cho nghệ sĩ nhạc jazz với tựa đề ngắn gọn là ‘‘Bird’’, đạo diễn Clint Eastwood đã khéo lột tả cái khoảnh khắc để đời, khiến cho Charlie Parker vươn lên hàng thiên tài. 

‘‘Tân binh’’ lại vượt xa các kiện tướng

Vào năm 16 tuổi, Charlie Parker tham gia cuộc thi do tay trống Jo Jones tổ chức cho dàn nhạc Count Basie Orchestra tại Kansas City. Count Basie (1904-1984) từng nổi tiếng nhờ tài chơi dương cầm và đồng thời là một trong những nhạc trưởng quan trọng nhất làng nhạc jazz thời bấy giờ. Tham vọng thì cao nhưng tay nghề còn non, Charlie Parker bị hụt hơi, lép vế trong những pha ứng tấu với dàn nhạc. Kẻ tung quá mạnh, người hứng quá nhẹ, buổi biễu diễn trật nhịp lạc điệu, khiến cho tay trống Jo Jones nổi cơn thịnh nộ, ném đồ vào Charlie Parker và đuổi cậu thiếu niên ra khỏi sân khấu, dưới tiếng cười nhạo, chê bai của khán giả.

Trong cái giây phút định mệnh ấy, Charlie Parker tự thề nguyện rằng,  kể từ nay, ông sẽ không bao giờ còn bị ai sỉ nhục trên sân khấu. Theo nhà phê bình kiêm tác giả Patrice Blanc-Francard, tác giả của quyển sách ‘‘Từ điển của những người yêu nhạc Jazz’’, Charlie Parker rời nguyên quán và trong vòng 4 tháng trời, ông đã sống cô lập, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ông luyện tập mỗi ngày 14 tiếng đồng hồ, nghe đi nghe lại cách chơi của các ban nhạc jazz qua đĩa hát, để rồi ông chẳng những tập chơi lại một cách thuần thục mà còn đi tìm tất cả những lối biến tấu khác xung quanh một giai điệu. Sau thời gian luyện tập ấy, ông xung phong vào các ban nhạc lưu diễn, dù chỉ là để chơi thay thế, dù chẳng có hợp đồng biểu diễn nào. Ông chịu khó chờ thời, nhịn đói cầm hơi, ngủ bờ ngủ bụi, miễn là có cơ hội thử lửa trên sân khấu cho đến cái ngày rực rỡ tỏa sáng. 

Đến khi trở lại nguyên quán, tài năng của Charlie Parker đã thật sự chín muồi. Từ vị trí của một lính mới, chàng Bird ngày nào thực hiện cú đột phá ngoạn mục, dù chỉ mới tròn đôi mươi. Charlie Parker đã thay đổi hẳn lối tiếp cận nhạc jazz, tài nghệ của anh ‘‘tân binh’’ lại vượt xa tất cả các nghệ sĩ saxophone khác cùng thời thuộc vào hàng kiện tướng. Theo nhà phê bình Patrice Blanc-Francard giải thích, vào giai đoạn những năm 1941-1942, Charlie Parker đã thực hiện cuộc ‘‘cách mạng đầu tiên’’ trong làng nhạc jazz. Cùng với Dizzy Gillespie và Thelonious Monk, Charlie Parker đã hình thành phong trào bebop, khiến cho các nghệ sĩ đàn anh là Benny Goodman hay là Count Basie với sở trường là swing, cũng như các nhạc trưởng chuyên điều khiển các dàn nhạc big band, hầu như đều trở nên lỗi thời. 

Ngẫu hứng bất tuyệt, ứng tấu trường thiên

Nổi danh từ năm 1943-1944 trở đi, Charlie Parker được công nhận là một tác giả thật thụ khi ông có cơ hội ghi âm các sáng tác của chính mình. Nhiều giai điệu của ông với thời gian đã trở nên kinh điển như Parker’s Mood, Bird of Paradise, Donna Lee (cùng với thiên tài Miles Davis), Shaww Nuff (cùng với nghệ sĩ Dizzy Gillespie), Scrapple from the Apple, Now’s the Time hay là tổ khúc lừng danh Yarbird Suite …

Ngoài cái tài soạn giai điệu, Charlie Parker còn có một cách chơi kèn saxo rất khác biệt phi thường, cách nén hơi để nắm bắt và giữ chặt nốt nhạc trước các đoạn ứng tấu trường thiên. Trước Charlie Parker, không ai có đủ làn hơi sâu và dày để tách các nốt nhạc ra thành từng cụm gắn chặt tựa những ‘‘cụm tuyết’’, để rồi từ đó ông trỗ tài ngẫu hứng biến tấu liên miên bất tuyệt, tạo cho giai điệu tuần hoàn nỗi da diết miên man. Sau  Charlie Parker, phải đợi đến hơn một thập niên mới, công chúng tìm thấy một nghệ sĩ xứng đáng thừa kế là John Coltrane (1926-1967), nhưng vẫn thuộc vào hàng hậu bối. 

Giống như những vì sao băng khác trong làng nhạc, chẳng hạn như Robert Johnson (1911-1938) hay là Jimi Hendrix (1942-1970), cả hai đều chết sớm ở tuổi 27 nhưng nổi tiếng nhờ tài chơi đàn ghi ta, sự nghiệp của Charlie Parker khá là ngắn ngủi, do chứng nghiện rượu và ma túy. Tuy chỉ kéo dài trong khoảng một thập niên, nhưng các sáng tác của ông vẫn có nhiều giá trị, đủ để lại một dấu ấn không thể phai mờ. 

Chương trình 100 năm ngày sinh của ‘‘Bird’’ 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Charlie ‘‘Bird’’ Parker, đài phát thanh Pháp TSF Jazz dành một loạt chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ này. Bộ phim ‘‘Bird’’ của Clint Eastwood cũng được tái bản với một phiên bản mở rộng với phỏng vấn và phim tư liệu. Hãng đĩa ‘‘Chant du Monde’’ cũng xuất bản một tuyển tập chọn lọc gồm 24 bản nhạc thu thanh trực tiếp ‘‘hoàn chỉnh’’. Nhưng quan trọng hơn hết là bộ toàn tập gồm tổng cộng 131 bản nhạc ghi âm trên 10 cuộn CD với chủ đề ‘‘Now's The Time’’. 

Khu vườn âm nhạc có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ, trong số đó Charlie Parker xuất hiện như một đóa ‘‘tà hoa’’ do ông bị nghiện ma túy từ thời còn trẻ.  Suốt đời, ông đã buộc phải nhiều lần tự nhốt lỏng trong các trung tâm cai nghiện, tìm đủ mọi cách để một lần nữa tránh sa ngã trước cám dỗ, phấn đấu để vượt qua sự yếu đuối của bản thân. 

Rốt cuộc, Charlie Parker đã vĩnh viễn ra đi qua sớm chỉ ở tuổi 34, nhưng theo giới bác sĩ, cơ thể của ông lúc qua đời, lại già cỗi như một người trên 60 tuổi. Thế nhưng đóa ‘‘tà hoa’’ qúy hiếm ấy giữa hai khoảnh khắc bất hạnh, lại biết thổi vào đời bao nốt trầm nhức nhối, khi kiếp người ngắn ngủi bất chợt được thiên hứng, bỗng dưng phủ bóng ngậm ngùi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn