Juliette Gréco: Hát là sống, sống thật, sống hết mình

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Hai 20202:00 CH(Xem: 3056)
Juliette Gréco: Hát là sống, sống thật, sống hết mình
rfi.fr

Juliette Gréco: Hát là sống, sống thật, sống hết mình - Tạp chí âm nhạc

Trọng Thành

Nữ ca sĩ « với nghìn gương mặt », « nàng thơ » của trào lưu hiện sinh, một biểu tượng của nền thi ca và âm nhạc Pháp qua đời ngày 23 tháng 9 năm 2020, ở tuổi 93. Juliette Gréco, người thể hiện hầu hết các tên tuổi lớn của nền thi ca Pháp thời hậu chiến… tiếp tục đưa ca khúc Pháp đến với thế giới ngay ở tuổi 89. 

Hát là sống. Sống thật, sống hết mình. Tha thiết yêu, khao khát tự do, khát khao hiểu biết. Hài hước và châm biếm. Dịu dàng, thiết tha mà bất khuất... Nhiều người nhận ra trong nữ ca sĩ vừa qua đời những sâu thẳm của tâm hồn Pháp. 

Ra đời tại Montpellier ngày 7 tháng 2 năm 1927, Juliette Gréco trải qua một tuổi thơ « đầy đủ về vật chất, nhưng hết sức thiếu thốn về tình cảm ». Người mẹ thường nhắc nhở với « Toutoute », tên gọi trong nhà của Juliette, rằng cô bé hoàn toàn không phải là đứa con được trông đợi. Năm 1943, mẹ cô, một kháng chiến quân chống phát-xít, bị bắt và đưa vào trại tập trung cùng chị gái. Sau khi được mật thám Đức thả ra, lang thang ở Paris không đồng xu dính túi, Juliette tìm đến một người quen duy nhất tại Paris. « Nàng thơ của trào lưu hiện sinh » tương lai có được chỗ nương thân tại nhà Hélène Duc, cô giáo cũ môn tiếng Pháp, nằm ngay sát khu Saint-Germain-des-Prés, trung tâm của đời sống văn nghệ Pháp, trước và sau Thế chiến Hai.

« Hoa nở trong lòng »

Paris được giải phóng, Gréco như tái sinh một lần nữa. Cô có được một chỗ làm tại một nhà hát trong khu Saint-Germain-des-Prés. Người thiếu nữ thông minh, đầy tinh thần phản kháng, táo bạo, ham hiểu biết đã tìm thấy ở Paris miền đất mong đợi, với đời sống trí thức, âm nhạc nghệ thuật đang trong giai đoạn sục sôi sáng tạo. Gréco có cơ hội được gần gũi với các văn nghệ sĩ lớn của nước Pháp thời bấy giờ… Trong một hồi tưởng lại giai đoạn đầu tiên này, Juliette Gréco tâm sự :

« Lúc đó tôi là đứa bé nghèo, hoàn toàn chẳng có gì, về áo quần, về đồ ăn uống, nhưng lại là một đứa trẻ hết sức no đủ về tinh thần, về tri thức, về tình bằng hữu. Tôi đã nhận được ‘‘rất nhiều quà tặng’’ từ những người xung quanh. Tôi để ngỏ mọi cánh cửa tâm hồn, nhưng trong trạng thái lặng câm. Tôi như một mảnh đất tốt : mở ra, nghe và ghi nhận. Với tôi, như thể hạt giống trong lòng đất. Đất tốt.

Tôi lắng nghe, ghi nhận, tôi cứ để cho hoa nở trong lòng mình, trong sâu thẳm. Trong đáy lòng. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian mới có thể bày tỏ được. Bởi vì, những gì tôi nhận được là quá đẹp ! Khi tôi được nghe nói về hội họa, tôi được nghe những người như Picasso. Về triết học, là những người như Merleau-Ponty hay Camus. Tôi gần như là quá tải. Tôi thật vô cùng may mắn. Điều đó có thể đã khiến tôi trở nên kín đáo hơn cả tôi khi trước » (trích đoạn phỏng vấn năm 1954, phát lại trong chương trình Hommage à Juliette Gréco, France Inter, 27/09/2020).  

Triết gia Maurice Merleau-Ponty là người đầu tiên đáp lại câu hỏi của cô bé Juliette, về « chủ nghĩa hiện sinh là gì? », khi hai người tình cờ gặp nhau trong một quán cà phê gần cầu Pont Royal. Juliette Gréco đã tìm được một người cha tinh thần. Trong một chương trình « Il n’y a pas qu’une vie dans la vie » trên kênh Europe 1 (năm 2007), Juliette Gréco đã hồi tưởng lại cái ngày đáng nhớ, mà nếu không có nó, đời cô có thể đã chuyển hoàn toàn sang một hướng khác. 

Năm 1948, chính Jean-Paul Sarthe đã là người mở đường cho hành trình nghệ thuật của « Nàng thơ của trào lưu hiện sinh », khi ông gần như là ra lệnh cho cô tham gia vào một cuộc trình diễn tại « Bœuf sur le toit », quán ăn nổi tiếng của giới trí thức Paris thời đó. Sarthe nói : « Tôi đã làm việc vì cô đấy ! Đây là danh sách các bài hát. Cô hãy chọn đi ! ». 

Lựa chọn và quyết định. Lần đó, Juliette Gréco đã chọn Si tu t’imagines của Raymond Queneau (sáng tác năm 1947) và L’Éternel Féminin, của Jules Laforgue. 

« Phụng sự Chúa » theo cách của mình 

Juliette Gréco gần như không sáng tác. Bà chủ yếu trình diễn tác phẩm của người khác. Nàng thơ của Saint-Germain-des-Prés rất thích một câu trong Kinh Thánh : « Tôi là người đầy tớ gái của Chúa. Xin sự ấy xảy ra như lời Ngài » (Phúc âm Luca). Phương châm hành động của Juliette : các nhà văn và nhạc sĩ là những vị Chúa tể, bà chỉ « là người phụng sự, người trình diễn ». 

Thành công lớn đầu tiên của Juliette Gréco là ca khúc « Je hais les dimanches / Tôi căm ghét những ngày Chủ nhật », trình diễn năm 1951. Ca khúc với những lời lẽ táo bạo do Charles Aznavour soạn, nhạc đệm của Florence Véran, thoạt tiên được soạn riêng cho nữ danh ca đàn chị Edith Piaf. Piaf từ chối. Gréco trở thành ca sĩ đầu tiên trình diễn nhạc phẩm nổi tiếng này. 

Ca khúc « Sous le ciel de Paris / Dưới bầu trời Paris » (lời Jean Dréjac, nhạc Hubert Giraud), ra đời năm 1951, nhờ giọng hát Juliette Gréco và một số ca sĩ tài ba khác, như Édith Piaf, Yves Montand, đã trở thành một biểu tượng của Paris, của nước Pháp.

Năm 1951, ở tuổi 24, « bông hồng đen » của Saint-Germain-des-Prés ra mắt album nhạc đầu tay mang tên « Je suis comme je suis / Tôi là tôi  » (lời Jacques Prévert). Ngọn lửa tự do, khát vọng yêu thương, khát vọng là chính mình, Juliette Gréco đã giữ. Giữ đến trọn đời. 

Đằm thắm

Juliette Gréco thường nói, bà thật may mắn, có cơ may gặp bao con người tuyệt vời trong cuộc đời. Juliette Gréco hiểu mỗi ca khúc có ý nghĩa hệ trọng như thế nào. Những ca khúc có thể lan toả khắp nơi, trong thành phố, vượt đại dương, những ca khúc có thể đi suốt một đời người. 

Gò má cao, đôi mắt sâu thẳm dưới làn tóc đen, Juliette Gréco - người nghệ sĩ mà từng lời ca « như truyền đến tận mỗi ngón tay » - đã đưa công chúng bình dân đến với bao sáng tác của các nhà thơ, nhà soạn ca khúc, thành danh, hay chưa thành danh: Queneau, Sartres, Prévert, Desnos, Vian, Cosma, Aznavour, Gainsbourg, Béart, Ferré, Brel hay Brassens.

Françoise Piazza, một người bạn vong niên, gắn bó hơn nửa thế kỷ với ca sĩ, giảng viên văn học, tác giả một cuốn lịch sử cuộc đời Gréco kể lại : « Bà là người thể hiện xuất sắc nhất các tác giả lớn nhất thời bấy giờ. Khi họ nghe các sáng tác của mình qua tiếng hát Juliette, họ không còn nhận ra chúng nữa : bất ngờ so với những gì được viết ra trên giấy. Có một cái gì đó sâu thẳm hơn những từ ngữ đã được viết ra ». Jean-Paul Sarte, triết gia hiện sinh, cũng là thi sĩ, từng cảm thán : « Juliette Gréco có hàng triệu bài thơ trong cô. Hàng triệu bài thơ còn chưa được sáng tác » (theo lời thuật của nhà văn, ký giả Jacques Chancel). 

Nhạc phẩm « Chanson pour l’Auvergnat » của nhà sáng tác, ca sĩ Georges Brassens, được Juliette trình diễn năm 1955.

Nhiều tác phẩm được trình với phong cách đằm thắm, da diết trong thời kỳ này, như « La Javanaise » của Serge Gainsbourg, hay « Romance », lời Henri Bassis, nhạc Joseph Kosma.  

Nhưng ẩn đằng sau phong cách dịu dàng ấy là ngọn núi lửa sôi sục. Với thời gian, dấu ấn cá nhân của Juliette Gréco, người phụng sự « Chúa », để lại ngày càng rõ trong các trình diễn. Khi trình bày nhạc phẩm « Jolie môme » của Léon Ferré, ca khúc được Gréco coi là « đậm chất phân biệt giới tính nhất », bà đã tìm cách đảo ngược lại góc nhìn của tác giả, biến ca khúc thành một hành động khiêu khích, tẩy bỏ hoàn toàn điều mà Gréco gọi là « sự phục tùng » của nữ giới. Nữ tài tử Anna Mouglalis, người từng thủ vai Juliette Gréco trong một bộ phim tài liệu, ghi nhận chính những phụ nữ như Gréco đã góp phần quan trọng thúc đẩy nữ quyền.   

« Bông hồng đen » của Saint-Germain-des-Prés trong nhiều năm trời tiếp tục là tiếng nói thách thức các giới hạn. « Déshabillez-moi » (1967) là một ca khúc minh chứng rõ ràng cho những gì mà Gréco có thể mang lại cho tự do và cho khả năng biểu đạt những cung bậc cảm xúc tinh tế. 

Bài hát thoát y vũ thành ca khúc nữ quyền 

Bertrand Dicale, một chuyên gia về ca nhạc Pháp đương đại, tác giả ba cuốn tiểu sử của danh ca, ghi nhận : ca khúc táo bạo « Déshabillez-moi », ra mắt năm 1967, đã bị đa số đài phát thanh lớn tẩy chay.

Nhạc phẩm « Déshabillez-moi / Hãy thoát y cho tôi », do Robert Nyel soạn lời, nhạc của Gaby Verlor, thoạt tiên là một tác phẩm mà Robert Nyel viết riêng cho người tình, một vũ nữ thoát y, để phục vụ cho các trình diễn gợi dục trên sân khấu giải trí. Dự án không thành, do hai người chia tay. Robert Nyel đề nghị với Gréco ca khúc, mà theo nhà biên soạn « đã không có ai muốn nhận hát ». « Nàng thơ » đồng ý, nhưng đề nghị thêm vào một dòng kết. Dòng kết đảo ngược cái đích của ca khúc. 

Juliette Gréco chấp nhận trình diễn ca khúc, với điều kiện phải được trang phục kín, chỉ để hở mặt và đôi bàn tay. Mục tiêu của ca sĩ là biến một bài hát về kêu gọi thoát y trở thành một ca khúc về nỗi đam mê, lòng ham muốn sẻ chia. Thoát y chính là để cởi lòng.

« Hãy thoát y cho tôi » ra đời ngay trước thềm cuộc đảo lộn cách mạng tháng 5 năm 1968 tại Pháp. Từ chỗ là một ca khúc nhìn phụ nữ như đối tượng ham muốn của đàn ông, với sự trình diễn của Juliette Gréco, « Hãy thoát y cho tôi » trở thành một bài hát nữ quyền : một bài ca nữ quyền đầy nữ tính. 

« Cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi người dân cất lên tiếng hát cách mạng… Không có cuộc cách mạng nào là không có tiếng hát. Không có tiến bộ nếu không có tiếng hát. (…) Một điều hết sức quan trọng đối với tôi, đó là tiếng nói của nhân dân », trong một cuộc phỏng vấn năm 2001, ở tuổi ngoài 70, nữ ca sĩ tâm sự. Ca khúc « Déshabillez-moi » đã chỉ thực sự thành công rộng rãi vào đầu năm 1968, khi nước Pháp bước vào cuộc cách mạng xã hội lớn.

Tình bạn - tình yêu đến trọn đời 

Juliette Gréco có ba đời chồng, nhiều tình nhân, người yêu lý tưởng trong cuộc đời mình. Mối tình dữ dội, bất thành với nghệ sĩ nhạc jazz người Mỹ da đen nổi tiếng Miles Davis, để lại vết thương lớn trong cuộc đời Gréco. Miles Davis không muốn Juliette gặp bất hạnh tại một nước Mỹ phân biệt chủng tộc nặng nề, nơi một phụ nữ da trắng lập gia đình với người da đen bị khinh rẻ. Cho đến cuối đời, hai người vẫn không thôi nhớ nhau. Năm 1991, ít tháng trước khi giã từ cõi đời, Miles đến Paris để được gặp Juliette lần cuối. « Chỉ cần nhìn thấy em từ sau lưng, tại bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi cũng nhận ra em », Miles Davis tâm sự. 

Nhưng Juliette Gréco cũng có một mối tình khác. Ngày càng thắm thiết với thời gian. Tình bạn, tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với một người nghệ sĩ, mà sau suốt cả một đời người, Juliette Gréco đã thấy chính mình trong đó.

Brel

Năm 2013, 35 năm sau ngày mất của Jacques Brel, Gréco cho ra đời một album mới, dành riêng để trình diễn 12 ca khúc của Brel. Danh ca suốt đời phụng sự cho việc thể hiện các tác phẩm của người khác đã tìm thấy những lời ca của lòng mình. Gréco tâm sự : « Đó phần nào chính là tôi, là tôi - một phụ nữ. Bởi tinh thần nổi loạn, bởi những nỗi đau xé lòng. Đấy chính là cái tiếng nói mà tôi hiểu, điều mà tôi có thể diễn đạt. Đó là một tiếng nói có thể là của tôi. Và tôi đã lấy đó làm chính tiếng nói của lòng mình ».  

Tình bạn - tình yêu - thi ca - âm nhạc. Có lẽ ít ai biết được cuộc đời Gréco gắn bó như thế nào với Brel. Người chồng thứ ba, người đã cùng bà đi đến trọn đời, nhà soạn nhạc Gérard Jouannest cũng chính là người đồng sáng tác giai điệu của ca khúc huyền thoại « Ne me quitte pas » với Brel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn