Trang viên Giverny, nguồn cảm hứng bất tận của danh họa Claude Monet

Thứ Hai, 05 Tháng Hai 20184:00 CH(Xem: 4494)
Trang viên Giverny, nguồn cảm hứng bất tận của danh họa Claude Monet

Trang viên Giverny, nguồn cảm hứng bất tận của danh họa Claude Monet
Sau khi Michel Monet, con trai của danh họa Claude Monet (14/11/1840-05/12/1926), qua đời năm 1966, toàn bộ cơ ngơi của gia đình nhà sáng lập trường phái Ấn Tượng (Impressionnism) tại Giverny được di tặng cho Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Pháp. Michel Monet mong muốn những kỷ niệm và kỷ vật của người cha được chăm sóc, bảo quản một cách cẩn thận và được chia sẻ rộng rãi cho công chúng.

Khu nhà của gia đình Monet thu hút khoảng 600.000 khách thăm quan từ khắp nơi trên thế giới vào mỗi mùa mở cửa từ cuối tuần đầu tiền sau lễ Phục Sinh tới lúc đóng cửa vào ngày lễ Các Thánh (01/11). Đặt chân vào trang viên nhà Monet, du khách như lạc vào một thế giới phong thủy hữu tình, trăm hoa đua sắc.

RFI tiếng Việt được người phụ trách an ninh địa điểm du lịch nổi tiếng này giới thiệu về nguồn gốc quần thể trang viên :

« Đây là khu vườn của họa sĩ Claude Monet, nằm cách Paris khoảng 80 km. Khu vườn là địa điểm được thăm quan và rất nổi tiếng khắp thế giới.

Claude Monet sống trong ngôi nhà ở Giverny từ năm 1883 tới khi qua đời vào năm 1926. Họa sĩ tạo ra khu vườn trên nền một trang trại cũ và cho xây một ngôi nhà, đồng thời là xưởng vẽ. Lúc đầu, khu vườn có rất nhiều cây ăn quả, sau đó ông muốn làm một khu vườn riêng của mình với sự giúp đỡ của một nhà làm vườn chuyên nghiệp thời kỳ đó.

Sau này, ông mua một mảnh đất nằm ở bên kia đường tầu hỏa. Thời đó, có một đường tầu nằm giữa hai khu đất. Thế là ông thiết kế một khu thuỷ trang và trồng hoa súng. Tại đây, ông đã vẽ nên những bức tranh vẽ hoa súng nổi tiếng khắp thế giới ».

Trang viên Monet Giverny được phục hồi gần như cũ

« Suốt đời mình, Claude Monet đi du lịch rất nhiều. Ông cũng tới vẽ ở thành phố Le Havre và Vétheuil trước khi đến sống tại Giverny. Ông đã sống ở Vétheuil với người vợ đầu tiên, Camille Doncieux. Và ông biết Giverny khi đi ngang qua đây. Ông thấy khu nhà cho thuê, vì mê vùng này, nên ông quyết định thuê khu trang trại và sau này mua lại để biến thành khu vườn riêng nơi mọi loài hoa, đặc biệt là ao hoa súng trở thành tác phẩm của đời ông. Họa sĩ vẽ những bức tranh hoa súng khổ rộng và lớn hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Orangerie ở Paris. Giverny là toàn bộ cuộc đời ông ! »

Toàn bộ danh thắng được chia ra thành ba khu vực : ngôi nhà chính, khu vườn thượng "Le Clos normand" ngay trước nhà và khu thủy trang "Le Jardin d’eau" (còn gọi là vườn Nhật Bản) với đầm hoa súng nổi tiếng.

Nhờ những bức ảnh cũ và tài liệu lưu trữ, mọi chi tiết, từ cách bài trí đến nội thất, được tái dựng đúng như trong thập niên 20 của thế kỷ XX, chỉ trừ tầng hai của ngôi nhà, được coi là không gian riêng nên không được chụp ảnh như tầng một. Chính vì vậy, theo một nhân viên tại đây, cách bài trí trong các phòng ngủ chỉ được tái hiện đúng khoảng 70-80% so với trước đây.

Tầng hai có hai phòng tắm và ba phòng ngủ chính, một của hoạ sĩ, hai phòng còn lại là của Alice và Blanche. Alice Hoschedé từng là người tình khi hoạ sĩ đã kết hôn với Camille Doncieux. Năm 1892, họ thành hôn sau khi Camille qua đời năm 1879. Blanche là con gái riêng của Alice Hoschedé, năm 1897 trở thành con dâu của Claude Monet sau khi kết hôn với người con trai cả Jean Monet danh hoạ với người vợ đầu. Blanche được danh hoạ thương yêu nhất và coi như con gái ruột. Bà cũng là người chăm sóc Claude Monet trong suốt thời gian danh hoạ bị bệnh tật đến lúc qua đời.

Phòng ngủ của Claude Monet cũng trở thành phòng triển lãm tranh của nhiều hoạ sĩ đương thời mà ông ưa thích, đồng thời cũng là những người bạn thân thiết cùng ông sánh bước trong cuộc phiêu lưu ấn tượng, từ Pierre-Auguste Renoir đến Cézanne hay những người luôn cổ vũ Monet, như Signac.

Tầng một của ngôi nhà gồm những căn phòng sinh hoạt hàng ngày. Phòng khách mầu xanh dương được treo đầy những bức tranh khắc của các danh họa Nhật Bản - trào lưu được ưa chuộng vào đầu thế kỷ XX và được Claude Monet say mê sưu tầm. Bộ sưu tập mang hơi hướng Đông Phương giúp hoạ sĩ thả hồn mơ đến Nhật Bản, xứ sở mà ông chưa một lần đặt chân tới.

Đi xuống vài bậc thang gỗ là một phòng khách khác đồng thời là xưởng vẽ đầu tiên của họa sĩ. Bản sao 59 tác phẩm của Claude Monet được treo đúng vị trí như lúc ông còn sống. Sau khi phân tích nhiều bức ảnh chụp từ 1915 đến 1920 và nghiên cứu tỉ mỉ lịch sử những tác phẩm của hoạ sĩ, các chuyên gia đã xác định được một cách chắc chắn những bức họa nào từng được trưng bày tại Giverny vào năm 1920.

Các bản sao hiện đang được trưng bày tại đây là kết quả làm việc của Phòng tranh Troubetzkoy dựa trên những tác phẩm gốc nằm tản mát trong các bộ sưu tập của nhà nước hay tư nhân trên khắp thế giới. Toàn bộ dự án sao chép tranh được hoàn thiện nhờ tài trợ của hội "Versailles Foundation, Inc.-Claude Monet-Giverny" New York.

Ngoài ra, ở tầng một của ngôi nhà còn có một căn phòng lớn chứa hương liệu có nguồn gốc từ khắp thế giới, một gian nhà bếp với cách bài trí hiện đại và được lát gạch men Rouen cùng với một phòng ăn sơn vàng rực rỡ.

Hai khu vườn, nguồn cảm hứng sáng tác của Monet

"Le Clos normand", khu vườn ngay trước nhà, được Monet thiết kế theo kiểu Pháp, thay vì theo trường phái Anh đang thịnh hành vào đầu thế kỷ XX. Các luống hoa trổ đầy hoa đuôi diều (iris) và hoa tuy-lip, hai trong số những loài hoa ưa thích của danh họa.

Mỗi một góc vườn của Monet là một bức họa điểm đầy mầu sắc của các loài hoa được trồng xen kẽ. Lối đi giữa vườn phủ đầy bông hồng leo, những giống hoa rất hiếm trồng xen lẫn những nụ tầm xuân. Monet thích nhất là những loài hoa có mầu sắc sặc sỡ, để mọc tự nhiên, không tỉa tót, tạo hiệu ứng um tùm hoang dại mà người xem thường cảm nhận được trong các tác phẩm của danh họa.

Đam mê hội họa Nhật Bản của Monet như được nhân đôi khi khu vườn của ông được mở rộng và được biến thành một “thủy viên Nhật Bản”, phủ đầy tre và liễu, mà ao hoa súng là tâm điểm của nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều bức tranh nổi tiếng, trong đó có loạt tranh mang tên "Hoa súng" "Chiếc cầu Nhật Bản".

Được dựng vào năm 1893, chiếc cầu e ấp dưới bóng hoa tử đằng (glycines) được Monet thường xuyên tái hiện dưới nhiều góc độ, qua nhiều mùa khác nhau trong loạt tác phẩm về “Cầu” trong suốt giai đoạn từ năm 1899 đến năm 1918, cho đến khi hình ảnh cây cầu biến mất trong sắc màu hoang dã rực lửa đến trừu tượng.

Theo người phụ trách an ninh, tại khu vườn này, từ người thợ làm vườn đến nhà quản lý đều cố hết sức để du khách được đắm chìm đúng như quang cảnh khi danh họa còn sống.

« Có chín thợ làm vườn chăm sóc khu vườn này suốt ngày. Họ trồng các loại cây trong vườn kính, chúng tôi có những khu nhà kính rất lớn. Chúng tôi ươm hoa và dĩ nhiên là mua nhiều loại củ giống từ Hà Lan, trong đó có củ hoa tuy-líp…

Đây là một công việc liên tục, vì vậy thợ làm vườn làm việc suốt ngày. Khu vườn luôn trổ hoa, như các bạn thấy ! Đây cũng là một công việc cần kiên trì và say mê, vì ngay khi mùa hoa nở kết thúc, là đến lúc phải trồng lại cây và chăm cho cây trổ bông để phục vụ du khách, nhưng cũng là mục đích của Claude Monet khi làm khu vườn này vào thời kỳ đó ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn