Pháp: Nhà văn Maurice Genevoix được đưa vào điện Panthéon

Thứ Năm, 12 Tháng Mười Một 20202:00 SA(Xem: 3908)
Pháp: Nhà văn Maurice Genevoix được đưa vào điện Panthéon
rfi.fr

Pháp: Nhà văn Maurice Genevoix được đưa vào điện Panthéon

Mai Vân

Nhà văn Pháp Maurice Genevoix. Ảnh tư liệu chụp ngày  27/02/1979.

Nhà văn Pháp Maurice Genevoix. Ảnh tư liệu chụp ngày 27/02/1979. AFP - GEORGES BENDRIHEM

Các nghi lễ truyền thống của ngày 11/11 năm nay tại Pháp được đánh dấu bằng kỷ niệm 100 năm ngày chôn cất người Chiến Sĩ Vô Danh. Nhân dịp này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đồng thời chủ trì lễ đưa nhà văn Maurice Genevoix vào điện Panthéon, nơi vinh danh các vĩ nhân của nước Pháp.

Điểm nổi bật đầu tiên của ngày "lễ Đình Chiến", kỷ niệm 102 năm ngày ký kết hiệp định chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ I, là buỗi lễ ngay dưới Khải Hoàn Môn Paris lúc 11 giờ sáng, nơi mà cách nay đúng 100 năm, ngày 11/11/1920, quan tài của người lính vô danh được đón nhận trọng thể.

Buổi lễ này sẽ khép lại chu kỳ kỷ niệm 100 năm ngày chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến, bắt đầu từ năm 2018, đã lần lượt đưa tổng thống Pháp đến các địa điểm diễn ra các trận đánh lớn ở phía đông và phía bắc nước Pháp. Chính nhân dịp ghé thăm Eparges, một ngôi làng nhỏ gần Verdun, miền đông bắc nước Pháp, mà tổng thống Macron đã thông báo việc đưa nhà văn Maurice Genevoix vào điện Pantheon.

Nhà văn Pháp, đồng thời là một chiến sĩ, đã bị thương nặng trên chiến trường ngày 25/04/1915 trong một trận giao tranh ác liệt. Trong tác phẩm của mình, ông đã ghi lại hồi ức của các chiến sĩ thời đó, kể lại cuộc sống trong chiến hào trong bộ sách “Những người của năm 14” (Ceux de 14).

Việc đưa nhà văn Maurice Genevoix, qua đời năm 1980, vào điện Panthéon trong một buổi lễ trang trọng vào chiều tối nay được đánh giá là sự tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn đối với các chiến sĩ thời Đệ Nhất Thế Chiến.

Trong buổi lễ, sáu tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ tạo hình người Đức Anselm Kiefer sẽ được khánh thành, những tác phẩm mới đầu tiên được đặt ở Panthéon từ một thế kỷ nay. Buổi lễ được đánh dấu bằng một tác phẩm âm nhạc cùa nhạc sĩ Pascal Dusapin, phối hợp một bản hợp xướng với bản ghi âm tên của 15.000 người lính đã hy sinh trong chiến tranh, đại diện cho tất cả những người đã ngã xuống vì đất nước.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn