Tưởng niệm tác giả Françoise Dorin

Thứ Hai, 05 Tháng Hai 201810:00 CH(Xem: 4733)
Tưởng niệm tác giả Françoise Dorin
Tưởng niệm tác giả Françoise Dorin
 
Françoise Dorin tại nhà hát Théâtre Antoine, ảnh chụp tháng 10/1974AFP

Bạn có biết đâu là điểm chung giữa Dalida, Claude François, Guy Mardel và Céline Dion ? Tất cả các ca sĩ này đều đã từng ghi âm ít nhất là một lần trong đời ca khúc do tác giả Françoise Dorin đặt lời. Nhà văn này đã qua đời ngày 12/01/2018 vừa qua, hưởng thọ 89 tuổi.

Sinh trưởng tại Paris (1928-2018), Françoise Dorin xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Thân phụ của bà là ca sĩ kiêm diễn viên (René Dorin), anh trai là kịch tác gia (André Dorin), Jean Piat chồng của bà cũng là một diễn viên kịch nghệ nổi tiếng thuộc nhà hát quốc gia (Comédie Française). Giới trẻ ở Pháp ít biết đến diện mạo của Jean Piat nhưng lại rất quen thuộc với giọng nói của ông bởi vì trong số các bộ phim Anh Mỹ được ông lồng tiếng, có vai phù thủy Gandalf của loạt phim Chúa tể các Chiếc Nhẫn (Lord of the Rings).

Vào nghề đóng kịch từ lúc mới trưởng thành theo sự hướng dẫn dìu dắt của ông bố, Françoise Dorin từng là bạn diễn trên sân khấu với Michel Piccoli và Roger Hanin, nhưng bà cảm thấy hứng thú hơn trong vai trò của một tác giả. Bà bắt đầu công việc sáng tác : soạn kịch bản, viết tiểu thuyết và một cách thật là ngẫu nhiên, bà chấp bút đặt lời cho các ca khúc.

Trong số các bài hát ăn khách mà Françoise Dorin từng là đồng tác giả có nhạc phẩm N’avoue Jamais của Guy Mardel. Nam ca sĩ từng ghi âm bài này, đại diện cho nước Pháp nhân kỳ thi hát truyền hình châu Âu Eurovision vào năm 1965. Theo lời kể của Guy Mardel (tên thật là Guy Elkoubi), anh gặp bà Françoise Dorin năm anh mới 19 tuổi, lúc ấy anh vừa mới đỗ vào trường luật, chuẩn bị cho kỳ học bốn năm.

Nhạc phẩm N’avoue Jamais ra đời từ sự hợp tác này và về hạng ba trên số 18 ca khúc tranh giải Eurovision, giải nhất năm 1965 về tay France Gall với bài Poupée de Cire Poupée de Son. Tuy vậy, nam ca sĩ Guy Mardel vẫn tiếp tục đại điện cho nước Pháp trong các cuộc thi quốc tế. Sau khi về đầu tại các liên hoan ca nhạc ở Nhật, Brazil và Tây Ban Nha, Guy Mardel đã bán gần ba triệu bản ca khúc N’avoue Jamais ghi âm trong 4 thứ tiếng. Còn Françoise Dorin trở thành một tác giả nổi tiếng từ giữa những năm 1960 trở đi.

Trong suốt nửa thế kỷ sự nghiệp, bà Françoise Dorin đã sáng tác trên dưới 50 tác phẩm trong đó có 25 quyển tiểu thuyết và 30 vở kịch. Tên tuổi của bà trở thành một hiện tượng trong vòng hai thập niên 1970 và 1980, đặc biệt trong làng kịch nói. Hầu hết các vở kịch của tác giả này trong thời kỳ huy hoàng nhất đã quy tụ những diễn viên Pháp nổi tiếng hàng đầu sân khấu kịch nghệ thời bấy giờ như Jacqueline Maillan, Edwige Feuillère, Michèle Morgan, Jean Claude Brialy, Michel Serrault hay Jacques Dufilho ….. nhờ vậy mà vào năm 1984, bà Françoise Dorin đoạt giải thưởng lớn dành cho các nhà soạn kịch do Hiệp hội các tác giả ở Pháp trao tặng (SACD).

Lúc sinh tiền, bà Françoise Dorin cũng đã viết lời cho hơn 200 ca khúc của nhiều nhà soạn nhạc khác nhau, kể cả việc phóng tác lời tiếng Pháp cho các bản nhạc ngoại, hay đặt thêm lời Pháp cho nhạc phim chẳng như bài Vũ điệu của Zorba (La danse de Zorba) qua tiếng hát của Dalida. Từ giữa những năm 1960 trở đi, nhiều nghệ sĩ Pháp như Claude François, Juliette Gréco, Richard Anthony, Marie Laforêt, Line Renaud, Michel Legrand ….. đều có nhờ đến cái tài đặt lời của bà. Mãi tới những năm sau này, Françoise Dorin vẫn tiếp tục sáng tác, đặc biệt là hai ca khúc chủ đạo viết cho Céline Dion vào năm 2007, cô ghi âm hai ca khúc này trên một album chuyên đề (D’elles) vinh danh các nữ tác giả.

Theo lời kể của gia đình, bà Françoise Dorin đến với việc đặt lời cho ca khúc một cách ngẫu nhiên tình cờ. Thời còn trẻ, bà đã sáng lập một ban tam ca (nhóm Les Filles à Papa, gọi là con nhà lành nhưng thật ra chuyên trình bàycác bài hát đan xen nghĩa thanh lẫn nghĩa tục). Trong nhóm tam ca này có cô ca sĩ Suzanne Gabriello, người yêu của nam danh ca Jacques Brel, thời kỳ ông ăn khách với nhạc phẩm

Khi ta chỉ có tình yêu (Quand On a que l’Amour). Chính Jacques Brel đã phát hiện ra cái tài đặt lời của bà Françoise Dorin và tiên đoán rằng bà sẽ nổi danh sau này trong làng nhạc trong vai trò của một tác giả, điều mà bản thân bà Françoise Dorin không hề tin bởi vì lúc ấy bà đeo đuổi ngành kịch nói.

Vài năm sau, bà Françoise Dorin thành công cùng lúc với hai sáng tác : ngoài bản nhạc N’avoue Jamais của Guy Mardel còn có tình khúc Venise ơi sao buồn quá mà bà đã viết trên điệu nhạc của Aznavour. Theo lời ông Azanvour, bà Françoise Dorin đã viết hai lời khác nhau cho ca khúc này. Aznavour đã ghi âm cả hai phiên bản, nhưng Venise ơi sao buồn quá được xem như là bài ưng ý hơn cả.   Trong tiếng Tây Ban Nha (Venecia Sin Ti) hay tiếng Anh (How sad Venice can be), bản nhạc này nhờ ngòi bút của hai tác giả từng bị chê là không hợp thời, lại đi vòng quanh thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn