GS.TS Trần Văn Khê giải mã tài năng âm nhạc : “Quái kiệt” Trần Văn Trạch, người làm náo động cả Sài Gòn

Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng 20182:30 SA(Xem: 5149)
GS.TS Trần Văn Khê giải mã tài năng âm nhạc : “Quái kiệt” Trần Văn Trạch, người làm náo động cả Sài Gòn
Như đã biết, Trần Văn Khê là anh cả trong gia đình có 3 anh em, hai người còn lại là Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương. Giống như người anh cả Trần Văn Khê, hai người em cũng lớn lên trong môi trường âm nhạc của gia đình, về sau đều thành danh. Đặc biệt là người em kế Trần Văn Trạch, tuy kém anh mình ở học hàm, học vị, nhưng cũng đủ sức làm náo động cả Sài Gòn suốt thời gian dài bằng tài năng nghệ thuật của mình.


7.1_FZII

Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương thời trẻ
(Ảnh từ trái qua).

“Khê anh » và “Khê em »

Trần Văn Trạch sinh năm 1924, nhỏ hơn Trần Văn Khê 3 tuổi. Thuở nhỏ, cũng giống như anh mình, Trần Văn Trạch theo học tiểu học ở Collège de Mỹ Tho (Trường Trung học Mỹ Tho) cho tới năm 18 tuổi (1942) thì rời ghế nhà trường. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã có năng khiếu về âm nhạc, lại được người cô ruột là cô Ba Viện chỉ dạy, nên ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Ông còn học đàn mandoline với anh ruột Trần Văn Khê và học đàn violon với người anh họ Nguyễn Mỹ Ca. Ở tuổi thiếu niên, ông đã biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.

Kể về đứa em kế của mình, GS.TS Trần Văn Khê viết:

“Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm. Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi « Trạch ơi!» là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên thấy khó chịu, nên qua xin ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà”. Từ đó, dù trong sổ bộ vẫn tên Trần Văn Trạch, nhưng cậu bé Trạch được gọi cái tên mới là “Khê em”, còn Trần Văn Khê là “Khê anh”. Trong gia đình và cả làng Vĩnh Kim, ai nấy đều gọi 2 anh em là “Khê anh” và “Khê em”.

GS.TS Trần Văn Khê kể tiếp:

“Tuy chúng tôi cách nhau 3 năm, chúng tôi không rời nhau, như anh em sinh đôi. Tối đi ngủ, sáng thức dậy một lượt, cùng ăn lót lòng giống nhau, môt gói bắp nấu, một gói xôi đậu hay xôi nếp than có dừa nạo muối mè. Mỗi buổi ăn, ngồi gần nhau, đi tắm sông, tập đi xe đạp, học võ Thiếu Lâm với anh ba Thuận con của cậu năm Khương, cả khi đi tiểu, đi tiêu cũng đều cùng một lúc”.

Sau khi Trần Văn Khê lên Sài Gòn học Trường Petrus Ký rồi ra Hà Nội học ngành y, Trần Văn Trạch cũng rời quê hương lên Sài Gòn đi theo nghiệp âm nhạc. Nhưng chỉ hơn năm sau, tại quê nhà, cô Ba Viện (như là mẹ ruột của 3 anh em Trần Văn Khê) lâm trọng bệnh. Vì chữ hiếu, “Khê em” phải bỏ giữa chừng mọi dự tính, trở về quê lo tròn chữ hiếu. GS.TS Trần Văn Khê kể:

“Khi cô tôi đau nặng, bịnh lao đã tới thời kỳ thứ ba, trắc nghiệm trong đàm đã thấy có vi trùng Koch. Cô tôi có một người giúp việc rất trung thành, tình nguyện nuôi cô tôi lúc đau ốm. Nhưng Trạch, nhứt định bỏ cả công việc về làng Vĩnh Kim, vừa tìm việc làm ăn hùn hiệp với một người anh họ để làm lò chén vừa để mỗi ngày đạp xe lôi đưa cô tôi đi hứng gió ở ngã ba chim chim, cách nhà cô tôi đang ở hơn 1 cây số. Trạch thuê đóng một chiếc xe lôi có ghế nệm, mỗi ngày khi mặt trời xế bóng về chiều, Trạch đạp xe đạp, đưa cô tôi đi hứng gió…”.

Lúc đó, ở Mỹ Tho, có một gia đình người Pháp làm công chức. Người Pháp này có cảm tình với cậu học sinh đàn hay, hát giỏi Trần Văn Trạch. Lúc Nhật đảo chính Pháp năm 1945, ông người Pháp bị bắt lên tập trung tại Sài Gòn. Trước khi đi, ông gởi gắm gia đình nhờ Trạch trông nom. Ông có một cô gái lớn rất đẹp và trai tài gái sắc đã gặp nhau, cuộc tình dẫn đến sự ra đời của một đứa bé. Khi phong trào Việt Minh nổi dậy, Trần Văn Khê gia nhập Thanh niên cứu quốc. Trần Văn Trạch dắt cô vợ Pháp và đứa con nhỏ vào vùng kháng chiến tìm anh. Để rồi sau khi gặp anh ở Cần Thơ, Trần Văn Trạch được vào Đội quân nhạc Nam bộ và hai anh em sống lại cuộc đời thuở nhỏ, cùng ăn một mâm, cùng ngủ dưới một mái nhà.


7.2_kmzb

“Quái kiệt” Trần Văn Trạch.

Người khai sinh nhạc hài hước

Sau khi Nhật đầu hàng trong Thế chiến 2, quân đội Pháp trở lại Việt Nam, những phòng trà ở Sài Gòn được phép mở cửa trở lại. Trần Văn Trạch trở về Sài Gòn xin vào làm hoạt náo và hát tại Dancing Théophile ở vùng Dakao. Sau đó, ông mở một phòng trà nhỏ ở đường Lagrandìere (nay là đường Lý Tự Trọng, TPHCM). Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán ca nhạc tại khu Bàn Cờ (nay thuộc quận 3, TPHCM). Nhằm câu khách, ông Trạch thường hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe, nên ông được bạn bè đặt cho một cái tên rất Tây là Tracco. Trong thời gian cùng anh trai đi theo ban nhạc quân đội, Trần Văn Trạch có quen nhạc sĩ Lê Thương. Nhìn thấy Trần Văn Trạch tiềm ẩn nét duyên pha lẫn chất hài, Lê Thương viết thử bài ca hài cho bạn trình diễn. Đó là bài « Hòa bình 48 », Trạch hát nhái tiếng đại bác, tiếng máy bay ném bom… Trạch trình diễn thành công, Lê Thương nổi hứng viết tiếp bài « Liên Hiệp Quốc » hát bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Tàu; rồi bài « Làng báo Sài Gòn » phê bình các nhà báo nói láo ăn tiền, chạy theo thực dân Pháp… cũng do ông Trạch hát. Vì những bài hát này mà Lê Thương và Trần Văn Trạch có lần bị cảnh sát bắt giam ở bót Catinat mấy ngày.

Năm 1949, Trần Văn Trạch đã nảy ra ý nghĩ mở đại nhạc hội – một chương trình văn nghệ tổng hợp bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật… Trần Văn Trạch chinh phục được nhiều khán giả trên khắp mọi miền, kể từ đó cái tên “đại nhạc hội” trở nên phổ biến. Năm 1951, bắt đầu từ rạp Nam Việt, ông Trạch đưa ca nhạc vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được nhiều người xem hoan nghênh và cụm từ « chương trình văn nghệ phụ diễn » cũng ra đời từ đó. Trần Văn Trạch cũng sáng tác ra những bản nhạc hài hước để tự mình trình diễn. Bản nhạc « Anh phu xích lô » là sáng tác đầu tiên của ông. Ông viết tiếp những bài hát hài « Cái tê-lê-phôn », « Cái đồng hồ tay », « Cây bút máy », « Anh chàng thất nghiệp», « Sở vòi rồng », « Đừng có lo », « Tôi đóng xinê », « Chiếc ôtô cũ », « Chiến xa Việt Nam »… Bài nhạc nào của ông cũng làm người nghe bật cười, thích thú về chất duyên, hài hước của ca từ, giai điệu và cách diễn xuất của chính tác giả.

“Quái kiệt” đa tài

Ngoài nghiệp ca hát và sáng tác, Trần Văn Trạch còn cộng tác với nền điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn phôi thai. Năm 1955, ông cộng tác với hãng phim Mỹ Phương bên Pháp, sản xuất được hai cuốn phim là « Lòng nhân đạo » (1955) và « Giọt máu rơi » (1956). Cả hai phim này ông đều đóng chung với nghệ sĩ Kim Cương. Sau khi rời hãng phim trên, Trần Văn Trạch cộng tác với người Hoa ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt Thanh và tự làm đạo diễn cho hai cuốn phim về truyện cổ tích Việt Nam, đó là « Thoại Khanh – Châu Tuấn » (1956, với Kim Cương và Vân Hùng) và « Trương Chi – Mỵ Nương » (1956, đóng chung Trang Thiên Kim, La Thoại Tân).

Năm 1961, sau một chuyến lưu diễn 6 tháng ở Pháp, ông trở về Sài Gòn với một tiết mục mới là màn múa rối học được ở Pháp. Đồng thời, người yêu nhạc Sài Gòn lấy làm thích thú giọng hát Trần Văn Trạch với bài hát “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo kiểu sound track (phần nhạc do ban nhạc của Pháp thu sẵn trên băng nhựa). Bài « Chiều mưa biên giới» với giọng hát Trần Văn Trạch đã đứng vững trong làng tân nhạc Sài Gòn suốt mười mấy năm, hầu như không có ca sĩ nào ở Sài Gòn hát bài này qua Trần Văn Trạch. Năm 1965 đến đầu năm 1975, Trần Văn Trạch còn là « ông bầu », chuyên tổ chức những chương trình nhạc trẻ. Khoảng giữa thập niên 1960, bắt đầu từ một bài báo, biệt danh “Quái kiệt Trần Văn Trạch” đã xuất hiện ở Sài Gòn, gắn liền với người nghệ sĩ đa tài mà mỗi lần xuất hiện đều làm náo động sàn diễn.

Hầu hết người Sài Gòn và cả miền Nam không thể nào quên bài hát “Xổ số kiến thiết quốc gia” do chính Trần Văn Trạch sáng tác và hát mỗi chiều thứ bảy, khi Đài Phát thanh Sài Gòn phát sóng trực tiếp chương trình xổ số kiến thiết hàng tuần. Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, phong trào chơi vé số, kèm theo đó là nạn chơi số đề, nở rộ khắp Sài Gòn và cả miền Nam. Bài hát “Xổ số kiến thiết quốc gia” qua giọng hát thu hút của Trần Văn Trạch như thêm thôi thúc người dân đến với xổ số và số đề:

“Kiến thiết quốc gia/ Giúp đồng bào ta/ Xây đắp muôn người/ Được nên cửa nhà/ Tô điểm giang san/ Qua bao lầm than/ Ta thề kiến thiết/ Trong giấc mộng vàng/ Triệu phú đến nơi/ Chỉ mười đồng thôi/ Mua lấy xe nhà/ Giàu sang mấy hồi…”.

Tháng 12.1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Paris (Pháp), ông tiếp tục có những năm tháng sống gần gũi với anh trai là GS.TS Trần Văn Khê. Từ đó trở đi, Trần Văn Trạch gần như chia tay với hoạt động nghệ thuật, xoay ra làm nghề khác để kiếm sống. Trần Văn Trạch mất ngày 12.4.1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetìere Intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris. Ngày ông qua đời, người anh trai là GS.TS Trần Văn Khê đang ở Việt Nam để sưu tầm âm nhạc truyền thống dân tộc. GS.TS Trần Văn khê đã tức tốc bay về Paris làm chủ tang cho đứa em ruột thịt của mình, đứa em đã từng gắn bó với ông trong những ngày niên thiếu và cùng đi chung với ông trên con đường nghệ thuật thênh thang.

-https://tranvankhe-tranquanghai.com/2018/01/06/giai-ma-tai-nang-am-nhac-gs-ts-tran-van-khe-quai-kiet-tran-van-trach-nguoi-lam-nao-dong-ca-sai-gon/
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn