Thêm một giải thưởng cho thi sĩ Ocean Vương, lần này là giải lớn TS Eliot

Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 201811:00 CH(Xem: 5216)
Thêm một giải thưởng cho thi sĩ Ocean Vương, lần này là giải lớn TS Eliot

oceanvuong1

Ocean Vương sinh ngày 14 tháng Mười, 1988 ở Sài Gòn. Sau khi trở thành nhà thơ, nhà viết tiểu luận, các tác phẩm của anh đều được trao những giải thưởng rất có uy tín. Năm 2014, anh được trao giải Ruth Lilly/Sargent Rosenberg. Cũng trong năm đó, anh được trao giải Pushcart Prize. Năm 2016, anh được trao giải Whiting Award. Và năm nay, một lần nữa vinh dự lại đến với anh khi anh được trao giải TS Eliot.
Phản ảnh về hậu quả của chiến tranh qua ba thế hệ, tập thơ đầu tiên của Ocean Vương, 29 tuổi, “Night Sky With Exit Wounds,” được trao giải Forward Prize cho hạng mục tập thơ đầu tay hay nhất.

Tập thơ này cũng được trao giải Whiting và Thom Gunn, và được nhà phê bình Kate Kellaway (Observer) đánh giá rất cao. Trong mục phê bình thơ, Kate Kellaway miêu tả tập thơ là “con đường dẫn cho một cuộc đời mà trong đó sự bạo lực và tính nhạy cảm luôn va chạm nhau.” Nhà phê bình Michiko Kakutani (New York Times) cũng ca ngợi tính chính xác trong việc sử dụng từ ngữ “gợi nhớ tới một tác phẩm của Emily Dickinson. Không chỉ vậy, âm thanh và nhịp điệu trong từng câu, từng đoạn cũng mang hơi hướm của Gerard Manley Hopkins.”

Nay Ocean Vương trở thành nhà thơ mới thứ nhì giành được giải TS Eliot, một giải rất cao quí trong thi ca viết bằng tiếng Anh. Hai năm trước cô Sarah Howe trở thành người đầu tiên giành giải cho tập thơ đầu tay “Loop of Jade” năm 2016.

Trước khi công bố Ocean Vương là người thắng giải tại buổi lễ được tổ chức ở tòa nhà Wallace Collection tại thủ đô London vào tối thứ Hai, 15 tháng Một, 2018, chủ tịch ban giám khảo ông Bill Herbert gọi tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” là tập thơ đầu tiên nhưng được viết rất chắc tay, tất cả các bài thơ trong tập này đều vang lên một âm hưởng đáng kể. Theo ông Bill Herbert, “Có một sức mạnh đáng kinh ngạc qua những câu chuyện được trải ra trong tập thơ này. Có một điều bí ẩn trong tâm hồn cuốn sách về nghiệp chướng của thế hệ. Nhà thơ di dân này luôn có một mối quan hệ với quá khứ, mối quan hệ với phụ thân và với cả giới tính của anh. Tất cả những điều đó được thể hiện qua một số hình ảnh quá tuyệt diệu. Quan điểm về thế giới trong cuốn sách này thực sự đáng ngưỡng mộ.”

Tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” của Ocean Vương được ban giám khảo ba người gồm Bill Herbert, James Lasdun và Helen Mort, chấm hạng nhất trong một danh sách gồm mười thi sĩ được đề cử. Ban đầu, danh sách này bị một số người chỉ trích, cho là thiếu sự đa dạng. Ocean Vương là người duy nhất không-phải-da-trắng có tên trong danh sách, mặc dù 2017 là năm có nhiều nhà thơ da màu được đề cử và giành được nhiều giải thơ lớn khác.

Sinh ra ở Sài Gòn, mới một tuổi đầu, Ocean Vương phải sống một năm trong trại tị nạn, và cùng gia đình định cư ở New York khi anh mới hai tuổi. Từ đó cho tới nay, anh được mẹ, bà ngoại và người dì nuôi dưỡng. Hai khía cạnh của đời anh – giới tính và sự vắng mặt của phụ thân – được tái diễn trong tác phẩm của anh, với một số bài thơ gợi lên huyền thoại Hy Lạp nhằm khám phá vai trò của người cha và con trai.

Trò chuyện với báo Anh Guardian vào năm ngoái, Ocean Vương nhận xét, “Thần thoại Tây phương luôn có trách nhiệm với người cha, hoặc buộc người cha phải có trách nhiệm với con trai mình. Cá nhân tôi luôn tự hỏi cha tôi là ai. Giống như nhân vật Homer, tôi cảm thấy mình nên tạo ra một người cha cho riêng mình thì tốt hơn.”

Ocean Vương hiện nay sống ở tiểu bang Massachusetts, và làm phụ tá giáo sư cho chương trình MFA về Nhà Thơ và Nhà Văn của Đại học Massachusetts, thành phố Amherst. Chỉ mới ngoài 20, anh đã nếm được hương vị ngọt ngào của nền thi ca Hoa Kỳ. Ban đầu anh gởi tập thơ “Night Sky With Exit Wounds” tới một cuộc thi mà anh tin chắc rằng tất cả những người tham dự đều không trúng giải. Nhưng anh tự khích lệ mình, “Nếu không trúng thưởng thì cũng chẳng có gì mà tự ái. Biết đâu thất bại là mẹ thành công. Biết đâu nhờ vậy mà mình có thêm những ý tưởng mới.” Anh thực sự không ngờ là mình được giao giải nhất.

Sau khi được trao giải Forward Prize, Ocean Vương nói với phóng viên Guardian rằng anh nghi ngờ chứng khó đọc là một căn bệnh di truyền của gia đình. Trong nhà, anh là người duy nhất biết viết chữ, nhưng anh cảm thấy điều đó ảnh hưởng tích cực đến tác phẩm của anh. Ocean Vương nói, “Tôi nghĩ tình trạng khuyết tật có thể có ích đối với tôi, vì tôi viết rất chậm và xem từ ngữ là đối tượng để chinh phục. Tôi luôn cố gắng tìm kiếm từ ngữ ẩn náu bên trong từ ngữ. Thật là tuyệt vời khi tôi phát hiện ra tiếng cười (laughter) lại ẩn náu trong lò sát sinh (slaughter).”

Để đánh dấu lần thứ 25 của giải thưởng TS Eliot, Ocean Vương được trao món tiền thưởng lên tới 25,000 bảng Anh (gần $28,000) – năm ngoái chỉ có 20,000 bảng Anh.

Ngoài ra, khuôn mặt của anh sẽ được in trên con dấu đặc biệt của Bưu Điện Hoàng Gia Anh Quốc. Tham gia vào danh sách những người thắng giải trước đây, trong đó có cả Don Paterson, Ted Hughes, Sharon Olds và Carol Ann Duffy, Ocean Vuong cũng là nhà thơ đầu tiên được giới thiệu vào kho lưu trữ giải thưởng của TS Eliot mới, được thiết lập để bảo vệ tiếng nói của các nhà thơ thắng giải online cho hậu thế. Giải thưởng được Hiệp Hội Sách Thơ sáng lập vào năm 1993, và hiện nay đang được TS Eliot Foundation điều hành.

đầu-đi-trước

Con chẳng biết sao?
Tình yêu của một người mẹ
bất kể danh dự
như ngọn lửa
mặc kệ tiếng kêu gào
trong cơn đốt phá.

Con trai yêu,
ngay cả ngày mai con sẽ có hôm nay.
Con chẳng biết sao?

Có những người đàn ông sờ vú đàn bà
như cách họ sờ đầu những sọ người.
Những người đàn ông
khiêng giấc mơ băng qua núi đồi,
cõng theo xác chết sau lưng họ.

Nhưng chỉ có người mẹ
có thể bước đi với sức nặng
của nhịp đập trái tim thứ hai.

Con trai ngốc,
con có thể lạc lối trong từng trang sách
nhưng đừng bao giờ quên chính mình
kiểu ông trời đã từng quên
bàn tay của chính ông.

Khi người ta hỏi
con đến từ đâu,
hãy cho họ biết tên con
được xẻ thịt từ cái miệng sún
của người đàn bà phôi thai từ chiến tranh.
Rằng con không được sinh ra
mà bò ra, đầu đi trước
– bò vào trận đói khát của đàn chó.

Con trai, nói cho họ biết
thân thể là lưỡi dao được mài nhọn
qua từng vết cắt.
(Lê Hòa Bình trích dịch)

lằn ranh

Trong cơ thể, nơi mọi thứ đều có cái giá riêng
tôi là một gã hành khất. Đầu gối tôi quỳ,
mắt tôi nhìn qua lỗ khóa, không phải
người đàn ông đang tắm, mà là
cơn mưa rơi ngang ông;

những dây đàn ghi-ta vút lên
trên bờ vai bầu. Ông đang hát,
vì thế tôi nhớ phút giây ấy.

Tiếng hát ông
– ăn sâu vào tâm khảm
vào xương tủy.
Tận đáy lòng,
tên tôi quỳ xụp xuống,
cầu xin sự lượng thứ.

Ông hát. Tôi chỉ nhớ có thế.
Bởi trong cơ thể nơi mọi thứ đều có cái giá
của nó, tôi sống dậy, không hề biết
có một nguyên nhân khác hơn.
Sáng hôm ấy, cha tôi bỗng ngừng lại
con lừa đen ngừng lại dưới cơn mưa,
nghe ngóng
hơi thở tôi nín chặt sau cửa.

Tôi đã không biết cái giá phải trả
khi bước vào khúc hát đó – là mãi hoài
mất đi lối về.

Thế là tôi bước vào. Thế là mất.
Mất tất cả
trong khi cặp mắt tôi
đang dương to.
(Lê Hòa Bình trích dịch)

Theo Báo Viễn Đông

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn