"Ecole de Barbizon", tiền thân của Hội họa Ấn tượng Pháp

Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20189:00 CH(Xem: 5340)
"Ecole de Barbizon", tiền thân của Hội họa Ấn tượng Pháp
 
Des Glaneuses (Người phụ nữ đi mót lúa, 1857), tác phẩm của Jean-François Millet, trưng bày tại bảo tàng Orsay, Paris.CC/Musée d'Orsay

Vùng ngoại ô Paris Ile-de-France nổi tiếng là xưởng vẽ ngoài trời, là dấu ấn ghi lại tinh thần sục sôi sáng tạo của thế hệ họa sĩ Trường phái Ấn tượng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Với lợi thế gần kinh đô Ánh sáng Paris, hệ thống đường sắt phát triển, một số ngôi làng dọc bờ sông Seine và sông Oise trở thành nàng thơ thu hút ngày càng nhiều họa sĩ từ các tỉnh và nước ngoài, bắt đầu từ Jean-Baptiste Camille Corot.

Một Auvers-sur-Oise, bên bờ sông Oise phía bắc Paris, nổi tiếng vì gắn liền với 70 ngày cuối đời của danh họa Van Gogh (1853-1890). Một Pontoise, cũng bên bờ sông Oise, hiện lên lung linh trong những bức tranh của Camille Pissaro (1830-1903). Hoặc một Giverny, bên dòng sông Seine phía tây bắc Paris, gắn liền với tên tuổi của Claude Monet (1840-1926). Cả ba họa sĩ tiêu biểu này đều thuộc Trường phái Ấn tượng.

Tuy nhiên, rất ít người biết đến Trường phái Barbizon (Ecole de Barbizon), được coi là tiền thân của Trường phái Ấn tượng với một số danh họa tiên phong như Camille Corot (1796-1875), Théodore Rousseau (1821-1867), Jean-François Millet (1814-1875), Charles Jacque (1813-1894), Alfred Sisley (1839-1899)… Không muốn bị gò bó trong những quy tắc của hội họa cổ điển, họ tìm cảm hứng sáng tác từ thiên nhiên, lưu lại khoảng khắc thực và thần thái của con người trong tác phẩm của mình.

Trả lời RFI tiếng Việt, bà Denise Delobel, phụ trách văn hóa tại Bảo tàng Họa sĩ Barbizon, giải thích về Trường phái này :

“Trường phái Barbizon là một trào lưu hội họa hình thành vào khoảng năm 1820 với kết quả là một nghiên cứu hiện thực về phong cảnh, về ánh sáng trong phong cảnh. Nói một cách nào đó, phong trào này có thể được coi là tiền thân của Trường phái Ấn tượng. Nhưng không có nghĩa là những người từng sống ở Barbizon vào thế kỷ XIX là họa sĩ Ấn tượng. Họ là những họa sĩ đi tiên phong và xứng đáng được ghi công vì đã biến tranh phong cảnh thành một loại hình tách biệt, chứ không còn là một loại hình hội họa thứ yếu.

Những họa sĩ này muốn tách khỏi trào lưu hội họa cổ điển để quan tâm đến môi trường tự nhiên. Nhờ vậy, Barbizon trở thành nơi được chú ý vì gần Fontainebleau, có nhiều cây cối, vừa có gò đồi vừa có bình nguyên Bière nằm ngay bên kia làng, được danh họa Jean-François Millet (1814-1875) vẽ lại trong tác phẩm sơn dầu “Angélus” nổi tiếng khắp thế giới”.

Trong tác phẩm Angélus (1857-1859), hiện được trưng bày ở bảo tàng Orsay, Millet tái hiện một người đàn ông và một phụ nữ tạm ngừng thu hoạch khoai tây để đọc kinh Đức Bà, bên cạnh họ vẫn đầy đủ các dụng cụ như chiếc cào, giỏ đựng, xe cút kít và những chiếc túi. Hình ảnh đôi vợ chồng nổi bật chính giữa cánh đồng bao la và trống vắng. Khuôn mặt họ chìm trong bóng tối, trong khi ánh sáng lại được nhấn mạnh vào cử chỉ và tư thế của họ.

Năm 1865, Millet kể lại : “Angélus là một bức tranh mà tôi vẽ khi nghĩ đến bà tôi. Tôi tự hỏi là ngày xưa, khi làm việc ngoài đồng, làm thế nào mà bà không bỏ sót bất kỳ lần cầu kinh nào khi chuông nhà thờ ngân vang để cầu nguyện cho người nghèo đã chết”. Angélus không hề mang tính tôn giáo mà chỉ muốn thể hiện chút thời gian nghỉ ngơi của người nông dân.

angelusAngélus (Lời cầu nguyện), tác phẩm của Jean-François Millet, trưng bày tại bảo tàng Orsay, Paris.CC/Musée d'Orsay

Barbizon : Từ thôn nhỏ thành trại sáng tác hội họa

Khi Giải thưởng Rome về cảnh vật lịch sử (Prix de Rome du paysage historique) được thành lập năm 1817, cánh rừng Fontainebleau trở thành một xưởng vẽ tự nhiên lý tưởng để các họa sĩ lưu lại những “hoa văn của tự nhiên” : từ núi đá đến khe lũng, từ sự lộn xộn đến toàn cảnh… hay sự đa dạng thực vật và tôn lên những hành động giản dị bất di bất dịch của người nông dân.

Cho đến thế kỷ XIX, làng Barbizon, nằm bên rìa rừng Fontainebleau, chỉ có vài trang trại nhỏ mái lợp rơm rạ. Ngôi làng dân dã, với khoảng 350 người sống bằng nghề nông, đốn củi và khai thác đá, lại thu hút một số họa sĩ chán cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa khắp nơi, đi tìm ý nghĩa mới cho tác phẩm của họ.

Trong làng, vợ chồng nhà Ganne, chủ một tiệm thực phẩm khô, mở thêm quán trọ và phục vụ ăn uống cho các họa sĩ với giá rất phải chăng. Thông tin được lan truyền rất nhanh đến các xưởng vẽ và ngày càng thu hút thêm nhiều người mới đến nhập hội, như giải thích của bà Denise Delobel :

“Điều này đã tạo điều kiện cho các họa sĩ đến sống tại Barbizon. Vào thời kỳ đó, không phải họa sĩ nào cũng khá giả và họ thấy ở đây mọi thứ mình cần với giá cả phải chăng. Hơn nữa, phong cảnh trong vùng thật sự thu hút họ”.

Đến năm 1849, giao thông giữa Paris và làng Barbizon trở nên thuận tiện hơn nhờ tuyến đường sắt Paris-Lyon-Địa Trung Hải và dừng ở ga Melun, cách Barbizon chừng 10 km.

“Vào thời điểm đông nhất có đến 20 họa sĩ cùng sống trong nhà trọ. Dĩ nhiên là trong suốt 50 năm, rất nhiều họa sĩ đã đến Barbizon, có lúc lên khoảng trăm người, kể cả những người sống luôn tại làng như Théodore Rousseau (đến sống từ năm 1847), Jean-François Millet (sống từ năm 1849), và cũng là hai người sống ở làng lâu nhất cho đến lúc họ qua đời.

Ngoài ra còn có Daubigny, Charles Jacque, Georges Gassies, Olivier de Penne, một số họa sĩ người Bỉ, Rumani… Vì Barbizon không chỉ là trại sáng tác của các họa sĩ Pháp mà còn thu hút nhiều họa sĩ từ những phương trời khác nhau, có rất nhiều họa sĩ châu Âu và một số khác thì vượt Đại Tây Dương để chu du châu Âu và đặt chân đến làng Barbizon”.

chenes_apremont_by_rousseau_louvre_rf1447_n1Cây sồi ở Apremont (Chênes d'Apremont), tranh của Théodore Rousseau, trưng bày tại bảo tàng Louvre.CC/Musée du Louvre

Nhà trọ Ganne : Tác phẩm hội họa độc đáo

Làng Barbizon gần như trở thành một nhánh của Trường phái Rome và nhà trọ Ganne có thể được coi như Dinh thự Medici (Villa Medici). Một ngày mới bắt đầu rất sớm ở Barbizon : Ngay khi mặt trời mọc, các “họa sĩ nhà Ganne” (Peint’à Ganne, tên được người dân trong làng đặt) lỉnh kỉnh dụng cụ vẽ, theo chân đàn bò đi vào rừng. Họ miệt mài nghiên cứu thiên nhiên đến sập tối mới về. Buổi tối, bên bàn ăn là không khí sôi nổi với những câu chuyện, những chia sẻ đầy đam mê và rộn ràng tiếng dương cầm và tiếng hát.

Nhà trọ Ganne (Auberge Ganne) hoạt động từ năm 1820 đến khoảng năm 1870 thì đóng cửa, giữa khoảng thời gian hai họa sĩ tiên phong Théodore Rousseau và Jean-François Millet qua đời. Hiện trở thành bảo tàng về các họa sĩ đã sống ở Barbizon (Musée départemental des Peintres de Barbizon), tòa nhà nổi tiếng là một tác phẩm hội họa độc đáo, theo giới thiệu của bà Denise Delobel :

“Ở tầng trệt có ba phòng rất lý thú vì khách tham quan có thể thấy nhiều đồ dùng được các họa sĩ vẽ luôn trên đó vào thế kỷ XIX. Tại sao lại vẽ lên đồ vật ? Vì vào những ngày thời tiết không đẹp, các họa sĩ không thể vào rừng hay ra cánh đồng để vẽ. Vì thế, họ quyết định trang trí đồ nội thất của bà Ganne.

Những tác phẩm này rất độc đáo và thể thiện quãng thời gian khá đặc biệt của các nghệ sĩ trọ tại đây. Cần phải nhắc lại là nhiều họa sĩ đã làm việc trong vòng 20 năm, dĩ nhiên họ đến Barbizon để làm việc, nhưng họ cũng muốn vui chơi.

Ở tầng 1, có nhiều tác phẩm vẽ trên tường ở khu vực các phòng ngủ. Những bức tranh tường này là bằng chứng độc đáo về sự hiện diện và cuộc đời của các họa sĩ trong ngôi nhà này. Đây là cách cảm ơn lòng hiếu khách của ông bà chủ nhà trọ và cũng là cách để họ vui đùa”.

Vào năm 1895, khi nhận định về cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ tại cùng một địa điểm là Barbizon, nhà phê bình nghệ thuật người Anh Croal Thomson là người đầu tiên sử dụng cụm từ “The Barbizon School of painters…”. Vậy là Ecole de Barbizon (Trường phái Barbizon) ra đời và trở thành cột mốc quan trọng hướng đến nền nghệ thuật hiện đại.

“Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Barbizon trở thành một địa điểm được giới nhà giầu Paris ưu ái để hít thở không khí trong lành của vùng nông thôn. Từ đó, ở Barbizon bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà lớn của giới thượng lưu, theo kiến trúc thịnh hành trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX-XX với những công viên lớn, cây cối được cắt tỉa gọn gàng…

Riêng về quán trọ Ganne, sau khi đóng cửa, ngôi nhà bị chia thành nhiều căn hộ. Vào năm 1995, làng Barbizon đã mua lại khi ngôi nhà được rao bán. Sau một thời gian trùng tu quy mô lớn toàn bộ ngôi nhà và các bộ sưu tập, bảo tàng Họa sĩ Barbizon mở cửa đón công chúng vào tháng 05/1995”.

Barbizon vẫn là nơi thu hút giới họa sĩ đương đại. Dọc trục đường chính hơn 1 km chạy qua làng có khoảng 10 xưởng vẽ và phòng trưng bày, bên cạnh hai xưởng vẽ của đôi bạn tri kỉ Rousseau và Millet. Làng họa sĩ và vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng Fontainebleau vẫn tiếp tục gây ấn tượng với du khách tứ phương.

barbizon_grande_rueGrande Rue, làng Barbizon, tỉnh Seine-et-Marne, Ile-de-France.CC/Achim Ebenau
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn