Thêm Ý Kiến Về Bộ Phim “The Vietnam War”

Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 20186:00 SA(Xem: 4650)
Thêm Ý Kiến Về Bộ Phim “The Vietnam War”
 

vietnam war 1Bộ phim “Vietnam War” gồm 10 tập dài 18 tiếng đồng hồ của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick mất thời gian gần 10 năm với một phí tổn gần 30 triệu đô la vừa được hệ thống truyền hình PBS chiếu trên 349 đài TV khắp nước Mỹ trong tháng 9/2017 vừa qua đã gây ra nhiều tranh cãi và phản biện.

Cho tới nay đã hơn ba tháng, bộ phim vẫn còn được chiếu trên hệ thống PBS. Những tranh cãi, những phản biện v..v… vẫn còn ồn ào và gay cấn như một “tin nóng” trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như trong nước.

Người viết có biết bộ phim này sắp ra đời thì bổng nhiên được một đài truyền hình địa phương Chicago Channel 11 WTTW trong hệ thống truyền hình PBS phỏng vấn cùng với một số cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Chicago: “Vietnam War- The Chicago Stories”. Đài WTTW Channel 11, Chicago trong show này muốn trình chiếu những câu chuyện riêng của từng cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, đang sống tại Chicago, phía Hoa Kỳ cũng như cựu quân nhân VNCH được chiếu kèm theo với bộ phim Vietnam War.

Trong phỏng vấn người viết nói về đời sống và kinh nghiệm cũng như thực chất của cái gọi là “Trại Học Tập Cải Tạo” mà người viết đã sống qua. Sự gian dối, lật lọng, lừa gạt của CS về học tập “mười (10) ngày”, “một tháng” của quân, cán, chính VNCH để dụ cho vào rọ rồi thì không biết ngày ra. Đây là sự trả thù rất tinh vi và hiểm độc của CSVN đối với những ngươì làm việc và phục vụ cho chính quyền VNCH qua một chính sách thật là độc ác và tàn bạo. Những ngươì bị lừa gạt đi học tập cải tạo bị đưa vào những chốn rừng thiêng, nước độc thiếu thốn thực phẫm, quần áo, thuốc men và chịu cực hình lao động khổ sai. Ngoài phần đầy đọa thân xác CS còn dùng những hình thức tẩy não tinh vi và độc ác làm hao mòn sự suy nghĩ để phải trở thành con vật cho chúng sai khiền giống như chúng đã từng làm khi chúng cai trị ở miền Bắc. Chính miệng của Lê Duẫn ngay từ những ngày đầu chiếm được miền Nam đã ra dấu hiệu cho bọn đàn em là “cắt cổ bọn chúng đi”. Nhiều cái chết oan uổng bịnh hoạn không có thuốc men và thiếu dinh dưỡng. CS còn cực kỳ độc ác vô nhân đạo qua tay của những cai tù bắn bỏ không thương tiếc những người tù cải tạo trốn trại nhưng không may bị bắt lại mà bọn cai tù coi như một thứ răn đe, dằn mặt những người còn lại trong tù cải tạo. Cho tới nay thì có rất nhiều câu chuyện cải tạo và trốn trại cải tạo đã được viết lên thành sách phổ biến rộng rãi lên án CS.

Người viết không coi hết toàn bộ 10 tập của bộ phim này. Cho nên người viết không có nhiều phê bình chi tiết của bộ phim. Nhưng người viết có gặp gỡ nhiều người quan tâm thảo luận, trao đổi quan điểm và theo dõi những tranh cãi, phản biện trong cộng đồng người Việt khắp nơi để hiểu rõ hơn về bộ phim mà ngươì viết là một thành phần trong cuộc chiến đó .

Cho đến nay tất cả có bốn bộ phim nói về chiến tranh Việt nam:
– Vietnam The Ten Thousand Day War, của Michael Macclear chiếu năm 1980 gồm 13 tập
– Vietnam: A television History, gồm 13 tập của hệ thống TV WGBH-TV thuộc PBS ở Boston chiếu năm, 1983
– Last Day in Vietnam, đạo diễn Rory Kennedy trình chiếu năm 2014
– The Vietnam War, gồm 18 tập daì 18 tiếng đồng hồ của hai đaọ diễn Ken Burns và Lynn Novick chiếu tháng 9/2017.

So sánh với những bộ phim trước thì bộ phim này có phần nào khách quan hơn một chút và nói lên đưọc một số sự thật của chiến tranh VN mà những bộ phim trước không nói đến như vụ thảm sát biến cố Tết Mậu Thân, 1968 ở Huế mà trong suốt 50 năm qua bọn CS trắng trợn luôn chối bỏ và còn đổ thừa cho đó là vì bom đạn của giặc Mỹ-Ngụy.

Cuộc thảm sát Mậu Thân đã xảy ra 50 năm rồi và đã được phanh phui công khai từ nhiều sách báo và tài liệu, đặc biệt là với những chứng nhân sống hiện còn đang ở trong nước cũng như ở hải ngoại thế mà CS vẫn còn lếu láo tuyên truyền trắng trợn phĩnh gạt dư luận một cách trơ trẽn, rẽ tiền và bần tiện lại tiếp tục tổ chức một hội thảo kỹ niệm 50 năm của cái gọi là “Cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Xuân Mậu Thân 1968” ngày 29 tháng 12, 2017 tại TP Hồ Chí Minh, với mục đích là “tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân nhất là thề hệ trẻ phát huy truyền thống … yêu chủ nghĩa xã hội” (nguyên văn lời phát biểu của thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng bộ Quốc Phòng CSVN)

Chính sự thật này mà bọn CS không cho bộ phim “Vietnam War” được chiếu công khai ở Việt Nam.

Nói chung thì bộ phim “Vietnam War” vẫn còn sặc mùi phản chiến, thiên vị ủng hộ phiá CS hơn phía VNCH mặc dù chúng ta là đồng minh và sát cánh chiến đấu cùng những chiến sĩ Hoa Kỳ.

Bộ phim này được thực hiện và chiếu cho người Mỹ coi hơn là cho người Việt chúng ta. Nhiều phần trong bộ phim dường như đaọ diễn muốn nói về chiến tranh giữa ngươì Mỹ và CS mà họ muốn coi đó như một lịch sử để học hỏi.

Đa số những tranh cãi, phản biện đều có một điểm tương đồng là cho bộ phim này nặt nồng mùi “phản chiến” và cho rằng không khác gì những bộ phim về chiến tranh Việt Nam được chiếu trước đây. Những phản biện đều lên án bộ phim không công bằng với VNCH và quá thiên lệch nghiêng về phía CS. Điều này đã khiến cho rất nhiều người Việt không còn muốn coi bộ phim này và cho rằng “cũng thế thôi, chẳng có gì gọi làm mới mẽ và vô tư”. Điều này cũng dễ hiểu vì đạo diễn Ken Burns đã từng là một phần tử phản chiến trong chiến tranh Việt Nam còn Lynn Norvick thì còn quá trẻ trong lúc cuộc chiến đang xảy ra cho nên sự am tường, hiểu biết còn bị hạn chế và bị ảnh hưởng tuyên truyền xuyên tạc của CS và phe phản chiến và qua những tài liệu sách báo phản chiến ở các thư viện và trường học Mỹ.

Nhìn chung thì hai nhà đạo diễn muốn làm bộ phim này với mục đích cho người Mỹ coi và biết về chiến tranh Việt Nam mà họ muốn nói cho nhân dân Mỹ đây là cuộc chiến tranh của ngươì Mỹ chớ không phải đây là một cuộc chiến tranh nội chiến Nam – Bắc của dân tộc Việt Nam hay là một cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ giữa Cộng Sản và Tự Do v..v. Hai nhà đạo diễn này còn muốn lập công là muốn dùng bộ phim này để đóng vai trò hòa giải giữa những ngươì Mỹ ủng hộ chiến tranh Việt Nam và phản chiến. Dường như có một lần hai nhà đạo diễn này cũng còn muốn đi xa hơn là muốn đóng thêm một vai trò nữa là dùng bộ phim này để hoà giải dân tôc Việt Nam ở hai phía. Điều này cho thấy sự hiểu biết của hai nhà đạo diễn quá non nớt về cộng sản.

Đây là một trong bốn bộ phim tài liệu lịch sử (documentary history film) chiến tranh Việt Nam.

Đã nói là phim tài liệu lịch sử thì phải nói lên được sự thật công bằng của lịch sử cuộc chiến Việt Nam và phải do những nhà viết sử có kiến thức với tinh thần khách quan vô tư và khoa học viết.

Đã là một bộ phim lịch sử thì phải có sự tham dự của những người có liên hệ đến cuộc chiến đó thuộc cả hai phe miền Nam và Bắc Việt Nam đúng như lịch sử được ngàn người viết. Hai đạo diễn đã phỏng vấn những ngươì thuộc phe thắng cuộc nhiều hơn. Những người biết nhiều về cuộc chiến tranh thuộc VNCH thì xuất hiện rất ít và không nói được hết những gì của chiến tranh Việt Nam.

Đằng này bộ phim suốt 10 tập gần 18 tiếng đồng hồ chỉ trình chiếu những cái gì theo ý muốn của hai nhà đạo diễn và rất có thể bị ảnh hưởng của những người bảo trợ như: PBS (Public Broadcasting Services), Bank of America, CPB – Corporation for Public Broadcasting, Park Foundation, Arthur Vining Davis Foundation, v…v

Người dân miền Nam và quân, cán, chính của VNCH là những người chịu nhiều thiệt thòi trực tiếp nhứt về nhân mạng cũng như tài sản và cả tương lai khi cuộc chiến xảy ra trên khắp thôn xóm làng mạc, những con kinh, con rạch đồng lúa xanh tươi hẻo lánh, xa xôi trên mãnh đất thân yêu của miền Nam Việt Nam với biết bao cái chết oan ức của trẻ con, đàn bà và người dân vô tội. Chính những nạn nhân và những chứng nhân này phải tham dự và có tiếng nói trong bộ phim này.

Từ khi bộ phim được chiếu công khai, những người miền Nam chống Cộng của chúng ta trong nước cũng như ở hải ngoại đều không chấp nhận và có những phản biện, những tranh cãi hay đóng góp ý kiến và có nhiều tranh luận công khai trong cộng đồng người Việt khắp nơi và trong những cuộc hội thảo Việt-Mỹ lẫn lộn.

Những phản biện, tranh cãi kịp thời đưa ra ngay khi bộ phim còn đang chiếu chứng tỏ một tinh thần ý thức trách nhiệm dấn thân cao độ của thành phần có nhiều liên hệ đến cuộc chiến muốn sự thật lịch sử phải được trả lại cho lịch sử như lịch sử chiến tranh Việt Nam, “Vietnam War”. Những phản biện những tranh cãi này đã gây ồn ào và nói lên được một phần sự thật của chiến tranh Việt Nam mà bộ phim không nói đến.

Những phản biện, tranh cãi hay góp ý của người Việt quốc gia chống Cộng dù ồn ào gay go nhưng vẫn còn quanh quẩn trong cộng đồng chưa vượt thoát ra khỏi cái không gian của cộng đồng để đi vào trái tim của người Mỹ và nhứt là của hai nhà đạo diển Ken Burns và Lynn Novick và tập đoàn bảo trợ đằng sau bộ phim.

Nếu cứ phản biện, tranh cãi rồi lại tranh cãi và phãn biện để chỉ nói lên cho sướng miệng, để chứng tỏ kiến thức, sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình là thành phần trong cuộc chiến để rồi sau đó thì lại im lặng và đi vào quên lãng vì những bận rộn lo lắng trong cuộc sống hằng ngày với nhiều áp lực để “đâu lại hoàn đó” thì phải nói là quá uổng phí công lao trí óc và thời giờ mà chẳng làm nên cơm cháo gì.

Là thành phần trong cuộc chiến này mỗi người phải có trách nhiệm là những ngươi viết sử để sự thật của lịch sử phải được trả lại cho lịch sử, phải lật tẩy những bóp méo, thiên vị lịch sử của bộ phim này cũng như của những bộ phim trước đây.

Thựa ra cộng đồng người Việt chúng ta cũng đã có nhiều hành động cụ thể để phản biện và nói lên sự thật của chiến tranh Việt nam như: những hội thảo, những sách và phim ảnh về chiến tranh Việt Nam. Dù vậy cũng vẫn còn thiếu sót và hạn chế cần phải tích cực hơn và phổ quát hơn để đi vào quảng đại quần chúng Mỹ nhứt là những phong trào phản chiến mà hiện nay có rất nhiều phần tử trong phong trào phản chiến này đang phản tỉnh hi vọng họ sẽ cùng với chúng ta nói lên sự thật của lịch sử.

Thời gian không thể trong một sáng một chiều chúng ta có thể làm được những ước muốn: “sự thật lịch sử chiến tranh Việt Nam phải được trả lại và ghi nhận”.

Thế hệ thứ nhứt có nhiều dính dáng tham dự trực tiếp đến chiến tranh Việt Nam sẽ phải ra đi vì tuổi già, sức yếu và bịnh tật hiện đang còn đủ điều kiện cần phải ra sức truyền lại cho thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng ta tiếp nối con đường chúng ta đang đi. Đem lại sự thật của lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Thề hệ thứ hai, thứ ba của chúng ta hiện nay ở Mỹ có rất nhiều thành công và có mặt trong xã hội Hoa Mỹ khắp nơi từ trong chính quyền đủ mọi cấp từ địa phương từ thành phố cho đến tiểu bang và liên bang, hành pháp, lập pháp và tư pháp, có cấp tướng, tá trong moị binh chủng của quân lực Hoa Kỳ, đến những lãnh vực tư và đặc biệt là những anh chị em đang làm văn học và nghệ thuật thứ bảy về giải trí phim ảnh với uy tín có thể ảnh hưởng đến dư luận người Mỹ.

Thê hệ thứ hai, thứ ba hãy dùng tài năng và kiến thức cũng như ảnh hưởng của mình để cho người Mỹ hiểu được và biết được và ghi nhận được sự thật của lịch sử chiến tranh Việt Nam như viết sách, như làm kịch, như làm phim mà trước đây thế hệ này đã và đang làm.

Từ hôm nay và những ngày sắp tới thế hệ thứ hai và thứ ba này cần bỏ thêm nhiều thời gian và sức lực, trí óc vào công tác vận động này như cho ra đời thêm nhiều cuốn sách nói về chiến tranh Việt Nam bằng những câu chuyện hư cấu hoặc pha lẫn tài liệu lịch sử chiến tranh mà chúng ta đã có làm chẳng hạn như sách của cựu đại VNCH Bùi Diễm (In the Jaws of History xuất bản 1999), của Trương Như Tảng (A Viet Cong Memoir, 1986), hoặc của Yung Krull ( The Thousand Tears Falling, 2011) hoặc như của Lan Cao (The Lotus and the Storm, 2017) v…v. Tỷ Phú Bill Gates đã chọn hai (2) cuốn sách của người Việt là trong 5 cuốn sách ông ta ưng ý nhất. Một của Nguyễn Thanh Việt (The Sympatizer, 2017) và một của Bùi Thi (The Best We Could Do, 2016). Ngoài ra Nguyễn Thanh Việt còn có một cuốn sách khác nữa cũng gây chú ý với dư luận Mỹ là “The Refugees”, (2017).

Về phim thì chúng ta cũng có những bộ phim tuy không được phổ thông nhưng được giới điện ảnh Holywood quan tâm như VIETNAMERICA hoặc phim “The Heaven and Earth” của đạo diễn Oliver Stones nói về những bi kịch của chiến tranh Việt Nam và có người Việt đóng là Lê Thị Hiệp v..v. [Tin được biết Lê Thị Hiệp vừa qua đời tại California].

Đối với người Mỹ điện ảnh là một lãnh vực rất có ảnh hưởng mà người Mỹ vừa coi như phương tiện giải trí đồng thời họ cũng coi như là những kho tài liệu lịch sử quý báu mà họ rất tin tưởng và chịu bỏ thời gian và tiền bạc mà chúng ta cần phải tập trung nhiều vào lãnh vực này.

Khuyến khích, yễm trợ và cộng tác với thành phần thế hệ thứ hai, thứ ba cùng nhau ý thức được trách nhiệm nối tiếp thế hệ cha anh để nói lên được sự thật của lịch sử chiến tranh Việt Nam là nhiệm vụ ưu tiên của thế hệ cha, anh chúng ta đang còn có đủ điều kiện. Đây cũng là nhiệm vụ của mọi gia đình người Việt tị nạn cộng sản ở khắp nơi.

Sự thật của lịch sử chiến tranh Việt Nam phải được trả lại, được ghi nhận và được truyền bá rộng rãi.

Mong vậy thay ./.

Kỷ Nguyên Nguyễn Văn Tâm

http://nguoivietboston.com/?p=39418

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn