Ennio Morricone, một Beethoven miền "Viễn Tây" Ý

Chủ Nhật, 26 Tháng Bảy 20208:00 SA(Xem: 3285)
Ennio Morricone, một Beethoven miền "Viễn Tây" Ý
rfi.fr

Ennio Morricone, một Beethoven miền "Viễn Tây" Ý

Minh Anh

Từng nhịp trống gõ, vài nốt sáo dọc, và xa xa là tiếng sói hoang đồng cỏ… Thế đấy, nhà soạn nhạc người Ý, Ennio Morricone, đã mở đầu bộ phim « Thiện, Ác, Tà » do đạo diễn Sergio Leone dàn dựng. Tiếng nhạc mỗi lúc dồn dập như thôi thúc, dẫn dắt người xem bước vào một thế giới Viễn Tây Mỹ, thời kỳ Nội chiến, nửa cuối thế kỷ XIX. Một miền Viễn Tây rất ư là Ý !

Morricone – Leone : Bộ đôi huyền thoại « cao bồi spaghetti »

Ennio Morricone – cây đại thụ của làng nhạc phim điện ảnh đã vĩnh viễn ra đi ngày 06/07/2020 tại Roma sau một cú ngã. Ông ra đi một cách thanh thản, với một chút kiêu hãnh, khi đã để lại cho đời, cho các thế hệ sau cả một gia tài nghệ thuật đồ sộ : Hơn 500 bản nhạc phim gốc, trong số này, không ít các tác phẩm đã đi vào huyền thoại.

Sinh ngày 10/11/1928 tại Roma, âm nhạc đối với Ennio Morricone từng là một nơi trú ẩn lý tưởng giúp ông vượt qua mọi nỗi sợ hãi và những thiếu thốn trong suốt thời kỳ chiến tranh. Theo chân cha, ông trở thành nhạc công trumpet sau nhiều năm miệt mài học hỏi tại Nhạc Viện Sainte-Cecile ở Roma từ năm lên 10 tuổi. Tuy nhiên, sáng tác nhạc mới chính là niềm đam mê thật sự của Ennio Morricone, nhờ vào sự dìu dắt của người thầy Goffredo Petrassi, từng là tác giả nhạc phim gốc cho bộ phim « Gạo đắng » năm 1949.

Trong ký ức tập thể, khi nhắc đến Morricone, đấy không chỉ nói đến một con người duy nhất, mà là một bộ đôi huyền thoại : Ennio Morricone – Sergio Leone. Cùng với người bạn học cũ, sau 30 năm xa cách, Morricone đã bước vào một cuộc trải nghiệm mới : Phổ nhạc cho thể loại phim cao bồi Viễn Tây nhưng lại rất đậm chất Ý. Giới phê bình nghệ thuật thường hay ví von gọi đó là « Western Spaghetti ».

Hai mươi năm hợp tác (1964 – 1984), tám bộ phim cao bồi đã ra đời, trong đó có bộ « Dollars Trilogy » trứ danh (Tam bộ khách vô danh) với sự tham gia của Clint Eastwood : A Fistful of dollars (Tay súng bá vàng – 1964) ; For a few dollars more (Những đồng đô la sinh tử - 1965) và The Good, the Bad and the Ugly (Thiện, Ác, Tà – 1966).

Nhà soạn nhạc Benjamin Sire khi bày tỏ thương tiếc ông trên báo Le Figaro có viết rằng « mỗi lần chúng ta nhắm mắt chìm đắm trong một thế giới điện ảnh thần kỳ, những nốt nhạc không bao giờ đến đơn độc, càng gắn liền với từng thước phim cụ thể bao nhiêu, chúng càng cho thấy sự hòa quyện giữa một hành động kịch tính với một chủ đề nhạc phim bấy nhiêu ».

Thế nên, người xem mới không thể nào quên được hình ảnh chàng cao bồi Charles Bronson lạnh lùng trong « Ngày xửa ngày xưa ở miền viễn Tây » (1968) cùng với tiếng kèn harmonica lanh lảnh đậm mầu thù hận.

Với Morricone, âm nhạc không chỉ đến từ các loại nhạc cụ chính thống mà còn từ những thứ âm thanh bất thường khác : Những tiếng huýt sáo, tiếng chuông gõ, bước nhảy pikê, hay như tiếng còi xe hụ… Trong một lần trả lời phỏng vấn cho hãng tin Pháp AFP năm 2018, ông từng giãi bày :

« Điều đó chẳng mấy gì khó khăn để thuyết phục các nhà đạo diễn cả. Họ biết rằng tôi không ưa viết nhạc theo kiểu truyền thống, nên khi họ đến tìm tôi là cũng vì điều đó. Tôi yêu thích âm thanh thực thụ, đó là những thứ âm thanh chúng ta nghe hằng ngày. Những tiếng động bao quanh chúng ta cũng có chất nhạc riêng của chúng và có thể trở thành một thứ âm nhạc khác đối với tôi ».

Một Ennio Morricone « gangster »

Nhưng Stephane Lerouge, chuyên gia phục hồi các băng nhạc phim gốc, phụ trách bộ sưu tập đĩa nhạc chuyên đề « Ecoutez le cinema » (Hãy nghe điện ảnh) cho hãng Universal Music lưu ý : Đừng bao giờ nói với ông về « western spaghetti ». Morricone không ưa thuật ngữ đó và lấy làm buồn lòng khi người ta gán cả một sự nghiệp dài của ông chỉ với một loại hình điện ảnh này.

Bởi vì còn có một Morricone « gangster » trong bộ phim hình sự « Le Clan des Siciliens » (Tạm dịch là Băng đảng Sicilia - 1969) của đạo diễn người Pháp Henri Verneuil. Tiếng đàn ghimbac vùng Sicilia, pha chút âm hưởng dân gian, một chút khúc dạo đầu của Bach… đủ để biến một Jean Gabin của Pháp thành một kẻ bất lương xứ Sicilia hoàn hảo.

Chủ đề, giai điệu, những gì hằn sâu trong tâm trí và gắn liền với một bộ phim tưởng chừng như không có gì tách rời ra được. Thế mà, với bản nhạc Chi Mai lại là một chuyện khác. Từng được sử dụng làm nhạc phim chính cho một bộ phim khác của Ý, những giai điệu du dương man mác buồn của tiếng đàn violon trong Chi Mai đã mang lại cho « Le Professionnel » (Kẻ chuyên nghiệp – 1981) do đạo diễn Georges Lautner thực hiện, Jean-Paul Belmondo thủ vai chính, một thành công thương mại to lớn tại Pháp: 5,2 triệu lượt người xem. Riêng Chi Mai được trao giải Cesar cho nhạc phim hay nhất năm 1982 và một đĩa vàng với hơn 900 ngàn đĩa được bán ra.

Một nghệ sĩ dấn thân

Trong số các nhạc sĩ cùng thời, Ennio Morricone là một nhạc sĩ viết sung sức nhất. Ra đi ở tuổi 91, Ennio Morricone đã phổ nhạc cho hơn 500 bộ phim và các chương trình truyền hình, và đã bán ra hơn 70 triệu đĩa nhạc. Trong hơn 70 năm sự nghiệp, với hơn 27 đĩa vàng và 7 đĩa bạch kim cũng như là nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế tại Anh, Pháp, Ý…, Morricone cho đến tận năm 2007 mới được Viện Hàn Lâm danh tiếng của Mỹ trao giải Oscar danh dự.

Định mệnh như trêu ngươi, ông không thích nói đến những thành công của « Western Spaghetti » nhưng cuối đời Morricone lại được trao giải Oscar nhạc phim hay nhất vào năm 2016 cho bộ phim The Hateful Eight, một Western khác do đạo diễn Quentin Tarantino thực hiện.

Nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, nhà biên soạn nhạc, và cũng là một chỉ huy dàn nhạc, nhưng Ennio Morricone còn là một nghệ sĩ rất dấn thân. Ông rất gắn bó với những gì ông đã làm cho điện ảnh dấn thân tại Ý, nhất là với Elio Petri cho « La classe ouvriere va au paradis » (Cành Cọ Vàng Liên Hoan Phim Cannes 1972), nhất là « Sacco et Vanzetti » do đạo diễn Giuliano Montaldo thực hiện năm 1971. Bộ phim gây xúc động mạnh mẽ người xem khi tường thuật lại một vụ việc có thật về hai người Mỹ gốc Ý bị kết án tử hình oan năm 1920. Bản nhạc phim chính nổi tiếng « Here’s to you », do ca sĩ Joan Baez viết lời và thể hiện, đối với ông còn là một điều gì đó mang tính biểu tượng.

« Nếu như lúc khởi thủy chúng ta là những âm thanh, tôi cũng muốn rằng chúng ta sẽ lại trở về với âm thanh » (Ennio Morricone).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn