Lý Chấn Thịnh: Nhiếp ảnh gia của cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Thứ Bảy, 04 Tháng Bảy 20206:00 CH(Xem: 3875)
Lý Chấn Thịnh: Nhiếp ảnh gia của cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
bbc.com

Lý Chấn Thịnh: Nhiếp ảnh gia của cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Yvette Tan BBC News

Li Zhensheng Bản quyền hình ảnh Li Zhensheng/Contact Press Images/Eyevine
Image caption Lý Chấn Thịnh lúc còn trẻ

Nhiếp ảnh gia Lý Chấn Thịnh (Li Zhensheng) đã liều mạng trong quyết tâm ghi lại cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc trên phim ảnh.

Là nhiếp ảnh gia làm việc cho một tờ báo nhà nước, Lý Chấn Thịnh có cơ hôi truy cập và giao tiếp hiếm hoi với những nhân vật và địa điểm của một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất của Thế kỷ 20.

Ông đã chụp hàng chục ngàn bức ảnh, một số đã được xuất bản, một số khác được lưu trữ dưới sàn nhà căn hộ của ông vì sợ bị trừng phạt.

Điều ông không biết là sau đó, những hình ảnh bị dấu kín này một ngày nào đó sẽ tìm đường ra thế giới.

Nhiếp ảnh gia 79 tuổi qua đời đầu tuần này vì xuất huyết não ở Mỹ, Nhà xuất bản ở Hong Kong của ông, Hong Kong University Press, cho biết.

"Tôi đã theo đuổi việc chứng kiến và ghi lại lịch sử suốt đời mình", nhà xuất bản của Lý Chấn Thịnh ghi lại lời ông nói trước khi chết. "Bây giờ tôi nghỉ ngơi trong lịch sử."

Hồng Vệ binh đưa tin

Sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Lý Chấn Thịnh lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn.

Mẹ mất khi ông mới ba tuổi và khi lớn lên, ông phải giúp cha trên các cánh đồng cho đến khi lên 10. Chỉ sau đó ông mới bắt đầu đi học, nhưng nhanh chóng vươn lên đứng đầu lớp.

Ông lọt được vào Trường Điện ảnh Trường Xuân và cuối cùng trở thành một nhiếp ảnh gia làm việc cho nhật báo Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc.

Công việc này đến với ông vào một trong những thời kỳ tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào năm 1966, khi nhà lãnh đạo Cộng sản Mao Trạch Đông bắt đầu chiến dịch loại bỏ các đối thủ.

Swimmers reading the little red book Bản quyền hình ảnh Li Zhensheng/Contact Press Images/Eyevine
Image caption Lực sĩ bơi lội đọc 'Cuốn sách nhỏ màu đỏ' của Mao

Mao Trạch Đông đã huy động hàng ngàn thanh niên Trung Quốc tiêu diệt "bốn cái cũ" trong văn hóa Trung Quốc - phong tục, tập quán, văn hóa và tư duy cũ.

Các trường đại học đã đóng cửa để sinh viên có thể tập trung vào "cách mạng", và khi phong trào lan rộng, họ bắt đầu tấn công hầu hết mọi thứ và bất kỳ ai cho thấy biểu hiệu có thẩm quyền.

Trẻ em theo dõi và tố cáo cha mẹ và học sinh tố cáo giáo viên, trí thức bị lưu đày. Hàng ngàn người bị đánh đến chết hoặc dồn đến chỗ phải tự sát.

Công việc mới của Lý Chấn Thịnh khiến ông ở vào hoàn cảnh hiếm hoi có thể ghi lại những cảnh bạo lực và sự tàn bạo đang xảy ra xung quanh mình.


Nhận thấy rằng Hồng vệ binh - những chiến binh học sinh - được cho chụp hình bất cứ thứ gì họ muốn, Lý Chấn Thịnh quyết định làm một chiếc băng tay có in dòng chữ "Hồng vệ binh đưa tin''.

"Công việc của tôi cho phép tôi chụp hình những người bị bức hại mà không bị quấy rối", ông nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn trước đó.

"Tôi thấy rằng kỷ nguyên hỗn loạn này phải được ghi lại. Tôi thực sự không biết liệu tôi đang làm điều đó cho cách mạng, cho bản thân mình hay cho tương lai."

Nhưng ông nhận ra rằng bản chất nhạy cảm của những hình ảnh mình chụp có thể khiến ông trở thành mục tiêu, vì vậy ông đã giấu nhiều phim dưới sàn nhà căn hộ của mình - khoảng 20.000 tấm.

This photo shows Heilongjiang's provincial governor having his hair shaved in public Bản quyền hình ảnh Li Zhensheng/Contact Press Images/Eyevine
Image caption Thống đốc tỉnh Hắc Long Giang bị đầu trước công chúng sau khi bị buộc tội để tóc mọc dài như Mao Chủ tịch

Cuối cùng khi Lý Chấn Thịnh bị buộc tội phản cách mạng vào năm 1968, căn hộ của ông bị chính quyền lục soát, nhưng những khúc phim vẫn chưa bị khám phá.

Nếu bị phát hiện, Lý Chấn Thịnh chắc chắn đã bị trừng phạt nặng nề và những phim này chắc chắn đã bị tiêu diệt.

"Điều đó hết sức nguy hiểm", Lý Chấn Thịnh thừa nhận. "Khi tôi chụp những bức ảnh này, tôi không chắc chúng sẽ trở nên hữu ích ra sao."

Những khúc phim của Lý Chấn Thịnh vẫn an toàn nhưng ông thì không - ông bị buộc tội cùng với vợ, và buộc phải trải qua quá trình lao động khổ sai trong hai năm.

Khi được thả ra, ông trở về căn hộ của mình và tìm thấy những hình ảnh an toàn và được bảo tồn.

Cuối cùng, Lý Chấn Thịnh trở thành giáo sư tại một trường đại học ở Bắc Kinh và vào thập niên 1980 - khoảng thời gian Trung Quốc có một chút tự do báo chí - các tác phẩm của ông đã được trưng bày tại một sự kiện nhiếp ảnh ở Bắc Kinh.

Red Guards applauding in front of Mao Zedong's portrait Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hồng vệ binh nổi tiếng với những dải màu đỏ đeo quanh tay

Cũng nhờ sự kiện đó mà những bức ảnh của ông đã được Robert Pledge của Contact Press Images (CPI) khám phá ra. Robert Pledge sau đó đã xuất bản một cuốn sách với hình chụp của Lý Chấn Thịnh.

Tên cuốn sách? Hồng Vệ binh đưa tin.

"Chúng tôi sẽ mãi biết ơn Lý Chấn Thịnh vì ông đã hết sức mạo hiểm để cố gắng giữ gìn hình ông chụp vào thời điểm mà hầu hết các đồng nghiệp của ông đồng ý cho phép những khúc phim "chính trị của họ bị phá hủy," Pledge nói.

Ông tiết lộ rằng Lý Chấn Thịnh giữ tất cả các bức ảnh của mình trong những phong bì giấy nhỏ màu nâu. Trên mỗi phong bì, ông chú thích chi tiết bằng thư pháp tinh tế của Trung Quốc. Các xã và quận, tên người dân, chức danh chính thức và các sự kiện cụ thể đều được ghi chú cẩn thận.

Những bức ảnh ông chụp cuối cùng đã được triển lãm ở hàng chục quốc gia.

Năm 2013, ông được trao giải Lucie Award - được gọi là giải Oscar của thế giới nhiếp ảnh.

Và vào năm 2018, các tác phẩm của ông đã được in bằng văn bản Trung Quốc lần đầu tiên và được xuất bản tại Hong Kong.

"Không một nhiếp ảnh gia nào ghi lại cuộc cách mạng kỹ lưỡng và trọn vẹn hơn Lý Chấn Thịnh", Contact Press Images nói trong một tuyên bố sau khi ông qua đời.

"Lý Chấn Thịnh để lại một di sản nhiếp ảnh không thể đo đếm được. Ông sẽ được mọi người vô cùng thương tiếc."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn