Gỡ 'Cuốn theo chiều gió' và loạt phim nô lệ: Nhìn thẳng hay chối bỏ lịch sử?

Thứ Tư, 17 Tháng Sáu 20204:00 CH(Xem: 5160)
  • Tác giả :
Gỡ 'Cuốn theo chiều gió' và loạt phim nô lệ: Nhìn thẳng hay chối bỏ lịch sử?

Cuốn theo chiều gió bị gỡ bỏ để thêm đoạn khuyến cáo về cái nhìn sai lệch với chế độ nô lệ. Song of the South bị gỡ bỏ, DumboLady and the Tramp bị chỉnh sửa kèm khuyến cáo. Phim The Birth of a Nation bị lên án hàng thập kỷ...

Đó là loạt phim xưa đang chịu sự "xét xử" của thời đại mới, khi chứa đựng những nội dung lỗi thời về chủng tộc.

Cuốn theo chiều gió: Hoài niệm về một thời chưa từng có

Hôm 15-6, HBO Max thông báo sẽ đưa Cuốn theo chiều gió trở lại hệ thống trực tuyến sau khi đã thêm phần khuyến cáo. Ngày trở lại của bộ phim chưa được ấn định.

Cụ thể, bộ phim được giữ nguyên nội dung, nhưng gắn thêm đoạn giới thiệu của Jacqueline Stewart, giáo sư ngành Nghiên cứu Điện ảnh và Truyền thông tại Đại học Chicago. Stewart cũng là tác giả một bài báo trên CNN cho rằng không nên quay lưng với những bộ phim có vấn đề về chủng tộc như Cuốn theo chiều gió.

Trích đoạn giữa Scarlett O'Hara và bà vú Mammy trong Cuốn theo chiều gió

Giáo sư Stewart viết: "Cuốn theo chiều gió cần phải được lưu hành để công chúng xem, phân tích và thảo luận. Như tiêu đề của phim, Cuốn theo chiều gió là hoài niệm về một thời bình dị nhưng chưa từng có. Các bộ phim về thời khai hoang khiến người xem da trắng nhầm tưởng về những thế hệ tiền nhân hấp dẫn nhưng sai sự thật".

Lý do khiến Cuốn theo chiều gió bị "xét lại" trên diện rộng là bộ phim tô hồng chế độ nô lệ, thể hiện cái nhìn trìu mến (từ tác giả tiểu thuyết gốc) với chế độ nô lệ. Trong phim, chủ nô da trắng và nô lệ da đen sống chan hòa như người thân. Phim phớt lờ những tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ ngoài đời thực.

Cách xử lý này phù hợp với đề xuất trên các báo lớn như Los Angeles Times, Hollywood Reporter rằng không nên "kiểm duyệt" bằng cách gỡ bỏ mà nên chiếu bộ phim dưới ánh sáng nhận thức của thời đại này.

Tôi không nghĩ những bộ phim đó có thể bị chôn giấu và lãng quên. Tôi nghĩ chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào chúng và hiểu bối cảnh lịch sử phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ. Sau đó chúng ta soi chiếu với chính mình ngày hôm nay

Nhà sản xuất STEPHANIE ALLAIN

Bài học từ quá khứ

Cuốn theo chiều gió không phải là trường hợp duy nhất phải nhận sự phán xét của lịch sử. Tháng 11-2019, Disney+ lọc danh sách phim để loại bỏ những phim hoặc cảnh phim phân biệt chủng tộc.

Theo đó, Disney+ không chiếu Song of the South - phim gây tranh cãi vì cách mô tả cuộc sống của công nhân da đen khai hoang sau Nội chiến Mỹ, cắt một cảnh bị coi là phân biệt chủng tộc từ phim Dumbo, cắt bài hát gây xúc phạm Siamese Cat Song khỏi phim Lady and the Tramp.

Gỡ Cuốn theo chiều gió và loạt phim nô lệ: Nhìn thẳng hay chối bỏ lịch sử? - Ảnh 4.

Song of the South của Disney bị coi là bộ phim tôn vinh chế độ nô lệ - Ảnh: IMDB

Sau đó, Disney+ gắn kèm chỉ dẫn cho khán giả khi xem Dumbo hay Lady and the Tramp. Chỉ dẫn viết: "Chương trình này được chiếu theo đúng phiên bản nguyên gốc. Nó có thể chứa đựng những miêu tả văn hóa lỗi thời".

Viola Davis, nữ diễn viên da đen tài năng từng được đề cử Oscar cho phim The Help (Người giúp việc), tuyên bố vào năm 2018 rằng cô hối hận đã đóng phim này. Bryce Dallas Howard, người vào vai kẻ da trắng độc ác trong phim, cũng thừa nhận The Help là "câu chuyện hư cấu được kể qua con mắt của một người da trắng".

Gỡ Cuốn theo chiều gió và loạt phim nô lệ: Nhìn thẳng hay chối bỏ lịch sử? - Ảnh 5.

Viola Davis (phải) hối hận từng đóng The Help vì bộ phim không phản ánh đúng tiếng nói của người da đen - Ảnh: THE GUARDIAN

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng các phim phân biệt chủng tộc quá cực đoan cần được xử lý mạnh tay hơn.

The Birth of a Nation (1915, không phải phim năm 2016) bị coi là một trong những bộ phim phân biệt chủng tộc nhất trong lịch sử nước Mỹ đồng thời là bom tấn thành công đầu tiên của Hollywood. Phim vẫn đang được chiếu trên hệ thống của Sling TV nhưng không gắn kèm khuyến cáo nào.

Trong khi đó, hàng chục năm nay, The Birth of a Nation bị căm ghét vì mô tả tổ chức Ku Klux Klan (KKK) như những người hùng, người da đen bị coi là ngu độn và hung hăng về tình dục, cho diễn viên da trắng bôi mặt đen để gây cười... Trong một số trường đại học ở Mỹ, The Birth of a Nation được chiếu cho sinh viên như một minh chứng về sự tàn ác trong lịch sử.

Gỡ Cuốn theo chiều gió và loạt phim nô lệ: Nhìn thẳng hay chối bỏ lịch sử? - Ảnh 6.

Hình ảnh trong The Birth of a Nation (1915), phim kinh điển nhưng gây tranh cãi vì chủng tộc - Ảnh: THE NEW YORKER

Đến nay, sau khi Cuốn theo chiều gió bị gỡ, chương trình truyền hình thực tế lâu năm Cops (Cảnh sát) cũng bị Paramount Network hủy chiếu mùa thứ 33 vào tuần này. Cops bị coi là nhạy cảm khi tôn vinh cảnh sát, trong khi một cảnh sát da trắng vừa gây ra cái chết của người đàn ông da đen George Floyd hồi tháng 5.

Từ các hiện tượng này, giới quan sát lo ngại về trào lưu "xóa bỏ lịch sử", "văn hóa xóa bỏ". Họ cho rằng nước Mỹ không nên chôn vùi những bộ phim đó, mà hãy nhìn thắng vào quá khứ của chế độ nô lệ và rút ra những bài học lớn cho hiện tại, tương lai.

Nhà sản xuất Stephanie Allain (phim Dear White People) nói với CNN: "Đó là một phần của lịch sử điện ảnh, của lịch sử nước Mỹ. Tôi không nghĩ những bộ phim đó có thể bị chôn giấu và lãng quên. Tôi nghĩ chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào chúng và hiểu bối cảnh lịch sử phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ. Sau đó chúng ta soi chiếu với chính mình ngày hôm nay".

britney

Britney Spears là một trong những ca sĩ Mỹ nổi tiếng nhất thập niên 1990-2000 - Ảnh: YAHOO

Thay tượng liên minh miền Nam bằng tượng Britney Spears?

Trong những nỗ lực xóa bỏ những biểu tượng của chế độ nô lệ, công chúng Mỹ đang tạo nên một trào lưu khá hài hước. Trên Change.org, người hâm mộ kêu gọi thay thế các bức tượng của liên minh miền Nam nước Mỹ tại thành phố New Orleans (bang Louisiana) bằng tượng nữ ca sĩ Britney Spears.

Lý do của họ là "Britney Spears là công dân bang Louisiana được chúng tôi yêu mến nhất, một người hùng thực sự của bang Louisiana và là một nhân vật có ảnh hưởng".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn