Netflix mua quyền chiếu phim Pháp kinh điển

Thứ Bảy, 02 Tháng Năm 20201:00 CH(Xem: 3777)
Netflix mua quyền chiếu phim Pháp kinh điển

Kể từ hôm 24/04/2020, mạng Netflix của Mỹ cho phát hành 50 tác phẩm kinh điển. Loạt tác phẩm này được dẫn đầu với dòng phim của đạo diễn Pháp François Truffaut. Đôi khi bị chỉ trích là chuyên phổ biến dòng phim thương mại, Netflix đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục, bằng cách hợp tác và khai thác ‘‘tủ phim’’ của nhà phân phối Pháp MK2.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bước đầu Netflix cho phát hành 12 bộ phim nổi tiếng nhất (trong số 21) của François Truffaut. Qua đời vào năm 1984, đạo diễn Pháp cùng với Jean-Luc Godard là hai gương mặt hàng đầu của phong trào điện ảnh Nouvelle Vague (Làn sóng mới). Lúc sinh tiền, François Truffaut là một trong những đạo diễn Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài và được khá nhiều đồng nghiệp cùng thời ngưỡng mộ, kể cả Steven Spielberg và Francis Ford Coppola.

Giới yêu nghệ thuật thứ bảy được dịp khám phá lại kiệt tác “Les 400 coups” (phát hành vào năm 1959), bộ phim đầu tiên mà François Truffaut đã dành cho cậu bé Antoine Doisnel, một nhân vật hư cấu nhưng phản ánh nhiều điều thú vị về gia cảnh cũng như câu chuyện của bản thân nhà đạo diễn thời ông còn nhỏ tại Paris những năm 1950. Trong vòng 20 năm sau đó, đạo diễn Pháp đưa người xem theo dõi câu chuyện của cậu bé Antoine qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật, thời mới biết yêu trong bộ phim ‘‘Baisers volés’’, thời lập gia đình trong ‘‘Domicile Conjugal’’, thời chia tay khi tình yêu vụt bay trong ‘‘L’Amour en fuite’’  (phát hành vào năm 1979)…

François Truffaut còn nổi tiếng là đạo diễn biết đề cao các vai nữ trong cách đặt ống kính và hướng góc nhìn về tâm lý nhân vật. Khán giả khám phá lại nụ cười có duyên của Françoise Dorléac trong phim ‘‘La Peau douce’’ (Làn da mềm mại), vẻ đẹp kiêu sa dù khá lạnh lùng của Catherine Deneuve trong ‘‘Le Dernier Métro’’ (Chuyến tàu cuối cùng), sự quyến rũ lạ thường của Fanny Ardant trong phim ‘‘La femme d’à côté’’(Cô láng giềng), nét hồn nhiên ngây thơ của Julie Christie trong phim ‘‘Fahrenheit 451’’, dựa theo tác phẩm khoa học viễn tưởng của Ray Bradbury. Dĩ nhiên, một trong nữ diễn viên từng đóng phim Truffaut rất trội vẫn là Jeanne Moreau, đặc biệt trong tác phẩm “Jules et Jim” nói về mối tình tay ba đầy sóng gió, phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Henri-Piere Roché, mà đạo diễn François Truffaut từng đánh giá là quyển tiểu thuyết lãng mạn nhất mà ông được đọc để hiểu hơn về duyên phận kiếp người trong “cơn lốc cuộc đời” (Le Tourbillon de la Vie).

Sau dòng phim Truffaut trong tháng 04/2020, mạng Netflix sẽ tiếp tục khai thác bộ sưu tập của MK2, công ty phân phối này nổi tiếng ở Pháp nhờ các rạp xinê thiên về dòng phim nghệ thuật nhiều hơn là phim thương mại. Netflix lần lượt đưa vào danh mục các tác phẩm nhạc kịch theo kiểu Pháp của đạo diễn Jacques Demy, tác giả của hai bộ phim “Les Demoiselles de Rochefort” và “Les Parapluies de Cherbourg”. Trong thể loại phim hài, Netflix đã mua quyền khai thác trên mạng trong những tháng tới, nhiều bộ phim của Charlie Chaplin (vua hề Charlot) do MK2 nắm giữ tác quyền, kế theo đó là phim của đạo diễn Alain Resnais, phía châu Âu có phim của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica, nhà làm phim hai quốc tịch Áo-Pháp Micheal Haneke, đạo diễn người Ba Lan Kieslowski, phía Bắc Mỹ có Xavier Dolan người Canada hay David Lynch đến từ Hoa Kỳ…

Tất cả những tên tuổi này (chủ yếu là châu Âu) giúp cho nguồn phim của Netflix trở nên phong phú, đa dạng hơn. Giới ghiền xem phim truyền hình nhiều tập vẫn mê theo dõi ‘‘Kingdom’’, phim lịch sử cổ trang của Hàn Quốc kết hợp với thây ma và xác sống hay ‘‘La Casa de Papel’’ (Phi vụ triệu đô) của Tây Ban Nha. Giới thích xem phim của các đạo diễn có nhãn quan độc đáo riêng biệt cũng có thể tìm thấy hầu như toàn bộ các tác phẩm của Martin Scorsese (Mean Streets, Goodfellas ‘‘Les Affranchis’’, Sòng bạc Casino, Bí mật đảo Shutter), hay các tác phẩm của đạo diễn Tarantino (Reservoir Dogs, Pulp Fiction, hai tập phim Kill Bill…) Dòng phim Clint Eastwood cũng hiện diện trên mạng nhưng ít hơn (Gran Torino, Space Cowboys, Mystic River). Gần đây hơn nữa, Netflix đã chuyển hướng sang dòng phim hoạt hình với các tác phẩm của đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki.

Tuy nhiên, giới yêu chuộng ‘‘điện ảnh thế giới’’ cho tới giờ này vẫn nhận thấy mạng Netflix còn thiếu khá nhiều tác phẩm ‘‘quan trọng’’ của làng nghệ thuật thứ bảy, trong đó có các tác phẩm châu Âu từng đoạt giải nhất tại ba liên hoan lớn là Venise, Berlin và Cannes. Ngoài ra, các nền điện ảnh đã tỏa sáng từ lâu như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ hay đang trỗi dậy như Arhentina hay Hungary dù cho ra lò nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng dường như vẫn chưa đủ ‘‘tiềm năng’’ thương mại để hiện diện trên mạng Netflix.

Đối với công ty phân phối MK2, việc nhượng lại một phần quyền khai thác bộ sưu tập phim kinh điển là một cách để tạo thêm nguồn thu nhập, vào lúc các rạp xinê của công ty này nói riêng và của ngành phân phối phim nói chung đều phải đóng cửa. Còn đối với Netflix, việc hợp tác để có thêm nguồn cung cấp là nhằm để thu hút nhiều đối tượng khán giả khác. Theo công ty tư vấn FutureSource, trong thời gian phong tỏa, Netflix đã thu hút thêm 6 triệu thành viên, lên đến 15,8 triệu người đăng ký so với 9,5 triệu, so với cùng thời điểm năm 2019. Trên toàn cầu, Netflix hiện có hơn 183 triệu người đăng ký. 

Trong cuộc chạy đua giành lấy thị phần phim video trực tuyến, mạng Netflix đã muốn tạo thêm nét mới lạ khác biệt, đa dạng hóa nguồn phim nhất là các nguồn đến từ châu Âu. Thị trường phim trực tuyến gồm nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Disney+, Apple TV hay là Amazon Prime. Tuy nhiên, về mặt bản chất cũng như cơ cấu, Netflix và MK2 rất khác nhau. Việc đôi bên chấp thuận rồi ký kết hợp tác (vì cả hai phía đều có lợi trong thời buổi hiện nay) trước sau gì vẫn là một cuộc ‘‘hôn nhân’’ vì lý trí nhiều hơn là vì tình cảm.

RFI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn