Tập nhạc tình "Frenchy" của Thomas Dutronc

Chủ Nhật, 16 Tháng Hai 20206:00 SA(Xem: 4185)
Tập nhạc tình "Frenchy" của Thomas Dutronc
rfi.fr

Tập nhạc tình "Frenchy" của Thomas Dutronc - Tạp chí âm nhạc

Tuấn Thảo

Vào đầu mùa xuân năm 2020, ca sĩ Thomas Dutronc trình làng một tuyển tập gồm toàn là những tình khúc Pháp mang tựa đề ‘‘Frenchy’’. Sau khi bạn đồng nghiệp của anh là Benjamin Biolay đã ghi âm tưởng nhớ tác giả Charles Trenet, nay đến phiên Thomas Dutronc dành nguyên một album để vinh danh các nghệ sĩ Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài.

Đây là album phòng thu thứ năm của Thomas Dutronc do hãng đĩa Decca phát hành. Bao gồm tổng cộng 14 ca khúc, tuyển tập ‘‘Frenchy’’ là cuộc hành trình xuyên thời gian, đưa người nghe tìm lại hơn nửa thế kỷ nhạc Pháp qua những giai điệu thân quen, thậm chí thuộc lòng đối với nhiều thế hệ khán thính giả. Từ những tình khúc đầu tiên của giai đoạn huy hoàng dòng nhạc hiện thực lãng mạn của Pháp cho tới những giai điệu quen thuộc của dòng nhạc jazz hay nhạc phim do các nghệ sĩ Pháp sáng tác. Bản thân Thomas Dutronc đều đã từng ghi âm trong cả ba thể loại này.

Ngoài việc sáng tác cũng như ghi âm chuyên kết hợp nhạc jazz du mục và nhạc nhẹ, Thomas Dutronc còn tham gia biểu diễn với đoàn nghệ sĩ ‘‘Các quán ăn tình thương’’ (Les Restos du Cœur). Nhờ chương trình này, anh hợp tác và song ca với những nghệ sĩ nổi tiếng như Adamo, Nolwenn Leroy hay Imelda May. Bên cạnh đó, anh đã sáng tác 6 album nhạc phim, kể cả phim truyện và phim hoạt hình. Trong số các bài hát nhạc phim mà anh ghi âm lần này cho album mới có ‘‘Un Homme et Une Femme’’ của Michel Legrand hay ‘‘The Good Life’’ (La Belle vie) của Sacha Distel viết cho Roger Vadim trong bộ phim ‘‘Bảy trọng tội’’ (Les sept péchés capitaux).

Về dòng nhạc hiện thực lãng mạn của Pháp, hầu hết các ca khúc đều được sáng tác vào cuối những năm 1940, đầu thập niên 1950. Ngoài các ca khúc kinh điển như La Vie en Rose, If You Go Away (Ne Me Quitte Pas), Autumn Leaves (Les Feuilles Mortes), Thomas Dutronc cũng đã khéo chọn bài La Mer (Beyond the Sea) vốn không xuất hiện trên album của Benjamin Biolay (và như vậy anh tránh đụng hàng với đồng nghiệp).

Ca khúc trích đoạn đầu tiên từ tuyển tập ‘‘Frenchy’’ là nhạc phẩm ‘‘C'est si bon’’ do tác giả Henri Betti sáng tác vào năm 1947, từng ăn khách qua giọng ca của Yves Montand hay Louis Armstrong. Lần này, phiên bản của Thomas Dutronc được ghi âm chung với hai thần tượng Diana Krall và Iggy Pop, chuẩn bị cho đợt trình diễn cuối tháng 6 năm 2020 tại nhà hát La Cigale ở Paris.

Nếu là tuyển tập nhạc Pháp, vậy thì tại sao album này lại mang tựa đề là ‘‘Frenchy’’. Trước hết là vì đây là một album tập hợp một dàn nghệ sĩ quốc tế hùng hậu trong đó có các ngôi sao đến từ Anh, Mỹ, Canada cũng như Hàn Quốc qua các gương mặt tiêu biểu như Haley Reinhart, Stacey Kent, Diana Krall, Billy Gibbons, Jeff Goldblum hay là Youn Sun Nah. Đa số các ca khúc dưới dạng song ca ở đây thường là những phiên bản song ngữ, đan xen tiếng Anh và tiếng Pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà Thomas Dutronc đã vay mượn một danh từ (đặc ngữ) tiếng Anh để làm tựa đề cho một album tiếng Pháp (từ ‘‘frenchy’’ cũng thường được dùng trong tiếng Pháp), bởi vì anh muốn cho thấy đó là những bài hát rất quen thuộc với người nước ngoài. ‘‘La Vie en Rose’’ cũng như ‘‘My Way’’ (Comme d’Habitude), đã có hơn cả ngàn phiên bản ghi âm trong nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nổi tiếng và quen thuộc đến nổi nhiều người không còn nghĩ đó là nhạc Pháp.

Tuy nhiên, nhạc Pháp ăn khách ở nước ngoài không chỉ dừng lại vào những năm 1970. Trái với các tuyển tập chuyên ghi âm lại những bài hát thuộc vào hàng di sản nhạc Pháp (patrimoine de la chanson française), Thomas Dutronc cũng đã muốn vinh danh thế hế nghệ sĩ mới nổi danh sau này như ban nhạc Air (Playground Love) hay là Daft Punk (Get Lucky) do âm nhạc của họ không còn có (rào cản tâm lý) hay giới hạn về mặt ngôn ngữ, điều đó càng tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho dòng nhạc French Touch của Pháp chinh phục thế giới.

Dù là nhạc xưa hay nhạc mới, Thomas Dutronc vẫn không quên mối tình đầu đời là dòng nhạc jazz du mục. Sinh trưởng trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều là nghệ sĩ cực kỳ nổi tiếng (hai ca sĩ Françoise Hardy và Jacques Dutron đều là thần tượng nhạc trẻ Pháp những năm 1960), Thomas lúc đầu không muốn nối bước song thân. Anh chọn theo đuổi nghề nhiếp ảnh sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật điện ảnh. Thomas thật sự chọn nghề sân khấu sau khi khám phá tài nghệ chơi đàn ghi ta của Django Reinhardt.

Tuy học đàn ghi ta khá trễ từ năm 18 tuổi, nhưng Thomas do đam mê nghệ thuật biến tấu đã chọn dòng nhạc jazz du mục làm hướng đi. Bài hát do chính anh sáng tác đã từng đoạt giải Victoires de la Musique vào năm 2009 dành cho ca khúc hay nhất trong năm, mang tựa đề "Comme un Manouche sans guitare" (Như kẻ du mục không đàn).

Lần này, trên tuyển tập ‘‘Frenchy’’, anh đã muốn vinh danh các nghệ sĩ bậc thầy như Django Reinhardt và Stéphane Grappelli qua bài ‘‘Minor Swing’’, Sidney Bechet và Henri Salvador trong bài ‘‘Petite Fleur’’ (Little Flower), để rồi nối bước các nghệ sĩ như Eva Cassidy, Miles Davis hay Eric Clapton trong nhạc phẩm ‘‘Autumn Leaves’’ (Les Feuilles Mortes). Những giai điệu ấy tưởng chừng như lá vàng phai úa theo năm tháng, nhưng rốt cuộc lại trường tồn xanh mãi qua bao mùa thời gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn