LẠM BÀN VỀ CÂU “CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG”

Thứ Năm, 13 Tháng Hai 20206:07 CH(Xem: 5096)
LẠM BÀN VỀ CÂU “CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG”
83348752_2703994029698556_9012816071236780032_n

LẠM BÀN VỀ CÂU 
“CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG”

*Bài này được giới thiệu cách nay đúng 6 năm, khi bạn bè còn ít, nay Facebook nhắc lại. Xét thấy đề tài vẫn còn giá trị thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn chưa đọc, ai đã đọc rồi, nay đọc lại, cũng ….không sao!

***
Câu nói dân gian quen thuộc trên hẳn là hầu hết chúng ta đều biết và hiểu qua ý nghĩa của nó. Song cái mối quan hệ giữa ông nghè và hàng tổng như thế nào, và tại sao thành phần xã hội học cao hiểu rộng này chỉ đe hàng tổng mà không đe hàng xã, hàng huyện hay hàng tỉnh thì hầu như không thấy có tài liệu nào giải thích thỏa đáng. 

Thử tra Google, ta thấy trang Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia chỉ giải thích về danh hiệu tiến sĩ (thái học sinh, ông nghè), song chỉ có một đoạn ngắn mà sai lỗ chỗ (sẽ nêu ở phần dưới đây), còn một vài trang mạng thì giải thích bằng một câu chuyện về mối quan hệ giữa một cậu học trò nghèo và …ông Trời. Trong phạm vi học thuật, ta không thể cầu cứu đến ông Trời, mà phải tìm những sử liệu đáng tin cậy liên quan đến câu nói này. Song trước hết xin nói qua về khái niệm “ông nghè”.

* ĐỂ HIỂU ĐÚNG DANH HIỆU TIẾN SĨ HAY ÔNG NGHÈ

Trong lịch sử khoa cử nước ta khởi đầu từ năm 1075, suốt triều Lý và hầu hết triều Trần, chưa có danh hiệu tiến sĩ, chỉ có các kỳ thi thái học sinh và người thi đỗ được gọi là thái học sinh. Từ tiến sĩ phổ biến từ triều Lê, nhất là từ năm 1442, khi triều đình cho lập bia đề tên những người thi đỗ tiến sĩ.

Khi khoa cử nước ta đã khá ổn định rồi, thường có ba kỳ thi chính:

- Thi Hương tổ chức ba năm một lần, vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu. Kỳ thi gồm 4 trường kế tiếp nhau, đỗ trường trước mới vào được tiếp trường sau. Những người chỉ đỗ được ba trường (tam trường) mà rớt trường cuối cùng, được công nhận là Tú tài (trước thời Nguyễn là Sinh đồ). Những người đỗ cả bốn trường mới được công nhận là Cử nhân (trước thời Nguyễn là Hương cống). 

Ngoài những kỳ thi chính trên, triều đình thỉnh thoảng mở thêm ân khoa hay gia khoa nhân dịp mừng hoàng thái hậu đến tuổi lục tuần, thất tuần… hay hoàng hậu, hoàng phi sinh hoàng nam.

- Thi Hội – Mở một năm sau kỳ thi Hương, dành cho những người đã đổ Cử nhân. Những người thi đỗ trong kỳ thi này được công nhận là tiến sĩ. Thời Nguyễn, còn có thêm danh hiệu Phó bảng. Ai đủ phân điểm để đỗ tiến sĩ được ghi tên dán vào một bảng gọi là Chánh bảng hay Giáp bảng; ai điểm tương đối cao nhưng chưa đủ để đỗ tiến sĩ được ghi tên trên Phó bảng hay Ất bảng.

- Thi Đình – Mở ngay sau kỳ thi Hội, dành cho các tân khoa tiến sĩ (có thời điểm dành cho cả Phó bảng, có lúc thì không). Kỳ thi này tổ chức ngay tại cung điện nhà vua nên còn gọi là Điện thí. Đề thi do nhà vua ra, các thí sinh không phải mang lều chõng theo như trong hai kỳ thi Hương và Hội, lều thi do triều đình làm sẵn, khi thí sinh viết bài, có lính túc trực mài mực hầu.

Đến hai kỳ thi Hội và Đình thì trang Wikipedia đã nhầm khi viết rằng: “nhà vua sẽ trực tiếp chọn ra những tài năng ưu tú nhất của đất nước. Ai đỗ sẽ được gọi là tiến sĩ (đầu bảng tiến sĩ được phong danh hiệu Trạng nguyên)”. Ở chỗ này, Wikipedia có đến 3 điểm sai:

1) người đỗ kỳ thi Hội đã là Tiến sĩ rồi, không phải đợi đến kỳ thi Đình.2) Nhà vua chỉ ra đề thi, chứ không trực tiếp chọn người đỗ, việc này do một hội đồng giám khảo gồm những đại thần văn hay chữ tốt trong triều chấm điểm từng bài một.

3) Không phải ai đứng đầu bảng tiến sĩ cũng là Trạng nguyên (xin xem thêm phần dưới).

Cần nhấn mạnh là kỳ thi Đình dành cho những người đã đỗ tiến sĩ trong kỳ thi Hội (có lúc có thêm Phó bảng), chứ không phải để lấy tiến sĩ (như Wikipedia đã nhầm), và kỳ thi này chỉ có tác dụng xếp hạng mà thôi. Sau khi chấm điểm, các sĩ tử được xếp vào 3 giáp gọi là Tam giáp:

* Đệ nhất giáp gồm:

- Đệ nhất giáp đệ nhất danh tiến sĩ cập đệ (có lúc gọi là Trạng nguyên)
- Đệ nhất giáp đệ nhị danh tiến sĩ cập đệ (có lúc gọi là Bảng nhãn)
- Đệ nhất giáp đệ tam danh tiến sĩ cập đệ (có lúc gọi là Thám hoa)

Cả ba vị trên được gọi là Tam khôi

* Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân hay tiến sĩ Hoàng giáp

* Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân là những người không thuộc hai giáp trên.

Vì vậy, cần minh định là hễ đỗ Trạng nguyên thì đương nhiên là Đình nguyên, nhưng có nhiều trường hợp người đỗ Đình nguyên không phải là Trạng nguyên, chẳng hạn Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đỗ cả Giải nguyên (đầu kỳ thi Hương), Hội nguyên (đầu kỳ thi Hội) và Đình nguyên, nhưng chỉ ở hạng Hoàng giáp, vì trong kỳ thi của cụ, không ai được xếp vào Tam khôi cả.

Thời xưa, trong dân gian, người ta có thói quen gọi chung các người đã đỗ tiến sĩ đệ tam giáp là “ông nghè” (tại sao có tên này lại là cả một chuyện dài).

* VÌ SAO CÓ CÂU “CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG”?

Ngoài việc giải thích bằng câu chuyện anh học trò nghèo và … ông Trời trên các trang mạng, không thấy có cách giải thích nào khác đáng tin cậy hơn. Trong chính sử và các sử liệu tôi được đọc qua, cũng chưa có sự giải thích trực tiếp câu nói này. Chỉ có thể giải thích nó bằng cách suy luận, dựa vào một hay nhiều nguồn sử liệu đáng tin cậy nào đó. Riêng tôi có hai nguồn sử liệu sau:

84796491_2703994146365211_5907924740546232320_n
Nguyệt san Gió Mới tháng 9.1961 có bài viết của giáo sư Nguyễn Duy Diễn.

1) Bài viết nhan đề “Việc học và việc thi chữ nho ngày trước” của giáo sư Nguyễn Duy Diễn, đăng nhiều kỳ trên nguyệt san Gió Mới (Sài Gòn) vào những tháng cuối năm 1961. Bài viết thật chi tiết, miêu tả từ lúc cậu bé 6-7 tuổi được làm lễ khai tâm tại nhà thầy đồ đến khi chàng tân khoa tiến sĩ được vinh qui bái tổ. Bài viết có các chi tiết đáng chú ý về lệ vinh qui như sau:

- Người đỗ Trạng nguyên, trên đường vinh qui từ kinh đô về nhà thì cả nước đón rước, có nghĩa là khi võng lọng quan Trạng đi vào địa giới tỉnh nào thì quan chức và dân chúng tỉnh đó phải ra địa đầu tỉnh đón và hộ tống quan Trạng cho đến khi ông đi ra khỏi tỉnh mình.

- Người đỗ Bảng nhãn và Thám hoa được cả tỉnh nơi trú quán quan Trạng đón rước.

- Tiến sĩ Hoàng giáp (đệ nhị giáp) được cả huyện nơi trú quán đón rước.

- Tiến sĩ đệ tam giáp hay ông Nghè được cả tổng nơi trú quán đón rước.

- Các Cử nhân và Tú tài được cả làng nơi trú quán đón rước.

Như vậy, căn cứ vào bài viết trên của giáo sư Nguyễn Duy Diễn, ta có thể dựa vào chi tiết các ông nghè được cả tổng đón rước để giải thích câu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Có thể hình dung một ông Cử nhân, Tú tài hay thậm chí một cậu học trò trong lúc say sưa, giận dữ hay cao hứng nào đó, buột miệng nói một câu, đại loại như:”mai đây ông thi đỗ ông nghè thì cả hàng tổng chúng bây liệu mà ra đón rước ông…”

2) Bài viết của giáo sư Nguyễn Duy Diễn khá chi tiết, song có lẽ ông không coi đây là một bài biên khảo nên không viện dẫn các tài liệu tham khảo, và điều này vô tình làm cho mức độ đáng tin cậy của bài viết bị giảm đi ít nhiều. 

Nguồn sử liệu thứ hai có thể giúp soi sáng ý nghĩa câu “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” là quyển Vũ Trung Tùy Bút (viết tùy hứng giữa cơn mưa), một trong những tác phẩm tiêu biểu của danh sĩ triều Nguyễn Phạm Đình Hổ (1768-1839). Trong bài Việc Thi Cử, Phạm Đình Hổ viết rằng đời Lê có đặt ra khoa thi Đông các dành cho các quan từ tam phẩm trở xuống từng đỗ Đình nguyên, Hội nguyên hay Hương nguyên (Giải nguyên). Như vậy người thi khoa Đông các, ngoại trừ Giải nguyên là Cử nhân, còn Hội nguyên, Đình nguyên đều là Tiến sĩ cả. Người đỗ khoa Đông các được xem là những ông nghè, khi vinh qui, cả dân bản tổng phải đến phục dịch, làm nhà tư thất bằng gỗ lim, lợp ngói, khoảng ba gian, tất cả dân phu trong bản tổng, bản huyện phải đến ứng dịch. Có người đỗ khoa này, khi vinh qui, thương người hàng tổng bần cùng, không bắt họ phải làm nhà cho mình nữa. Phạm Đình Hổ viết cụ thể về tệ này như sau: ”…người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay xở đi mượn cho xong việc. Thậm chí có kẻ chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang, hoặc chịu tiếng luồn lỏi đi vay lãi mà ký liều văn khế. Thói quen ấy tích tệ từ lâu, nên đã có cái tiếng ông Nghè đeo nợ, bà Nghè mua chồng…” (VTTB- NXB Trẻ - Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TPHCM – 1989, trang 95).

Xem như vậy, nếu chưa có cách giải thích nào hợp lý hơn nữa về câu nói “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, thì một trong hai tài liệu trên có thể tạm thời dùng để giải thích nó.

Lê Nguyễn
12.2.2014 - 12.2.2020.

.
83348752_2703994029698556_9012816071236780032_n
Giám khảo tại một trường thi vào cuối thế kỷ 19.
84190326_2703994119698547_8363522517658238976_n
 Quan trạng vinh qui (tranh vẽ cổ).
85241746_2703994019698557_967959966365253632_n
 Các thí sinh nhập trường thi Nam Định năm 1897.

86206327_2703994033031889_8487052451470376960_n
 Cảnh thi Đình thời Lê-Trịnh theo một tranh vẽ của Samuel Baron, năm 1685
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn