50 năm tình khúc "Close To You"

Thứ Năm, 06 Tháng Hai 20206:00 CH(Xem: 4906)
50 năm tình khúc "Close To You"
rfi.fr

50 năm tình khúc "Close To You" - Tạp chí âm nhạc

Tuấn Thảo

Chỉ cần những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên là giới yêu nhạc biết ngay đó là bài hát gì cho dù ca khúc có được trình bày trong nguyên tác tiếng Anh hay là qua các bản phóng tác tiếng Pháp và tiếng Việt. Tình khúc ‘‘Close To You’’ thuộc vào hạng kinh điển, từng nổi tiếng trên thế gilới qua phần trình bày của nhóm The Carpenters.

Phiên bản cực kỳ ăn khách của hai anh em Karen và Richard (The Carpenters) năm nay vừa tròn 50 tuổi, bài hát từng được phát hành vào tháng 5 năm 1970. Trong nguyên tác ca khúc "(They Long to Be) Close to You" do hai tác giả Burt Bacharach và Hal David đồng sáng tác. Người đầu tiên hát bài này là diễn viên kiêm ca sĩ Richard Chamberlain, ông ghi âm ca khúc làm nhạc nền cho bộ phim Mỹ ‘‘Twilight of Honor’’ (tựa tiếng Pháp Le Motel du Crime) của đạo diễn Boris Sagal, phát hành vào năm 1963. Bài hát ít được ai chú ý vì chỉ được phát hành trên mặt B của đĩa nhạc "Blue Guitar" của nghệ sĩ Richard Chamberlain.

Một năm sau, Dusty Springfield cũng có ghi âm bài này mà đáng lẽ ra để làm ca khúc chủ đạo, nhưng rốt cuộc mãi đến năm 1967, bài hát mới được phát hành trên đĩa nhựa (trên tập nhạc Where Am I Going). Về phần mình, ban nhạc The Carpenters ký hợp đồng ghi âm với hãng đĩa A&M Records vào năm 1969, nhóm này bắt đầu thu hút sự chú ý nhờ ghi âm lại ca khúc ‘‘Ticket to Ride’’ của nhóm Tứ Quái The Beatles. Theo lời kể của Richard Carpenter, khi ghi âm bài hát này trong phòng thu thanh, Karen vừa hát vừa chơi trống và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách hát của cô.

Phiên bản Carpenters đoạt giải Grammy

Sau vài lần ghi âm thử nhưng không thành công, nhà sản xuất (Herb Alpert) mới đề nghị Karen đừng chơi trống và chỉ tập trung vào phần hát. Phần đánh trống được giao cho Hal Blaine, Richard chơi đàn piano, Joe Osborn đánh đàn bass, đoạn kèn solo chuyển tiếp là của Chuck Findley. Toàn bộ ca khúc được phối với phong cách soft jazz, nhịp điệu càng chậm rãi khoan thai, càng giúp cho tiếng hát toàn bằng giọng ngực ấm áp của Karen có những nốt trầm tung bay, nốt cao vẫn đầy.

Một khi đã tìm ra nhịp điệu và cách phối, bài hát như thể lột xác thành một giai điệu thoạt nghe đơn giản nhưng càng nghe càng cảm nhận nét tinh tế ngời sáng. Điều đó giải thích vì sao ‘‘Close To You’’ (Mãi bên anh) trở thành một khúc nhạc kinh điển của pop, jazz và easy listening. Được phát hành vào năm 1970, tình khúc ‘‘Close To You’’ là ca khúc đầu tiên của The Carpenters chiếm hạng đầu thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada). Bài hát còn gặt hái khá nhiều giải thưởng trong đó có giải Grammy dành cho nhóm trình diễn xuất sắc nhất trên tổng số 4 đề cử quan trọng tại lễ trao giải Grammy năm 1971.

Kể từ giữa những năm 1970 cho tới nay, bản nhạc "(They Long to Be) Close to You" đã có thêm hàng trăm phiên bản khác nhau trong khá nhiều thứ tiếng. Trong tiếng Anh, trong các phiên bản quen thuộc sau đó, có Dinah Washington, Andy Williams, Bobby Womack, Diana Ross, Frank Sinatra, Harry Connick Jr, Johnny Mathis, Michael Bolton và gần đây hơn nữa có dàn ca sĩ diễn viên của loạt phim truyền hình Glee…

Trong số các ca sĩ hát tiếng Pháp ghi âm lại bài này có Lara Fabian (trên tập nhạc "Every Woman in Me"), Tina Arena, Claudine Longet hát trong cả hai thứ tiếng Pháp và Anh trên album ‘‘We've Only Just Begun’’ (1971). Nam danh ca Sacha Distel từng là bạn thân của Dionne Warwick và Burt Baccarach đã chấp bút đặt thêm lời tiếng Pháp khác cho bài hát này thành nhạc phẩm ‘‘Comme Moi’’. Còn trong tiếng Việt ‘‘Close to You’’ từng được phóng tác thành ca khúc ‘‘Tình Mộng Mơ’’ qua tiếng hát của ca sĩ Kiều Nga.

Giai điệu khó phai, khắc ghi tâm trí

Sau hơn một thập niên thành công trên tột đỉnh, ban nhạc The Carpenters (không hẳn là song ca) với ca sĩ chính là Karen Carpenter, còn người anh trai là Richard Carpenter chủ yếu chơi đàn và phụ trách phần hòa âm phối khí, lại đột ngột kết thúc vào năm 1983, với cái chết bất ngờ của Karen Carpenter. Cô qua đời chủ yếu vì chứng bệnh biếng ăn (anorexia). Trong thời gian sự nghiệp khá ngắn ngủi, ban nhạc đã ghi âm trên dưới 100 nhạc phẩm, trong đó nhiều bài cực kỳ nổi tiếng đủ để làm hai hay ba tuyển tập gồm những tình khúc ban đầu được xem hay nhất những năm 1970, nhưng với thời gian, nhóm này được xem như là một trong những ban nhạc pop có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như Abba và Bee Gees.

Cả ba ban nhạc này mỗi nhóm một phong cách đều từng đeo đuổi cùng một mục đích, đi tìm những giai điệu dễ nhớ khó phai, nghe qua là in ngay trong tâm trí, chứ không cần phải ghi chép lại. Nhóm The Carpenters từng nói : nếu đó thật sự là một giai điệu hay, thì nghe hôm này tới hôm sau ta vẫn còn nhớ, còn nếu như đã quên rồi thì điều đó có nghĩa là giai điệu chẳng có gì là nổi bật, quên cũng không sao. Sở dĩ có những bài hát trường tồn, sống lâu đến như vậy, được hát được nghe cho tới tận ngày nay, là vì trái tim người hâm mộ vẫn luôn nhớ mãi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn