Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia

Thứ Ba, 07 Tháng Giêng 202011:00 SA(Xem: 4319)
Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia
photo-1-15775052739531576702173-crop-15775054666561366765540

Bức tranh trong vách hang Leang Bulu' Sipong trên đảo Sulawesi của Indonesia có thể sẽ là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới, sau khi giới khoa học xác định bức vẽ này đã tồn tại gần 44.000 năm.

Đầu tháng 12, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Griffith (Australia) công bố nghiên cứu về một hình vẽ có tuổi đời lên tới 44 nghìn năm được phát hiện tại một hang động tại Indonesia. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đây có thể là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất trên thế giới, có niên đại gần 44.000 năm.

Tại địa điểm mang tên Liang Bulu’Sipong tại đảo Sulawesi, Indonesia, đoàn thám hiểm của đại học Griffith đã vô tình phát hiện một bức tường đá rộng 4,5m, cao 20m. Hình vẽ trên tường đá miêu tả cảnh lợn rừng và trâu đang chống lại một nhóm thợ săn nhỏ bé kỳ lạ được vẽ bằng màu đỏ đơn sắc. Một bàn tay màu đỏ sẫm tô điểm phía bên trái của bức tranh, có thể đây là một dạng chữ ký của các nghệ sĩ cổ đại. Một lỗ hở được đục ở bức tường phía đông bắc hang động cho phép ánh sáng mặt trời tràn vào chiếu sáng toàn bộ bức tranh. 

Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia - Ảnh 1.

Nơi phát hiện bức tranh trong vách hang có niên đại 44 nghìn năm tuổi.

Liang Bulu'Sipong - nơi tìm thấy bức tranh cổ, là một khu hang động có những mạch nước chảy bên trong các khe đá. Nước mang theo khoáng chất và tích tụ chúng trên những bề mặt tường đá tại hang động. Trong số các khoáng chất bao gồm hợp chất Urani, theo thời gian sẽ phân rã thành chất Thorium-230.

Các nhà khảo cổ đã xác định tuổi bức tranh dựa trên việc kiểm tra tỷ lệ Thorium-230 trên tường đá. Theo giáo sư Maxime Aubert thuộc đại học Griffith, phải mất một thời gian dài để Urani phân rã thành Thorium-230. Do đó, niên đại của các hình vẽ vừa được tìm thấy trên vách hang tại Liang Bulu'Sipong nhiều khả năng còn vượt hơn con số 44 nghìn năm, trở thành bức tranh cổ nhất mà con người từng biết đến.

Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia - Ảnh 2.

Toàn bộ khung cảnh bức tranh.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện này đặc biệt có giá trị, mở ra cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về các giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ loài người, cũng như sự phát triển của nhận thức hiện đại.

Theo một số nhà nghiên cứu, những chuyến đi săn luôn là chủ đề phổ biến trong bức tranh cổ được vẽ thời tiền sử, thế nhưng bức tranh vừa được phát hiện lại ẩn chứa nhiều chi tiết gây tranh cãi.

Trước hết, những hình vẽ thợ săn có hình dáng không giống con người. Trong bức vẽ, những thợ săn này có khuôn mặt thon kỳ lạ, phần miệng dài như mõm chó. Một người có đuôi và một người khác lại có mỏ. Cách giải thích dễ hiểu nhất được đưa ra đó là những người này đang khoác lên mình quần áo da thú.

Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới trong hang động ở Indonesia - Ảnh 3.

Một góc bức tranh vẽ chuyến săn thú trong hang Leang Bulu' Sipong

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại liên hệ điều này với cách giải thích thú vị từng được đưa ra về trường hợp các bức tranh tường cổ khác tại Pháp và Đức. Cụ thể, những thợ săn trông giống Therianthrope - giống người lai thú xuất hiện trong hầu hết các thần thoại trên khắp thế giới. 

Đáng chú ý, giả thuyết này chưa hề bị phủ nhận bởi giới nghiên cứu khảo cổ thế giới. Dù là người hay động vật, những kẻ đi săn đều phải đối mặt với những con mồi có tỷ lệ quái dị . Ở ngoài đời, một con trâu lùn chỉ cao khoảng 100cm và một con lợn hoang Indonesia chỉ cao 60cm. Tuy nhiên, trên bức tường của Liang Bulu'Sipong , các sinh vật hiện ra lớn hơn nhiều lần so với kích cỡ của những thợ săn.

Nếu bức tranh được vẽ theo hình thức cách điệu, nó có thể được xem như một tác phẩm phục vụ cho mục đích nghi lễ. Từ đó cho thấy Liang Bulu'Sipong từng là một địa điểm linh thiêng đối với những con người sống tại khu vực đảo Sulawesi.

Tóm lại, bức tranh Liang Bulu'Sipong sẽ còn cung cấp nhiều gợi ý tranh luận về cách mà con người phát triển giống loài, phát triển tôn giáo, phát triển nghệ thuật và niềm tin tâm linh.

Tham khảo Arstechnica

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn