VÌ SAO NHẠC VÀNG LẠI ĐƯỢC YÊU THÍCH?

Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Một 20194:00 SA(Xem: 4671)
VÌ SAO NHẠC VÀNG LẠI ĐƯỢC YÊU THÍCH?
maxresdefault

VÌ SAO NHẠC VÀNG LẠI ĐƯỢC YÊU THÍCH

Nguyễn Xuân Diện

Nhạc Vàng là tên thường gọi của thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Lâu nay, nhiều người đã bàn về giá trị nghệ thuật và sức sống của nhạc vàng thời Viêt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đã có rất nhiều người chỉ ra lý do Nhạc vàng nhanh chóng tiến ra Bắc, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân ở Miền Bắc, đồng thời có sức sống rất mãnh liệt tại hải ngoại.

Theo tôi, Nhạc vàng được yêu thích và có sức sống ấy là do các nguyên nhân sau đây:

1. Nhạc vàng có ca từ đề cập đến cái Buồn.

Bất cứ nền văn học nào, khi đề cập đến số phận con người, đến cái Buồn, cũng sẽ được nhớ mãi. Âm hưởng buồn (có khi bi thương, bi tráng, bi hùng, có khi chút thoáng) chiếm phần lớn trong nhạc vàng VNCH. Cái Buồn luôn chạm đến trái tim của mọi người, ở mọi thời điểm và hoàn cảnh.

Tình yêu, sự nhớ nhung và niềm đau của các cuộc tình tan vỡ; nỗi nhớ thương người yêu bé nhỏ nơi quê nhà bùng lên trong bước quân hành hay giữa vùng biên thùy trong phiên gác đêm xuân. Ước vọng đoàn tụ dưới mái tranh nghèo khi Tết đến không thành; Người bạn chiến đấu nằm phơi xác sau một lần xuất kích, hay những dải khăn xô của mẹ già và thiếu phụ mất con mất chồng… Tất cả gợi lên những nỗi buồn với nhiều cung bậc khác nhau, chạm đến trái tim của mọi người. Đó là lý do Nhạc vàng VNCH nhanh chóng tìm được sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự hô ứng.

2. Nhạc vàng VNCH khi hát lên, đều tròn vành rõ chữ, đúng theo truyền thống âm nhạc Việt Nam.

Đây chính là lý do Nhạc vàng ra Bắc, nó như được trở về với cội nguồn Văn hóa Việt, từ những người con xưa từng “mang gươm đi mở cõi”.

Chính vì điểm này, mà nó gần gũi với con người và nó trở thành quen thuộc với bất cứ ai. Giống như Thơ Lục bát (ai cũng có thể làm và có thể làm hay), ai cũng có thể hát nhạc vàng, ai cũng có thể hát đúng và có thể có nhiều người hát hay. Sự lan tỏa và chiếm lĩnh của nhạc vàng sâu rộng như vậy chính là nhờ điểm này.

Đặc điểm này đem lại các hệ quả là: 1- Nhạc vàng quen thuộc mà không xa lạ; 2- Nhạc vàng dễ phổ biến vì ai cũng có thể hát. Đây là một dấu son của di sản Văn Nghệ VNCH: Sản sinh thể loại âm nhạc không bị thất cước với quá khứ cha ông và nằm trong mạch ngầm của văn hóa Việt.

3. Nhạc vàng có ca từ sang trọng và ẩn dụ.

Nhạc vàng có ca từ sang trọng là bởi sử dụng nhiều từ Hán Việt, vì từ Hán Việt cô đọng và hàm ẩn nghĩa và giàu sức gợi mà ít phải dùng nhiều chữ. Thí dụ: “..thì gót liễu mong manh, làm sao bước song hành”. Thì gót liễu và song hành là những từ rất gợi, để nói đến người con gái bé nhỏ, liễu yếu đào tơ làm sao bước song hành cùng chàng trai nơi bưng biền, chiến địa. Chữ “gót liễu” rất gợi, gợi lên hình ảnh mảnh mai và xinh đẹp của người con gái, đồng thời trong đó cho thấy chàng trai ý thức được mình là trang nam nhi, dấn thân nơi chiến trường và luôn yêu thương người yêu bé bỏng.

4. Nhạc vàng VNCH được phối âm phối khí tốt nhất

Nhạc vàng VNCH được ưa chuộng và rất thịnh hành trong đời sống âm nhạc đô thị Miền Nam. Thị trường âm nhạc của Nhạc vàng VNCH đem lại lợi nhuận lớn qua phát hành băng đĩa, sự nổ rộ của các phòng trà âm nhạc, các buổi biểu diễn ngoài trời, các sân khấu lớn. Vì vậy, Nhạc vàng VNCH đã được phối âm phối khí với tất cả các phương tiện và dàn nhạc hiện đại nhất lúc đương thời. Sự sang trọng và ẩn dụ của ca từ, những thanh âm da diết của giai điệu, lối hát tròn vành rõ chữ của nghệ sĩ, trên nền phối khí đầy đủ và hiệu quả, tạo cho Nhạc vàng VNCH được hoàn thiện. Nhạc vàng đi ra Bắc và lan tỏa là chủ yếu bởi qua băng đĩa cattsetes, CD, VCD, DVD...

Tóm lại, Nhạc vàng VNCH là một di sản nghệ thuật nằm trong nguồn mạch của văn hóa dân tộc. Nó được sinh ra từ tâm hồn người nghệ sĩ yêu tiếng Việt và con người. Nhạc vàng đi từ trái tim và chạm đến trái tim. Ca từ sang trọng và mang tính ẩn dụ khiến cho Nhạc vàng VNCH vượt qua những cái hữu hạn cụ thể (không có trong đó ta – địch, không tuyên truyền, xóa nhòa những hữu hạn) để hướng tới sự trường tồn của văn nghệ.

Đây cũng là lý do Nhạc vàng có ảnh hưởng càng ngày càng lớn. Và lý do Nhạc vàng VNCH không còn bị cấm đoán là vì “Nhạc Vàng hiện nay ‘không còn là mối đe dọa chính trị’ đối với chính quyền trong nước”, đúng như Ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, nhận định tại hội thảo về nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa Việt Nam tại Đại học Oregon, Eugene, hôm 15/10.

20.11.2019
______________

Một số lời bình về bài viết:

Phương Thụ Rất thích nghe nhạc vàng vì tự nhiên gần gũi, dễ đồng cảm, giai điệu và ca từ đẹp như thơ, người nhạc sĩ sáng tác bằng cảm xúc thật, rung động tận đáy lòng và con tim gửi gắm cho đời. Bởi vậy nên nhạc vàng sẽ sống mãi, không như nhạc của ai kia chỉ viết theo tuyên truyền hô hào một thời nay đã ngủm củ tỏi không biết có tủi thân không nữa... Cảm ơn bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện.

Hoài Nam Phí Lần đầu tiên được đọc một bài phân tích về nhạc vàng thấu đáo hay như thế, qua đây hiểu rõ hơn vì sao nhạc vàng được nhiều người thích!

Lý Văn Đức Em là thế hệ 8x nhưng lại nhớ nhiều lời và giai điệu nhạc Vàng hơn nhạc trẻ đương thời.

Luongvan Luongvan "Tất cả những gì con người từng nghĩ ra và được lưu truyền đều là văn hóa "(Lương Văn) những bản nhạc này đã dệt vào Ký ức quá khứ và tương lai.

Hoàng Linh TS nói rất đúng, nhạc vàng (hay còn gọi là Bolero) có sức sống mãnh liệt và trường tồn, bởi những giá trị mà TS Nguyễn Xuân Diện đã nhìn ra. Cảm ơn TS vì những nhận định đó!

Nguyễn Đình Tùng Bình hay sắc sảo logist ...hay.


Bốn Bộ Nhạc vàng có nhiều bài triết lý lẽ sống, dạy cách làm người, cách ứng xử với nhau rất hay như bài Thói Đời, bài Tuý Ca...Chính vì thế mà nhạc vàng đã và sẽ còn mãi mãi không thể nào mất đượct. Chỉ có nhạc đỏ là mất...

Đặng Quốc Biên Hay quá anh, anh nhận xét rất đúng, cái mà nhạc Vàng có là biểu đạt những cảm xúc, rung động tự nhiên và nhân ái anh à.

Đặng Hữu Phúc Nên làm 1 thống kê xã hội học: ai nghe nhạc vàng? Tầng lớp nào? Văn hóa của họ cao hay thấp?



Hoặc thử thống kê theo những dạng người cũng sẽ rất thú vị.
Ví dụ những dạng sau tôi nghĩ sẽ rất thích nhạc vàng:
1/Trong 1k tội phạm bị hình sự đã từng bị đi tù.
2/ Trong 1k người xăm trổ đầy người.
3/ Trong 1k kẻ thất học, chỉ có đk học hết cấp 1
4/ Trong 1k dân buôn bán nhỏ lẻ, chạy chợ.
5/ Trong 1k người chạy xe ôm.

Vv...
trong 1k dạng người đó có bao nhiêu người nghe nhạc vàng?
tôi nghĩ nó là món ăn tinh thần của tầng lớp văn hóa thấp, số đông, chiếm 90% dân số.

Thanh Chuong  nói với Đặng Hữu Phúc
Tôi cũng thích nghe nhạc vàng .
Cái gì cũng có cái hay của nó ông ạ

Phan Tộc
nói với Đặng Hữu Phúc Hehe còn lại 4% là dạng có thẻ đỏ , 4 % là đang oe oe mếu máo ,2 % là dạng đầu ngô mình sở nửa dơi nửa chuột gọi là lều nọ lều kia ...!. 

Đặng Phương Mai Nhạc vàng nó chạm đến tận cùng trái tim, làm lay động đến miền linh thiêng nhất của đời người, nó sang trọng bởi xuất phát từ những cảm xúc đẹp, tinh túy của tâm hồn... Nên nó có chỗ đứng trong lòng nhiều thế hệ. 
Phương Hoàng Cao Nhạc vàng tồn tai vì có hàng ngàn những bài hát tuyệt vời , đủ thể loại từ tình yêu trai gái đến tình cha con , mẹ con , tình yêu quê hương không đượm mùi chính trị không đòi nợ máu ...cho nên nó tồn tại. 

Có nhiều nhạc sĩ cho rằng giai điệu bolero khi sáng tác thì dễ đi vào lòng người vì ca từ quá bình dân và rất tầm thường.

Tôi thách ông nhạc sĩ nào mà viết vài ca khúc ca ngợi đảng cộng sản,ca ngợi ông Hồ bằng giai điệu bolero để nghe thử có lọt tai không?

Phạm Ngọc Điệp Em thích dòng nhạc này vì ca từ rất ý nghĩa.

Đỗ Việt Khoa Lời thơ trong các ca khúc nhạc vàng rất sâu lắng, trữ tình. Nhiều lời bài hát nhạc đỏ khiên cưỡng, thô, giả tạo.

Ngochuyen Le Ngày bé được nghe trong băng cối, ngấm vào lòng từ lúc đó.

Lê Nguyễn: Phần lớn nhạc vàng nói đến cái buồn của sự chia cách, nhớ nhung, nhưng không phải là cái buồn vay mượn, kiểu cách, mà là cái buồn gắn liền với khung cảnh một cuộc nội chiến, con xa cha, vợ xa chồng. Một đặc điểm nữa của nhạc vàng nói riêng và âm nhạc miền Nam trước 1975 nói chung là vẫn luôn đề cao tình tự dân tộc, không kêu gọi hận thù, chém giết, cho dù đó là một cuộc chiến đấu tự vệ

Thêm một điểm: người viết nhạc tại miền Nam trước 1975 được tự do thể hiện tình cảm (trường hợp Ca khúc Da vàng của TCS), không bị định hướng theo chính sách của nhà cầm quyền.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn