Vĩnh biệt Du Tử Lê, ngôi sao của thơ cách tân

Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20198:00 CH(Xem: 4706)
Vĩnh biệt Du Tử Lê, ngôi sao của thơ cách tân
bbc.com

Du Tử Lê với thơ cách tân và hoà giải

Bùi Văn Phú Gửi đến BBC từ California, Hoa Kỳ

Nhà thơ Du Tử Lê Bản quyền hình ảnh Tuyen Phan/Facebook
Image caption Nhà thơ Du Tử Lê

Một sao sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam vừa vụt tắt. Nhà thơ Du Tử Lê đã qua đời hôm tối thứ Hai 7/10/2019 tại Quận Cam, California.

Nhắc đến Du Tử Lê, giới văn học nghệ thuật nhớ đến một thi sĩ có sáng tác trải dài hơn 60 năm, từ quê nhà ra đến hải ngoại. Ông bắt đầu làm thơ khi tuổi mới hơn mười và có sáng tác đầu tay được đăng trên tạp chí văn học Mai năm 1958, lúc 16 tuổi với bút danh Du Tử Lê. Năm 1973 ông đoạt giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc Việt Nam Cộng hoà thể loại thi ca, với tập thơ "Thơ Du Tử Lê 1967-1972"

Rời nước trong biến cố 30/4/1975, nhà thơ đến Mỹ định cư tại Quận Cam, California cho đến ngày qua đời.


Một trong những bài thơ đầu tiên trong đời tị nạn, ông viết từ trại Camp Pendleton:

"em đâu biết tôi có những giấc mơ

buổi sáng, camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa

có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí

nối liền Processing Center với Trại Một

người con gái ốm o ngồi cùng băng ghế

hỏi có phải tôi là người mới tới, vài hôm…"

Trước đó, năm 1969 Du Tử Lê đã được qua Mỹ tu nghiệp về báo chí. Thời gian xa nhà ông đã có những vần thơ mang cảm giác xa lạ nơi xứ người:

"đến đây nắng cũng lạ người

chân đi dưới phố hồn ngồi tháp cao

tôi như quái vật chốn nào

ngu ngơ lỡ lạc bước vào cõi âm

rùng rùng những bóng dã nhân

đi qua, đi lại bước chân ngoài đời

bỗng thèm khát một tiếng thôi

bỏ tiền vào máy nghe lời chào ông"

[Hai bài lục bát ở quê người, San Francisco 10-69]

Khi đó quanh nhà thơ không có ai nói cùng ngôn ngữ. Mấy năm sau, nơi ông định cư ở miền Nam California, có đông đồng hương, nhưng ông đã thật sự phải sống đời lưu vong.

Ông tiếp tục làm thơ và làm báo. Tờ Nhân Chứng, tờ Quê Hương xuất bản ở Nam California trong những năm đầu của cộng đồng người Việt tị nạn đều có bàn tay đóng góp của ông.

Thơ của ông là những hoài niệm về một nơi chốn cũ. Nhớ bạn bè, những con đường cũ, lớp học xưa. Đêm về nhìn trăng quê người mà nhớ:

"…đêm về theo bánh xe qua

nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh

nhớ em kim chỉ khứu tình

trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre

nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè

nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do

nhớ nghĩa trang quê bạn bè

nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường

đêm về theo vết xe lăn

tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?

[Đêm, nhớ trăng Sài Gòn, 1978]

Văn nghệ sĩ miền Nam bỏ nước ra đi khi đó đều mang trong lòng nỗi nhớ bất tận về quê cũ. Nó càng xoáy sâu khi ít có thông tin từ bên nhà. Gần như tuyệt vọng vì sẽ không có ngày về, Du Tử Lê mường tượng ra ngày qui cố hương, là sau khi chết:

"Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

đời lưu vong không cả một ngôi mồ

vùi đất lạ thịt xương e khó rã

hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi

bên kia biển là quê hương tôi đó

rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì…

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

và trên đường hãy nhớ hát quốc ca

ôi lâu quá không còn ai hát nữa

(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết

đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

[Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, 12-1977]

Đó là cách ông đã mơ một ngày được trở về quê hương.

Nhưng phải mấy chục năm sau ước mơ đó mới thành hiện thực. Năm 2014 thi sĩ Du Tử Lê bằng xương thịt và còn sống đã về lại quê hương cùng lúc với gia sản tinh thần của ông được Nxb. Hội Nhà văn cho in trong nước. Ông đã gặp Hoàng Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, đã có những buổi nói chuyện về thơ, giao lưu cùng bạn đọc yêu thích thơ của ông.

Với hoàn cảnh đất nước như hiện tại, khi chính quyền vẫn muốn định hướng suy nghĩ của người dân và kiểm soát chặt chẽ việc in ấn, xuất bản thì những giao tiếp giữa văn nghệ sĩ trong và ngoài nước còn nhiều giới hạn và những chuyến trở về của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng hoà luôn tạo nên dư luận. Trường hợp Du Tử Lê cũng không là ngoại lệ vì ông từng là một đại úy tâm lý chiến, từng là phóng viên chiến trường, là thư ký nguyệt san Tiền Phong của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Trước những chỉ trích, kể cả việc sửa thơ để có cớ tấn công, ông chọn sự im lặng.

Nhà thơ Du Tử Lê (trái) cùng nhà thơ Trần Dạ Từ Bản quyền hình ảnh Tuyen Phan
Image caption Nhà thơ Du Tử Lê (trái) cùng nhà thơ Trần Dạ Từ

Du Tử Lê đã có ý tưởng hoà giải hoà hợp với văn nghệ sĩ quê nhà từ khi ông đưa thơ của mình vào tập "Two Rivers: new Vietnamese writing from America and Vietnam" [Uni. Of Hawaii Press, 2002] do Frank Stewart là chủ biên, với sự đồng biên tập của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung. Tập thơ văn này có sáng tác của Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Minh Châu từ trong nước và hải ngoại có Mai Thảo, Đỗ Kh., Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Barbara Trần, Nguyễn Quí Đức v.v…

Thơ Du Tử Lê đã xuất hiện trong nhiều sách, tập san thơ và báo tiếng Anh ở Mỹ, như trong tác phẩm "Understanding Vietnam" của Neil J. Jamieson [Uni. of California Press, 1993], trong "World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time" [Nxb. W.W. Norton, 1998] cùng với năm nhà thơ Việt khác, hay trên các báo New York Times, Los Angeles Times. Ông cũng đã có nhiều dịp đến các đại học Harvard, U.C. Berkeley, CSU Fullerton nói chuyện về thi ca và văn học Việt Nam.

Người đọc thơ Du Tử Lê rất dễ nhận ra cách làm thơ của ông có những khác lạ. Những vần thơ, và cả văn, của ông viết theo lối mà ông gọi là "cách tân" - không phải là thơ "tân hình thức".

Những bài lục bát, một thể loại thơ phổ biến trong dân gian nước Việt, thường theo nhịp 2 đều đặn, như trong Truyện Kiều xưa với hàng nghìn câu hay những vần thơ đương đại của Phạm Thiên Thư: "Rằng xưa có gã từ quan / Lên non tìm động hoa vàng ngủ say"


Còn lục bát Du Tử Lê ngắt theo lối khác, có thể là 1, 3, 2 cho câu sáu và 3, 1, 4 cho câu tám, bằng dấu phẩy, chấm, hai chấm, ba chấm hay dấu cắt nghiêng nên khi đọc phải chậm lại, ngừng, nghỉ, nghĩ suy:

"nên, con sông không thi hành

cát suy thoái, muộn, vơi ghềnh/ thác/ cao/.

trưa chôn chân: dăm con sào

bóng toan xuống cấp. thân hồ hởi, can /."

[Biển, gương, seattle]

Hay một đoạn lục bát khác của ông:

"hàng cây, hàng cây, phương tây /.

gió: khô góc trái; ngực: lầy dấu đinh /.

nàng về, nàng về, vai thuôn

vòm tâm ấn tượng trí cường điệu, khoan /."

[phác hoạ Hoa Thịnh Đốn]

Không phải khi ra hải ngoại thơ Du Tử Lê mới cách tân. Trong những năm đầu sáng tác ông đã có lối ngắt lục bát khác thường:

Xin em đôi cánh tay mềm

Một bên nắng…dắt, một bên mưa…dìu

[Trầm ca tháng Giêng, 1962]

Nhạc sĩ Từ Công Phụng và nhà thơ Du Tử Lê (phải) Bản quyền hình ảnh Tuyen Phan/Facebook
Image caption Nhạc sĩ Từ Công Phụng và nhà thơ Du Tử Lê (phải)

Trong một lần nói chuyện trên đài truyền hình CaliToday ở miền bắc California cuối năm 2014, ông cho biết năm 1967 ông có gửi những bài lục bát cách tân cho Mai Thảo, lúc đó đang phụ trách tạp chí Văn, và Mai Thảo đã nhận xét rằng những bài thơ của ông không phải là thể thơ lục bát.

Cách ngắt chữ của ông còn thể hiện trong các thể thơ khác, 5 chữ hay 7, 8 chữ cũng có:

"mưa chưa đi khuất, ngày chưa tới

đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!

mùa hoen đôi mắt, như vừa khóc

gọi hết tàn phai, gõ một lần.

.

trời đem mây xuống neo chân sóng

gió hú đường bay ngang ngọn cây.

tử / sinh vốn dĩ như hình / bóng.

linh hồn nào còn quẩn quanh đây?..."

[Đêm, treo ngược tôi: dấu chấm than!]

Thơ Du Tử Lê cũng đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc: Phạm Đình Chương với "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Đêm nhớ trăng Sài Gòn"; Từ Công Phụng với "Trên ngọn tình sầu"; Hoàng Quốc Bảo với "Người về như bụi"; Trần Duy Đức với "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời".

Được biết đến nhiều nhất là "Khúc Thụy du" do Anh Bằng phổ nhạc và Quang Dũng đã đưa bài hát lên đỉnh điểm. Đây cũng là ca khúc gây tranh luận, vì nội dung nguyên thủy là một bài thơ dài cả trăm câu, Du Tử Lê viết về thân phận con người trong chiến tranh, ngay sau Tổng Công kích Tết Mậu Thân. Bài thơ đầy máu và nước mắt, nhưng khi chuyển thành ca khúc, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ dùng một phần của Đoạn 3 và đưa nó lên thành bản tình ca đầy mộng mị:

"…tôi làm ma không đầu

tôi làm ma không bụng

tôi chỉ còn đôi chân

hay chỉ còn đôi tay

sờ soạng tìm thi thể

quờ quạng tìm trái tim

lẫn tan cùng vỏ đạn

dính văng cùng mảnh bom

thụy ơi và thụy ơi

đừng bao giờ em hỏi

vì sao mình yêu nhau

vì sao môi anh nóng

vì sao tay anh lạnh

vì sao thân anh rung

vì sao chân không vững…"

[Khúc Thụy du, 3-68]

Du Tử Lê tên thật Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Di cư vào Nam năm 1954, theo học các trường trung học Trần Lục, Chu Văn An và Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Ông phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà với cấp bậc sau cùng là Đại úy tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

Bà Phan Hạnh Tuyền, vợ của nhà thơ, đưa tin trên Facebook là ông ra đi nhanh và nhẹ nhàng. Chiều hôm đó ông còn ra quán ăn cơm với bạn bè, gần tám giờ ông kêu mệt và được bạn đưa về nhà. Lên giường nằm nghỉ, chỉ ít phút sau thì ông trút hơi thở cuối cùng.

Mấy năm trước đây nhà thơ đã có cuộc phẫu thuật đường ruột và khi đã qua tuổi "thất thập cổ lai hy" ông coi sống được thêm ngày nào là quà tặng (bonus) của trời cho thêm.

Thi sĩ Du Tử Lê hưởng thọ 77 tuổi và để lại cho đời 77 tác phẩm.

Sáng tác của ông trước năm 1975 có: "Tình khúc Tháng Mười Một" (1965), "Tay gõ cửa đời" (1967), "Thơ Du Tử Lê 1967-1972", "Đời mãi ở Phương Đông" (1974).

Xuất bản ở hải ngoại: "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu" (1985-1989), "Đi với về cũng một nghĩa như nhau" (1992), "Chấm dứt luân hồi em bước ra" (1993), "Thơ tình Du Tử Lê" (1996), "Tuyển tập Du Tử Lê 1957-2013" [Nxb. Người Việt, CA]

Những năm gần đây một số tác phẩm của ông đã được xuất bản trong nước: "Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời," [Cty Văn hoá Cổ phần Phương Nam, 2017], "Mẹ về Biển Đông" [Nxb. Hội Nhà văn Việt Nam, 2017], tập thơ "Khúc Thụy Du" [PhanBook, 2018], truyện dài "Với nhau, một ngày nào" [Saigon Books, 2018].

Ông còn có những tác phẩm nhận định văn học là "Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015" Tập 1 và 2 [Nxb. Người Việt, CA]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn