Câu chuyện thầm lặng về những người câm điếc tại Pháp

Thứ Hai, 16 Tháng Chín 20198:00 CH(Xem: 3692)
Câu chuyện thầm lặng về những người câm điếc tại Pháp

Câu chuyện thầm lặng về những người câm điếc tại Pháp

Câu chuyện thầm lặng về những người câm điếc tại Pháp
 
Sân Viện Quốc gia về những người khiếm thính cùng với tượng Cha Charles Michel de l'Epée, người sáng lập trường dạy ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên cho người khiếm thính tại Pháp.Wikimedia Common..

« Người Pháp, người Anh, người Đức, người Nga, người Hoa đều có một ngôn ngữ riêng của họ. Còn chúng tôi cũng có thứ ngôn ngữ riêng của chúng tôi : Ngôn ngữ ký hiệu ! Và chúng tôi phải tự hào về điều này ».

Ernest Dusuzeau, bị điếc từ 4 tuổi, một trong những nhà đấu tranh cho những người khiếm thính Pháp, tại Hội thảo toàn quốc về việc cải thiện số phận những người câm điếc, được tổ chức ở Roubaix (Pháp) tháng 8/1911 đã nhấn mạnh như trên.

Gần một thế kỷ sau tuyên bố mạnh mẽ đó, nước Pháp trong một điều khoản của đạo luật ban hành ngày 11/02/2005, quy định : « Ngôn ngữ ký hiệu Pháp là một ngôn ngữ theo đúng nghĩa của nó. Mọi học sinh có liên quan phải được hưởng một nền giáo dục về ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Hội đồng Tối cao về giáo dục có trách nhiệm thúc đẩy việc giảng dậy ngôn ngữ này…. »

Cộng đồng khiếm thính

Nhưng để có được sự nhìn nhận này, đó là cả một con đường đấu tranh dai dẳng lặng lẽ của những người khiếm thính nhằm đòi hỏi một quyền bình đẳng như bao người khác. Vậy nên mới có « Câu chuyện thầm lặng của những người câm điếc : Từ bị hắt hủi cho đến được nhìn nhận », tên của một cuộc triển lãm được tổ chức tại điện Panthéon (19/06 – 06/10/2019).

Không gian triển lãm nhỏ bé nhưng đủ để kể một câu chuyện súc tích về một cộng đồng người khiếm thính ít được phần lớn công chúng biết đến. Một câu chuyện được kể bằng những bài luận triết lý, những tác phẩm văn học, nhưng cũng có cả những văn bản pháp lý, những bài viết báo đấu tranh… Người xem chợt khám phá ra rằng ngôn ngữ ký hiệu cũng như tiếng Pháp đã có từ ngàn xưa. Cách thức giao tiếp bằng đôi bàn tay của người khiếm thính đã khơi dậy sự hiếu kỳ, tò mò của nhiều triết gia như Platon thời Cổ Đại, Mongtaigne hay Descartes thời Phục Hưng.

Theo quan điểm của sử gia Yann Cantin, một người khiếm thính cũng là người phụ trách cuộc triển lãm, qua lời thông dịch của Sophie Grindatto khi trả lời phỏng vấn đài France Culture cho rằng những quan sát từ bên ngoài, tuy chưa đủ để phản ảnh nền văn hóa của cộng đồng người khiếm thính, nhưng cũng cho thấy rõ là những người khiếm thính vào thời kỳ đó cũng không hoàn toàn bị cô lập.

« Vào thời kỳ đó, những người khiếm thính không hoàn toàn bị cô lập. Bởi vì cả một nền văn hóa của họ có thể được thấy rất rõ. Ví dụ, có một người khiếm thính tên gọi là Pierre Desloges, ông ấy đích thực là một nhà văn khiếm thính đầu tiên có nhiều tác phẩm được phát hành. Đây thật sự là một cái nhìn được phổ biến từ bên trong cộng đồng người khiếm thính. Các tác phẩm của ông Desloges còn cho thấy những ai sống ở nông thôn rất có thể bị cô lập, nhưng những ai ở thành thị thì không vì có ngôn ngữ ký hiệu. Họ có rất nhiều trao đổi và nhiều thông tin được loan truyền. Do vậy yếu tố này cần phải được kể đến và rất quan trọng. »

Quả thật, ngôn ngữ ký hiệu đã cho phép một số người khiếm thính được tiếp cận một nền tri thức trình độ cao và không bị gạt ra ngoài xã hội. Chuyện kể rằng vào cuối thế kỷ XVIII, một nữ quý tộc tên là Madeleine Le Mansois, thuộc gia đình chủ thuyền buôn xứ Normandie, mồ côi từ nhỏ được giáo dưỡng tốt. Cô đã kiện lên Nghị viện Paris, định chế cao nhất của vương quốc thời ấy nhằm phá vỡ một phán quyết cấm cô kết hôn với vị hôn phu mà cô chọn. Mà bằng chứng cho câu chuyện này là bản trích lục phán quyết của Nghị viện Paris ngày 26/06/1776 chấp thuận yêu cầu của cô Madeleine Le Mansois và yêu cầu tổ chức ngay lập tức một lễ cưới.

20190828_114934Trích lục phán quyết của Nghị Viện Paris cho phép cô Madeleine de Mansois được kết hôn với vị hôn phu cô chọn.RFI/Tiếng Việt

Ngôn ngữ ký hiệu

Thế nhưng, bà Florence Encrevé, giảng viên về khoa học ngôn ngữ tại đại học Paris 8 Vincennes-Saint-Denis, lưu ý thêm rằng triển lãm tại Pantheon không chỉ là câu chuyện về một cộng đồng người khiếm thính, về một nhóm người xã hội mà còn là lịch sử của cả một dòng ngôn ngữ ký hiệu.

Mà đã là ngôn ngữ thì cũng phải chịu tác động của thời gian, dòng chảy lịch sử nhân loại. Cũng như bao loại ngôn ngữ khác, ngôn ngữ ký hiệu cũng có những lúc « ba chìm bảy nổi ». Giữa hai thế kỷ XVIII và XIX là hai cách nhìn khác nhau về người khiếm thính. Thế kỷ XVIII đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho cộng đồng người khiếm thính.

Thầy dòng Charles Michel de l’Epée là người đầu tiên lập trường học miễn phí cho trẻ khiếm thính thuộc mọi tầng lớp xã hội. Ông dạy trẻ nhận dạng chữ cái qua các ký hiệu. Công lao to lớn này của ông đã được ông Cantin và cộng đồng người khiếm thính nghĩ rằng ông xứng đáng được đưa vào điện Panthéon.

« Lúc ban đầu, khi triển lãm được hình thành, chúng tôi muốn nói về cha Epée. Thật ra thì những người khiếm thính muốn rằng cha Epée phải được đưa vào điện Panthéon. Bởi vì cha có một vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ khiếm thị. Ông mở trường dạy học miễn phí cho trẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Công việc giảng dậy sau đó vẫn được tiếp tục sau thời kỳ Cách Mạng. Nhưng quả thật chính cha Epée mới là người đề xuất lúc ban đầu ».

abbe_epeeẢnh vẽ cha Epée lúc lâm chung.RFI/Tiếng Việt

Rồi cách nhìn về người khiếm thính thay đổi. Nếu như việc phổ biến cách dạy ngôn ngữ ký hiệu của cha Epée đã giúp cải thiện trình độ học vấn, giúp nhiều người khiếm thính hội nhập xã hội dễ dàng hơn, thì đến thế kỷ XIX, ngôn ngữ ký hiệu lại bị hắt hủi cho là « lỗi thời ». Người ta không gọi người khiếm thính là người Điếc nữa mà là người « Câm Điếc ». Dạy cách phát âm là phương pháp chủ đạo nên mới có thuật ngữ « ngôn ngữ cấu âm ». Ông Yann Cantin giải thích tiếp :

« Quả thật là một người khiếm thính thì không nói được nhưng họ vẫn là con người. Nhưng bởi vì Aristot trong một tác phẩm có ghi rằng ʺđiều làm nên sự khác biệt giữa Con người và Động vật chính là tiếng nóiʺ. Nếu chúng ta không nói được thì chỉ là động vật. Do vậy, người ta muốn dậy nói cho những người khiếm thính sao cho họ vẫn là người.

Có thể nói, thế kỷ XIX được xem như là một thế kỷ ʺkinh hoàngʺ. Bởi vì tiếng nói được cho là rất quan trọng trong khi mà ngôn ngữ ký hiệu lại không đủ nét tinh tế, chưa đủ chính xác và vì vậy mà một cuộc tranh luận về hai cách thức giao tiếp. Ngôn ngữ ký hiệu được xem như là chưa đủ tinh tế, chính xác và việc phát âm có thể bù đắp thêm những thiết sót này, họ muốn làm điều tương tự với ngôn ngữ cấu âm ».

Điều gì đã khiến cho các nhà sư phạm thời kỳ ấy có cái nhìn khá khắt khe với người khiếm thính ? Ông Yann Cantin cho rằng vấn đề là ở chỗ trí thông minh.

« Đúng là đặc trưng đầu tiên đối với một người bị điếc là trí thông minh. Vào thời đó, trí thông minh được coi là đi liền với lời nói. Nếu một người nào đó bị câm, không nói được, người ta có cảm giác rằng chắc chắn trí thông minh của người đó bị hạn chế. Trong khi đó, dưới thời Trung Cổ, cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Người ta cho rằng trời sinh ra họ là như vậy và chấp nhận họ ».

Cuộc đấu tranh dai dẳng

Hai thế kỷ là hai nét tương phản về đời sống xã hội người khiếm thính. Thế kỷ XVIII trở về trước được cho là giai đoạn bình an, ung dung tự tại nhất. Việc không biết chữ không ngăn cản được một số người khiếm thính hội nhập tích cực vào đời sống xã hội. Câu chuyện về ông Antoine de Lincel, một lãnh chúa bị khiếm thính hồi thế kỷ XVI là một ví dụ điển hình. Cuốn sổ ghi chép đầy những ảnh vẽ cho thấy cách thức ông quản lý các nguồn thu chi tài sản của ông. Đây cũng là giai đoạn người khiếm thính có những tiến bộ vượt bậc về trình độ học vấn, xuất hiện nhiều gương mặt trí thức mới trong việc giảng dậy, trong các lĩnh vực văn học, lịch sử…

so_ghi_chep_cua_antoine_0Sổ ghi chép thu chi của ông Antoine de Lincel, một lãnh chúa khiếm thính thế kỷ XVI.RFI/Tiếng Việt

Ngược lại thế kỷ XIX, vì cho rằng tiếng nói là quan trọng, muốn người khiếm thính phải nói được, và chính điều này dẫn đến hiện tượng suy thoái nền văn hóa, ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính.

Nhưng cũng không vì thế mà người khiếm thính nhẫn nhịn chấp nhận số phận. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làn sóng đấu tranh dần dần hình thành. Họ cũng viết bài xã luận nhiều hơn và phát hành nhiều tạp chí của riêng mình. Người xem triển lãm có dịp thấy lại những tờ báo ố vàng cũ xưa như « La France Silencieuse » (Nước Pháp thầm lặng), « REVEIL des SOURDS-MUETS » (Sự thức tỉnh của những người Câm Điếc) hay « LA GAZETTE DES SOURDS-MUETS » (Báo của người Câm Điếc)…

Họ đấu tranh đòi bình đẳng các quyền và nghĩa vụ. Họ muốn được hưởng một nền giáo dục có chất lượng như trước năm 1880, năm tiến hành cải cách ưu tiên phương pháp thiên về dạy nói gây thiệt hại cho ngôn ngữ ký hiệu.

Nhằm chống lại những hệ quả tiêu cực của chương trình cải cách năm 1880, các nhà đấu tranh khiếm thính quyết định phối hợp với nhau bằng cách tổ chức các hội nghị quốc tế về tật điếc, mà hội nghị đầu tiên diễn ra tại Paris năm 1889. Rồi thành lập các hiệp hội, tổ chức các ngày hội thể thao… tất cả những hoạt động này cho phép họ phần nào duy trì sự hiện hữu ngôn ngữ ký hiệu Pháp.

Nhưng số phận của những người khiếm thính một lần nữa như bị lịch sử thử thách. Hai cuộc chiến thế giới như đẩy họ xuống đáy cùng địa ngục. Nhất là tại Đức, từ năm 1933, những người khiếm thính phải bị triệt sản theo luật do Đức Quốc Xã đề ra nhằm ngăn chận điều mà ông Alexander Graham Bell năm 1883 từng gọi là « chủng điếc ». Hơn 25.000 người khiếm thính Đức và văn hóa Đức là nạn nhân của đạo luật này trong vòng 12 năm.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình trở lại. Những người khiếm thính lại tiếp tục công cuộc đấu tranh cho đến ngày nước Pháp ban hành luật công nhận ngôn ngữ ký hiệu là một ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Pháp. Năm 2005 mở ra một giai đoạn lịch sử mới cho những người khiếm thính.

**********

- Yann Cantin :  Giáo sư sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử cộng đồng người câm điếc và ngôn ngữ ký hiệu, trường đại học Paris 8 Vincenes – Saint – Denis.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn