Carmen, cô nàng di-gan phóng túng xưa và nay

Chủ Nhật, 18 Tháng Tám 20199:00 SA(Xem: 4390)
Carmen, cô nàng di-gan phóng túng xưa và nay
bbc.com

Carmen, cô nàng di-gan phóng túng xưa và nay

Sophia Smith Galer BBC Culture

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Nếu cái chết đã cận kề, nếu phận đã định thì làm sao cưỡng nổi," Carmen thầm thì, "có tráo bài 20 lần kết cục vẫn vậy thôi. Những lá bài sẽ luôn nói: ngươi phải chết!"

Nếu đã từng xem một buổi diễn hoặc thậm chí chỉ một trích đoạn vở opera Carmen, thế nào bạn cũng sẽ lẩm nhẩm hát theo giai điệu Habanera hoặc Toreador.


Nhớ về cảnh Carmen xuất hiện lần đầu tiên - là lúc cô hát về tình yêu và công khai tán tỉnh những chàng lính bên ngoài nhà máy thuốc lá - quả là dễ hơn nhiều so với việc nghĩ tới khúc hát trong Màn III, lúc xuất hiện những lá bài dự báo về cái chết bi thảm của cô.

Ở cảnh đau thương nhất, đoạn người đàn bà yêu mị bị anh lính Don José, người mà cô đã nhẫn tâm rũ bỏ, giết chết, thì cho đến tận vở diễn được dàn dựng vào đầu năm 2018, Carmen mới có vũ khí trong tay.

Vào đầu năm 2018, nhân vật Carmen đã được thể hiện lại từ một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Với những gì được thể hiện trong vở mới của Barrie Kosky, được công diễn hồi trung tuần tháng 2/2018 tại Nhà hát Opera Hoàng gia London, hay trong vở Yo, Carmen được vũ nữ flamenco nổi danh thế giới María Pagés trình diễn tại nhà hát Sadler's Wells (cũng ở London), liệu ta có thể cho rằng nhân vật Carmen vốn là sản phẩm sáng tạo của đàn ông nay đang trở thành một biểu tượng đấu tranh cho nữ quyền?

Câu chuyện đầy mê hoặc về cô gái di-gan Tây Ban Nha từng được dàn dựng, biểu diễn hàng ngàn lần kể từ khi cuốn tiểu thuyết của Prosper Mérimée được xuất bản vào năm 1845, và được George Bizet soạn nhạc, với hai tác giả khác viết lời thoại để chuyển thể thành tác phẩm opera lần đầu tiên vào năm 1875.

Bản quyền hình ảnh Royal Opera House

Sau buổi diễn thứ 33, Bizet qua đời một cách bi thảm vì đau tim - mà có lẽ những lời bình luận nghiệt ngã về vở diễn chính là những giọt nước tràn ly khiến ông gục ngã. Ông đã không sống nổi cho tới lúc có thể chứng kiến vở opera Carmen được công nhận là một tác phẩm bất hủ.


Điều gì khiến Carmen mang sức sống trường tồn như vậy?

Được đặt trong bối cảnh Seville hồi Thế kỷ 19, câu chuyện xoay quanh Don José, chàng hạ sĩ bất hạnh như bị bỏ bùa bởi cô gái di-gan có tên là Carmen.

Đang rất đáng yêu, nóng bỏng, cuồng nhiệt và phóng túng, nàng có thể thoắt tỏ ra hờ hững, lạnh lùng. Những tính cách trái ngược cùng tồn tại trong một con người khiến việc yêu nàng trở nên thật khó, nhất là khi nàng không còn thích Don José mà quay sang để mắt tới chàng võ sĩ đấu bò hấp dẫn vừa chân ướt chân ráo tới nơi.

Don José bê trễ nhiệm sở, xa lánh căn nhà yên ấm nơi anh có Micaëla, người yêu thuở thanh mai trúc mã, để điên cuồng, mù quáng theo đuổi Carmen. Cho đến khi nhận ra anh sẽ không bao giờ có được nàng, anh quyết rằng vậy nàng cũng sẽ không thể thuộc về ai khác.

Vở opera khép lại bằng cảnh Carmen gặp Don Jose bên ngoài trường đấu bò để nói với anh một lần cuối rằng nàng không yêu anh; Don Jose đâm chết nàng và kêu lên đầy bi thương, "Ôi Carmen, người yêu dấu của ta". Màn sân khấu hạ xuống.

Đó là những kết thúc của hầu hết các vở opera Carmen đã được trình diễn.

Thay đổi phần kết

Tuy nhiên, vào tháng 1/2018, Carmen đã trở thành tin tức nổi bật khi một vở diễn ở Florence, Italy, có cảnh cô gái di-gan đã lấy chính khẩu súng của Don José rồi bắn anh thay vì nàng phải đối diện cái chết.

Các nhà sản xuất chương trình nói rằng họ đã thay đổi phần kết để đáp trả thực tế là có nhiều phụ nữ bị bạn tình giết chết hàng năm - hiện tượng được biết đến với thuật ngữ femminicidio (tức là tình trạng tội phạm bạo lực liên quan tới giới tính mà phụ nữ trở thành nạn nhân chỉ bởi họ là phụ nữ) tại Ý, dẫu cho tin tức về những câu chuyện như thế luôn nhanh chóng được gắn với phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) rất nổi bật trong trong thời gian qua.

'Đó là nói về cô ấy'

Barrie Kosky, nhà đạo diễn của tác phẩm được trình diễn Nhà hát Opera Hoàng gia, tỏ ra hoài nghi. "Tôi không nghĩ rằng việc để nàng giết anh lính thay vì nàng chết là cách xử lý được đưa ra sau khi đã có sự cân nhắc, nghiên cứu câu chuyện trong vở opera một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng."


"Tôi không cho rằng vở opera nói về việc ai là người giết, ai là người sống sót. Cả vở diễn đã kéo dài ba giờ đồng hồ rồi mới tới kết cục đó kia mà. Hãy nghiêm túc nhìn nhận là trong suốt hơn 100 năm qua, vở opera này luôn thể hiện thái độ không ưa phụ nữ. Quả thật, các vở diễn đều nói về những người phụ nữ cuồng loạn, bệnh hoạn."

Nhưng Kosky cũng đã chọn cảnh kết cho vở opera của mình theo một cách khác.

Bizet chưa bao giờ có cơ hội dàn dựng toàn bộ phần nhạc ông định viết dành cho Carmen, cho nên Kosky và nhóm các nghệ sỹ của ông đã nghiên cứu và tự dàn dựng.

"Khán giả tại Covent Garden ở trung tâm London lần đầu tiên được nghe ý tưởng gốc của Bizet, một cái kết kỳ lạ với mô típ Carmen quay trở lại. Vì vậy, vở opera không kết thúc ở cảnh nhân vật nữ chính bị giết chết và một giọng nam cao khóc lóc thống thiết mà là cảnh cô ấy quay trở lại. Phần nhạc của cô ấy vang lên trở lại trên sân khấu. Đó là giai điệu nói về cô ấy."

Thực ra, trong cảnh này Carmen đã đứng dậy sau khi tưởng chừng đã bị đâm chết; nàng nhún vai ngạo nghễ trước khán giả rồi ngay lập tức ánh đèn sân khấu vụt tắt, màn hạ.

Cảnh này gợi nhớ đến A Burlesque on Carmen của danh hài Charlie Chaplin, một bộ phim hoàn toàn chế giễu câu chuyện Carmen mà chúng ta đã quen thuộc; Darn Hosiery (là tên nhân vật Don José trong phim của Chaplin) đâm Carmen và tự đâm chính mình với con dao giả, sau đó cả hai người đứng dậy và cười phá lên.

Trong vở diễn của Nhà hát Hoàng gia London hồi 2/2018, có một sự vui nhộn tương tự, mặc dù trong thực tế thì là cảnh Carmen nhún vai với chúng ta từ bên kia ngôi mộ.

Dẫu Kosky đã đem tới cho vở opera một đời sống mới thì chúng ta vẫn cần nhớ rằng rốt cuộc Carmen vẫn bỏ mạng dưới tay người tình cũ đầy bạo lực.

Carmen trong dáng hình mới

Với cách dàn dựng gợi nhớ tới tác phẩm The Great Gatsby của Mỹ thay vì nghĩ tới vùng Andalusia của Tây Ban Nha, nàng Carmen của Kosky là một phụ nữ trẻ, thanh mảnh, duyên dáng, quyến rũ mê hồn, đồng thời lại mang nét nam tính trong những bộ trang phục theo phong cách ăn mặc thời thập niên 1920, từ bộ áo quần của võ sỹ đấu bò cho tới áo sơ mi trắng vận với quần tây, và cuối cùng là chiếc váy màu đen đầy ma mị.

Cô khác vô cùng so với hình ảnh nàng di-gan Carmen nguyên bản với mái tóc dài và bộ ngực bự mà chúng ta vốn đã quen hình dung ra.

Kosky muốn vậy.

Ông không cho phép những nàng Carmen trong tác phẩm của mình chống nạnh "ưỡn ngực khiêu khích mồi chài đàn ông. Có chăng chỉ là Carmen dùng giọng hát mê hoặc của mình để hấp dẫn, dụ dỗ bọn trai."

Việc một nàng Carmen miệt thị các hình ảnh vốn đã trở nên quen thuộc với chúng ta và tự mình đảm nhiệm vai trò dẫn chuyện trong vở opera quả là điều thú vị - và hiện đại nữa.

Những lời thoại trong vở opera vốn đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong chúng ta nay được viết ngắn gọn lại và được thay thế bằng lời dẫn chuyện của một nhân vật bí ẩn nào đó, với giọng nói vang lên trong hệ thống loa tường khiến ta cho rằng người dẫn chuyện hẳn chính là Carmen.

Kosky gọi đó là một kiểu "đánh giá ảo giác" giống như "một câu chuyện kể lúc nửa đêm, kỳ lạ và rất gợi tình".

Ông nói rằng "với tôi, quan trọng là Carmen đã kể cho khán giả nghe về cuộc đời nàng, hoặc một chương của cuộc đời nàng - chương cuối cùng - theo kiểu đánh giá thường thấy đối với các tác phẩm trình diễn ở nhà hát. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể cảm nhận được sự hài hước, trào lộng mà không cần phải để cho xuất hiện trên sân khấu một nàng di-gan Carmen bồn chồn vì dự cảm được thảm kịch sắp xảy ra. Chúng ta có thể thấy vui vẻ hơn nhiều, và đó là điều tôi cho là phù hợp với âm nhạc của vở diễn."

Vọng ngoại

Thật trớ trêu khi rất nhiều người trong chúng ta gắn Carmen với miền nam Tây Ban Nha trong khi đó là câu chuyện do một người Pháp sáng tác và được một người Pháp khác chuyển thể sang opera.

Âm điệu "Tây Ban Nha" mà chúng ta cho rằng mình đang nghe thì có nguồn gốc từ thời những người theo chủ nghĩa lãng mạn Pháp bị ám ảnh bởi những nét độc đáo mà họ tiếp nhận từ Tây Ban Nha, và các nhà soạn nhạc như Bizet và Maurice Ravel đã rất hứng thú bắt chước âm hưởng Tây Ban Nha, chẳng hạn như âm giai Phrygia.

Duy nhất chỉ có một ngoại lệ, đó là phần Habanera của vở opera Carmen. Nay người ta tin rằng Bizet thực ra đã mượn giai điệu này từ tác phẩm El Arreglito của nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha Sebastián Iradier, chứ không phải dựa theo một giai điệu dân gian khuyết danh như trước kia ta vẫn tưởng.

Carmen và người phụ nữ thời nay

Có một người cực kỳ quen thuộc với khuôn mẫu âm nhạc Tây Ban Nha và phụ nữ Tây Ban Nha là vũ nữ flamenco nổi tiếng thế giới María Pagés.

Sinh ra ở Seville giống như nàng Carmen huyền thoại, âm nhạc và câu chuyện của Bizet đã trở thành một phần cuộc đời cô kể từ thời thơ ấu.

"Đó là một cái nhìn hoàn toàn xa lạ về phụ nữ Andalucia," cô nói. "Tôi nghĩ rằng điều này đã góp một phần lớn tạo nên định kiến về người phụ nữ Tây Ban Nha này, rồi điều đó lan sang cả giai điệu flamenco. Nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ trong đầu mọi người. Thực tế thì không phải như vậy."

Cô đã cùng vũ đoàn của mình đem đến Nhà hát Sadler's Wells ở London một tác phẩm mà cô nói rằng cần phải được thực hiện ngay, khi cô còn đang ở độ tuổi ngoài 50: Yo, Carmen.

Yo, Carmen (có nghĩa là "Tôi, Carmen") là một chương trình hoàn toàn nói về phụ nữ, thể hiện nhân vật người đàn bà nông nổi và ghét bị ràng buộc của Merimée và Bizet thành một người đàn bà cuồng nhiệt, yêu mị.

"Cô ấy là một sản phẩm mà người ta nghĩ ra. Một nhân vật được xây dựng theo hướng luôn toát là tâm trạng đam mê, khốn khổ. Hoàn toàn được dựng theo trí tưởng tượng của đàn ông," Pagés tuyên bố thẳng thừng. "Đó không phải là nhân vật của tôi."

Thay vào đó, Yo, Carmen muốn thể hiện một người phụ nữ thực sự - 'yo' nghĩa là chúng tôi và là đại diện cho mọi thành viên trong vũ đoàn, và gồm cả những nữ tác giả của các bài thơ dùng trong buổi trình diễn.

Phần âm nhạc là sự kết hợp tuyệt vời giữa vở opera của Bizet và giai điệu flamenco đích thực, được chơi nhạc trực tiếp.

"Để thực hiện việc này, chúng tôi đã khảo sát, phỏng vấn phụ nữ từ các nền văn hóa và quốc gia khác nhau xem điều gì được coi là thành công, điều gì là thất bại. Với 50 năm tuổi đời, có lẽ tôi có thể nói được một người phụ nữ là như thế nào, từ những trải nghiệm đúc kết từ cuộc sống."

Một trong những thành quả thu được từ các cuộc phỏng vấn với phụ nữ từ nhiều nền văn hóa khác nhau là việc sử dụng màu sắc trong buổi trình diễn của Pagés.

Cô tin rằng việc xây dựng một nhân vật nữ thường dựa quá nhiều vào kỹ xảo như trang điểm, đeo hoa tai hay vòng cổ.

Yo, Carmen, thay vì chọn cách thể hiện giới tính như thế, lại để các vũ nữ mặc trang phục có màu sắc giống như màu da người, ở các tông màu khác nhau, nhằm thể hiện tình trạng khoả thân và hình ảnh thuần khiết, chân thực của chính những người phụ nữ đó.

"Và màu đỏ chỉ xuất hiện để rồi sẽ bị vứt bỏ đi. Đó là thứ màu sắc luôn được gán cho Carmen, cho nên chúng tôi muốn gỡ bỏ cả cái kỹ xảo màu sắc đó đi." Thay vào đó, có một số bộ trang phục được mang màu tím, thứ màu mà ở Nhật Bản được coi là tượng trưng cho sự đam mê.

Tôi hỏi Pagés trong tác phẩm của cô có xuất hiện nhân vật Don José hay không. "Tôi không hứng thú gì tới Don José hết!" cô tuyên bố. "Điều đầu tiên tôi làm trong việc xoá bỏ những kỹ xảo là xoá bỏ nhân vật này!"

"Yo, Carmen không phải là câu chuyện về nhân vật Carmen của Merimée. Nó kể câu chuyện về những người phụ nữ thực sự, nhằm xoá bỏ mọi định kiến đã ăn sâu vào suốt cuộc đời chúng ta - mà Carmen là một trong những định kiến đó."

Liệu một người phụ nữ di-gan Tây Ban Nha đầy yêu mị, phóng túng, một sản phẩm do đàn ông sáng tác ra, có thể được một vũ nữ flamenco người vùng Seville tái hiện thành một biểu tượng cho phụ nữ nói chung? Quả là một ý tưởng thú vị.

Điều thậm chí còn thú vị hơn nữa là một vở opera được viết từ thế kỷ 19 đến năm 2018 vẫn tiếp tục tạo ra sự tranh luận; những sáng tạo ở các loại hình nghệ thuật khác nhau đang nhìn vào cả các sắc thái lẫn các mặt chưa được khai thác của nhân vật Carmen để thể hiện câu chuyện theo các cách rất riêng.

Thế nhưng điều quan trọng - và đúng đắn - cần phải làm là cần tiếp tục tìm hiểu về thái độ không ưa phụ nữ trong vở opera nguyên tác.

Số phận của Carmen được định đoạt bởi những người đàn ông mà cô lựa chọn, và nỗi khao khát được tự do không vướng bận đã khiến cô phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Cái chết của cô khiến khán giả cảm thấy câu chuyện thật bi thảm, nhưng vở opera không khơi gợi tinh thần phản kháng.

Các vở diễn, các kịch bản chuyển thể khác cũng không thể hiện câu chuyện theo cách bênh vực nữ quyền, như cách mà vở diễn của Kosky thể hiện.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn