Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh

Thứ Sáu, 16 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 3357)
Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh
Trước khi nhân loại xuất hiện cú nhảy thần kỳ trong khoa học kỹ thuật thì điện ảnh đã đi xa khỏi quỹ đạo thông thường của nó. Năm 1927, đạo diễn Fritz Lang đã đem khái niệm “robot thông minh” đến gần hơn với công chúng thông qua hình tượng cô người máy Maria trong bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển Metropolis.

Là một trong những bộ phim đầu tiên thuộc thể loại này, Metropolis đã trở thành cột mốc đáng nhớ cho lịch sử điện ảnh Hollywood với thông điệp đi trước thời đại của nó. Bộ phim phê phán xã hội tư bản vô cảm với sự vận hành của máy móc cùng lòng ích kỷ của con người, nhắn nhủ tầm quan trọng về sự tồn tại của “trái tim” giữa xã hội vật chất đầy hỗn loạn.

Sức sáng tạo đi trước thời đại của đạo diễn Fritz Lang đã đưa Metropolis trở thành tác phẩm tiên phong cho dòng phim khoa học viễn tưởng, mở ra cho thế giới những câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và máy móc trong thời đại phát triển vượt bậc của công nghệ.

Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh - ảnh 1
Với những thông điệp đi trước thời đại, Metropolis đã được UNESCO ghi nhận như "ký ức nhân loại" .

2001: A Space Odyssey và ảnh hưởng đến tận hôm nay

Hơn 40 năm sau, 2001: A Space Odyssey ra đời, trầm ngâm về bản chất của thời gian và sự tồn tại của con người. Không hề đi sâu khai thác sự hào nhoáng của công nghệ, qua ống kính của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick, người xem cùng tham gia chuyến du hành thời gian về buổi bình minh của nhân loại, từ khi tổ tiên của loài người dưới hình hài lũ vượn to lớn chỉ biết sống bằng săn bắt hái lượm.

Qúa trình tiến hóa chỉ thật sự bắt đầu cho đến khi chúng tình cờ tiếp xúc với một khối đá nguyên chất hình chữ nhật và nền văn minh nhân loại được đẩy nhanh đến hàng tỉ năm sau, thông qua sự xuất hiện của siêu máy tính HAL 9000.

Dưới hình thù một đốm sáng đỏ rực có chất giọng trầm và vô hồn, HAL là hiện thân cho tham vọng chinh phục vũ trụ và công nghệ của con người. Không phải đến bây giờ, giữa thời đại của trí thông minh nhân tạo, chúng ta mới nhen nhóm mối e ngại mơ hồ về khả năng và sức mạnh của lĩnh vực này.

Trí thông minh siêu việt có khả năng điều hành cả một tàu vũ trụ của HAL vừa là niềm tự hào của con người, nhưng cũng vừa là con dao hai lưỡi khiến nó trở thành kẻ giết người nguy hiểm hơn bất kỳ ai.

Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh - ảnh 2
2001: A Space Odyssey là bản hòa tấu dọc theo lịch sử phát triển nhân loại, cảnh báo tương lai loài người dưới sự phụ thuộc bởi máy móc.

A Space Odyssey không chỉ gói gọn trong điện ảnh mà đã vươn xa đến khía cạnh triết lý nhân sinh, đặt ra cho chúng ta câu hỏi về mối tương quan giữa con người với công nghệ, trăn trở về sự nhỏ bé của nhân loại giữa vũ trụ bao la và còn nhiều bí ẩn này.

Blade Runner và sự xung đột giá trị con người - máy móc

Hai phần phim Blade Runner (phát hành vào năm 1982 và 2017) khắc họa một thế giới hậu tận thế khi Trái Đất đã trở nên kiệt quệ và ô nhiễm trầm trọng. Những người nhân bản (replicant) trở thành lực lượng lao động chính, được tạo ra có suy nghĩ và cảm xúc y hệt con người.

Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh - ảnh 3
Blade Runner được đánh giá là một trong những phim khoa học viễn tưởng hay nhất mọi thời đại.

Xuyên suốt hai phần phim mở ra hành trình tìm, diệt người nhân bản cũ - những sản phẩm mà con người cho rằng đang đe dọa vị trí trung tâm của mình. Thế hệ người nhân bản mới được tạo ra với sự quy phục hoàn toàn.

K (Ryan Gosling) là một người nhân bản có nhiệm vụ "cho về hưu" những replicant cũ còn sống sót. Trong một lần theo đuổi dấu vết của một người máy tên Deckard (nhân vật chính của phần phim trước), K phát hiện một bí mật có thể thay đổi hoàn toàn thế giới.

Cũng xuyên suốt hành trình đó, Blade Runner vẽ ra một thế giới đầy hỗn loạn về bản ngã và giá trị nhân sinh. Trong khi người nhân bản loay hoay tìm chỗ đứng và tự vấn về sự tồn tại của mình, con người lại mang ám ảnh chinh phục và làm chủ thế giới.

Dưới góc quay tinh tế cùng sự kết hợp hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp, đạo diễn Denis Villeneuve hoàn toàn thành công trong việc tạo nên bức tranh đầy cảm xúc đan xen những câu hỏi triết lý và xã hội con người khiến ta còn phải suy ngẫm mãi về sau.

Her và nỗi cô đơn trong thời đại số

Miêu tả một xã hội giả tưởng, nơi con người nhàn nhã hơn khi mọi mệnh lệnh được thực hiện với máy tính bằng giọng nói. Her cho ta một anh chàng Theodore Twombly với chiếc kính nặng trịch trên mắt, kiếm sống bằng nghề viết thư tay cho người khác bằng cách đọc chúng lên bằng tiếng. Anh là một người khép kín, một người đàn ông lớn tuổi đang trên vực thẳm của hôn nhân

Một năm sau khi ly dị vợ, anh tìm đến nàng Samantha từ hệ điều hành OS như một cách quên đi đổ vỡ hôn nhân của mình. Sự thông minh và nhạy cảm của của Samantha đã lấp đầy khoảng trống trái tim Theodore. Và như thế, một mối tình kỳ quặc nảy sinh.

Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn điện ảnh - ảnh 4
Her khai thác mối quan hệ ảo giữa con người với máy móc trong thời đại số.

Thế giới trong Her ấm áp và yên bình nhưng cũng lạnh lẽo và xa vời. Sự xuất hiện của Samantha như một cứu cánh cho cuộc sống cô độc và buồn tẻ của Theodore, nhưng đồng thời lại cắt sâu vào thực tại phũ phàng.  

Không mang tầm vóc quá vĩ mô hay lớn lao, bộ phim gửi gắm thông điệp về nỗi cô đơn của con người trong thời đại số, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ chân thực bởi thế giới ảo một ngày nào đó cũng sẽ rời bỏ con người. Nội dung đặc sắc của Her đã đem về chiến thắng Oscar “Kịch bản gốc xuất sắc” cho đạo diễn Spike Jonze.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn