Tiếng Việt của Việt cộng? Tiếng Việt của Cộng hòa?

Chủ Nhật, 04 Tháng Tám 20194:00 SA(Xem: 5727)
Tiếng Việt của Việt cộng? Tiếng Việt của Cộng hòa?
rfa.org

Tiếng Việt của Việt cộng? Tiếng Việt của Cộng hòa?

Lê Trương 2019-07-26

Cách đây mấy năm, anh bạn tôi là một nhà báo người Việt, đang làm ở một tờ báo tiếng Việt tại Mỹ than thở: “Khó quá đi trời đất ơi! Các cụ bắt bẻ từng từ một. “Sân bay” không được, phải gọi “phi trường”. “Đường băng” không được, phải xài “phi đạo”. “Tài khoản” (ngân hàng) không được, phải xài “trương mục”… Các cụ bảo “sân bay”, “đường băng”, “tài khoản” là từ của Việt Cộng, cấm xài. Phải xài từ của Cộng hòa mới được!

Mà nói hay viết theo mấy cụ thì mình cũng chịu. Mình chưa đến 35 tuổi, các cụ thì sáu mươi bảy mươi cả, từ ngữ các cụ dùng chẳng còn trong sách vở hay giao tiếp thời này, chẳng mấy ai còn nói hay viết như thế. Giới trẻ làm sao hiểu? Mà không xài thì các cụ giận, các cụ bảo mình là cộng sản, rồi các cụ tẩy chay báo”.

Tôi cười lăn cười bò. Cười xong, tôi nổi cái tật tò mò táy máy, đi kiếm thử coi chuyện ảnh nói có thiệt không.

Hóa ra là thiệt.

Hóa ra có cả một nhóm người sống ở hải ngoại luôn muốn tẩy chay tiếng Việt đang được dùng trong nước. Họ bảo đó là tiếng Việt của Việt cộng, do một bọn ngu dốt nghĩ ra hoặc chế chữ nên không được dùng. Tôi không rõ hàng ngày khi giao tiếp với người khác thì họ ăn nói thế nào, nhưng trong các diễn đàn về tiếng Việt thời Cộng hòa, nhóm người này yêu cầu chỉ dùng những từ ngữ được sử dụng dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Để xác định được từ đó có đúng là được dùng trong thời Việt Nam Cộng hòa hay không thì chỉ được dùng hai cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Đó là Việt Nam từ điển của Hội Khai trí Tiến Đức, xuất bản năm 1954 và từ điển Hán-Việt của Nguyễn Văn Khôn, cũng xuất bản trước 1975.

Số từ mà nhóm người này tẩy chay khá nhiều. Tôi xin liệt kê một ít.

ngon_ngu_1

ngon_ngu_2

Tôi chỉ liệt kê một ít từ ngữ phổ biến. Chứ nếu kê đủ chắc ngồi hết nhiều đêm.

Khách quan mà nói, có những từ ngữ đang phổ biến trong báo chí, văn bản tiếng Việt trong nước đúng là rườm rà, màu mè, sai nghĩa, hoặc không phù hợp ngữ cảnh, hoặc khô khan, hình thức. Thí dụ như “đẩy mạnh”, “tăng cường” “nâng cao” “tiến lên một bước”… áp dụng trong hầu hết các báo cáo của nhà nước Việt Nam và các bản tin mang tính thông tấn.

Để giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt, chắc chắn cần nhiều người dùng tiếng Việt ở khắp nơi cùng nhau soi chiếu và chọn lọc.

Nhưng việc tẩy chay những từ ngữ mới trước đây mình chưa từng dùng, chỉ vì ám thị “ghét cộng sản, ghét Tàu” dẫn đến phủ nhận toàn bộ những gì đang được sử dụng trong nước, mới sinh ra trong nước hoặc “có hơi hám Trung Cộng” thì thật cực đoan và trẻ con.

Tôi nhớ có lần ông Tưởng Năng Tiến phải viết một bài dài để giải thích ông không phải người Tàu. Ông cũng phải giải thích rằng ông yêu quý thành tựu văn học, âm nhạc, nghệ thuật … của Trung Hoa nhưng không ủng hộ thái độ của chính quyền Bắc Kinh trong việc xâm lấn biển đảo của Việt Nam…, tóm lại, ông không phải “Hán nô” như có người suy luận trên bút danh của ông rồi áp đặt như thế.

Việc có những người lớn tuổi nuối tiếc chế độ Việt Nam Cộng hòa xong cương quyết quay lưng với ngôn ngữ trong nước như trong bảng kê nêu trên cũng y chang như việc quy kết “Hán nô” với ông Tưởng Năng Tiến, chỉ vì cái bút danh của ông nghe không giống tên người Việt thuần.

Những vị này đòi hỏi chỉ được dùng những từ ngữ đã được dùng trong thời Việt Nam Cộng hòa. Nhưng có lẽ các vị cũng quên mất, ngay cả trong thời Việt Nam Cộng hòa thì tiếng Việt tự nó cũng đã sinh ra và mất đi vô vàn từ ngữ mới, lối nói mới.

Thí dụ cụm từ “Bỏ đi Tám”. Theo tác giả Nguyễn Thị Hậu, nó sinh ra ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn vào thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ 20. Tám là vị trí của người lao động bình dân trong hệ thống thứ bậc trong xã hội (chắc do một nhóm anh Hai nào đó trà dư tửu hậu mà thành). Ở đó quan quyền xếp thứ nhứt, dân công chức xếp thứ hai (thầy Hai thông ngôn, thầy Hai thơ ký…), thương gia Hoa kiều xếp thứ ba (chú Ba mại bản), dân giang hồ dao búa xếp thứ tư. Cũng là giang hồ nhưng thuộc loại đá cá lăn dưa hạ cấp hơn thì xếp thứ năm (thằng Năm móc túi giựt giỏ), thứ sáu là các thầy phú-lít (cảnh sát, police), mã tà. Thứ bảy là giới cho vay (anh Bảy Chà Và). Thứ tám, giới lao động bình dân đông đảo và nghèo nhứt. Thứ chín là giới “chị em”.

“Tám” nghèo và yếu tiếng nói nhứt trong giai tầng xã hội nên chuyện gì tranh chấp xảy ra thì Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy vẫn giành phần hơn. “Tám” thì lãnh đủ. Vậy nên phải ráng nhẫn nhịn, bỏ qua mà sống. “Bỏ qua đi Tám”! Hay tuyệt trần đời!

Ngoài ra, còn có “sức mấy”, “áp phe”, “âm binh”, “cô hồn các đảng”, “cà chớn chống xâm lăng” “cù lần ra khói lửa”, “cà na xí muội”, “cha chả”, “dân chơi Cầu ba cẳng”, “bận đồ khính” “một ly ông cụ”… Tiếng lóng bình dân còn có “bề hội đồng”(ăn hiếp tập thể, một nhóm người xúm nhau trị một người, dùng được trong rất nhiều hoàn cảnh, hay được dùng để chỉ vụ hiếp dâm tập thể)… Nhiều từ lắm, và nhiều từ hay lắm, thế nhưng bây giờ chính những người Việt lớn tuổi ở hải ngoại có còn dùng không?

Ngay ở trong nước, có những từ/lối nói chỉ cách đây một năm gần như thành câu cửa miệng, như “không phải dạng vừa đâu” “không phải đậu vừa rang”, thì sau một thời gian ngắn cũng đã “dạt trôi”, biến mất tăm mất tích, không ai còn nói nữa.

Ở miền Bắc Việt Nam, cách đây độ hai chục năm, muốn khen ai thật độc đáo, cá tính, giỏi giang xuất sắc trong lĩnh vực nào đó, giới trẻ trầm trồ “Nó tanh lắm”, “Khét mù”, “Khét lèn lẹt”, mặc dù người ấy rất thơm tho chứ chẳng tanh với khét gì cả.


Bây giờ, vẫn nội dung ấy thì gọi là “siêu” “chất” “chất vãi” “chất vãi chưởng”, hoặc mạnh mẽ hơn: “trất’ssssss”. “Trất” với dấu sở hữu cách tiếng Anh biến thể đằng sau chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng đó lại là sắc thái biểu thị rằng anh/cô/đứa ấy nó xuất sắc, độc đáo, cá tính đến tột đỉnh, “đỉnh của đỉnh”.

“Đỉnh của đỉnh” về ngữ nghĩa là không chính xác. Đã đỉnh thì chỉ có một chứ lấy đâu ra hai? Nhưng về sắc thái thì nó hết sức thú vị, vì biểu thị thái độ khâm phục, khen ngợi, công nhận… đến mức tột cùng, không thể chê bai một tí tẹo nào nữa.

Cái tươi mới, tung tẩy, biến hóa, sinh động của một sinh ngữ chính là ở những biến thể như vậy. Bởi vì ngoài ngữ nghĩa, nó còn thể hiện một cách tinh vi các cung bậc của thái độ và cảm xúc.

Khi trực tiếp gặp mặt, ngoài tiếng nói, còn có ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ hình thể bổ sung và làm rõ ý nghĩa của từ ngữ. Thí dụ cùng hai chữ “Thấy ghét” nhưng nói với cái nguýt mắt âu yếm, cái phát nhẹ vào vai, đôi môi hơi bĩu ra nũng nịu, chữ “ghét” kéo dài, âm điệu lên xuống trầm bổng… thì nội dung chính xác của nó lại là “Thương rồi á nha”. Còn nếu cộc lốc “Thấy ghét” kèm cái lườm hay cái nhìn trừng trừng khó chịu, thì phải xách quần chạy cho mau chớ xáp xáp vô là ăn tát.

Nhưng trong thời kỳ giao tiếp rất nhiều bằng comment và chat trên mạng xã hội, toàn chữ là chữ như bây giờ, thì phải làm sao để “Thấy ghét (thấy thương)” và “Thấy ghét (thấy ghét)” phân biệt ra, để người bên kia không hiểu lầm ý thực của mình?

Khi chỉ giao tiếp qua chữ viết, những “ý tại ngôn ngoại” biểu cảm qua ánh mắt, nụ cười, sự ngúng nguẩy của đôi vai…hay những điều thú vị như thế đều gần như mất hết. Do vậy mà các hãng sở hữu mạng xã hội phải luôn luôn vẽ ra thật nhiều icon (biểu tượng) sống động, để mà khi chữ viết thất bại, thì người ta gõ thêm một cái icon bổ sung hoặc thay thế. Thậm chí còn phải dùng cả những hình ảnh động để biểu cảm và chính xác hơn.

Thí dụ một cô gái chat với chàng trai “Anh giúp em nha” và “Anh giúp em nhaaaaaaa”. Nội dung y chang nhau, nhưng chữ “nha” kéo dài ở câu sau cũng y như khi cô kéo dài giọng nói với chàng trai vậy. Nó thể hiện sự thân mật, nài nỉ, nhõng nhẽo… mà câu trước không có, hoặc không thể hiện ra được.

Hay, hai ông đang cãi nhau kịch liệt trên mạng, mà một ông chốt: “Vâng, của nhà bác tất. Chào bác em ngược” thì không phải ông nọ đang nhường của cải cho ông kia, mà là bỏ cuộc, tuyệt vọng vì thấy bên kia bướng quá không thể thuyết phục được, hoặc không chấp nữa, cóc quan tâm nữa, “mày muốn nói gì cũng được, bố dí vào”.

Bởi vì ngôn ngữ là sinh ngữ, có sinh ra và mất đi, có chuyển đổi, lai ghép, có trào lưu và thoái trào. Những thay đổi này diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ ở cộng đồng có nhiều người cùng nói thứ tiếng đó. Nó có thể được sinh ra bất thần trong một câu nói, một cuộc trò chuyện giữa bất cứ ai, ở bất cứ đâu, từ đường phố đến “triều đình”, hay trong một tác phẩm được thai nghén nhiều năm. Chỉ cần nó giàu biểu cảm, mới lạ, hài hước hoặc thông minh, hoặc chỉ ngồ ngộ, vui tai… là đã đủ để phổ biến.

Với công cụ internet, mọi khoảng cách ngày càng thu ngắn lại. Một từ ngữ, lối nói vừa phát sinh trong một lũy tre bên này trái đất ngay lập tức được truyền đến một quán bar bên kia trái đất. Và nếu những người ở đó vẫn thấy nó giàu biểu cảm, ngồ ngộ, mới lạ, hay hay… thì họ dùng. Nếu sự thích thú đó ngắn hạn thì từ mới ấy, hoặc nghĩa mới của từ cũ ấy sẽ chết đi. Đời sống của ngôn ngữ cứ trôi chảy như vậy, nó phản ảnh sự phong phú của xã hội.

Chính vì thế mà phải tách bạch thái độ chính trị và những gì không liên quan đến nó. Dưới bất cứ thể chế nào, tiếng Việt vẫn cứ là tiếng Việt, nó được sinh ra từ người sử dụng, được phát triển lên nhờ những người sử dụng thông minh. Cộng sản vẫn có thể viết và nói duyên dáng, thu hút. Cộng hòa vẫn có thể viết và nói ngô nghê. Dưới bất cứ thể chế nào thì tiếng Việt vẫn có xấu, có đẹp, có trong sáng, có tục tằn, có trau chuốt và có thô thiển.

Gượng ép gán thái độ chính trị vào cho những từ ngữ mà trước giờ mình chưa từng thấy, như “từ ngữ của Việt cộng”, “từ  ngữ của Tàu cộng” là công việc rất trái tự nhiên, rất mệt mỏi và khiên cưỡng. Nó chỉ khiến người ta xơ cứng, quẩn quanh, già cỗi, lạc hậu và tự cô lập với cộng đồng.

Nếu thực tâm muốn giữ tiếng Việt cho trong sáng và giàu có, trước nhất phải giữ cái đầu cởi mở, chọn lọc, tinh tế và thông minh. Không thể bắt nó đóng băng, làm một cái xác sống, sống bằng hoài niệm cổ hủ. Đó là một việc vô nghĩa chẳng khác gì muốn cái cây tươi tốt nhưng lại chặt hết rễ của nó.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn