Dịch sách văn học Việt Nam: Hay dở, khó dễ?

Thứ Hai, 01 Tháng Bảy 20197:00 CH(Xem: 4013)
Dịch sách văn học Việt Nam: Hay dở, khó dễ?
bbc.com

Dịch sách văn học Việt Nam: Hay dở, khó dễ?

Quốc Phương BBC Tiếng Việt

Văn học dịch và tiếng Việt Bản quyền hình ảnh BBC/BBC News Tiếng Việt
Image caption Dịch giả, nhà văn Thuận và dịch giả Yves Bouillé bình luận về khó dễ của tiếng Việt khi chuyển ngữ văn học qua lại với tiếng Pháp.

Tiếng Việt được cho là phong phú, giàu bản sắc, trong khi văn học Việt cũng được biết đến khá nhiều khi được dịch và giới thiệu ra thế giới, nhưng ngày nay giới dịch thuật văn học từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại có gặp khó khăn gì đáng nói không và lý do là gì.

Riêng với nhịp cầu giữa tiếng Việt và tiếng Pháp qua văn học dịch, một dịch giả người Pháp mới vào nghề 'dịch văn học Việt' và một nhà văn, dịch giả người Việt có nhiều năm sáng tác, làm việc với song ngữ Việt - Pháp cùng chia sẻ góc nhìn của họ với BBC từ Paris.

"Trước hết, phải nói ngay không phải cứ dịch ra là đã được xuất bản đâu, bây giờ ở Pháp có rất ít nhà xuất bản nhận những tác phẩm dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, đấy là một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận," dịch giả Yves Bouillé từ nhóm dịch thuật thuộc một tủ sách xuất bản văn học đương đại tại Pháp nói.

"Và ngay cả với tủ sách đương đại với văn học Việt Nam ở tủ sách Riveneuve thì chúng tôi cũng phải cố gắng rất nhiều để mang được nó đến với độc giả Pháp."


Khi được hỏi đâu là khó khăn lớn nhất trong công việc dịch văn học từ ngôn ngữ Việt, ông Yves Bouillé, người từng bỏ ra mười năm học tiếng Việt, đáp:

"Đây là một câu hỏi rất hay, có rất nhiều cái khó. Tôi nghĩ rằng khó khăn đầu tiên trong tiếng Việt là những thành ngữ của Việt Nam. Người Việt Nam dùng rất nhiều thành ngữ khi nói.

"Nếu chỉ dùng từ điển để tra từng từ thì sẽ không thể hiểu được thành ngữ đó, tuy tôi nghĩ đó là vấn đề chung cho tất cả các ngôn ngữ, ngôn ngữ nào cũng có nhiều thành ngữ cả.

"Có lẽ vì tôi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp nên tôi không phải gặp khó khăn, mà nếu ngược lại dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thì rất khó khăn - đó là các đại từ nhân xưng.

"Đại từ nhân xưng của tiếng Việt rất cầu kỳ, phức tạp, nhưng khi tôi dịch sang tiếng Pháp thì tiếng Pháp rất là đơn giản."

Bị 'lộ diện' quá sớm vì đâu?

Còn được biết đến như một dịch giả, nhà văn Thuận, chia sẻ về "vấn đề" của bà khi dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt:


"Trong tiếng Việt một người là mẹ đối với con, đối với chồng lại là vợ, đối với hàng xóm lại là hàng xóm, đối với đồng nghiệp lại là anh hoặc chị, tùy theo tuổi tác, nhưng tất cả sang tiếng Pháp thì chỉ lại là "elle", một cái duy nhất, không có một cái gì khác ngoài "elle" cả.

"Đấy là vấn đề của tôi khi mà dịch sang tiếng Việt thì tất cả những cái ấy rất là khó khăn. Nhân vật ấy có thể hơi 'ác' một chút, mà bạn lại dùng là 'chàng' chẳng hạn, thì nó cũng không hay lắm, nó phải trở thành 'hắn' chẳng hạn, hay là 'gã ta' hay là 'y', hoặc một cái gì đấy.

"Cho nên mọi người biết một câu rất là khó, rất là hài hước: chính vì đại từ nhân xưng này mà nền văn học 'truyện trinh thám' của Việt Nam không thể phát triển được, vì vừa vào chuyện một cái đã viết ngay là 'hắn' thì thấy là nhân vật phản diện rồi, đây chính là 'kẻ ác' đây và không cần phải đi tìm nữa.

"Và tôi nói rằng khi mà tôi dịch, chẳng hạn khi tôi tham gia dịch Jean-Paul Sartre, cuốn tự truyện "Ngôn từ" (Les Mots), thì nhân vật ông ngoại của Jean-Paul Sartre có một quan hệ 'rất đặc biệt' với người thân trong gia đình.

"Và trong tiếng Pháp 'ông ngoại' là 'il', mà trong tiếng Việt tôi nói là 'ông ngoại' thì nó rất là âu yếm, nó sẽ thành một đứa trẻ bình thường chứ không phải là một Sartre. Sartre rất là đặc biệt ngay từ khi bé.

"Nên cuối cùng tôi đã chọn và tôi nghĩ rằng đọc một hai trang đầu thì độc giả có thể bị sốc, khi tôi chọn gọi 'ông ngoại' là 'hắn' và 'mẹ' là nàng. Bởi vì trong đầu của một đứa trẻ Jean-Paul Sartre, vì ông bị mất cha từ nhỏ và mẹ của ông khi đó còn rất trẻ, và ông không bao giờ coi mẹ là một người mẹ cả, tại vì ông thông minh hơn mẹ, ông sắc sảo hơn mẹ.

"Bà mẹ rất ngây thơ, mười tám, mười chín tuổi đã lấy chồng và có con và ở trong nhà, chỉ làm việc trong nhà thôi, nên bà không có một hiểu biết gì về cuộc sống cả. Chính Jean-Paul Sartre còn thấy mình khôn ngoan, mình hiểu sự đời hơn cả mẹ, cho nên gọi là "mẹ" thì không lột tả được cái ý ấy của Jean-Paul Sartre và tôi đã mạnh dạn dịch là 'nàng'. Tôi nghĩ ít người, ít nhà văn nào lại gọi mẹ là 'nàng' cả.

"Và ông có một câu rất hay là: 'cứ mối sáng thức dậy, mở mắt ra, tôi nhìn nàng và tôi tự hỏi: chính người người này, người phụ nữ trẻ này đã đẻ ra tôi hay sao?' Nên tôi nghĩ rằng không có đại từ nhân xưng nào trong tiếng Việt hợp hơn là 'nàng' cả.

"Tôi nói với anh Yves Bouillé dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt có cái khó khăn như thế và anh nói với tôi rằng anh rất là may mắn vì dịch ngược lại (Việt - Pháp) thì tất cả những khó khăn ấy đã không bị đề cập đến."

Xử lý thế nào về 'thời' và 'lặp từ'?

Và dịch giả Yves Bouillé, người đã dịch tác phẩm của nhiều tác giả trong đó có Vũ Đình Giang, Thuận v.v..., nói thêm:

"Còn một điều nữa là trong tiếng Việt không có 'thời', động từ không bao giờ chia nên chỉ có thể hiểu một câu này xảy ra trong thời điểm nào, trong giai đoạn nào, trong quá khứ hay tương lai nhờ vào những thành phần phụ nữa là 'hôm nay', hay là 'cách đây mấy tiếng' để hiểu được câu đó.

"Nhưng đó chỉ là khó khăn đầu tiên, sau đó thì bạn đi sâu vào trong một tác phẩm mà bạn có những chia sẻ hơn đối tác phẩm thì nó sẽ dần dần hiện lên thời gian của tác phẩm.

"Vấn đề tiếp theo là trong tiếng Việt có rất nhiều sự lặp lại, tiếng Việt khi đọc lên thì không thấy vấn đề gì cả, lặp lại một chút cũng không sao, nhưng khi dịch sang tiếng Pháp thì với sự lặp lại như thế, phải tìm cách để nó không lặp lại, nó không nhàm chán nữa, trừ trường hợp mà tác giả cố tình lặp lại như là Thuận chẳng hạn.

"Chị lặp lại rất nhiều, nhưng đó là ý thức, là cách mà chị cố tình như thế thì chúng ta phải cố tình tôn trọng cách viết của tác giả, còn không với các tác giả khác, nhiều khi cũng tốn thời gian để tránh những sự lặp lại vô ý của các tác phẩm."

Khi được đề nghị nêu ví dụ cụ thể, ông Yves Bouillé đáp:

"Các tác giả Việt Nam dùng quá nhiều các tính từ mà lại trùng hợp để một nói cùng một ý, gọi là từ đồng nghĩa như 'ngập ngừng, e ngại, không biết làm thế nào...' Nói mãi những câu ấy trong tiếng Việt thì vì tiếng Việt có dấu nên đọc lên nó cũng có một nhịp điệu, tính âm nhạc nhất định, nhưng trong tiếng Pháp không thể như thế được.

"Dịch từng chữ như thế độc giả Pháp có thể nghĩ rằng mình không biết viết. Tôi có biết một dịch giả là ông Phan Huy Đường, ông đã rất can đảm khi giữ lại tất cả các từ lặp đó, trong khi dịch giả khác thì chỉ giữ lại khi nào rất là cần thiết mà thôi."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn