« Sorry We Missed You » : Bi kịch của xã hội "uber hóa"

Thứ Bảy, 18 Tháng Năm 20192:00 SA(Xem: 5218)
« Sorry We Missed You » : Bi kịch của xã hội "uber hóa"
vi.rfi.fr

« Sorry We Missed You » : Bi kịch của xã hội "uber hóa"


media Ricky ( Kris Hitchen ) trong phim Sorry We Missed You. Festival de Cannes

Hôm qua, 16/05/2015, nhiều người đã sốt ruột chờ đợi bộ phim « Sorry We Missed You” của diễn kỳ cựu người Anh Ken Loach, 83 tuổi, người đã từng hai lần đoạt Cành cọ vàng, với « The wind that shakes the barley » năm 2006 và với “I, Daniel Blake” năm 2016.

Thật ra thì dù chưa xem phim thứ ba tranh giải Cành cọ vàng năm nay, khán giả đã biết trước chủ đích của Ken Loach khi làm tác phẩm này, vì ông là một đạo diễn dấn thân, từ hơn 40 năm qua vẫn dùng nghệ thuật điện ảnh để lên án những mặt trái của nền kinh tế tự do quá độ theo kiểu Anh.

Với “I, Daniel Blake” cách đây 3 năm, Ken Loach đã chỉ trích chính sách xã hội phi lý ở nước Anh. Lần này, “Sorry We Missed You” ( Rất tiếc không gặp được quý vị - Câu mà những người giao hàng viết để lại khi khách hàng không có ở nhà ) nêu bật những tác hại của cái gọi là "uber hóa" xã hội tại một quốc gia mà nhiều gia đình làm việc cật lực thế mà vẫn không ngóc đầu dậy được. Đó là trường hợp của Ricky và Abbie, sống với hai đứa con tại thành phố Newcastle, miền đông bắc nước Anh.

Với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn, biết đâu sẽ thực hiện được giấc mơ mua một căn nhà, Ricky đã thuyết phục vợ bán chiếc xe duy nhất của họ, để mua một xe tải nhỏ, phương tiện để Ricky làm nghề tự đi giao hàng cho một công ty bán hàng trực tuyến, mà chủ là một tay bóc lột không thương xót. Do phải chạy đi giao hàng suốt từ sáng sớm tới tối khuya, 6 ngày trên 7, với nhịp độ làm việc gắt gao, Ricky ngày càng đuối sức. Abbie cũng thế, cô làm nghề chăm sóc cho người tàn tật, người già, nhưng do không còn xe hơi, cô phải di chuyển bằng xe bus đến nhiều nhà khác nhau và cuối ngày cũng mệt lả người.

Hai vợ chồng hầu như không còn chút thời gian để gần gũi con cái, với hậu quả là đứa con trai Seb trở nên hư hỏng, quậy phá đến mức bị đuổi học. Hai cha con càng trở nên xung khắc đến mức gia đình nhỏ bé này có lúc tưởng đã bi tan vỡ. Rốt cuộc chính cô con gái út Liza, tuy chỉ mới 11 tuổi, lại là người gánh vác mọi chuyện trong nhà.

Họa vô đơn chí, một hôm, Ricky bị một nhóm côn đồ đánh trọng thương để cướp hàng trong xe của anh. Thay vì để chữa trị, bất chấp lời khuyên can của vợ và con trai, Ricky vẫn nhất quyết leo lên chiếc xe tải của anh để tiếp tục đi giao hàng, vì không muốn gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Và bộ phim kết thúc với cảnh Ricky, mặt sưng húp đến mức chỉ còn thấy một bên, nước mắt dàn dụa vì đau cả thể xác lẫn tâm hồn, ngồi lái chiếc xe tải, nay giống như là một nhà tù, giam hãm gia đình anh trong một cuộc sống bế tắc, cùng cực.

Để thực hiện bộ phim “Sorry We Missed You”, Ken Loach và nhà viết kịch bản Paul Laverty đã đi gặp rất nhiều tài xế xe tải và người lao động. Đạo diễn cho biết, những gì mà họ được nghe kể còn thê thảm hơn những gì được mô tả trong phim. Như trường hợp của một tài xế xe tải, mắc bệnh tiểu đường nặng, nhưng không dám nghỉ làm để đi khám bác sĩ, và cuối cùng đã chết vì căn bệnh này.

“ Sorry We Missed You” quả là tác phẩm mang đậm dấu ấn Ken Loach và sẽ là một đối thủ nặng ký trong cuộc chạy đua giành giải Cành cọ vàng năm nay. Ít ra là các diễn viên trong phim rất xứng đáng được giải, vì họ thể hiện rất thành công các vai diễn, đến mức như là cảnh thật, nhất là Kris Hitchen trong vai Ricky, không chút gì là cường điệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 01 Tháng Giêng 20248:00 SA
Thứ Hai, 01 Tháng Giêng 20247:52 SA
Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20235:00 SA
Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20233:00 SA
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20232:38 CH
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20238:00 SA