Toàn tập nhạc phim Chaplin nhân 130 năm ngày sinh

Thứ Sáu, 26 Tháng Tư 20195:55 SA(Xem: 3842)
Toàn tập nhạc phim Chaplin nhân 130 năm ngày sinh

Toàn tập nhạc phim Chaplin nhân 130 năm ngày sinh

mediaBức tượng Charlot bên bờ hồ Léman ở thành phố Vevey Thụy SĩRaphaelle Constant

Bốn năm sau ngày phát hành bộ đĩa Blu Ray gồm 11 bộ phim truyện của Chaplin (The Charlie Chaplin Collection), nay đến lượt bộ Toàn tập nhạc phim Chaplin được xuất bản. Tập hợp các bài hát chủ đề và nhạc phim nổi tiếng nhất, bộ đĩa này được cho ra mắt (16/04/2019) nhân dịp 130 năm ngày sinh của ‘‘vua hề Sác lô’’.

Mang tựa đề ‘‘Charlie Chaplin Film Music Anthology’’, bộ đĩa này cho thấy là ngoài tài đóng phim và làm đạo diễn, Charlie Chaplin còn là một nhạc sĩ ‘‘đại chúng’’ theo đúng nghĩa của từ. Lúc sinh tiền, ông đã viết kịch bản và thực hiện trên dưới 85 bộ phim. Bên cạnh đó, ông còn soạn nhạc cho hầu hết các tác phẩm điện ảnh của mình, ông đã thành danh trong kỷ nguyên phim câm, nhạc nền nhằm mục đích phụ họa hay mình họa là điều không thể thiếu, trước khi có lời thoại, âm thanh và kỹ thuật lồng tiếng.

Bộ đĩa ‘‘nhạc phim Chaplin’’ cho thấy công việc soạn nhạc là một phần không hể tách rời trong quá trình làm phim, do âm nhạc góp phần vào lối dẫn dắt câu chuyện. Trong hơn nửa thế kỷ, Chaplin đã sáng tác hầu như toàn bộ các phần nhạc minh họa. Trong đó, dĩ nhiên có những giai điệu trở nên cực kỳ quen thuộc như nhạc phim Limelight (Ánh đèn sân khấu / Les Feux de la Rampe 1952), bài hát từng được dịch sang tiếng Việt thành ‘‘Ánh đèn màu’’.

4_souvenirs_manoir_0_0Bộ ảnh kỷ niệm của gia đình Chaplin trong phòng triển lãmRFI/Raphaelle Constant

Còn nhạc phẩm "Smile" là ca khúc chủ đề của ‘‘Les Temps Modernes’’ (Thời đại tân kỳ / Modern Times 1936). Bản nhạc này đã có hàng loạt phiên bản quốc tế qua các giọng ca của Nat King Cole, Judy Garland, Sammy Davis Jr, Michael Jackson ….. Một trong những bài hát ăn khách cuối cùng của ông là bài This is my song, nhạc chủ đề bộ phim ‘‘A Countess from Hong Kong’’ (Nữ bá tước Hồng Kông 1967), từng ăn khách qua tiếng hát của nữ danh ca người Anh Petula Clark.Vào nghề sân khấu chuyên nghiệp từ thuở thiếu thời, Charlie Chaplin tự học đủ loại bộ môn nghệ thuật, chứ không hề qua bất cứ trường lớp nào. Từ lúc còn nhỏ, ông đi theo mẹ lưu diễn trong các gánh hát rong. Có một lần mẹ ông bị tắt tiếng, nên ông buộc phải lên sân khấu hát thay thế, lần đầu tiên hát trước công chúng, ông mới lên năm mà đã có bản lĩnh dạn dĩ, không bị khớp.

Thời thanh niên, ông là thành viên gánh hát Fred Karno (1912). Do không có tiền để trả cho thầy dạy nhạc, ông buộc phải tự mò mẫm, học đàn violon. Thế nhưng, vì ông chỉ thuận tay trái, cho nên ông phải tự chế tạo một cây đàn vĩ cầm, đảo ngược thứ tự dây đàn, để rồi tự học đàn từ 4 tới 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Huyền thoại của một thần đồng ‘‘Chaplin’’ (ra đời với nhiều năng khiếu bẫm sinh) hóa ra là không có thật, mà phần lớn là do nước mắt và mồ hôi sau bao tháng ngày luyện tập.

10_cimetiere_1_0Mộ phần ông bà Charlie Chaplin trong nghĩa trang Corsier sur VeveyRFI/Raphaelle Constant

Sau những năm tháng rèn luyện ấy, Chaplin chơi thạo violon và piano, lúc đầu ông chọn ngành âm nhạc, nhưng dự án thành lập một công ty xuất bản gặp thất bại, do vậy ông chuyển hẳn sang ngành điện ảnh từ năm 1918 trở đi. Một trong những tổ khúc nhạc phim đầu tiên do ông sáng tác là ‘‘Les lumières de la Ville’’ (Ánh đèn đô thị / City Lights 1931).

Trong sáng tác, Chaplin soạn rất nhanh các khúc nhạc phim khôi hài dí dõm (tiêu biểu là đoạn nhạc vui nhộn trong phim Modern Times). Nhưng ông càng đặc biệt tìm tòi trau chuốt các điệu nhạc sáng tác cho thể loại phim chính kịch, những giai điệu u uất trầm buồn, lãng mạn, nhưng không kém phần thanh lịch. Ông cố gắng đưa ra một hình ảnh hoàn toàn khác với những gì khán giả thường thấy khi liên tưởng đến ‘’vua hề Sác lô’’.

Sau khi rời Hollywood, Charlie Chaplin đã sống một thời gian ở châu Âu, rồi định cư luôn ở Thụy Sĩ. Nhưng ông vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với các nhạc sĩ mà ông quý mến, ông vẫn thường tiếp đón các nghệ sĩ lừng danh như Isaac Stern hay Arthur Rubinstein tại nhà riêng ở thành phố Vevey. Sau các bữa ăn tối, ông thường tổ chức các đêm nhạc thính phòng thắp nến cho gia đình hay người thân. Từ các lần tiếp xúc ấy, ông học ở bạn hữu cách sáng tác âm thanh bổ sung cho hình ảnh.

Charlie Chaplin vĩnh biệt cõi đời vào ngày Noel 25/12/1977. 40 năm sau, một Viện bảo tàng mang tên ‘‘Chaplin's World’’ (Thế giới của Chaplin) đã được khai trương tại thành phố Vevey nhân ngày giỗ năm chẳn của nhà đạo diễn người Anh. Tính từ năm 2017, viện bảo tàng này thu hút khoảng 500.000 lượt khách mỗi năm (cao gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu).

1_manoir_0Biệt thự "Manoir de Ban", nơi Chaplin sống 25 năm cuối đời được biến thành bảo tàngChaplin's World™ © Bubbles Incorporated

Sinh thời, sau khi giải nghệ ‘‘quay phim’’, Charlie Chaplin thật ra vẫn tiếp tục làm việc do đam mê với nghệ thuật thứ bảy. Ông dành nhiều thời gian (trong suốt những năm 1960) để viết thêm hay viết lại nhạc phim cho các bộ phim truyện ngắn và dài của ông trong giai đoạn 1918-1923 : trong đó có các tác phẩm như ‘‘Charlot Soldier’’ (Sác lô đi lính), ‘‘Le Cirque’’ (Rạp xiếc / The Circus 1928), ‘‘The Kid’’ (Thằng Nhóc 1921), cũng như nhiều bản ghi âm đàn piano chưa được công bố, từng được viết cho các bộ phim ngắn như “The Pilgrim” hay là “A Pay Day” .....

Cũng nhờ bộ đĩa này, khán thính giả cũng được dịp khám phá lại bộ phim ‘‘L’Opinion Publique’’ (Công luận 1923), phim này còn có tựa đề nguyên tác là A Woman of Paris (Một phụ nữ ở Paris), có thể được xem như tác phẩm chính kịck “nghiêm túc” đầu tiên của Chaplin, nhưng lại ít được công chúng biết đến do Chaplin chỉ đóng một vai phụ, để có đủ thời gian thực hiện toàn bộ cuộn phim, từ khâu hình ảnh đến âm thanh.

Do tự học từ thuở thiếu thời, Charlie Chaplin ở ngoài đời, không hề tinh thông nhạc lý, ông không thể đọc hay viết các nốt nhạc, nhưng ngược lại ông thừa hiểu cách truyền tải diễn đạt âm nhạc sao cho dễ hiểu và dễ cảm nhận nhất đến đại đa số khán thính giả. Nơi tác giả Chaplin, dòng nhạc đại chúng không hề có nghĩa xấu của chữ bình dân. Những năm tháng nghèo khổ cơ hàn đã khiến Chaplin tạo nên nhân vật phim câm chú Sác lô ăn mày, đến kỷ nguyên phim có đối thoại, ông lại dùng âm nhạc như một ngôn ngữ “đa cảm” thay thế cho lời nói, để nói lên những gì ngôn từ, câu chữ không thể nào diễn đạt nổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn