Hoàng Hạc Lâu qua thi ca các sứ thần nước Nam

Thứ Hai, 01 Tháng Tư 20193:00 CH(Xem: 4264)
Hoàng Hạc Lâu qua thi ca các sứ thần nước Nam

Hoàng Hạc Lâu được xây dựng tại Vũ Hán từ năm 223 do Tôn Quyền thời Tam Quốc: khi xây cổ thành Hạ Khẩu, phía Tây giáp Trường Giang, góc Giang Nam có bờ đá lớn, ông cho xây lầu cao làm đài quan sát. Về sau đời Đường có chuyện Phí Vân Vi cỡi hạc về đây nghỉ nên lầu có tên là Hoàng Hạc Lâu và trở thành một thánh tích của Đạo Lão.

Hoàng Hạc Lâu qua thi ca các sứ thần nước Nam
Hoàng Hạc Lâu. (Ảnh: Shutterstock)

Lầu xưa chỉ có 3 tầng cao 20 mét rộng 30 mét. Lầu trải qua 12 lần tu sửa qua các triều đại, năm 1884 đời Quang Tự thứ 10 bị phá hủy. Năm 1957 cầu Trường Giang xây dựng, chân cầu chiếm vị trí này. Năm 1981, lầu Hoàng Hạc được xây dựng lại, nguy nga 5 tầng lầu cao 51, 4 mét dời cách vị trí cũ một cây số. Trước lầu có hai câu đối:

Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám.

Đại ngư đông giang khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu.

Dịch:

Hơi mát từ hướng Tây đến, mây mù quét sạch mở ra lay động đất trời.

Sông lớn chảy về đông, sóng gió theo dòng rửa sạch cả nỗi sầu kim cổ.

Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, được xem là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Trung Quốc, lại càng nổi tiếng hơn khi Thi hào Lý Bạch viết: «Trước mắt có cảnh không tả được. Vì thơ Thôi Hiệu ở trong đầu.»

Bài thơ Thôi Hiệu tả cảnh một cuộc chơi Lầu Hoàng Hạc:

Ngày xưa Phí Văn Vi sau khi thành tiên thường cưỡi hạc vàng về đây nghỉ, nên ở đây mới gọi lầu này là Hoàng Hạc Lâu. Người tiên đi rồi chỉ còn trơ lầu Hoàng Hạc trống không. Hạc vàng từ khi ra đi, không thấy trở lại, nghìn năm dằng dẳng, trên lầu chỉ có mây trắng lững lơ. Đứng trên lầu nhìn ra đằng trước ánh nắng soi xuống lòng sông, cây cối trên bến Hán Dương trông rõ sắc màu. Bên cạnh cỏ thơm trên bãi Anh Vũ một mầu xanh tươi. Bãi cỏ gọi tên là Anh Vũ vì cuối đời Hán, Hoàng Tổ làm chức Thái Thú ở Giang Hạ, con cả là Hoàng Sạ mời nhiều khách vào trong bãi uống rượu, giữa lúc ấy có người dâng con chim anh vũ. Nễ Hành liền làm bài thơ phú Anh Vũ để tả buổi vui chơi đó. Từ đấy người ta mới gọi là bãi Anh Vũ. Trời đã chiều rồi, riêng quê quán mình nhìn chẳng thấy ở đâu. Trên mặt sông, sóng bập bềnh, sương khói bốc lên mờ mờ như báo chiều sắp tối, khiến lòng thêm nhớ quê hương buồn biết bao.

HOÀNG HẠC LÂU

Người xưa cưỡi hạc khuất từ lâu,
Chốn cũ còn trơ Hoàng Hạc Lâu.
Một biệt hạc vàng không trở lại,
Ngàn năm mây trắng lững lơ lầu.
Rực soi bến Hán cây vàng nắng,
Thơm ngát châu Anh cỏ biếc mầu.
Chiều xuống quê hương đâu đó nhỉ?
Đầu sông khói sóng dục khơi sầu.

Thơ Thôi Hiệu, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HOÀNG HẠC LÂU

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu.

Lý Bạch cũng có bài thơ Từ Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng: Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía Tây. Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu. Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút. Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.

TỪ LẦU HOÀNG HẠC
TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG

Từ tây Hoàng Hạc cố nhân xa,
Dương Châu hoa khói tháng ba nhòa.
Buồm đơn xa khuất, trời xanh thẳm,
Chỉ thấy Trường Giang bát ngát qua.

Nhất Uyên dịch thơ

HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN
DU QUẢNG LĂNG

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Nguyễn Du đến lầu Hoàng Hạc trong lần đi sứ năm 1813, ngày 30-7 năm Quý Sửu. Nguyễn Du cũng từng đến nơi này năm 1790 trong thời thanh niên đi giang hồ nên viết «trước mắt cỏ cây vẫn như ngày xưa». Nguyễn Du viết: Thần tiên ở nơi nao đến dã trải bao thời, còn để lại dấu tiên ở bờ sông này? Nay lại xưa qua chỉ là giấc mộng của chàng họ Lư. Lư sinh đời Đường thi trượt trên đường về nghỉ trọ ở Hàm Đan, gặp một đạo sĩ cho mượn chiếc gối để ngủ. Trên gối ấy, Lư sinh mơ thấy mình thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng, hưởng giàu sang trên mười năm. Khi tỉnh dậy nồi kê của chủ quán nấu vẫn chưa chín. Hạc vàng đi, lầu vắng, chỉ còn lời thơ Thôi Hiệu. Khói sóng phía ngoài lan can một cõi mênh mang. Cây cỏ trước mặt vẫn y như cũ. Biết cùng ai bày tỏ niềm cảm xúc tự đáy lòng? Trăng trong gió mát cũng không biết được nỗi niềm đó.

HOÀNG HẠC LÂU

Thần tiên đã đến tự bao giờ?
Còn lại dấu tiên trên bến mơ.
Giấc mộng Lư Sinh kim cổ vọng,
Vần thơ Thôi Hiệu hạc lầu trơ.
Ngoài hiên khói sóng bay mờ mịt,
Trước mắt cỏ cây vẫn thuở xưa.
Nỗi niềm có biết cùng ai tỏ.
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ !

Thơ Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HOÀNG HẠC LÂU

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì,
Do lưu tiên tích thử giang mi.
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi.
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

Phạm Sư Mạnh tự Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai, người Hiệp Thạch huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, học trò Chu Văn An. Ông đỗ Thái Học Sinh đời Trần Minh Tông (1314-1329) đi sứ đời Trần năm 1345 đã đề thơ Lên lầu Hoàng Hạc viết vội vần thơ đưa Sứ Bắc Thị Giảng Dư Gia Tân: Núi xanh lớp lớp vây quanh đất Bành Thành.Lẫn vào mây cắm vào nền trời như bức bình phong bằng ngọc xanh. Nước Hoàng Hà cuồn cuộn ngấm vào lòng đất. Sóng cồn tung tóe, nghiêng dốc xuống miền đông nam. Hoàng Lâu nổi lên lưng chừng trời. Lên cao trông suốt ba ngàn dậm. Trước đài Hạng Vương mặt trời lặn đỏ rực. Trên mồ Quán Quân trận gió buồn nổi lên. chiến trường xưa trong cảnh trời đất hoang vu. Anh hùng ngàn xưa nay còn đâu Nhà ta ở tận cõi Giao Nam xa xôi. Hôm nay cầm tiết ngọc lên Hoàng Lâu. Sờ vào nét chữ của Pha ông khắc trên đá. Chí đi chơi này hẳn không phụ chí bình sinh.

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
tẩu bút thi Bắc sứ Thị giảng Dư Gia Tân

Bành Thành xanh núi chập chùng quanh,
Như bình phong ngọc lẫn mây xanh.
Cuồn cuộn Hoàng Hà ngấm lòng đất,
Đông nam sủi bọt sóng dồn nhanh.
Hoàng Hạc lầu cao lơ lững trông,
Lên cao nhìn xa ba ngàn dậm,
Trước đài Hạng Vương nắng xế hồng,
Trên mồ Quán Quân nổi gió thảm.
Trời hoang đất cũ chiến trường xưa,
Anh hùng nghìn xưa nay đâu trận mạc?
Nhà ta ở tận cõi Nam xa,
Tay cầm tiết ngọc lên lầu Hoàng Hạc.
Tay xoa nét chữ thơ Đông Pha,
Bình sinh chẳng phụ chí du lịch.

Thơ Phạm Sư Mạnh, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
tẩu bút thị Bắc Sứ Thị giảng Dư Gia Tân

Thanh sơn điệp điệp vi Bành Thành,
Xâm vân sáp Hán thanh ngọc bình.
Hoàng Hà thao thao tẩm khôn trục,
Khiêu ba tiện mạt đông nam khuynh.
Hoàng lâu khởi xuât bán thiên lý.
Hạng Vương đài tiền lạc nhật hồng,
Quán Quân mộ thượng bi phong khởi.
Thiên hoang địa lão cổ chiến trướng,
Thiên tải anh hùng kim dĩ hĩ!
Ngã ngã viễn tại Giao Nam đầu,
Thủ trì ngọc tiết đăng Hoàng Lâu.
Ma sa thạch khắc Pha công Tự,
Như kim bất phụ bình sinh du.

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) Danh sĩ đời vua Trần Anh Tông, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên Quê làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1304 đỗ Hoàng Giáp năm 13 tuổi. Năm 1314, 25 tuổi được cử đi sứ nhà Nguyên cùng Phạm Ngộ. Ông có viết bài thơ Du Hoàng Hạc Lâu: Người đi xa nhà buồn chẳng vơi, đứng nơi ghềnh Nam nhìn lầu Hoàng Hạc mà sửng sốt. Nhìn cánh buồm xa từ Hạ Khẩu dần khuất mờ bóng. Bên kia bờ sông Hán Dương mưa khói tạnh, sông bãi nước xuống phơi bãi bờ. Trước quán có tiếng đàn ca, ông lão say túy lúy. Ngoài hiên khói sóng nhớ bài thơ Thôi Hiệu làm cho Lý Bạch phải bùi ngùi không tả được cảnh. Gõ mạnh lan can lòng thật thú vị. Cảnh đẹp kỳ thú này ta được vinh hạnh đã đến chơi.

CHƠI HOÀNG HẠC LÂU

Lữ khách xa nhà sầu chẳng vơi,
Ghềnh Nam lầu Hạc đứng ngây người.
Cánh buồm Hạ Khẩu xa mờ bóng,
Cây tạnh Hán Dương, sông bãi phơi.
Trước quán đàn ca ông túy lúy,
Ngoài hiên khói sóng Lý bùi ngùi.
Gõ mạnh lan can lòng sảng khoái,
Non sông kỳ tuyệt tớ qua chơi.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

DU HOÀNG HẠC LÂU

Lữ hoài hà xứ khả tiên ưu,
Hoàng Hạc ky Nam nhất ỷ lâu.
Hạ Khẩu viễn hàm lai biệt phố,
Hán Dương tình thụ cách thương châu.
Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
Hạm ngoi yên ba Thái Bạch sầu.
Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
Giang san kỳ tuyệt ngã tư du.

Nguyễn Tông Khuê (1693-1767) Hội Nguyên Tiến Sĩ Khoa Tân Sửu (1721) Làm phó sứ đi sứ nhà Thanh năm 1742 trở về năm 1745. Nguyễn Kiều làm Chánh Sứ. Năm 1748 lại làm Chánh Sứ sang nhà Thanh. Trong Sứ Trình Tân Truyện thơ lục bát chen lẫn với thơ Đường luật chữ Nôm 670 câu lục bát. Đoạn tả cảnh Hoàng Hạc Lâu ông viết như sau:

Vũ Xương có cảnh thờ lơ,
Nước thu Hán Miện thành người Kinh, Tương.
Non từng cuốn rũ Phượng Hoàng,
Một doi Anh Vũ giăng ngang giữa dòng.
Bến tiên đá gấm trùng trùng,
Ngô Vương trước đã cắm cung chốn này,
Của ngon vật lạ đủ thay,
Bích đào, hồng hạnh chốn này khá ưa.
Ông tiên cỡi hạc bao giờ,
Lầu còn chần chẩn đứng chờ bến sông.
Một thơ Thôi Hiệu ngoan nồng,
Làm cho gát bút, mếch lòng thơ tiên.
Xóm nhà giàu của lớn thuyền,
Thông mười bốn tỉnh hợp miền Hán Dương.
Người người khói khói lạ dường,
Chẳng mưa cũng sấm, chẳng sương cũng mù.
Quy Sơn trên núi có chùa,
Tình Xuyên có gác bốn mùa phong quang.
Mới hay sông Hán, sông Giang,
Đã dài muôn dậm lại ngang muôn tầm,
Hạ thiên nước lũ ầm ầm,
Bốn bề lai láng đã kham lòng người,
Chu nhân ấy cũng nực cười,
Thờ ơ rước trúc đón mai lần lần.
Non Kinh nguyệt đã kề gần,
Chào ai cầm gảy Nam Huân đòi ngày.

Tinh Tuyển Văn Học Việt Nam tập 5.
Văn học thế kỷ XVI I. nxb KHXH. Hà Nội. 2004

Lê Quý Đôn (1726-1784), môn sinh Nguyễn Tông Khuê. Đi sứ năm 1761 Cảnh Hưng thứ 21 đời Lê làm Phó sứ. Chánh sứ là Trần Huy Bật có viết bài thơ Hoàng Hạc Lâu trên đường về, nhân ở thành Vũ Xương tặng quan Khâm Sai nhà Thanh và quan Chánh Sứ Trần Huy Bật. Bên ngoài gác Tình Xuyên lại xuống thuyền,

HOÀNG HẠC LÂU

Ngoài gác Tình Xuyên thuyền lại đưa,
Trước lầu Hoàng Hạc nhớ chơi xưa.
Cỏ thơm hệ lụy niềm thương hận,
Mây trắng còn nguyên thu năm qua.
Núi xanh mồn một dường quen biết,
Sáo ngọc miên mang chẳng thiết tha,
Vời ngóng quê Nam gần chút nữa,
Nhìn khói trên sông bớt nhớ nhà.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HOÀNG HẠC LÂU

Trú Vũ Xương thành giản Khâm Sai Quan khiêm trình Bản Bộ Thái Sứ Công.

Tình Xuyên gác ngoại hựu phương chu,
Hoàng Hạc lâu đầu ức cựu du.
Phương thảo phi quan tiền cổ hận,
Bạch vân hồn tự khứ niên thu.
Thanh sơn lịch lịch như tương thức,
Ngọc địch mangmang bất khả cầu.
Nam vọng gia hương kim giáo cận,
Yên ba giảm khước nhất phân sầu.

Phan Huy Ích, Chánh sứ năm 1790 thời Tây Sơn, đoàn đi sứ đông nhất trong lịch sử với 158 người, có ông vua giả Nguyễn Huệ (do người cháu vua là Phạm Công Trị giả dạng) , có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy, có cả một ban hát bội 10 người, trong sứ đoàn còn có Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn… đồ cống phẩm có hai con voi đực. Khi đi đến Hoàng Hạc Lâu, Phan Huy Ích viết bài thơ gửi về Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thời Nhậm. Ngô Thời Nhậm là anh rễ Phan Huy Ích, theo sự phân chia công việc trong lúc sứ đoàn sang Trung Quốc, Ngô Thời Nhậm túc trực ở thành Lạng Sơn, nhận tin tức thường xuyên sứ đoàn. Vua Quang Trung thật ẩn danh tại Thăng Long bàn bạc theo dõi tình hình cùng Nguyễn Nể tại dinh Kim Âu (Bích Câu).

Bài thơ Hoàng Hạc Lâu, ở nhà trạm Võ Xương kèm Quốc thư gửi quan Binh Bộ Ngô (Thì Nhậm): Muôn dậm rong ruổi mới được nửa đường. Tóc nhuốm sầu mà sinh bạc phơ. Bóng buốm côi ngoài gác Tình Xuyên. Tiếng đoãn địch trước lầu Hoàng Hạc. Nhớ lại hương thơm hoa chi, chung niềm chí khí. Chi lan là tình bạn anh em thân thiết (anh em bạn rễ); Sách Gia Ngữ: Đức Khổng Tử chép: Ở với người thiện như vào nhà có cỏ chi cỏ lan. Khiến ngòi bút thay nhau vịnh việc ở đi. Một vầng trăng tròn trên thành bên sông. Tưởng cũng sáng thâu đêm ở Cầu Đông. Cầu Đông là cầu bắt ngang sông Tô Lịch ở phía Đông thành Thăng Long, thường gọi Cầu Đông bến Đá. Thăng Long Tam Thập Vinh có cảnh Đông kiều lộng địch là cầu này.

HOÀNG HẠC LÂU

Ở nhà trạm Võ Xương gửi quan Binh Bộ Ngô

Muôn dậm ruổi rong được nửa đường,
Bạc phơ mái tóc nhuốm sầu sinh.
Tình Xuyên ngoài gác buồm đơn lướt,
Hoàng Hạc lầu bên tiếng sáo vang.
Hồi tưởng hoa thơm cùng chí khí,
Phân chia ngòi bút việc cư hành.
Một vầng trăng tỏ thành sông sáng,
Tưởng sáng thâu đêm cầu bến Đông.

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

HOÀNG HẠC LÂU

Võ Xương dịch thứ phụ Quốc thư ký Ngô Binh Bộ

Vạn lý trì khu thủy bán trình,
Phân phân hoa phát đới sầu sinh.
Tình Xuyên các ngoại cô phàm ảnh,
Hoàng Hạc lầu tiền đoản địch thanh.
Hồi ức chi hương đồng chí khí,
Phân giao tảo bút diệc cư hành.
Giang thành nhất phiến đoàn viên nguyệt,
Tưởng diệc Đông kiều nguyệt dạ minh.

Dụ Am ngâm lục tập II. Nxb KHXH. TP HCM 1978 tr 20 , tr 28

Phan Huy Ích chú thích về Hoàng Hạc Lâu như sau:

“Lầu ở thành Vũ Xương, nhìn xuống dòng sông Hán. Truyền thuyết Phí Văn Phi đắc đạo thành tiên, thường cưỡi hạc vàng chơi ở đó. Nay tầng thứ nhất có tương thờ Phí, tầng thứ hai có tượng thờ Lã Tiên (tức Lã Đồng Tân hiệu là Thuần Dương người đời Đường gặp loạn Hoàng Sào, đem gia quyến đến núi Chung Nam ở và tu tiên đắc đạo ở đó) bên cạnh đó có tương thờ Lư Sinh, phía sau có đình Táo Tiên, rễ táo vẫn giống như rễ trầm hương. Cách bờ là bến lớn sông Hán, người tụ tập đông đúc, hàng hóa chất đầy… Núi Qui, gác Tình Xuyên, bãi Anh Vũ thật là những cảnh đẹp trong trời đất. Người ta vẽ nhiều cuốn tranh lầu Hoàng Hạc để bán cho khách. Sứ bộ ta từ nhà công quán ở Hán Dương, bơi ngang thuyền đến. Buổi chiều lên gác cao, bồi hồi nhìn bốn phía, lúc đó quan Hàn Lâm họ Đoàn (Đoàn Nguyễn Tuấn), đã làm ba bài thơ trước, tôi mượn một bài, có nhuận sắc thêm, dựa vào bài bút đề trên vách lầu của ông Đoàn, tôi cũng ghi lại bài thơ.”

Phan Huy Ích viết bài thơ nghĩa như sau: Buộc neo vào mỏm đá dưới khe, lên thăm cảnh tiên. Mái lầu cao trăm thước đứng trên đầu. Hạc vàng mây trắng, lời thơ tuyệt trần. Sóng biếc cây hồng cảnh thu trong trẻo. Thị thành hoa lệ vẻ tranh chẳng giống. Khói nước mênh mông lòng khách thêm sầu. Cảnh thật đầy trước mặt, ngâm vẫn chưa xong. Mượn đề tài tạm ghi lại chuyện chơi lầu.

CHƠI HOÀNG HẠC LÂU

Ghềnh đá buộc neo thăm cảnh tiên,
Mái cao trăm thước đỉnh lầu trên.
Hạc vàng, mây trắng, lời ngâm tuyệt,
Sóng biếc cây hồng thu gió lên.
Thành thị vẽ tranh lầu chẳng giống,
Khói sông man mác khách sầu thêm.
Cảnh đầy trước mặt ngâm chưa đã,
Mượn thơ ghi lại thú lầu tiên.

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

DU HOÀNG HẠC LÂU

Khê ki duy lãm phỏng tiên du,
Bách xích phi manh nhiếp thượng đầu.
Hoàng Hạc bạch vân nga tuyệt diệu,
Bích ba hồng thụ điếu thanh thu.
Thị thành hoa lệ đồ phi tiếu,
Yên thủy thương man khách diệc sầu.
Chân cảnh mãn tiền ngâm vị cánh,
Tá đề liêu kí thử đăng lâu.

Phan Huy Ích còn có bài thơ khác làm lúc đi về lại lên thăm Hoàng Hạc Lâu: Trước kia đến Lầu Hoàng Hạc có làm thơ gửi cho quan Binh Bộ Ngô (Thì Nhậm), nay trở về lại lên chơi lầu, bèn họa bài thơ trước gửi tặng: Cỏ thơm, sông tạnh vẫn con đường ngày trước, nay trở về lòng mừng tưởng như mọc cánh. Ánh sáng mùa thu lặng lẽ chiếu vào ba tầng lầu, lòng nhớ quê hương vội vã bay theo một tiếng nhạn. Xong việc báo tin về, ngựa trạm chạy nhanh, đường sứ xa xôi thuyền khách đang đi. Nhớ khi ở Ải Nam Quan, cầm tay hẹn hò nhau, Thỉnh thoảng lại nhìn bóng trăng sáng ngời ở ngôi đài trên núi (đài Chiêu Đức, nơi sứ thần bày đồ cống phẩm cho quan nhà Thanh xem xét).

LẠI LÊN CHƠI HOÀNG HẠC LÂU

Sóng tạnh, cỏ thơm vẫn lối xưa,
Tưởng như mọc cánh lúc xe về.
Ánh thu lặng chiếu ba tầng gác,
Tiếng nhạn bay theo một nỗi quê.
Xong việc tin về ngựa trạm lướt,
Xa xôi đường sứ khách thuyền về.
Nam Quan ải nhớ cầm tay hẹn,
Trăng soi trên núi bóng đài xưa.

Thơ Phan Huy Ích, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TẠC LAI HOÀNG HẠC LÂU

Hữu thi thiếp ký Ngô Binh Bộ kim hồi du tư lâu tái y tiên vận phi ký.

Phương thảo tình xuyên cựu khứ trình,
Qui biền hỉ tự vũ hàn sinh.
Thu quang tỉnh chiếu lâu tam điệp,
Hương tứ mang tùy nhạn nhất thanh.
Thoan sự thư hồi bưu kỵ mẫn,
Chu tư lộ viễn khách chu hành.
Nam quan bả ác tưong kỳ cứu,
Thời phán sơn đài nguyệt sắc minh.

Đoàn Nguyễn Tuấn, cùng đi sứ trong sứ đoàn năm 1790, trong Hải Ông thi tập. nxb KHXH. Hà Nội 1982 có viết 4 bài thơ về Hoàng Hạc Lâu, rất tiếc tập thơ Viện Nghiên Cứu Hán Nôm lược bỏ 3 bài chỉ còn bài thứ nhất, bài thứ hai được lấy từ tập thơ này, một trong ba bài đã loại bỏ, đăng trên site Hồn Việt, Đoàn Nguyễn Tuấn:

Trăm thước lầu cao dựa vòm trời biếc, một dãi lụa trắng chia cõi tây đông. Lay đọng trước sông, thảm cỏ rậm rạp trên bãi thơm phô màu xanh biếc. Trên bờ bên kia, rặng phong thưa nơi gác nắng rực rỡ sắc hồng (gác Tình Xuyên). Nơi đây xưa thuộc nước Sở của Hạng Vũ từng tranh giành cuộc cờ với Lưu Bang, thời Tam Quốc thuộc nước Ngô của Tôn Quyền. nơi xảy ra cuộc chiến đấu tranh hùng tranh bá, giành nhau hơn thua như đánh cờ… Thần tiên ngâm vịnh trong tiếng sáo, nhiều nhà thơ vịnh phong cảnh Hoàng Hạc Lâu, tiếng ngâm vịnh của họ vẫn còn văng vẳng đâu đây. Có khách cưỡi bè lên cao ngắm cảnh, sông dài man mác vang lên tiếng cối chiều hôm.

LÊN LẦU HOÀNG HẠC

Trăm thước lầu cao dựa biếc xanh,
Một làn lụa trắng cách tây đông.
Bãi thơm cỏ mượt xanh khung cửa,
Gác nắng rừng phong đỏ cách sông.
Hùng bá cuộc cờ tranh cuộc chiến,
Thần tiên ngâm vịnh sáo đàn vang.
Cưỡi bè có khách lên cao ngắm,
Tiếng cối chiều hôm nổi giữa dòng.

Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU

Bách xích phi lâu ỷ bích không,
Nhất điều tịnh luyện giới tây đông.
Phương châu thảo mật dao song thúy,
Tình các phong sơ cách ngạn hồng.
Hùng bá tranh hành kỳ cục lý,
Thần tiên khiếu vịnh địch thanh trung.
Thừa xà hữu khách đăng cao vọng,
Thanh điếu trường giang khởi mộ trung.

Đoàn Nguyễn Tuấn còn bài thơ thứ hai được công bố, bài này được Phan Huy Ích nhuận bút, và Đoàn Nguyễn Tuấn viết lên vách đá lầu Hoàng Hạc. Phan Huy Ích có viết lời dẫn:

“Trên đường về sứ bộ lại qua Vũ Xương, bên bờ Hán Thủy, lên thăm lầu Hoàng Hạc. Ngày xưa nơi đây, Phí Huy cỡi chim hạc bay lên cõi tiên. Tầng thứ nhất thờ tượng ông, bên cạnh tượng Lư Sinh nằm. Sau lầu là đình Tiên Táo, rễ táo vẫn còn thơm, thơm như gỗ trầm hương. Phía bên kia bờ là Hán Khẩu tấp nập đông vui, hàng hóa đầy ấp. Cảnh trí ở Quy Sơn, Tình Xuyên Các, Anh Vũ Châu thật là những kỳ quan vũ trụ. Người ta vẽ cảnh Hoàng Hạc Lâu tặng cho khách tham quan. Sứ bộ ta từ công quán ở Hàm Dương tới đây, Tổng Đốc là Trạng Nguyên Tất tiếp sứ bộ ở đình Tiên Táo, buổi chiều lên tầng gác cao, bồi hồi nhìn bốn phía chung quanh. Lúc đó Hàn Lâm Học sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn làm trước ba bài thơ. Tôi (Phan Huy Ích) lấy một trong ba bài gia công nhuận sắc lại, ông Đoàn Nguyễn Tuấn chữ tốt đề thơ vào vách đá.”

Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn có nhiều hình ảnh lạ như cánh buồm Hạ Khẩu theo dòng sông chảy đi qua núi non như xuyên qua non biếc. Nhìn khói sóng Đoàn Nguyễn Tuấn không nhớ nhà mà suy nghĩ về thế sự phù du: (nhà Lê, chúa Trịnh mấy trăm năm bổng chốc sụp đổ).

CHƠI HOÀNG HẠC LÂU

Tiên ông cỡi hạc chẳng về đây,
Chót vót lầu mây trắng lạnh bay.
Thạch táo khí thiên còn đọng rễ,
Hoàng lương giấc mộng gối mơ say.
Cánh buồm Hạ Khẩu xuyên non biếc,
Sông núi Hán Dương in bóng cây.
Khói sóng ảo huyền lòng vướng nặng,
Phù du thế sự tựa hiên suy.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

DU HOÀNG HẠC LÂU

Kỳ hạc tiên ông bất khứ hoàn,
Đô lâu cao quái bạch vân hàn.
Thốn căn thạch táo linh thường tụ,
Bán chẩm hoàng lương mộng vị lan.
Hạ khẩu viễn hàm xuyên bích lạc,
Hán Dương phương thụ ấn tình lan.
Yên ba đạm đẳng cơ hoài trọng,
Phù thế du du nhất ỷ lan.

Lê Anh Tuấn (1671-1731) hiệu Địch Hiên, người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Tây); Đỗ Tiến sĩ năm 1694 từng làm Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1715, cha nuôi của Đoàn Thị Điểm, có bài thơ viết về Hoàng Hạc Lâu:

Danh tiếng vùng sao Dực, sao Chẩn ghi nhớ đó là đất Hán Dương, cảnh sắc bốn bề ở đây đã đi vào thi ca và ngâm vịnh. Khói sóng mênh mang khiến tâm tư thêm buồn, gió trăng mời gọi làm chén khách phải say. Cây cổ thụ giăng ngang như tấm mành che trên bờ sông. Cột buồm dựng thẳng tựa cây rừng giữa bến mê. Ở bên vùng bến nước ai là bậc trượng phu? Thẹn vì cơ tâm lâu nay vẫn còn vương vất. Vùng sao Dực, sao Chấn chỉ miền Nam Trung Quốc theo địa lý xưa. Cơ tâm: sách Liệt Tử ghi: Có người hàng ngày ra bể chơi đùa với chim âu. Chim âu cũng vui nhờn với anh ta. Sau đó anh ta nảy sinh ý định bắt chim âu làm thịt nên chim âu thấy anh ta là xa lánh vì anh ta nảy sinh cơ tâm, lòng không tốt.

LÊN LẦU HOÀNG HẠC NGẮM CÂY Ở HÁN DƯƠNG

Dực, Chẩn danh lam đất Hán Dương,
Bốn bề cảnh sắc vào văn chương.
Mênh mang khói sóng buồn lòng khách,
Trăng gió gọi mời say chén suông.
Cổ thụ giăng màn che bến nước,
Cột buồm dựng thẳng tựa rừng sương.
Trượng phu trên bến là ai đó?
Có thẹn lòng bao nỗi vấn vương.

Thơ Lê Anh Tuấn, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU VỌNG HÁN DƯƠNG THỤ

Dực Chẩn danh phong chí Hán Dương,
Tứ hoàn cảnh sắc nhập bình chương.
Yên ba hạo diểu sầu nhân tứ,
Phong nguyệt chiêu yêu túy khách thương.
Già ngạn mạc liêm hoành cổ thụ,
Mê tân lâm mộc thụ phong tường.
Cư tân thùy thị trượng nhân giả,
Tu thuyết cơ tâm cứu thượng hương.

Ngô Thời Vị (1774-1821). Đi sứ đời vua Gia Long làm Phó sứ năm 1807, và Chánh sứ năm 1821, thay thế Nguyễn Du mới mất. Năm 1807 ông viết: Bức thành bên sông Hán Thủy, dưới bóng cây và bóng mây mùa thu lờ mờ. Người tiên không thấy đâu, chỉ thấy mái lầu trơ trọi. Còn hạc vàng ở bên trời bao giờ trở lại? Hình như dòng sông phó mặc cho đàn âu trắng bơi lội. Nhà thơ Lý Bạch chưa chịu thua ai vè bút lực bao giờ sao lại chùn bút. Nhà thơ Thôi Hiệu sao lạ cảnh, chạnh lòng nhớ quê buồn rầu thế? Sứ thần nước Việt Nam là Ngô Thời Vị, chẳng sợ đề thơ kỷ niệm cuộc chơi hôm nay.

ĐỀ LẦU HOÀNG HẠC

Sông Hán bên thành rợp lá mây,
Người tiên không thấy, thấy lầu đây.
Hạc vàng đi mãi bao giờ lại?
Âu trắng dành riêng dãi nước đầy.
Lý bá cớ chi chùn bút vội?
Thôi quân sao lại nhớ quê ngay?
Sứ thần nước Việt: Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ viếng cảnh này.

Thơ Ngô Thời Vị, Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU

Hán thủy thành biên vân thụ thụ,
Tiên nhân bất kiến, chỉ không lâu.
Hà thời tiên tế lai hoàng hạc,
Đề ý giang trung phó bạch âu.
Lý bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác tương sầu.

Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị, Đấu đảm đề thi ký thử du.

Phan Thanh Giản, Chánh sứ năm 1834, năm Minh Mệnh thứ 14 viết: Hạc vàng đã khuất đến nay bao nhiêu năm. Nay có người vùng cực Nam đến thăm. Phan Thanh Giản xác định mình là người đất Nam Kỳ, vùng cực Nam xa xôi nhất đến thăm Hoàng Hạc Lâu. Bãi Anh Vũ trước mặt vẫn xanh cỏ thơm. Trên gác Tình Xuyên đám mây trắng lững lơ che bóng mát. Vén nửa bức rèm thấy mặt trời lặn như trôi trên sông Hán. Câu thơ tuyệt đẹp. Đầy mắt khói sóng mênh mông làm cho lòng cảm xúc. Câu kết: Du du trần mộng thập thu tâm. Nhặt chút lòng thu giấc mộng trần. Phan Thanh Giản chơi chữ thật thú vị: dùng chữ thu tâm chữ Hán hai chữ viết chung lại thành chữ sầu để nhắc đến chữ sầu trong thơ Thôi Hiệu.

LÊN LẦU HOÀNG HẠC

Hạc vàng xưa khuất đã bao năm,
Từ góc trời Nam người đến thăm.
Anh Vũ trước bờ xanh cỏ mượt,
Tình Xuyên gác lững trắng mây râm,
Nửa mành trời lặn trôi Giang Hán,
Một dãi sông dài xuyên cổ kim.
Khói sóng mênh mông lòng cảm xúc
Nhặt chút lòng thu giấc mộng trần.

Thơ Phan Thanh Giản. Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU

Tích thời hạc dĩ hà niên khứ,
Thiên tải nhân tòng nam cực lân.
Anh Vũ châu tiền phong thảo lục,
Tình Xuyên gác thượng bạch vân thâm.
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)
Mãn mục yên ba chuyễn trù trướng,
Du du trần mộng thập thu tâm.

Thơ ngâm vịnh Hoàng Hạc Lâu tạm dừng nơi đây, còn rất nhiều bài thơ Hoàng Hạc Lâu của các sứ thần khác, như Hồ Sĩ Đống tôi chưa đọc được. Điều này chứng tỏ các sứ thần Việt Nam không hề sợ thơ Thôi Hiệu, mỗi người một vẻ, hăng hái làm thơ vịnh lầu Hoàng Hạc, xin nhường lại cho bạn đọc thưởng thức và bình luận những bài thơ hay nhất về Hoàng Hạc Lâu của các bậc thi hào, khoa bảng Việt Nam.

Paris 6-11-2015
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn