VÀI KHÁI NIỆM VỀ VIỆC DÙNG CHỮ TRONG THƠ - NGUYÊN LẠC

Thứ Hai, 18 Tháng Ba 20192:51 CH(Xem: 5423)
VÀI KHÁI NIỆM VỀ VIỆC DÙNG CHỮ TRONG THƠ - NGUYÊN LẠC

9262
VÀI KHÁI NI
ỆM VỀ VIỆC DÙNG CH TRONG THƠ

*

 

CÁC KHÁI NIỆM

 

Vài khái niệm cần thiết cho việc dùng "chữ" trong thơ: [1]

1. Theo Nguyễn Anh Khiêm (Ký Ức Sơ Sài) thì tiến trình ngôn ngữ như sau: Đủ chữ/ đủ ý: Thoại  –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn  –> ít chữ/ nhiều ý: Thơ.

Do vậy trong thơ càng ít chữ mà càng nhiều nghĩa thì thơ càng hay; không cần phải ầu ơ ví dầu ,”hoa lá cành” cho dài ra, làm bài thơ loãng, dễ chán.

 

2.  Theo tôi:  Trong văn chương, dùng chữ bình thường, bình dị mà đủ nghĩa tốt hơn dùng chữ hoa mỹ mà vô nghĩa, sáo rỗng. Tuyệt nhất là dùng chữ bình thường mà tạo được nghĩa bất thường.

Đây là ý kiến của Nguyễn Thị Thảo An

[...Dùng những chữ đời thường đôi khi nghe ngô nghê, tưởng chừng như không thể là ngôn ngữ thơ, nó là ngôn ngữ trẻ con, của vỉa hè,... nhưng nếu biết đặt đúng vị trí nó sẽ trở thành những "viên ngọc" sáng lóng lánh, làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ.

Ví d: "Đem thân làm gã tù lưu xứ/ Xí xóa đời ta với đất trời".  Chữ "xí xóa" là chữ của trẻ con, thế mà đặt ở câu thơ này thật tuyệt]  

 

3. Trong văn, văn phạm phải rõ ràng và chữ thường có một nghĩa chính xác. Ngược lại trong thơ, sự chính xác văn pham đôi khi không cần thiết lắm; chữ càng nhiều nghĩa càng tốt, để người đọc suy đoán theo trãi nghiệm riêng mình. Thơ phải mở ra để độc giả dự phần vào - thơ mở - thì mới hay.

4.  "Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác vâm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh độngTừ cái tính chất xao xuyến, chơi vơi đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy xuống nước mò trăng" (Võ Kỳ Điền – Vài nét lạ trong thơ Lưu Nguyễn)

5.Một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: Vần, nhạc và họa . Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc diệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này, thơ mới dễ đi vào hồn người; thiếu một trong ba thì không thể là thơ hay được.

6. Theo tôi, một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho mình, thấy có cuộc đời riêng của mình trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào. Nó bây giờ không phải của riêng tác giả nữa, mà là của chung, hoặc nói theo cách khác, của riêng người đọc, người đồng cảm. Cùng cái HỒN THƠ đồng cảm này, người đọc có quyền nghĩ theo, dịch theo - nếu thơ tiền nhân - kinh nghiệm đặc thù riêng mình, có quyền diễn đạt theo ngôn ngữ, chữ nghĩa hiện đại riêng mình. Nếu tất cả đã được nói ra hết rồi thì độc giả bây giờ chỉ là người bàng quan và nghĩ thơ viết cho ai chứ đâu phải cho mình, do đó sẽ giảm bớt cái hay.

Xin ghi ra những điều tôi tâm đắc về thơ từ Nguyễn Hưng Quốc:

"Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Nhà thơ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người.

Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại "Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình san". Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình. [Nguyễn Hưng Quốc]

7. Là thơ Việt, người thơ phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ. Người thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho thơ.

8. Xin lại được ghi ra đây những câu bàn về thơ hay mà tôi tâm đắc của ông Lê Hữu:

[... Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.

Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trườngmà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.

Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.

-- Ý tưởng

Câu thơ đẹp thường có mang theo ý thơ đẹp. Ý tưởng mờ nhạt, có mới mà không hay, hoặc có hay mà không mới, thường kém sức hấp dẫn. Ý tưởng cần sáng tạo hơn là vay mượn.

Biệt ly dù ở ga nào,

cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên     (Hôm nay, Nguyễn Tất Nhiên)

-- Hình ảnh

Hình ảnh tô đậm thêm những tình ý trong thơ. Ý tưởng đẹp, minh họa bằng hình ảnh đẹp, thường đọng lại về lâu về dài trong tâm tưởng người yêu thơ.

Người lên ngựa, kẻ chia bào  

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san     (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

-- Âm điệu: Thơ, nhạc và tranh

-Thơ, nhạc và tranh nhiều lúc vượt ra ngoài biên giới của ngôn ngữ. Cái làm cho thơ “không biên giới” là ý tưởng và hình ảnh (đôi lúc chữ nghĩa) hơn là âm điệu - vần điệu, nhịp điệu hay nhạc điệu. Đọc một bài thơ hay của nước ngoài ta thấy nhiều phần cái hay là hay vý tưởng hoặc hình ảnh...]

[Lê Hữu: Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn] [2]

9. Theo tôi: "Cảm nhận đưa tới cảm xúc -tức cảnh sinh tình- rồi cuối cùng đưa tới thơ", do đó điều quan trọng nhất ở thơ là cảm xúc - "cảm xúc thật" của lòng. Những bài thơ sắp xếp chữ do lý trí do kinh nghiệm có thể hay, nhưng chắc chắn sẽ không có HỒN, nghĩa là sẽ không tồn tại lâu trong tâm tưởng con người.

 

 V VIỆC PHÂN TÍCH VÀ DÙNG CH

 

Để minh họa những điều nói trên, chúng ta hãy xét sự dùng vài chữ trong các câu thơ sau đây:

Cố hương mất dấu, đoài phương ấy

Vẫn mãi trong tôi bóng nguyệt đầy!

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

 

Tôi ở nơi này thương nhớ lắm

Xứ đoài bóng nguyệt vẫn rạng, hay?

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Trong các câu thơ này, tôi sẽ lần lượt phân tích 5 chữ: đoài, nguyệt , bóng,  đầy và chữ "hay"mà tác giả dùng với chủ ý.

-- Nhận xét đầu tiên: Trong các câu thơ trên, có "đoài" mà có cả vầng trăng (nguyệt) chứng nhân. Đoài là hướng tây (giải thích sau).Tây là chữ địa dư giữa bai bờ Đai Dương. Tây còn là phương thương nhớ, vùng ký ức... và còn là cõi về của Nguòi - "về cõi Tây phương" khi chết.

Giờ tôi giải thích trọn nghĩa cách xử dụng các chữ trên:

-- Chữ "đoài " : Trong "Hậu thiên bát quái" của Kinh Dịch, quẻ Đoài nằm vị trí hướng tây (Chấn hướng đông), các nhà Nho -  trí thức xưa ai cũng phải nằm lòng để đi thi, nên trong văn chương, nhắc tới đoài là người ta muốn nói tới hướng tây. Hướng tây là hương mặt trời lặn, tượng trưng cho buồn bã, thương nhớ, nhớ về...cũng là hướng của nước Việt Nam nếu nhìn từ Mỹ. Do đó trong câu thơ nó cũng có thể được nghĩ là phương thương nhớ, vùng ký ức, là cõi về đối với người sống ở Mỹ như  đã nhận xét trên

Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn - "thương nhớ đoài đoạn".

Đoài ở đây có nhiều nghĩa như vậy với điều kiện:  Viết thường - danh từ chung, chứ không viết hoa -  danh từ riêng như trong bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây" của Quang Dũng.

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

(Đôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng)

(Chữ Đoài, viết hoa danh từ riêng- ở đây chỉ nhớ người (tên Đoài) hay nhớ quê (tên Đoài) thôi)

Tôi sẽ giải thích rõ điều này sau, ở phần "Viết Hoa Hay Viết Thường"

-- Chữ "nguyệt": Chữ nguyệt - viết thường, danh từ chung - tượng trưng cho trăng, chứng nhân hoặc khuông mặt, người con gái, và xa hơn nữa là khoảng trời xưa cũ, niềm nhưng nhớ.v.v...và xứ sở, quê hương. Chữ Nguyệt - viết hoa, danh từ riêng - it nghĩa hơn, chỉ là tên người con gái (Nguyệt), hoặc tượng trưng cho bóng dáng thân yêu.Có một số người ngộ nhận viết hoa thì Nguyệt mạnh nghĩa hơn, "ấn tượng" hơn; cái gì cũng muốn viết hoa vô tình làm giảm nghĩa. Như đã nói, sẽ giải thích rõ ở phần dưới

-- Chữ "bóng": Ở vị trí này trong câu thơ trên, đồng nghĩa với nó là chữ "ánh" hoặc chữ "dáng". Tại sao tác giả chỉ chọn chữ "bóng"?

Lý do:

. Chữ "ánh" có thể là rực rỡ, vui tươi... Các câu thơ này là câu "thơ buồn", nên chọn nó thì không hợp

. Chữ "dáng": Nếu dùng chữ này - dáng nguyệt - thường được hiểu chỉ là người con gái, ít nghĩa không đúng với điều tác giả muốn nói. Lại nữa dáng là "trung tính"buồn vui không rõ, cảm xúc không hàm ẩn.

. Chữ "bóng": Đây là chữ mà tác giả nhắm vào, lựa chọn để gởi gắm tâm sự, vì nó chứa nhiều nghĩa và đầy cảm xúc. Bóng nguyệt - nguyệt viết thường - là bóng dáng người con gái, bóng dáng kỷ niệm, bóng dáng quê hương như đã giải thích trên về chữ nguyệt. Bóng thường mờ ảo, buồn. Lại nữa nó liên hệ đến "bong bóng nước", dễ vỡ nếu không cẩn trong, nâng niu. Chữ đầy cảm xúc đúng theo tác giả mong muốn

-- Chữ "đầy": Ở vị trí này của câu thơ cũng có một chữ tương nghĩa là "gầy"  - nguyệt gầy - tại sao tác giả không chọn?

Giải thích:

. chữ "gầy":  "Nguyệt gầy" chỉ tượng trưng cho người con gái. Chữ "gầy" làm ít nghĩa câu thơ

. chữ "đầy": Hợp với chữ nguyệt và tạo nhiều nghĩa hơn:  "Nguyệt đầy"nghĩa người con gái, niềm thương nhớ, chứng nhân, xứ sở, quê hương...vẫn tròn đầy, rực sáng trong tâm

Đó là lí do tác giả chọn chữ "đầy".

 

LIÊN HỆ THÊM VỀ NHẠC ĐIỆU, THƠ MỞ

 

 Sẵn đây tôi liên hệ thêm về nhạc điệu, thơ mở.

--  Về nhạc điệu

thử xét các câu:

Ai rồi. như áng mây trôi

Trong tôi vẫn mãi. một thời đã xa! 

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Chú ý chữ "mây trôi". Gần giống với nó là chủ "mây trời"

- "mây trôi" tượng trưng cho người con gái, cuộc đời ... bị đưa đẩy trôi đi, nhưng nó vẫn còn tồn tại.

- "mây trời" nhiều nghĩa hơn: - Nó bao gồm cả mây trôi đi, nhưng cũng có thể mây tan, không còn hiện hữu nữa... Lại nữa, "mây trời" lại có nhiều màu, tùy theo tâm trạng người đọc, do đó ẩn tàng nhiều nghĩa hơn.

- Giữa hai cụm từ nầy còn có nhạc điệu: Ta chú ý thấy "mây trời"2 chữ khác thanh nên nhạc trầm bổng hơn "mây trôi" cùng thanh. Phải liên hệ đến những chữ đứng trước và sau nó , để chọn chọn chữ nào cho nhạc điệu trầm bổng.

Và cũng nên nhớ cái nghĩa của chữ so với ý, tứ bài thơ.

Ở bài này tôi chọn "mây trôi", ít nghĩa hơn, nhưng vì bóng hình người con gái chỉ xa khuất, vẫn tồn tại; trong khi "mây trời" nhiều nghĩa hơn nhưng không hợp, kể cả nhạc điệu khi liên hệ với những chữ trước sau nó

-- Về thơ mở:

- Chữ "hay?" trong câu thơ trên tác giả để mở, mở ngõ,  mời độc giả dự phần đoán: Vẫn rạng hay hết rạng.

- Để minh họa rõ thêm về "thơ mở ngõ", mời các bạn xét trường hợp sau:

Đây là 4 câu thơ:

Bất chợt nhớ một câu thơ cũ

Người ngày xưa giờ ở phương nào?

Thương đến thế đôi mình cách mặt

Lòng vẫn đầy mãi chẳng bên nhau!

(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

 

Ở câu cuối, ngay vị trí chữ "mãi", ta cũng có thể dùng chữ "sao". Thử xét cách dùng 2 chữ này:

-- Chữ “mãi”: Tác giả muốn diễn tả nỗi đau, nỗi xót xa kéo dài không ngừng, khắc khoải không nguôi. Câu thơ xác định, xem như sự đã rồi, độc giả chỉ bàng quan: Đâu có viết cho tôi!

Có chắc là mãi không trong cuộc đời này? Biết đâu, trong khoảng thời gian tương lai nào đó, một "hạnh ngộ" nào đó thì chữ "mãi" nầy mất bóng. Lại nữa chữ "mãi" nầy trung tính hay nói đúng ra chỉ có chút cảm xúc, vì nó là câu khẳng định.

-- Chữ "sao":  Khi thay thế chữ "sao" vào vị trí chữ "mãi", câu thơ bây giờ là một câu hỏi (?). Câu hỏi này, nỗi đau này, sự xót xa này sẽ kéo dài mãi cho cuối đời người. Nghĩa là chữ "mãi" không dài và nhói đau bằng chữ "sao" .

Câu thơ gợi ra câu hỏi, mời độc giả dự phần vào, đưa tâm trạng của chính mình vào, tự trả lời theo tâm tư riêng mình. Độc giả bây giờ không còn là người bàng quan và sẽ nghĩ rằng thơ viết cho mình, nên rất thích thú, thấy bài thơ hay thêm.

Lại nữa , câu thơ là câu hỏi, là niềm bâng khuâng, day dứt nên chữ "sao" đầy cảm xúc. 

Do những điều này, tác giả chọn chữ "sao", câu thơ bây giờ như sau:

Lòng vẫn đầy sao chẳng bên nhau?

"Thơ mở" ý là vậy!

- Xin giới thiệu hai bài thơ mở của thi sĩ Trần Phù Thế,  thi sĩ mời các bạn gởi tâm sự riêng mình vào:

 

1.

ngủ quên

trên cõi mây hiền

mơ màng thấy cả bây tiên cởi quần

hình như

cái đó

thơm lừng

(thơm lừng - Trần Phù Thế)

 

2.

thử thời

thử vận

thử xem

số xui tận mạng lấm lem cả đời

từ ngày em bỏ cuộc chơi

(thử - Trần Phù Thế)

 

 

VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG?

 

1.

Để minh họa về phần này, tôi xin được ghi ra đây trích đoạn từ bài viết "VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG" đã đăng trên Web

 

[...Hãy xét bài ca dao 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Công Cha Nghĩa Mẹ)

Theo tôi, hai chữ "thái sơn" phải viết thường. Thái Sơn (viết hoa) là sai.

Các bạn chắc sẽ hỏi tại sao?

 

Giải thích:

Vì nếu hai chữ thái sơn viết hoa, chúng ta sẽ đem hữu hạn thế cho vô hạn! Này nhé:

- "thái sơn" (viết thường, danh từ chung) là núi rất lớn, vô hạn (thái= rất bự, rất lớn; sơn = núi). Còn "THÁI SƠN" (viết hoa, danh từ riêng) là một ngọn núi bên Tàu, chỉ cao khoảng  1450 m (đo được, hữu hạn). Vậy nếu viết hoa: THÁI SƠN thì không phải là hữu hạn thay cho vô hạn sao?

- Nghĩa mẹ = "nguồn nước chảy ra  vô tận, không dứt", đối với "THÁI SƠN" (viết hoa: danh từ riêng ) đo được chỉ vài trăm hoặc ngàn mét.  So sánh ra thì công cha như số không !  Sao BỘI BẠC VỚI CHA quá thế!

- Còn nếu viết "thái sơn (viết thường: danh từ chung) =  lớn, bự vô hạn", công cha sẽ gần như bằng công mẹ.

Do điều này, ta phải dùng thái sơn danh từ chung (viết thường) . Hai câu đó tôi nghĩ như vầy

Công cha như núi, ...... thái sơn (to vô cùng)

Nghĩa mẹ như nước,.... trong nguồn chảy ra (luôn không dừng).

- Xin nói thêm: thái sơn, sơn hà (viết thường, danh từ chung) tượng trưng đất nước, tổ quốc; nếu chúng viết hoa (trở thành danh từ riêng) thì sẽ không còn nghĩa này nữa, mà thành tên ngọn núi Tàu, tên riêng vùng nào đó ...] (VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG - Nguyen Lac)

 

2.

Thử áp dụng những điều bàn trên vào các câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn X. xem sao?

Câu thơ Nguyễn X (tên hư cấu) viết như vầy:

Trưa chín HÈ, PHƯỢNG đỏ thật thương

Tiếng ve nấc nỗi niềm vương rất lạ

(Ví dụ minh họa)

Nhà thơ Nguyễn X cố tình viết chữ HÈ và PHƯỢNG hoa, chắc anh cho là nó "ấn tượng" hơn!

Theo tôi, chữ "phượng" viết thường hay hơn và nhiều nghĩa hơn. Lý do?

Giải thích:

- PHƯỢNG viết hoa  là danh từ riêng chỉ chính xác một nghĩa: người con gái - tên người con gái. Viết hoa chữ PHƯỢNG, sẽ làm nó trở thành "nội gián" phá hỏng ý bài thơ. Rõ ràng là bài thơ nói về mùa hè buồn hoa phượng nở đỏ. Nếu viết hoa chữ PHƯỢNG, thành ra cô gái PHƯỢNG  "đỏ mặt" - hoa phượng mất dấu ở đây - thì cón thể thống gì nữa mà liên hệ đến ve sầu câu dưới? Chữ phượng viết thường, danh từ chung bao gồm cả hoa phượng, mùa phượng, mùa bãi trường và người con gái...

Tuong tợ như vậy về chữ - viết hoa - cũng khiến người ta nghĩ đến một anh chàng tên HÈ nào đó

Rất mong nhà thơ Nguyễn X, nói rộng ra các nhà thơ trẻ chú ý đến điều này.  Hãy mở lòng lắng nghe tha nhân góp ý, ai tự thỏa mãn sẽ bị dừng lại, hay đúng ra sẽ lùi so với sự tiến bộ của người khác

 

LỜI KẾT

 

Chữ Việt chúng ta tuyệt vời lắm, đừng "ngộ nhận" nó kém so với chữ nước ngoài

Nên nhớ rằng: Trong các "nghề chơi", chơi văn chương chữ nghĩa là cao sang nhất, nhờ nó ta mới phân biệt được người thấp người cao, ai sang ai hèn, chứ không phải ở giàu nghèo.

Chơi cho lịch mới là chơi,

Chơi cho đài các, cho người biết tay.

(Cầm Kỳ Thi Tửu - Nguyễn Công Trứ)

Đọc một bài văn, bài thơ mà giống như ăn "mì ăn liền", chỉ ăn cho no; không cần biết hương vị thơm tho của bát mì, công phu nghệ thuật của người nấu ra nó thì chỉ là "phàm phu tục tử".

 

Nguyên Lạc

---------------

Ghi chú:

[1] Tôi đồng ý với Trần C. Trí không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Xin xem:

"từ và chữ" - Trần C. Trí

https://damau.org/archives/51321

[2] "Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn" - Lê Hữu

http://t-van.net/?p=35489

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn