Hồi Tưởng Kí Ức: Tại sao chúng ta mê mẩn những bài hát thời niên thiếu?

Thứ Bảy, 23 Tháng Ba 20197:00 CH(Xem: 4689)
Hồi Tưởng Kí Ức: Tại sao chúng ta mê mẩn những bài hát thời niên thiếu?

Tác giả: Mark Joseph Stern | Nguồn: Slate
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Za

Lúc tôi chập chững bước qua tuổi hai mươi cũng là khi tôi nhận ra một hiện tượng kỳ lạ: Âm nhạc tôi yêu thích thời thiếu niên càng ngày càng trở nên có ý nghĩa. Không chỉ thế, mỗi năm trôi qua, các bài hát mới trên sóng radio nghe lại càng vô nghĩa đối với tôi. Ở phương diện cá nhân, tôi biết việc này không nói lên điều gì cả. Tôi không thể tự tin khẳng định rằng, về mặt nghệ thuật, “Rollout” của Ludacris là một bài hát chất lượng hơn “Roar” của Katy Perry, dù thế tôi vẫn yêu quý từng giây một của “Rollout” trong khi hoàn toàn chối bỏ và coi “Roar” như một mớ âm thanh hỗn độn. Nghe tuyển tập Top 10 Hit năm 2013 khiến tôi đau đầu, nhưng với Top 10 Hit năm 2003, tôi cảm thấy thật hạnh phúc.

Tại sao những bài hát tôi nghe khi còn là thiếu niên lại hay hơn bất kì bài hát nào tôi nghe khi đã trưởng thành? Tôi rất vui lòng thông báo rằng, lý do không phải là vì sự thất bại của bản thân tôi trong việc thẩm định như một nhà phê bình âm nhạc. Những năm gần đây, các nhà tâm lý học và thần kinh học đã khẳng định rằng những bài hát này có tác động không hề nhỏ đến cảm xúc của chúng ta. Và các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy não bộ gắn kết với những bài hát thời niên thiếu một cách chặt chẽ hơn bất cứ bài hát nào mà chúng ta nghe sau này, và mối liên kết này không hề bị suy giảm dù ta có già đi. Sự hoài niệm âm nhạc, nói một cách khác, không đơn thuần chỉ là một hiện tượng văn hóa đời thường: Đó là một hiện tượng thần kinh tất yếu. Dù cho gu nghe nhạc của chúng ta có trở nên tinh tế như thế nào đi nữa, não của ta vẫn luôn văng vẳng những giai điệu ta từng mê mẩn trong thời kỳ sóng gió của tuổi trưởng thành.

Dù cho gu nghe nhạc của chúng ta có trở nên tinh tế như thế nào đi nữa, não của ta vẫn luôn văng vẳng những giai điệu ta từng mê mẩn trong thời kỳ sóng gió của tuổi trưởng thành.

Để có thể hiểu được tại sao chúng ta trở nên gắn kết với một vài bài hát nhất định, chúng ta nên bắt đầu từ mối quan hệ giữa âm nhạc với não bộ nói chung. Khi mới bắt đầu nghe một bản nhạc, âm nhạc sẽ kích thích khu vực vỏ não liên quan đến thính giác và chúng ta sẽ biến nhịp, giai điệu và hòa âm thành một tổng thể. Từ đây, phản ứng của chúng ta với bài nhạc này sẽ phụ thuộc vào cách mà chúng ta tương tác với nó. Nhẩm theo bài hát trong đầu sẽ kích thích hoạt động của vùng vỏ não, bộ phận giúp lập kế hoạch và phối hợp các vận động của cơ thể. Nhảy theo nhạc sẽ khiếu cho nơron của bạn đồng bộ với nhịp điệu của âm nhạc. Chú ý đến lời bài hát và phần nhạc cụ sẽ khơi dậy hoạt động ở thùy đỉnh, nơi giúp bạn thay đổi hoặc giữ sự tập trung trước tác nhân kích thích khác nhau. Nghe một bài hát gợi lên những kí ức quá khứ sẽ đánh thức vùng vỏ não trước trán nơi lưu giữ những thông tin liên quan đến cuộc sống riêng tư và mối quan hệ của bạn; từ đó, hình thành các hành vi.

Nhưng kí ức không có ý nghĩa gì nếu không có cảm xúc — và ngoại trừ tình yêu và thuốc kích thích, không điều gì có thể tác động mạnh tới cảm xúc của chúng ta hơn âm nhạc. Những nghiên cứu sóng não đã cho thấy rằng các bài hát yêu thích của chúng ta kích thích hoạt động của vùng liên quan đến cảm giác thỏa mãn ở não bộ, nơi sẽ sản sinh ra luồng dopamine, serotonin, oxytocin, cùng những hóa chất thần kinh (neurochemical) khác khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ. Càng thích một bài hát thì chúng ta lại càng tạo ra nhiều những hóa chất này và bao phủ não bộ của chúng ta bằng một số chất dẫn truyền thần kinh tương tự như khi sử dụng cocaine.

vidar-nordli-mathisen-599293-unsplash-1446x1080
Ngoại trừ tình yêu và thuốc kích thích, không điều gì có thể tác động mạnh tới cảm xúc của chúng ta hơn âm nhạc.

Âm nhạc làm bừng sáng tín hiệu hoạt động thần kinh ở mọi người. Nhưng với người trẻ, những tín hiệu này bùng nổ như trong một màn trình diễn pháo hoa vậy. Từ năm 12 cho đến năm 22 tuổi, não bộ của chúng ta trải qua sự phát triển nhanh chóng về hệ thần kinh — và thứ âm nhạc mà chúng ta nghe trong thời gian này sẽ đi sâu vào thùy não của chúng ta mãi mãi. Khi chúng ta phát triển những kết nối thần kinh với một bài hát, chúng ta cũng đồng thời tạo ra những vệt kí ức mạnh mẽ, đầy cảm xúc được đẩy cao một phần nhờ đến sự dồi dào của hóc-môn tăng trưởng tuổi dậy thì. Những hóc-môn này sẽ mách bảo não bộ rằng mọi thứ đều cực kỳ quan trọng — đặc biệt là các bài hát vỗ về những mong ước tuổi thần tiên của chúng ta (và cả sự bẽ bàng).

Những tia pháo sáng của hệ thần kinh đủ để khắc ghi các ca khúc vào trong trí não của chúng ta. Tuy nhiên còn có một vài yếu tố khác cũng góp phần giúp chúng ta nhớ mãi bản nhạc cuối cùng được chơi trong đêm khiêu vũ hồi lớp 8. Daniel Levitin, tác giả của cuốn Não Bộ khi nghe nhạc: Khoa Học về Sự Đam Mê của Con người, đã chỉ ra rằng, âm nhạc của những năm tháng thiếu niên sẽ hòa quyện một cách chặt chẽ với đời sống xã hội của chúng ta.

ellicia-730221-unsplash-min-1620x1080
Chúng ta khám phá thế giới âm nhạc lần đầu tiên khi còn trẻ, và thường là qua những người bạn.

“Chúng ta khám phá thế giới âm nhạc lần đầu tiên khi còn trẻ,” ông nói, “và thường là qua những người bạn. Âm nhạc mà ta và những người bạn cùng nghe hệt như một thứ huy hiệu, nó thể hiện rằng chúng ta cùng thuộc về một nhóm xã hội nào đó. Điều này đã gắn kết âm nhạc đến nhận thức của chúng ta về danh tính bản thân.”

Petr Janata, một nhà tâm lý học tại Đại Học California–Davis, cũng đồng ý với giả thuyết về tính cộng đồng này và giải thích rằng thứ âm nhạc mà chúng ta yêu thích “đã trở nên bền chặt, đặc biệt với những kí ức tràn ngập cảm xúc trong những năm tháng bản lề.” Ông bổ sung thêm một yếu tố khác cũng có thể tham gia vào quá trình này: Đó chính là “reminiscence bump” (Tạm dịch: “sự hồi tưởng về những ký ức nổi bật”)1, tên gọi cho hiện tượng khi mà chúng ta có thể nhớ rất rõ thời gian chúng ta còn trẻ hơn hẳn những kí ức khác, và những kỷ niệm này sẽ theo mãi chúng ta đến già. Theo giả thuyết về sự hồi tưởng, chúng ta luôn có một “bản tường thuật cuộc sống” được quy định bởi yếu tố văn hóa, nó đóng vai trò như lời thuật lại cuộc sống của chúng ta trong trí nhớ. Khi chúng ta nhìn lại quá khứ, phần lớn những kí ức được lưu trữ lại trong bản tường thuật này thường có chung hai đặc điểm: Chúng đều là những kí ức vui vẻ và thường xảy ra vào thời niên thiếu hay những năm đầu tuổi hai mươi.

Tại sao những kí ức vào thời gian đó lại sống động và bền bỉ như thế? Năm 2008, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Leeds đã đưa ra một lời giải thích thú vị: Những năm tháng được in đậm bởi hiện tượng “reminiscence bump” tình cờ rơi vào đúng thời điểm phát triển của cái tôi ổn định và lâu dài. Nói theo cách khác, khoảng thời gian từ 12 đến năm 20 tuổi chính là lúc bạn trở thành chính bạn. Nếu như vậy thì không có gì lạ khi những kí ức tạo nên quá trình này sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong suốt phần đời còn lại của bạn. Những kí ức không chỉ góp phần trong quá trình hình thành cách nhìn của chúng ta về bản thân mình, chúng còn trở thành một phần của sự tự nhận thức bản thân.

Âm nhạc đóng hai vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình này. Đầu tiên, một vài bài hát tự nó sẽ trở thành một kí ức riêng, và nó sẽ buộc phải luồn lách vào trong trí nhớ của chúng ta. Vài người trong chúng ta sẽ nhớ như in khoảnh khắc đầu tiên chúng ta nghe bài hát của The Beatles (hoặc Backstreet Boys, bài hát mà đến mấy thập kỷ sau chúng ta vẫn có thể hát trong những buổi tối karaoke. Thứ hai, những bài hát này hình thành nên bản nhạc nền của những tháng ngày dường như là quan trọng và đáng nhớ nhất cuộc đời chúng ta. Bản nhạc được chơi khi chúng ta có nụ hôn đầu, khi chúng ta đi prom lần đầu tiên, khi chúng ta hút điếu thuốc đầu tiên trong đời; chúng sẽ luôn đi kèm với những kỉ niệm đó và trở thành kí ức không thể nào quên. Khi nhớ lại, chúng ta có thể nhận ra buổi prom đó thực ra không thực sự sâu sắc như chúng ta đã tưởng. Nhưng dù ý nghĩa của bản thân kí ức đó không còn quan trọng như trước kia, thì những xúc cảm bồi hồi được gợi lên từ bản nhạc ấy vẫn không hề phôi phai.

Dù những giả thuyết này có thể nghe rất thú vị, nhưng kết luận của nó lại khá ảm đạm: Bạn sẽ không bao giờ có thể thích một bài hát nào khác như cách bạn say đắm thứ âm nhạc bạn nghe lúc còn trẻ. Đương nhiên điều này cũng không hoàn toàn là xấu. Gu nhạc của chúng ta không hề kém đi, chỉ là trở nên chín chắn hơn, cho phép chúng ta có thể cảm thụ được vẻ đẹp nghệ thuật ở một mức độ phức tạp và với trình độ thẩm mỹ cao hơn. Dù bạn có lớn như thế nào, âm nhạc vẫn là một cánh cửa nối giữa bộ não trưởng thành của chúng ta với những đam mê đơn thuần và tươi mới của tuổi trẻ. Cảm giác hoài niệm gắn liền với những bài hát yêu thích của chúng ta không chỉ là một sự gợi nhớ thoáng qua về quá khứ mà còn là hố giun (wormhole)2 du hành thời gian của hệ thần kinh, đưa chúng ta về những năm tháng khi bộ não trở nên hưng phấn vì thứ âm nhạc đã góp phần định nghĩa bản thân chúng ta. Những năm tháng dù đã trôi qua. Nhưng mỗi lần nghe lại những bài hát chúng ta đã từng mê mẩn, sự vui sướng mà chúng từng mang đến vẫn trỗi dậy, tươi mới như ngày đầu tiên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn