Đắm chìm trong "Đêm đầy sao" của Van Gogh nhờ công nghệ số

Thứ Bảy, 16 Tháng Ba 201911:00 SA(Xem: 4721)
Đắm chìm trong "Đêm đầy sao" của Van Gogh nhờ công nghệ số

9147
Một thế giới lung linh trong sắc vàng của những cánh đồng trải dài, huyền ảo trong mầu xanh thẳm của bầu trời đầy sao và mặt nước long lanh, nhẹ nhàng theo những cánh hoa rơi... Khi đẩy cánh cửa cách âm của Atelier des Lumières (quận 11, Paris) ngăn với dòng đời thực tại, khách tham quan như lạc vào thế giới đầy mầu sắc trong những tác phẩm của Van Gogh.

Trong Trung tâm Nghệ thuật số Atelier des Lumières, với các tác phẩm phủ kín phòng trưng bày rộng 3.300 m2 và không chỉ còn là những bức tranh được đóng khung, trang trọng treo trên tường, người xem như hòa mình vào những sáng tác nghệ thuật có kích thước lớn và độ phân giải cao, được chiếu trên tường, trên sàn và trần nhà khiến bảo tàng sống động hơn.

Sau thành công rực rỡ của triển lãm về họa sĩ Klimt bằng công nghệ kỹ thuật số, bảo tàng Ateliers des Lumières tiếp tục đưa khách tham quan thả hồn vào thế giới hội họa của Van Gogh từ ngày 22/02 đến hết 31/12/2019.

Mỗi lần chiếu kéo dài khoảng 30 phút, được chia thành tám chủ đề khác nhau, phác lại chặng đường nghệ thuật của Van Gogh (Ánh sáng vùng Provence, Những tác phẩm thời trẻ, Thiên nhiên, Ngang qua Paris, Arles, Những cây oliu và cây bách, Saint-Rémy, Đồng bằng Auvers). Phần thứ hai dành nói về hội họa Nhật Bản mà Van Gogh là một người hâm mộ và bị ảnh hưởng từ trường phái đó.

Trả lời RFI tiếng Việt trong buổi khai mạc triển lãm Van Gogh, Đêm đầy sao (Van Gogh, La Nuit étoilée) ngày 22/02/2019, ông Michael Couzigou, giám đốc Atelier des Lumières giải thích tại sao chọn danh họa Hà Lan :

« Van Gogh dĩ nhiên là một nghệ sĩ lớn trong lịch sử nghệ thuật, có thể còn được coi là họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Thêm vào đó, ông sáng tác rất nhiều tác phẩm, khoảng 900 bức tranh và 1.100 hình vẽ. Những sáng tạo dồi dào này cho phép chúng tôi chọn ra được 500 tác phẩm để tổ chức triển lãm và giới thiệu một cách khá đầy đủ những sáng tác của ông.

Ngoài ra, Vincent Van Gogh còn nổi tiếng về cách sử dụng bảng mầu, rất đa dạng và điều này rất hợp cho triển lãm chiếu hình ảnh sử dụng công nghệ số ».

Thả hồn trong thế giới của Van Gogh

Vincent Wilhelm Van Gogh, cháu của họa sĩ, từng nói vào năm 1965 : « Mỗi lần Van Gogh chuyển đến sống ở một thành phố khác, có nhiều thay đổi trong phong cách nghệ thuật của ông ». Vì thế, người xem như được sống với những gì mà danh họa Hà Lan đã trải qua, như được hòa mình vào thiên nhiên và chia sẻ những trăn trở nội tâm của Van Gogh.

Họ như thong thả dạo bước trên cánh đồng hoa cùng Cặp tình nhân ở Arles (Couple d’amoureux à Arles, 1888), đến thăm Bệnh viện Saint-Paul ở Saint-Rémy-de-Provence (Hôpital Saint-Paul à Saint-Rémy-de-Provence, 1889) nơi Van Gogh từng điều trị, ngắm Những cây oliu (Oliviers, 1889), Hoa Tử đinh hương (Lilas, 1889) hay Những cây hạnh đào trổ hoa (Amandier en fleurs, 1890)… Và bỗng nhiên họ đối diện với ánh mắt sâu thẳm, đượm buồn, trong bức chân dung tự họa của Van Gogh được chiếu khổ lớn trên trụ chính nằm giữa gian triển lãm.

Về mặt kỹ thuật, Ateliers des Lumières sử dụng 140 máy chiếu, 50 nguồn âm thanh giúp người xem đắm chìm trong sắc mầu của những tác phẩm. Ông Michael Couzigou giải thích :

« Để thực hiện được một triển lãm theo kiểu này, các nhà đạo diễn làm việc dựa trên những hình ảnh hoặc video có độ phân giải rất cao. Họ sáng tác với những phần mềm chuyên biệt, dựa trên kịch bản đã được thảo trước.

Thách thức chính là ở điểm này : Vì mục đích là đưa người xem đi sâu vào trải nghiệm, nên các nghệ sĩ trau chuốt từng chủ đề. Từ những hình ảnh hoặc những đoạn video, họ từ từ tạo chuyển động cho những hình ảnh đó, phóng to một vài chi tiết nào đó trong tác phẩm mà mắt thường khó nhìn thấy được.

Chúng tôi tập trung vào những điểm nhấn, chất liệu và mầu sắc mà Van Gogh đã sử dụng trong tác phẩm của mình. Và nhờ kỹ thuật số, công chúng có thể thấy rất rõ những chi tiết này. Và dĩ nhiên đi kèm với triển lãm là âm nhạc. Hai yếu tố, âm nhạc và hình ảnh, đóng vai trò chủ đạo để chúng ta có thể đắm chìm trong sáng tạo nghệ thuật đó ».

Dùng công nghệ để thu hút công chúng mọi thế hệ đến với hội họa

Nghệ thuật công nghệ số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan niệm về sáng tạo của các bảo tàng và phòng trưng bày. Về phía công chúng, họ không chỉ muốn khoanh tay trước ngực hoặc chắp tay sau lưng, tiến gần rồi lùi xa để ngắm tác phẩm, mà còn muốn hòa theo mạch sáng tác, nét vẽ của của người họa sĩ, dần dần hiện lên trên tường, rồi trải rộng ôm trọn người xem vào giữa. Từ trần đến những bức tường và sàn nhà ngập tràn mầu sắc. Họ có thể gối tay nằm giữa sàn như đang nằm trên thảm cỏ xanh mướt, trên cánh đồng vàng óng hoặc bầu trời đầy sao và chìm trong tiếng nhạc du dương.

Nhờ công nghệ số, công chúng có thể chiêm ngưỡng, ở cùng một nơi, những tác phẩm của một họa sĩ được trưng bày khắp nơi trên thế giới và đôi khi không được phép di dời vì dễ hỏng. Hội Culturespace đã chọn hướng này cho Trung tâm Nghệ thuật số Atelier des Lumières, theo giải thích của ông Michael Couzigou :

« Nguyện vọng của Trung tâm Nghệ thuật số này là giới thiệu các trào lưu nghệ thuật hoặc những nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật theo một cách mới, nhờ công nghệ mới mà chúng tôi phát triển, được gọi là AMIEX (Art, Musique Immersive Experience).

Ý tưởng của chúng tôi là kết hợp sự sáng tạo bằng hình ảnh, được thực hiện từ ảnh chụp các tác phẩm nghệ thuật, sau đó được số hóa, đi kèm với âm nhạc - được chọn lọc cho phù hợp hoặc được soạn riêng cho triển lãm - để tạo cảm xúc cho người xem và khiến họ đắm chìm trong dòng chảy nghệ thuật của triển lãm đó.

Đây là một phương pháp khác lạ mà chúng ta không thể thấy được trong những bảo tàng truyền thống. Thêm vào đó, nhiệm vụ của Culturespace là cố gắng tiếp cận được với đông đảo công chúng nhất. Có nghĩa là chúng tôi muốn họ đến xem với cả gia đình, với con cháu để giúp các em khám phá nghệ thuật theo cách mới, có thể hiện đại hơn, năng động hơn. Đây là nhiệm vụ chính của Trung tâm Nghệ thuật số này ».

Từ một xưởng đúc cũ do gia đình Plichon thành lập năm 1835 và hoạt động trong suốt 100 năm, Hội Culturespace đã cải tạo lại hoàn toàn trong vòng bốn năm để biến thành Atelier des Lumières vào năm 2018. Mọi chi tiết trang trí của xưởng đều được giữ lại để trở thành công cụ hỗ trợ cho việc chiếu hình ảnh.

Atelier des Lumières tại Paris là Trung tâm Nghệ thuật số thứ hai được khánh thành ở Pháp, sau trung tâm Carrières aux Baux-de-Provence. Ý tưởng của Hội Culturespace đã thu hút sự chú ý của Bordeaux. Một khu vực trong một căn cứ tầu ngầm cũ đã được thành phố giao cho Culturespaces để lập Bassins de Lumière, dự kiến khánh thành năm 2020. Trên thế giới, Culturespace đã lập trung tâm Bunker de Lumières ở Hàn Quốc trên đảo Jeju vào cuối năm 2018.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn