Nhà văn ( VC ) nói gì khi 'Chí Phèo' bị 'đấu tố'?

Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai 201711:59 SA(Xem: 5400)
Nhà văn ( VC ) nói gì khi 'Chí Phèo' bị 'đấu tố'?
Trong cơn bão dư luận phản đối ý kiến đưa “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa, các nhà văn Việt tỏ ra bình thản.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, không nên bình luận với người không hiểu gì về văn học. Nhưng lại có nhà văn chỉ rõ: Không phải lần đầu tiên “Chí Phèo” bị đòi đưa ra khỏi sách giáo khoa. Cách đây 2-3 năm có người đã đặt vấn đề tương tự.

Chí Phèo thuộc “phe nước mắt”

Đụng đến “Chí Phèo”, không cần suy nghĩ lâu, nhà văn Sương Nguyệt Minh lập tức phản pháo: “Chí Phèo là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán, là điều không phải bàn cãi. Nhân vật Chí Phèo là điển hình cho lớp người “tứ cố vô thân” dưới đáy xã hội, lớp người ấy thuộc về “phe nước mắt” bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người, nhưng Chí Phèo vùng lên, phản kháng theo cách của người khốn cùng. Chí Phèo vốn lương thiện, lúc thanh niên còn biết ngượng ngùng trước da thịt của phụ nữ, nhưng chỉ sau khi bị Bá Kiến đẩy vào tù và những năm tháng nhà tù đã biến Chí thành con người khác, gần như mất hết nhân tính. Một nhân vật điển hình cả tính cách và dị biệt cá tính bị xã hội tha hóa thế, chỉ có nhà văn lớn mới viết được”.

Sương Nguyệt Minh khẳng định: “Tác phẩm Chí Phèo và nhân vật Chí Phèo bao nhiêu năm nay thỏa mãn hầu hết người đọc ở mọi tầng lớp. Chí Phèo không chỉ là tên tác phẩm, tên nhân vật, mà còn là tính từ để chỉ một loại người bị tha hóa, bị suy đồi, bị côn đồ hóa. Rất cần cho học sinh học, để nhận diện xã hội cũ, con người của một thời và cảnh báo nguy cơ bần cùng hóa, lưu manh hóa trong bất cứ xã hội nào”. Theo tác giả “Miền hoang”, ý kiến đưa Chí Phèo ra khỏi văn học nhà trường “chẳng qua là đánh giá nhân vật Chí Phèo với bằng phương pháp xã hội học dung tục, mà không thấy cái nhìn nhân văn và nghệ thuật khám phá tâm hồn con người ở mọi góc cạnh, cả khi bị xô dạt phi nhân tính”.

Không phải lần đầu tiên, “Chí Phèo” bị phản đối nằm trong sách giáo khoa. Nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Bùi Việt Thắng xác nhận sự việc: Tại lễ ra mắt sách của nhà văn Thanh Châu (1912-2017) có ý kiến đã mang mối tình đẹp đẽ trong tác phẩm của Thanh Châu so với mối tình Thị Nở- Chí Phèo và đưa ra câu hỏi, vì sao cứ để mối tình Thị Nở-Chí Phèo trong sách giáo khoa, làm méo mó nhận thức của học sinh? Tuy nhiên, ý kiến này không đưa lên mạng xã hội nên nhanh chóng trôi vào quên lãng và các nhà văn cũng không tiện nhắc tên người “ném đá” Thị Nở- Chí Phèo. Nhà văn Sương Nguyệt Minh phản đối việc thay Thị Nở- Chí Phèo bằng mối tình đèm đẹp nào đó: “Cái nhìn học sinh còn trong trắng, ngây thơ phải cho học sinh học những cái đèm đẹp, lành lặn, xinh xẻo, ấm áp là cái nhìn một chiều. Học sinh bây giờ trưởng thành rồi, cần cho học sinh từ trung học cơ sở trở lên học những tác phẩm phê phán cái ác, cái dối lừa…”

Nhà văn ví: “Cũng như quân đội không tập luyện thì khi chiến tranh xảy ra, lính tráng sẽ lơ ngơ, bại trận ngay. Cho nên Y tế mới có chuyện tiêm phòng cho cơ thể làm quen với bệnh tật, khi có bệnh thật thì cơ thể mới có sức đề kháng tốt chiến thắng bệnh tật. Cũng như việc đưa giáo dục giới tính và sử dụng công cụ tránh thai vào trường học ấy. Ngày trước thì cấm kị, bảo là “vẽ đường cho hươu chạy”, bây giờ lại thấy cần thiết, khoa học”.

Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh: “Bên cạnh sự học cái tốt đẹp, cái dung dị, ấm áp thì cũng nên để học sinh tiếp cận và hiểu được cái ác, cái lạnh lùng, cái vô cảm, cái dối lừa, cái dữ dội khốc liệt của đời sống (cả chiến tranh nữa) trong tác phẩm văn học. Bởi vì “học sinh cũng là bạn đọc. Lớp bạn đọc ấy bây giờ trưởng thành hơn người lớn tưởng. Đừng sợ con em chúng ta học cái ác, cái xấu trong tác phẩm văn học viết về cái ác, cái xấu. Không dạy trong nhà trường thì học trò vẫn có thể tìm đọc các tác phẩm viết về cái ác, cái xấu đang bát ngát trên thị trường sách”, nhà văn nói.

nha van noi gi khi chi pheo bi dau to

Nhà văn Cao Duy Sơn: “Nếu thỉnh thoảng lại đòi vứt một giá trị nào đó từ kho tàng quá khứ thì hành trang đến tương lai còn gì?”.

Cứ “vứt” hết đi thì chúng ta còn gì?

Khi rất nhiều người nhao lên phản đối ý kiến của vị nghiên cứu sinh nọ về tác phẩm “Chí Phèo”, nhà văn Trung Trung Đỉnh ngạc nhiên: “Sao mà xã hội dễ bị kích động ngớ ngẩn thế”. Đặt vấn đề “Chí Phèo” gây hại cho việc giáo dục người trẻ theo nhà văn “Ngõ lỗ thủng” là “ngớ ngẩn”. Bởi người nói vậy “không hiểu gì về văn học” mà đã “không hiểu gì về văn học nghệ thuật thì chẳng nên bàn với họ”, Trung Trung Đỉnh kết luận. Nhà văn Bùi Việt Thắng, người có thâm niên giảng dạy văn học hiện đại ở khoa Văn, Trường ĐH KHXH &NV Hà Nội cũng cảm thấy: Không nên bàn câu chuyện này. “Vì hôm nay đòi bỏ “Chí Phèo” có khi ngày mai lại đòi bỏ “Tuyên ngôn độc lập” ra khỏi sách giáo khoa”, sức đâu mà tranh luận.

Có một thực tế cần thiết phải nhìn nhận, “Chí Phèo” là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán ở Việt Nam nhưng “ngọc” nào cũng có vết là điều không tránh khỏi. Việc cố nhà văn Nam Cao miêu tả Thị Nở thậm xấu là một hạn chế của tác phẩm này, bởi thiếu tính nhân văn. Cũng giống như truyện cổ tích “Tấm- Cám” vì thông điệp “thiện” cuối cùng sẽ thắng “ác”, nên kết thúc bằng tình tiết, Tấm làm mắm Cám, gửi về cho mẹ Cám ăn, ít nhiều gây băn khoăn cho độc giả, nhất là độc giả trẻ. Tuy nhiên hiện nay, những hạn chế của tác phẩm văn học luôn được sách vở và cả giáo viên chỉ rõ, không hề che đậy, không tôn vinh tuyệt đối một tác phẩm nào một cách phiến diện.

Nhà văn Cao Duy Sơn cho rằng, nên nhìn nhận, đánh giá tác phẩm văn học gắn với yếu tố lịch sử khi tác phẩm ra đời. Nhà văn với vai trò “thư kí thời đại” đã ghi chép lại những câu chuyện đó để bây giờ chúng ta có điều kiện soi vào quá khứ. Tác giả “Ngôi nhà bên suối” nhắc: “Vấn đề là khi truyền đạt tác phẩm giáo viên nên nói rõ những điều này”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng có ý kiến tương tự: “Nên có phân tích, có hướng dẫn, có đúc kết, có định hướng cho học sinh hơn là cứ thả nổi để cho học sinh tiếp nhận tác phẩm văn học”.

Là những người trực tiếp sáng tạo ra sản phẩm tinh thần, các nhà văn không bận tâm chuyện “đứa con” khi ra đời hoặc sau khi “cha đẻ” của chúng mất bị “ném đá”: “Mình có niềm tự tin và lạc quan rằng: Tác phẩm hay đi cùng thời đại, hay mọi thời đại thì giá trị của nó bất biến. Nó đã như trái núi rồi thì có xúc thêm mấy gánh đất đổ vào cũng không khiến nó to hơn mà đem mình đánh vào nó thì nó chỉ bật ra vài hòn nhỏ, lăn lóc xuống dưới, lại làm cho chân núi rộng hơn. Tác phẩm hay và lớn như Chí Phèo của Nam Cao hay Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng tồn tại độc lập ngoài ý muốn của bất cứ người nào. Bản thân tác phẩm đã là một giá trị bảo vệ chính nó mà không cần tác giả hoặc ai đó bênh vực”, Sương Nguyệt Minh nói. Nhưng nhà văn Cao Duy Sơn băn khoăn: Nếu thỉnh thoảng lại đòi “vứt” một giá trị nào đó từ kho tàng quá khứ thì hành trang đến tương lai của chúng ta còn gì?

Đào Nguyên

Theo Tiền Phong

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn