Món quà 200 triệu đô la cho Bảo tàng MoMA

Thứ Hai, 18 Tháng Hai 20193:00 CH(Xem: 3978)
Món quà 200 triệu đô la cho Bảo tàng MoMA

Món quà 200 triệu đô la cho Bảo tàng MoMA


mediaKhuôn viên Abby Aldrich Rockefeller nhìn từ tầng ba Bảo tàng MoMA (Museum of Modern Art)Mike Segar / Reuters

Trên thế giới, đây có lẽ là một trong những khoản tiền lớn nhất từng được tặng cho một viện bảo tàng. Năm nay đánh dấu đúng 90 năm ngày Bảo tàng MoMA được khánh thành. Con cháu của dòng họ tỷ phú John D. Rockefeller tiếp tục đóng góp vào qũy ‘‘từ thiện’’ có từ ba thế hệ trước. Khoản tiền 200 triệu đô la nhằm mục đích tài trợ cho giai đoạn cuối cùng trong công trình mở rộng Viện bảo tàng MoMa. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York sẽ hoàn toàn được tân trang diện mạo đúng vào thời điểm ăn mừng sinh nhật lần thứ 90.

Theo ban giám đốc điều hành, sau khi bế mạc các cuộc triển lãm lớn vào cuối mùa xuân, Viện bảo tàng MoMA sẽ đóng cửa trong suốt mùa hè và chỉ mở cửa trở lại vào mùa thu năm 2019. Thời gian đóng cửa trong vòng 4 tháng (từ ngày 15/06 đến ngày 21/10) rất cần thiết cho việc xây dựng các không gian triển lãm mới trong quá trình mở rộng Bảo tàng MoMA. Chi phí của công trình lên tới hơn 400 triệu đô la, điều đó có nghĩa là mặc dù đã nhận được một tấm ngân phiếu từ phía gia đình Rockefeller, ban điều hành MoMA sẽ vẫn tiếp tục quyên góp từ phía các nhà hảo tâm khác thông qua việc tổ chức một chuỗi sự kiện văn hóa, bên cạnh các cuộc triển lãm theo chuyên đề.

Các khoản đóng góp được thực hiện trong những năm vừa qua cho phép Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York MoMA có được một sự thay đổi quan trọng nhân sinh nhật lần thứ 90. Công trình xây dựng được giao cho công ty của các kiến trúc sư nổi tiếng Diller Scofidio & Renfro. Diện tích các phòng trưng bày sẽ được tăng thêm một phần tư. Tính tổng cộng, Bảo tàng MoMA sẽ có 16.100 m2 tức là khu vực triển lãm đã được tăng thêm 3.600 m2.

Theo lời ông giám đốc Glenn D. Lowry, khoản đóng góp của gia đình Rockefeller có nhiều ý nghĩa, giá trị thực thụ của việc mở rộng bảo tàng không chỉ đơn thuần là tăng thêm không gian và diện tích các phòng trưng bày, mà là tạo thêm nhiều cách trải nghiệm khác đối với khách đi xem bảo tàng. Qua việc thành lập một không gian mang tên The Studio, Bảo tàng MoMA được ‘‘cập nhật’’ với những ứng dụng công nghệ mới, kể cả công nghệ video mapping và các show biểu diễn kết hợp âm thanh, ánh sáng và hình ảnh ba chiều. Bên cạnh đó, một số phòng trưng bày miễn phí sẽ được mở ở tầng trệt để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp đón khách tham quan trong ngày.

Trái với mô hình của các Viện bảo tàng châu Âu nói chung và bảo tàng Pháp nói riêng, MoMA không nhận tài trợ từ Hội đồng thành phố, từ tiểu bang New York, hoặc từ chính phủ liên bang. Để có đủ ngân sách hoạt động, đa số các viện bảo tàng ở New York trong đó có MoMA buộc phải đi tìm nguồn tài trợ ở nhiều đối tác và qua nhiều hình thức khác. Vào năm 2016, nhà sản xuất David Geffen từng tặng 100 triệu đô la cho MoMA. Các nhà tỷ phú như Steve Cohen hay Ken Griffin cũng đã từng tặng khoảng 50 triệu đô la cho bảo tàng này. Nhưng phần đóng góp quan trọng nhất từ trước tới nay vẫn đến từ dòng họ Rockefeller.

Vào tháng 5 năm 2018, một cuộc bán đấu giá lịch sử của bộ sưu tập của cặp vợ chồng David và Peggy Rockefeller đã đem về hơn 820 triệu đô la. Sau sự kiện lịch sử này, một phần lớn số tiền thu đã được chuyển đến cho qũy tài trợ MoMA. Lúc sinh tiền, David Rockefeller đã tặng hàng trăm triệu đô la cùng với nhiều tác phẩm quan trọng trong bộ sưu tập của gia đình ông, bao gồm các bức tranh của Gauguin, Matisse, Picasso và Cézanne.

Từ khi mở cửa lần đầu tiên vào năm 1929 cho đến tận ngày nay, Bảo tàng MoMA đã không ngừng được sửa đổi và mở rộng, kể cả lối thiết kế các tòa nhà cũng như nội dung các bộ sưu tập. Tọa lạc ở khu vực Midtown của thành phố Manhattan, New York trên dãy phố đường 53, giữa hai Đại lộ thứ Năm và thứ Sáu, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) hiện là một trong những Viện bảo tàng quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Bộ sưu tập MoMA gồm cả các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại, đa phần là các nghệ sĩ Âu Mỹ. Với hơn 150.000 tác phẩm nghệ thuật đủ loại trong kho lưu trữ, bộ sưu tập của MoMA được nhiều nhà phê bình đánh giá là có giá trị hàng đầu, đặc biệt hơn cả là các tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất nhì thế giới.

Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất, có các bức tranh của Francis Bacon (Painting - 1946), Jackson Pollock (One: Number 31, 1950), Andy Warhol (loạt tranh Campbell's Soup Cans - Những hộp súp hiệu Campbell - 1961), Salvador Dalí (The Persistence of Memory - Sự dai dẳng của ký ức - 1931), Frida Kahlo (Self-Portrait With Cropped Hair - Chân dung tự họa với đầu tóc ngắn -1940).

Còn về phía các bậc thầy làng hội họa đến từ châu Âu, MoMA thường trng bày các tác phẩm của René Magritte (L'Empire des lumières - Đế chế Ánh sáng - 1949), Paul Cézanne (Le Baigneur 1885) Henri Matisse (The Dance Múa - 1910), Claude Monet (bộ ba Nymphéas - Hoa Súng) và nhất là các tác phẩhm kinh điển của Vincent van Gogh (The Starry Night - Đêm đầy sao - De Sterrennacht – 1889) cũng như Pablo Picasso (Les Demoiselles d'Avignon -1907).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn