Phim Nga về cuộc tình Sa hoàng-vũ nữ ra rạp, bất chấp đe dọa

Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20178:09 SA(Xem: 6709)
  • Tác giả :
Phim Nga về cuộc tình Sa hoàng-vũ nữ ra rạp, bất chấp đe dọa
vi.rfi.fr
Trọng Thành

Di sản thời Sa hoàng tiếp tục chia rẽ xã hội Nga một thế kỷ sau. Một xưởng phim và một rạp chiếu bộ phim Matilda về mối tình của Sa hoàng Nicolas II với một vũ nữ ba lê, bị phóng hỏa. Tuy nhiên, rốt cục bộ phim vẫn đồng loạt ra rạp hôm 26/10/2017. Nếu như việc phim ra mắt tạo cớ cho sự trỗi dậy của một phong trào cực đoan mới, dữ dội hiếm thấy, trong đạo Chính Thống Nga, thì ngược lại đa số người dân Nga dường như muốn trở lại trang sử bi thảm này, với một cái nhìn hoàn toàn khác.

Ngày 12/09/2017, hai mạng rạp chiếu bóng lớn của nước Nga với tổng cộng 624 rạp tại 28 thành phố trên khắp cả nước, quyết định không chiếu Matilda, vì lý do an ninh. Thủ lĩnh của phong trào chống Matilda là nữ dân biểu Matxcơva, bà Natalia Poklonskaïa, một thành viên đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin. Tuy nhiên, chính bộ phim này đã được bộ Văn Hóa cấp phép và đầu tư một phần.

Về quyết định chiếu phim, Matxcơva có thái độ nước đôi. Một mặt lên án bạo lực cực đoan, mặt khác điện Kremlin dành quyền cho mỗi địa phương, mỗi vùng quyết định cho chiếu phim hay không « tùy theo truyền thống và phong tục tập quán của cư dân tại chỗ ».

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot cho biết thêm,

« Đây là một bộ phim chi phí lớn nói về một giai đoạn gây nhiều tranh cãi về cuộc đời của Nga hoàng Nicolas đệ nhị. Chủ đề là câu chuyện tình giữa sa hoàng cuối cùng của nước Nga, bị phe Bônsêvich giết, với một nữ diễn viên vũ ba lê trẻ người Saint Petersbourg.

Những người Nga theo quan điểm truyền thống và Giáo hội Chính Thống cho rằng bộ phim này là một sự báng bổ, bởi họ coi vị vua cuối cùng của nước Nga là một thánh tử đạo. Trong vòng nhiều tháng nay, người ta đã nỗ lực bằng mọi phương tiện để khiến bộ phim bị cấm. Nhưng vô ích.

‘‘Việc phim được công chiếu không phải là một vinh quang đối với Matilda, cũng không phải với cá nhân tôi ; đây là chiến thắng của lương tri, của tất cả những người có lương tri. Tôi tin tưởng là những người đó là đa số đông đảo tại đất nước này’’, đạo diễn bộ phim, ông Aleksei Outchitel tâm sự. Đạo diễn phim Matilda nói thêm : ‘‘Phe Chính Thống Giáo hung tợn’’, những người lên án bộ phim ‘‘đi ngược lại chính bản thân đạo Chính Thống’’.

Trước các áp lực và đe dọa, nhiều rạp phim tại Nga thoạt tiên đã từ chối cho chiếu Matilda, nhưng rốt cục họ đã thay đổi quyết định. Dù sao, lo ngại về các hành động bạo lực vẫn còn đó, các biện pháp an ninh được siết chặt, tại các rạp sẽ công chiếu bộ phim này ».

Bên cạnh những liên hệ chằng chịt và sâu nặng, giữa nền quân chủ và đạo Chính Thống, nước Nga đồng thời cũng tìm cách thoát khỏi bóng ma của chủ nghĩa cộng sản toàn trị.

« Các nạn nhân đầu tiên » của Cách mạng tháng 10

Hôm thứ Tư, 25/10, một hôm trước ngày công chiếu Matilda và đúng 100 năm sau ngày Cách mạng, tại Matxcơva khai mạc một triển lãm về các nạn nhân đầu tiên của cuộc Cách mạng tháng 10/1917. Trái ngược lại với quan điểm chính thống của Nhà nước Liên Xô, cuộc cách mạng do phe Bônsêvich tiến hành đã diễn một cách « ôn hòa ». Theo người phụ trách, mục tiêu của cuộc triển lãm mang tên « Những người đầu tiên » là cho thấy « nước Nga chìm trong đàn áp ngay từ những ngày đầu hậu Cách mạng ».

Các nạn nhân đầu tiên thuộc tầng lớp quý tộc, giới trí thức, chính trị gia và kể cả các công dân bình thường. Trong số những người bị bắt ngay vào những giờ đầu tiên của ngày đầu tiên 25/10/1917, có nhà văn, nhà hoạt động cách mạng chống Nga hoàng, Vladimir Bourtsev, nổi tiếng với quan điểm chống Lênin.

Triển lãm do hiệp hội bảo vệ nhân quyền Nga Memorial sẽ mở cửa cho đến ngày 25 tháng Giêng 2018.

Năm 2017 này, Matxcơva lặng lẽ kỷ niệm hai cuộc Cách mạng tháng 2 và tháng 10, trong không khí thờ ơ nói chung của xã hội. Ngay cả tổng thống Nga Putin – người tự coi thừa kế cả di sản Sa Hoàng và chế độ cộng sản Liên Xô - cũng thừa nhận tính hai mặt của Cách mạng tháng 10, bên cạnh những ảnh hưởng lớn được coi là « tích cực », đã dẫn tới sự ra đời của « một ý thức hệ về cơ bản là ảo tưởng ».

Nhật Bản : Luật « chống mưu phản » bị lên án

Trong thời gian gần đây, trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên ngày càng căng thẳng, tại Nhật Bản, giới bảo vệ các quyền dân sự lo ngại bộ luật « chống mưu phản », vừa được ban hành sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc bắt bớ võ đoán, đặc biệt là tại vùng Okinawa, nơi có nhiều phong trào chống xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ.

Luật được Quốc Hội Nhật thông qua hồi tháng 7/2017, với danh nghĩa ngăn ngừa khủng bố trước thềm Thế Vận Hội Tokyo 2020. Tuy nhiên, trong số 227 tội danh mới, lại có nhiều tội danh không hề dính dáng đến khủng bố. Phóng sự của thông tín viên Frederic Ojardias từ Okinawa :

« Abe Takashi là phóng viên làm việc cho nhật báo Okinawa Times, từ 20 năm nay. Ông ghi nhận tình trạng các quyền tự do tại Nhật Bản đang bị xâm hại dần dần… Một luật mới về ‘‘chống mưu phản’’ ra đời khiến ông lo ngại.

‘‘Tại Nhật Bản, trước đây chỉ có các hành động phạm tội mới bị trừng phạt. Nhưng luật mới này lại trừng phạt đến cả suy nghĩ của mọi người. Luật này có thể được áp dụng mà không cần theo dõi, không cần nghe lén, không cần xâm nhập thư điện tử. Luật này sẽ có một hiệu ứng mang tính răn đe, một hiệu ứng rất mạnh. Khiến chúng tôi thậm chí không còn dám nghĩ đến một số hành động’’ .

Ông Hiroji Yamashiro, chủ tịch phong trào vì hòa bình tại Okinawa, một phong trào đấu tranh chống lại việc xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ tại đây. Hồi năm ngoái, nhà tranh đấu vì hòa bình này đã bị bắt, và bị giam giữ trong 5 tháng, mà không hề được ra xét xử, và chỉ vì một số sự cố nhỏ. Chủ tịch phong trào vì hòa bình Okinawa cho rằng luật mới sẽ tạo cớ cho việc bắt bớ và trừng phạt những người đối lập.

‘‘Với luật chống mưu phản, ngay cả những người không tham gia vào các hoạt động của chúng tôi, chống căn cứ quân sự Mỹ, những người thậm chí chỉ biết là những hoạt động như vậy sẽ xảy ra, đã có thể bị coi là thủ phạm. Điều này khiến người ta lo sợ hơn. Đây là vấn đề lớn nhất của bộ luật này. Không còn giới hạn nữa. Chính quyền có thể bắt giam ai mà họ muốn’’.

Theo nhà báo Abe Takashi, mọi phong trào dính dáng đến an ninh quốc gia đều là đích ngắm. Ông Abe Takashi là tác giả một cuốn sách về các hành động bạo lực của chính quyền ở Okinawa :

‘‘Hai đe dọa nghiêm trọng nhất là chính quyền Tokyo phải đối mặt là các cuộc đấu tranh chống lại căn cứ quân sự ở Okinawa, và các phong trào liên quan đến tai nạn hạt nhân ở Fukushima. Các chủ đề này đặt những nghi vấn nghiêm trọng, về thái độ của chính quyền, bị nghi ngờ là không hay biết, thậm chí là bỏ rơi dân chúng của mình. Trong cuộc chiến chống các phong trào dân sự, bộ luật mới này sẽ là một trong những vũ khí chủ yếu của họ, một trong những phương tiện hùng hậu nhất của họ’’.

Nhà báo Abe Takashi nhắc lại rằng nước Nhật đã bỏ phiếu thông qua một luật trừng phạt những người báo động về các nguy cơ đối với xã hội, và chỉ trong vòng 7 năm, quốc gia Mặt trời mọc đã tụt hơn 60 bậc về tự do báo chí, từ bậc thứ 11 xuống hàng thứ 72 (theo Phóng Viên Không Biên Giới - RSF) ».

Phong trào « Nói không với chất gây rối loạn nội tiết »

Các chất gây rối loạn hệ nội tiết là vấn đề liên tục được công luận Pháp chú ý kể từ năm 2010, sau báo động đầu tiên về chất Bisphenol A, có mặt trong hàng loạt sản phẩm bao bì thực phẩm dùng hàng ngày. Bị coi là chất có khả năng gây ung thư, Bisphenol A bị cấm tại Pháp, kể từ đó biện pháp này đã được mở rộng ra toàn châu Âu.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà y tế, các chất gây rối loạn nội tiết có mặt trong hàng loạt sản phẩm công nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, chất trừ sâu, diệt cỏ… Thành phần gắn liền với đời sống hiện đại, mang lại tiện nghi này ngày càng bị nghi ngờ là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh tật hiểm nghèo ở trẻ sơ sinh, cũng như người trưởng thường, từ dị dạng bào thai, cho đến các bệnh nan y như ung thư, tiểu đường…

Theo một số ước tính, hàng năm có đến 500 triệu tấn hóa chất, được sử dụng làm các phụ gia cho những loại sản phẩm nói trên, có nguy cơ gây rối loạn hệ nội tiết.

Bất chấp các lo ngại ngày càng lớn trong công chúng, chính quyền Liên Âu và nhiều nước châu Âu vẫn không ra nổi các quyết sách thuyết phục trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, nhiều thành phố và địa phương châu Âu chủ động khởi sự phong trào « Nói không với các chất gây rối loạn nội tiết ». Mạng lưới Environnement Santé/Môi trường Sức Khỏe là nòng cốt.

Cuộc họp mặt đầu tiên của phong trào, được tổ chức tại Paris ngày 10/10, giới thiệu kinh nghiệm của Stockholm, mạng lưới các thành phố Baltic (NonHazCity), hay Madrid (*).

Pháp tiếp tục là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống các độc chất gây rối loạn nội tiết tố, với một « chương trình quốc gia » được khởi sự từ năm 2014 (**).

Nathalia Cingotti, thuộc mạng lưới Environnement Santé, có cơ sở tại Bruxelles, nhận xét :

« Nếu như ở cấp độ toàn Liên Hiệp Châu Âu, hành pháp châu Âu, rất thiếu sáng kiến về mặt chính trị trong hồ sơ các độc chất gây rối loạn nội tiết tố, vốn đã được đưa ra xem xét từ lâu, nhưng không hề tiến triển, thì ngược lại ở cấp độ địa phương, cơ sở, lại nở rộ các sáng kiến. Đặc biệt có nhiều nỗ lực ở các thành phố.nhằm loại bỏ các chất gây rối loạn nội tiết tố ra khỏi đời sống hàng ngày.

Ở cấp độ quốc gia, trong khi người ta vẫn không đi đến được một đồng thuận về các tiêu chí xác định các chất gây rối loạn nội tiết tố, thì ở nhiều địa phương, nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ quan chính quyền, người ta đã quyết định ngừng sử dụng các sản phẩm tẩy uế, có chứa các chất gây rối loạn nội tiết tố ».

Bà Valérie Picot, nữ hộ sinh, bệnh viện Guéret ở tỉnh Creuse, cho biết kinh nghiệm cụ thể tại một cơ sở y tế địa phương :

« Một số hộ lý trong ê kíp chúng tôi nói rằng nếu như họ đã có thể áp dụng việc này trong gia đình, thì việc này cũng có thể mở rộng ra trong môi trường công việc.

Chúng tôi đã họp nhau lại và quyết định sẽ xây dựng các phương tiện, các thông điệp. Chúng tôi sẽ chuyển đến những người mẹ tương lai các thông điệp về vấn đề này.

Nhà hộ sinh của chúng tôi tiếp đón khoảng 600 sản phụ một năm. Ở quy mô gần gũi, mang tính gia đình như thế này, việc thông tin sẽ được phối hợp tốt hơn, thông điệp được chuyển đi dễ dàng hơn ».

Pháp : Tây y và Đông y lần đầu thảo luận chính thức

Càng nhận ra rằng đe dọa đối với sức khỏe và tính mạng con người có ở khắp nơi, và ngày càng nghiêm trọng, người ta càng hiểu hơn cần phải đoàn kết.

Tại Pháp, đã diễn ra một hội nghị quốc gia đầu tiên giữa hai nền y học, Tây y và Đông y. Khoảng 450 nhà thực hành, giảng viên, người sử dụng, sinh viên, chuyên gia đạo lý y học đã tham gia sự kiện này.

Mục tiêu của hội nghị kéo dài ba ngày giữa tháng 10/2017, tại Lyon, là hướng đến một bộ luật hợp pháp hóa việc thực hành y học cổ truyền phương Đông, cụ thể là y học Trung Quốc truyền thống, tại Pháp.

Cho đến nay, chỉ có những người được đào tạo qua Tây y, bao gồm các bác sĩ, hộ sinh và nha sĩ, được đào tạo thêm về Đông y là có quyền hành nghề châm cứu. Các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc, không được đào tạo Tây y, thực hành hoạt động này tại Pháp có thể bị truy tố.

Trên thực tế, từ chục năm trở lại đây, nhiều hoạt động y học cổ truyền phương Đông, như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, khí công, hay dùng cây thuốc… đã có mặt ngày càng nhiều hơn trong các điều trị tại Pháp (***).

----

(*) Ngoài các thuốc trừ sâu diệt cỏ bằng hóa chất công nghiệp, các nhà bảo vệ môi trường - sức khỏe, lưu ý công chúng đến hàng loạt chất có nguy cơ cao, trong đó có paraben, được dùng nhiều trong mỹ phẩm, dược phẩm ; phtalate có nhiều trong các đồ chơi, dụng cụ y tế, và một số bao bì thực phẩm ; polychlorobiphényles (PCB), phụ gia của các sản phẩm bôi trơn, cách điện, chống cháy, giấy tự sao bản (papier autocopiant), băng dính ; nhóm chất « Composés perfluorés » (với hàng chục loại khác nhau), được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, có mặt nhiều trong nước sinh hoạt…

(**) Ngày 04/10, Nghị Viện Châu Âu ra nghị quyết bác bỏ định nghĩa do Ủy Ban Châu Âu đề nghị, về các chất gây rối loạn nội tiết, bị phê phán là « quá dễ dãi » (389 chống trên tổng số 694). Ủy Ban Châu Âu từng bị Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu phạt vào năm 2015, vì không công bố các tiêu chí xác định các chất nói trên, như đã dự kiến từ năm 2012.

(***) Tại Pháp, có khoảng 120 cơ sở đào tạo y học phương Đông mang tính tư nhân, trong đó một số trường có nhiều đóng góp của các lương y gốc Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 05 Tháng Chín 20185:03 CH
( HNPD )Một màu tang trên mảnh đất quê hương /Món nợ này chúng ta chưa trả hết
Thứ Tư, 05 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD )lấy cài gì mà đút vào mồmđành dẹp luôncả thơ lẫn văn
Thứ Ba, 04 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD )ờ ờ chó mắc lẹo 2 bên 2 cái đầu ở giũa đánh xà nẹo
Thứ Hai, 03 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) hưỡn chép lại pho Lục Vân Tiên duy trì lòng trung quân ái quốc
Chủ Nhật, 02 Tháng Chín 20186:07 SA
( HNPD ) thơi Thực Dân có borden militaire /thời hậu hiện đại có Nhà Thổ