Tưởng nhớ Henri Salvador nhân 100 năm ngày sinh

Thứ Hai, 30 Tháng Mười 20178:16 SA(Xem: 6224)
  • Tác giả :
Tưởng nhớ Henri Salvador nhân 100 năm ngày sinh
Tưởng nhớ Henri Salvador nhân 100 năm ngày sinh
 
Henri Salvador với hai tác giả Keren Ann và Benjamin Biolay, 2001Jean Pierre Muller / AFP

Henri Salvador tròn 100 tuổi (Henri a cent ans) : Đó là tựa đề album được phát hành vào mùa thu năm 2017. Tập nhạc này tập hợp hai thế hệ nghệ sĩ hầu vinh danh sự nghiệp cũng như tài năng của ca sĩ kiêm tác giả người Pháp. Nếu còn sống, năm nay ông Henri Salvador (1917-2008) sẽ ăn mừng sinh nhật ‘‘bách niên’’.

Sinh tại Guyane trong một gia đình công chức vùng thuộc địa, Henri Salvador theo bố mẹ đến Paris lập nghiệp. Ông bỏ học khá sớm để chọn con đường sân khấu năm ông 15 tuổi. Nhờ có năng khiếu chơi đàn và sáng tác từ thuở thiếu thời, ông được tuyển vào các ban nhạc jazz thời bấy giờ. Ban đầu ông chơi đàn ghi ta trong nhóm nhạc của Django Reinhardt, rồi sau đó trong dàn nhạc ‘‘big band’’ của nhạc trưởng Ray Ventura (chú ruột của ca sĩ Sacha Distel). Nhờ các đợt biểu diễn mà Henri Salvador trau dồi cách sáng tác của mình, vốn thấm nhuần ảnh hưởng của dòng nhạc jazz, qua hai gương mặt mà ông vô cùng ngưỡng mộ là Louis Armstrong và Duke Ellington.

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Henri Salvador có nhiều may mắn hơn người khác, ông không chịu nhiều mất mát thiệt thòi vì trong suốt những năm loạn lạc chiến tranh, ông chủ yếu sống ở nước ngoài, đi lưu diễn tại các nước Nam Mỹ (Brasil, Argentina, Colombia, Uruguay …..) với dàn nhạc của Ray Ventura. Trở về Paris sau thời chiến, cuối năm 1945 đầu năm 1946, Henri Salvador khởi nghiệp riêng, tự chơi đàn và biểu diễn các sáng tác của chính mình.

Hơn một thập niên sau khi vào nghề, cuối cùng Henri Salvador thực hiện được ước mơ của ông khi trở thành ca sĩ hát solo. Ông thành công không những nhờ vào tài nghệ đàn hát mà còn nhờ có tài kinh doanh. Henri Salvador thuyết phục giám đốc nhà hát Bobino thời bấy giờ thuê ông như là ca sĩ chính, nhưng thay vì đòi thù lao hậu hỉnh, ông yêu cầu được ‘‘trả lương’’ tùy theo số lượng khán giả mua vé vào cửa. Người mua vé càng đông ông càng được trả nhiều, còn nếu họ mua ít, ông chỉ được trả ít.

Nhờ sáng kiến này mà sự nghiệp ca sĩ của Henri Salvador thật sự cất cánh cách đây đúng 70 năm (với đợt biểu diễn tại Paris khai mạc ngày 18 tháng Mười năm 1947). Henri Salvador thành công liên tục trong hai thập niên, xen kẽ các show truyền hình và các dự án ghi âm đĩa nhạc. Đúng với tư chất của một nghệ sĩ nhạc jazz, Henri Salvador khi biểu diễn trên sân khấu từng hợp tác với nhiều tên tuổi trở nên kỳ cựu sau này Michel Legrand, Henri Leca, Joe Boyer hay là Jack Diéval còn được giới chuyên nghiệp mệnh danh là một Debussy của làng nhạc jazz.

Thế nhưng, Henri Salvador lại không nổi tiếng nhờ nhạc jazz, mà chủ yếu thành danh trong lãnh vực nhạc nhẹ. Có lẽ cũng vì ngay từ những năm đầu người ta gán cho ông cái nhãn mác, cái danh hiệu của một ‘‘chanteur créole’’, một ca sĩ da màu dí dõm khôi hài, vừa hát vừa pha trò (điển hình qua các nhạc phẩm (Le travail c'est la santé, Zorro est arrivé, Les Dalton, Minnie petite souris, Monsieur Boum Boum …..)

Khi đứng biểu diễn trên sân khấu, Henri Salvador như thể hóa thân để vào vai một nhân vật. Cách tạo dựng nhân vật như vậy rất hợp với các show truyền hình giải trí, nhưng lại khiến cho người ta ít quan tâm tới cái tài sáng tác phong phú đa dạng của ông. Cũng chính ngòi bút ấy đã sáng tác các nhạc phẩm kinh điển như Syracuse, Une Chanson Douce, Maladie d'Amour ……

Henri Salvador sáng tác theo phong cách nhạc jazz pha trộn hoà quyện với một chút ảnh hưởng của các nhịp điệu từ Nam Mỹ và quần đảo Caribê. Ông từng đi biểu diễn trong gần một năm tại Brazil vào năm 1945, trước ngày khai sinh dòng nhạc bossa nova hay là phong trào âm nhạc thế giới. Lối sáng tác ấy đã gợi hứng cho các tác giả thế hệ đi sau là Benjamin Biolay và Keren Ann sáng tác cho Henri Salvador tập nhạc Chambre Avec Vue, cực kỳ ăn khách nhờ ca khúc chủ đạo Jardin d’Hiver (Khu vườn mùa đông).

Chính album này đã giúp hồi sinh sự nghiệp của nam ca sĩ Henri Salvador vào đầu những năm 2000, sau gần hai thập niên vắng bóng. Thật vậy, kể từ những năm 1980 trở đi, ông xa lánh ánh đèn sân khấu, ít xuất hiện trên đài truyền hình và hầu như không có một dự án ghi âm nào đáng kể (ngoại trừ một album duy nhất vào năm 1989).

Thà muộn còn hơn không. Có thể nói là mãi tới lứa tuổi 80, Henri Salvador mới được công nhận như là một tác giả thực thụ, theo đúng nghĩa của danh từ này. Điều đó có thể giải thích vì sao trong một thời gian rất ngắn, ông lại nhận một loạt các giải thưởng âm nhạc, trong đó có giải thưởng của Viện Charles Cros (2000), hai giải Victoires de la Musique dành cho giọng ca nam và album xuất sắc nhất (2001). Quan trọng hơn nữa, vào cuối năm 2005, bộ Văn hóa Brazil trao tặng cho ông một giải thưởng danh dự, qua đó công nhận tác giả Henri Salvador đã góp phần phổ biến dòng nhạc bossa nova trên khắp thế giới.

Cũng như trường hợp của nam ca sĩ Sacha Distel (tác giả của bài hát kinh điển La Belle Vie / The Good Life), Henri Salvador hầu như trong suốt sự nghiệp của mình không được nhìn nhận đúng mức. Cả hai gương mặt này tuy nổi danh trong làng nhạc nhẹ, nhưng lại là hai ca sĩ Pháp duy nhất có tên trong quyển tự điển nhạc jazz. Lúc sinh tiền, Henri Salvador từng nói là có một sự hiểu lầm nào đó nơi công chúng khiến cho ông không bao giờ thoát khỏi cái hình ảnh của một ca sĩ tuy hài hước nhưng chưa thể là một tác giả do bề ngoài ông thiếu nghiêm túc.

Tuy nhiên, tác giả Henri Salvador vẫn yêu đời và yêu nghề, lúc nào cũng tỏ ra lạc quan vui vẻ vì bản thân ông không xem những gì mình đang làm như là một công việc. Henri Salvador cho rằng ông có nhiều may mắn trên sự nghiệp đường đời, cho dù đằng sau những nụ cười vẫn thấp thoáng bao nỗi niềm chôn giấu ……

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn