The Gypsy Queens nổi tiếng nhờ nghề "hát rong"

Thứ Hai, 04 Tháng Mười Hai 20172:30 SA(Xem: 5799)
The Gypsy Queens nổi tiếng nhờ nghề "hát rong"
The Gypsy Queens nổi tiếng nhờ nghề
 
Didier Casnati (giữa) sáng lập viên ban nhạc Pháp The Gypsy Queenshttp://gypsyqueens.com

Khi nhắc đến cái tên The Gypsy Queens, hẳn chắc các bạn sẽ nghĩ tới ngay một ban nhạc giống như nhóm Gipsy Kings, với điểm khác biệt là nhóm này chỉ bao gồm các nữ thành viên. Thật ra, về mặt đội hình, ban nhạc Pháp The Gypsy Queens lại giống như một ‘‘boys band’’ đường phố, với các tiết mục biểu diễn đa dạng, có thể hát trong nhiều thể loại và bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

The Gypsy Queens mới thành danh trong vài năm gần đây nhưng thật ra họ đã có gần 20 năm tay nghề. Nhóm này ban đầu chỉ có hai thành viên (Didier Casnati người Ý và Philip Jones người Mỹ), họ hoạt động như một ban song ca và do nam ca sĩ chính Didier Casnati sáng lập. Sinh trưởng tại Varese (một thị trấn phía bắc thành phố Milano) Didier Casnati sau khi đỗ bằng tú tài rời Ý sang Pháp lập nghiệp. Anh ghi tên vào đại học luật khoa thành phố Nice (nay là trường Sophia Antipolis).

Ngoài giờ học, Didier Casnati đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí hầu đỡ bớt gánh nặng cho gia đình, nhờ tướng mạo điển trai, anh thường làm người mẫu chụp hình hay đóng phim quảng cáo. Trong suốt những năm tháng đầu đời, Didier Casnati âm thầm đeo đuổi đam mê ca hát, dành dụm tiền để tự ghi âm đĩa nhạc. Bên cạnh đó, anh còn kiếm sống nhờ nghề "hát rong, hát dạo" ở ngoài đường phố, trước các quán cà phê vỉa hè, nhân các buổi tiệc sinh nhật ngoài trời hay trong các buổi dạ tiệc tổ chức ở tư gia.

Chính các buổi private party tổ chức ở nhà riêng ấy đã thúc đẩy Didier Casnati thành lập nhóm The Gypsy Queens (khái niệm Gypsy ở đây gợi lên hình tượng của người chuyên đi hát rong, những nghệ sĩ du ca, chứ không phải là người du mục theo đúng nghĩa của từ, như trong trường hợp của hai nhóm Gipsy Kings và Chico & The Gipsies). Ban đầu là một ban song ca, nhóm này lần lượt tuyển thêm nhạc sĩ để hợp thành một nhóm (tự xưng là ban nhạc Pháp) gồm tới 5 thành viên với 5 quốc tịch khác nhau (Ý, Anh, Mỹ, Na Uy và Mêhicô).

Về mặt biểu diễn, The Gypsy Queens thường hát thêm theo yêu cầu của thính giả và khách mời : chính cũng vì thế mà họ buộc phải có nhiều tiết mục ca nhạc khác nhau, các thành viên thường biết chơi nhiều nhạc khí cũng như có sở trường hát đủ mọi thể loại trong nhiều thứ tiếng. Riêng về điểm này, The Gypsy Queens gần giống với ban nhạc Pink Martini, có thể hát nhiều thể loại như pop, jazz, rock, blues, country trong 4 thứ tiếng kể cả tiếng Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha ……

Với hàng trăm buổi trình diễn mỗi năm kể từ năm 2007 trở đi, đa phần là các buổi tiệc nhỏ tại vùng French Riviera (Côtes d’Azur gồm cả Nice, Cannes, Saint-Tropez hay là Monte Carlo) nhưng không phải vì thế mà The Gypsy Queens chơi nhạc theo kiểu văn nghệ nghiệp dư, đổi lại nhóm này chơi rất chuyên nghiệp, với lý do đơn giản là khách hàng của họ thường là những nhân vật nổi tiếng kể cả ngôi sao điện ảnh (Robert De Niro), thể thao (David Beckham), thời trang (Jean Paul Gaultier) và dĩ nhiên trong số đó có cả các nghệ sĩ tên tuổi như Madonna, Elton John, Bono, Rod Stewart, Andrea Bocelli, Quincy Jones ……) Vì thế The Gypsy Queens lại càng không thể múa rìu qua mắt thợ.

Cách đây 5 năm, tài nghệ chơi nhạc của nhóm The Gypsy Queens lọt vào tai nhà sản xuất Nick Raphael, giám đốc nghệ thuật làm việc cho hãng đĩa London Records, chi nhánh của tập đoàn Universal Music. The Gypsy Queens ký hợp đồng ghi âm, nhưng với điều kiện là vẫn giữ cái quyền tự tổ chức các buổi biểu diễn tại Pháp bởi vì đó là nguồn thu nhập chính của nhóm.

Sau một thời gian hoạt động trong ngành giải trí, kể cả hợp tác với nhiều nghệ sĩ quốc tế chẳng hạn như Jaime Cuadra, danh ca người Peru nổi tiếng ở Nam Mỹ, Didier Casnati nhận ra rằng tiền tài, danh vọng rất bấp bênh, phù du. Có lẽ cũng vì thế mà anh và nhóm The Gypsy Queens chọn ăn chắc mặc bền, họ tự quản lý điều hành, hầu giữ nguyên tính độc lập chứ không thông qua các manager hay lệ thuộc vào các nhà đầu tư.

The Gypsy Queens thu hút sự chú ý ngay từ album đầu tay nhờ ghi âm lại (cover) các bản nhạc quen thuộc tiếng Tây Ban Nha như Malagueña, El Cuarto de Tula, tiếng Pháp như Sympathique hay là Aicha, tiếng Anh Take Me Home Country Roads và Ventura Highway, trong tiếng Ý có các bài như Volare và nhất là L’Italiano, nguyên tác của Toto Cutugno, từng ăn khách vào năm 1983. Giới hâm mộ ở Việt Nam biết đến bài này nhờ cả hai phiên bản tiếng Ý và phiên bản chuyển lời tiếng Việt “Say Tình”. Trong tiếng Ý, ngoài tác giả Toto Cutugno còn có lối diễn đạt khá thành công của Patrizio Buanne cũng như của nhóm The Gypsy Queens những năm gần đây.

Sau khi phát hành liên tiếp hai tập nhạc The Debut Album vào năm 2012 và Lost In The Music năm 2014, The Gypsy Queens tiếp tục đi biểu diễn kiếm tiền để nuôi dưỡng và tài trợ các dự án ghi âm trong tương lai. Dòng nhạc của nhóm này càng lúc càng phong phú đa dạng, có thêm nhạc soul và reggae phối với một chút acoustic pop, nhưng thế mạnh của ban nhạc này vẫn là tình ca Ý và các bản nhạc kinh điển La Tinh.

Khác với các thí sinh chuyên tham gia các cuôc thi hát truyền hình, từ chỗ vô danh đột ngột nổi tiếng như sóng cồn để rồi sau đó khó trụ vững được lâu, ban nhạc The Gypsy Queens có quá trình làm việc đầy mồ hôi của những người đam mê biểu diễn, mang nặng nghiệp hát. Cho dù họ không nổi tiếng như các bậc đàn anh như Gipsy Kings hay Pink Martini, nhưng nhóm này vẫn miệt mài đeo đuổi những gì họ đang làm. Về điểm này, ca sĩ chính của nhóm Didier Casnati thường hay nói đùa : trong số các ban nhạc ít được công chúng biết đến, The Gypsy Queens lại là nhóm nổi tiếng nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn