Ca khúc kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Một 20183:30 SA(Xem: 4758)
Ca khúc kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến
Ca khúc kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến
 
Bảo tàng Compiègne lưu trữ toa xe lửa, nơi ký lệnh đình chiến 1918Christophe Carmarans / RFI

‘‘1914-1918, la Grande Guerre en chansons’’ Thế Chiến thứ nhất qua ca khúc là tựa đề cuộc triển lãm do Hiệp hội các tác giả Pháp Sacem tổ chức kể từ ngày 09/11 cho tới cuối năm 2018. Cuộc triển lãm này nằm trong chương trình sinh hoạt kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, khai mạc từ năm 2014.

Song song với các tài liệu của hiệp hội Sacem chuyên bảo vệ tác quyền ở Pháp, kho lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp cũng đã tải lên mạng hàng loạt hồ sơ dưới dạng văn bản cũng như âm thanh được xem như là tiêu biểu của thời kỳ này, trong đó có các ca khúc ghi âm trên đĩa than 78 vòng trong những năm 1914-1918, chẳng hạn như bản nguyên tác ‘‘Madelon’’ của nam ca sĩ Marcelly, cách đây một thế kỷ. Bản nhạc này sau đó có thêm nhiều lời khác nhau và từng được các nghệ sĩ Pháp nổi tiếng sau đó như Lucienne Boyer hay Maurice Chevalier ghi âm.

Châu âu vào những thập niên đầu thế kỷ XX, vô tuyến truyền hình hay máy phát thanh vẫn chưa có, các loại máy nghe đĩa than vẫn được xem như là xa xỉ phẩm của giới thượng lưu thành thị. Những người lính bị kẹt trong bùn lầy của chiến hào không có gì khác để khuây khỏa giải sầu, để quên đi cảnh chết chóc, để xoa dịu bao nỗi đau ngoài men rượu và tiếng hát. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Bertrand Dicale, tác giả quyển sách ‘‘La Fleur au Fusil, 14-18 en chansons’’ (Hoa cài trên nòng súng) viết về các ca khúc sáng tác trong thời Thế chiến thứ nhất.

PeronneDEF4_0Đài tưởng niệm của Bảo tàng về Đệ nhất Thế chiến tại Péronne, vùng SommeVéronique Barral / RFI

Theo tác giả này, hầu hết các binh sĩ Pháp thời bấy giờ thường ghi chép các câu thơ, bài hát vào những quyển sổ cá nhân, họ dán những tấm hình của người yêu, những bức thư của vợ con hay bưu thiếp của gia đình vào những quyển sổ ấy. Một số tập nhạc chép tay được lưu lại cho tới tận ngày nay chẳng hạn như quyển sổ tay của trung sĩ Eugène Girard, mở đầu với bài hát Le chant du Départ (Hành khúc lên đường) có từ năm 1794 (nhạc của Étienne-Nicolas Méhul, lời của Marie-Joseph Chénier), hầu hết các ca khúc chính thức đều mang tính tuyên truyền, kêu gọi sự ủng hộ của toàn dân cho nỗ lực chiến tranh …..

Đọc qua những tập nhạc ấy, người ta có thể hình dung ra những ca khúc thịnh hành trong giới binh sĩ thời bấy giờ. Các ca khúc thường đề cao lòng yêu nước hay là ca ngợi tinh thần chiến đấu, lòng dũng cảm hy sinh của người lính (chẳng hạn như các bài Les Trois Couleurs, À bas les conquérants, La mort d’un porte-drapeau) ...... Thế nhưng khi chiến tranh kéo dài, nỗi đau buồn càng lúc càng lớn, để rồi biến thành nỗi tuyệt vọng qua ca khúc chẳng hạn như các bản nhạc nổi tiếng La Chanson de Craonne, Le Cri de la France có một thời gian bị cấm lưu hành do bị xem là làm lung lay tinh thần chiến đấu.

2014-07-13T183353Z_119008667_LR1EA7D1FK7YE_RTRMADP_3_WWI-ANNIVERSARY-FRANCE_0Binh lính mặc quân phục 1918 nhân Lễ Quốc khánh Pháp 14/07/2018REUTERS / Benoit Tessier

Theo nhà nghiên cứu Serge Hureau, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản qua ca khúc (Centre national du Patrimoine de la Chanson), giới binh sĩ ở tiền tuyến thường hay đặt thêm lời cho các bài hát nổi tiếng để cho những người có may mắn ở vùng ‘‘hậu phương’’ hiểu thêm về nỗi khổ đau của họ. Có lẽ cũng vì thế mà bài ‘‘La Madelon’’ đã có tới 4 lời khác nhau, kể cả những lời lẽ ngợi ca chiến thắng viết vài ngày sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết vào ngày 11/11/1918.

Cuộc triển lãm của hiệp hội Sacem hay các tài liệu của Thư viện Quốc gia Pháp cho thấy không phải chỉ có ca khúc tiếng Pháp, mà nhiều bài hát khác cũng được gắn liền với Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Bản nhạc "It’s a long way to Tipperary" Đường về quê nhà còn xa (của tác giả Jack Judge) là Khúc hành quân nổi tiếng nhất của các binh sĩ người Anh. ‘‘Semper Fidelis’’ Mãi mãi trung thành (trong tiếng La Tinh) là khẩu hiệu cũng như bài ca tiến quân của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ do tác giả John Philip Sousa viết vào năm 1888. Còn tại Canada, người ta chủ yếu biết đến bài In Flanders Fields (Trên cánh đồng vùng Flandres), chọn hoa anh túc làm biểu tượng của những người lính bỏ mình trên chiến trường.

000_u67kb_0Quân đội Anh và Canada chọn hoa anh túc làm biểu tượng cho các chiến sĩ trận vongAFP / Chris J. Ratcliffe

Được sáng tác cách đây một thế kỷ (1914), tác giả John McCrae là bác sĩ quân y trong quân đội Canada, bài thơ "In Flanders Field" (bản phóng tác tiếng Pháp là Au Champ d’Honneur) dùng hình tượng của loài hoa anh túc đỏ thắm mọc đầy trên những ngôi mộ của những chiến sĩ bỏ mình trên chiến trận. Những kẻ vừa ra đi gửi lời nhắn nhủ cho những người còn ở lại, để cho họ can đảm giữ vững tinh thần chiến đấu, làm thế nào để cho sự hy sinh của những người vừa nằm xuống không trở nên vô nghĩa.

Trung tá John McCrae qua đời vì bị sưng phổi cuối tháng Giêng năm 1918, tức là ông không sống được lâu để chứng kiến ngày hòa bình trở lại, vì lệnh đình chiến chỉ được ký vào tháng 11 năm 1918. Trung tá John McCrae được chôn cất tại thị trấn Wimereux, ở tỉnh Pas de Calais. Viện bảo tàng vùng Somme giành một gian phòng triển lãm riêng cho John McCrae. Bài thơ "In Flanders Field" trở thành một tác phẩm để đời. Hoa anh túc trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên hy sinh cho tổ quốc trong thời chiến.

11_novembre_015_0Bảo tàng Compègne khánh thành năm 1950 vẫn trưng bày các tài liệu liên quan đến giai đoạn 1914-1918Christophe Carmarans / RFI

Một trong những ca khúc gây nhiều xúc động nhất vào thời này là bài thơ ‘‘Si je mourais là bas’’ Nếu ta chết ở ngoài kia của văn hào Guillaume Apollinaire. Bài thơ l’Adieu (Lời Vĩnh biệt) của ông mở đầu với câu thơ bất tử "J‘ai cueilli ce brin de bruyère" (Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo) từng được tác giả Phạm Duy phổ nhạc thành nhạc phẩm Mùa thu chết.

Trong thời Đệ nhất thế chiến, nhà thơ Guillaume Apollinaire từng tình nguyện nhập ngũ, nhưng ông bị thương nặng sau khi trúng một mảnh đạn pháo ở đầu. Thế nhưng, ông không chết do thương tích chiến tranh mà là từ trần vì lâm bệnh nặng. Ông mất ở Paris vào hôm 09/11/1918, chỉ hai ngày trước khi lệnh đình chiến được ký kết và là một trong những nạn nhân của dịch cúm Tây Ban Nha.

Nhiều năm sau ngày ông mất, người ta mới cho xuất bản (năm 1947) tuyển tập ‘‘Poèmes à Lou’’ Những bài thơ viết tặng người tình tên Lou (bà Louise de Coligny Châtillon). Mãi tới năm 1967, ca sĩ kiêm tác giả Jean Ferrat mới phổ nhạc cho bài ‘‘Si je mourais là-bas’’ (Nếu ta chết ở ngoài kia) mà theo ông là một trong những bài thơ tình đẹp nhất viết trong thời chiến, hàng tựa tuy nói về cái chết, nhưng trong ý thơ lại hừng hực dục vọng, khát khao lửa tình chưa nguôi sức sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn