Thánh hội họa Raphael - khí chất của một vị hoàng tử

Thứ Hai, 24 Tháng Chín 20188:00 CH(Xem: 4959)
Thánh hội họa Raphael - khí chất của một vị hoàng tử

Cuốn sách “Ai là học giả vĩ đại nhất?” kể câu chuyện Raphael vẽ bức bích họa “Trường học Athens”, đồng thời tiết lộ nét tính cách tài hoa của danh họa.

Raphael Sanzio (1483-1520) được tôn vinh là “thánh hội họa”, “hoàng tử của các họa sĩ”. Raphael cùng Michelangelo và Leonardo da Vinci tạo thành bộ ba vĩ đại thời Phục Hưng. Biệt danh “hoàng tử của các họa sĩ” dành cho Raphael xuất phát từ việc các tác phẩm của ông đều mang màu sắc quý tộc, vô cùng cao sang, thanh nhã.

Raphael qua đời ở tuổi 37, gần 500 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện về con người tài hoa ấy vẫn tiếp tục được kể, giúp người đời sau khám phá nét tính cách, sự nghiệp, phong cách nghệ thuật của ông. Ai là học giả vĩ đại nhất? là một trong những câu chuyện đó.

Kiệt tác Trường học Athens được vẽ như thế nào?

Cuốn sách Ai là học giả vĩ đại nhất? của tác giả Yu Myeong hwa. Bức Trường học Athens đã trở nên quá nổi tiếng, là nơi hội tụ của 54 học giả xuất sắc từ cổ đại cho tới khoảng đầu thế kỷ 16. Tuy nhiên không phải ai cũng biết Raphael đã vẽ bức tranh từ ý tưởng nào, quá trình vẽ ra sao và ai là những nguyên mẫu cho các nhân vật trong tranh.

Thanh hoi hoa Raphael - khi chat cua mot vi hoang tu hinh anh 1Phóng to
Bức chân dung tự họa của Raphael. Tranh vẽ năm ông 23 tuổi, gương mặt và thần thái toát vẻ thanh cao.

Năm 1508, khi 25 tuổi, Raphael nhận lời đề nghị của Giáo hoàng Julius II vẽ bức bích họa trong tòa thánh Vatican. Trước đó, người ta biết tới vị họa sĩ trẻ tuổi sinh ở Italia, mẹ qua đời khi cậu 8 tuổi, học vẽ từ người cha là Giovanni Santi - một họa sĩ tài năng chuyên vẽ tranh cho giới quý tộc. Khi Raphael 11 tuổi thì cha qua đời. Cậu bé mồ côi rời quê hương, tìm đến nhà họa sĩ Pietro Perugino xin học vẽ.

Tài năng của Raphael phát lộ rất sớm. Tại xưởng vẽ của thầy Perugino, chàng phụ tá đã vẽ nên một trong những kiệt tác của mình ở tuổi 11, bức Lễ kết hôn của Đức Mẹ đồng trinh. Với ý chí lớn lao, Raphael tới Florence, nơi có những thiên tài như Leonardo da Vinci, Michelangelo… mà ông ngưỡng mộ. Vài năm nghiên cứu các bậc thầy và miệt mài tìm phong cách riêng, danh tiếng Raphael vang xa.

Năm 1508, Raphael tới Rome theo đề nghị của Giáo hoàng Julius II. Đề bài mà vị Giáo hoàng đáng kính đưa ra là “vẽ một bức tranh gồm nhiều học giả vĩ đại trên thế giới".

Nhưng làm thế nào để “tập trung” các học giả vĩ đại trên thế giới vào một bức tranh cho hợp lý lại là một bài toán khó.

Raphael tính, muốn che kín các bức tường lớn trong thư phòng, cần phải vẽ khoảng 50 học giả. Trước tiên, chàng họa sĩ trẻ tuổi vào thư viện tìm ra những ai là học giả vĩ đại để đưa vào tranh.

Thanh hoi hoa Raphael - khi chat cua mot vi hoang tu hinh anh 2
Sách Ai là học giả vĩ đại nhất? kể câu chuyện Raphael đã vẽ kiệt tác Trường học Athens như thế nào.

Sau khi tìm được nhân vật rồi, Raphael tiếp tục nghĩ cách làm sao đưa các vị học giả tưởng chừng không liên quan ấy vào một bức tranh cho hợp lý? Ông chọn giải pháp vẽ ngôi trường mà các học giả từng theo học (hoặc ngụ ý sâu hơn là trường phái họ theo đuổi), rồi vẽ cảnh họ tụ tập, chuyện trò tại ngôi trường ấy.

Đến công đoạn này, ý tưởng đã có rồi, nhân vật đã có rồi, tưởng chừng người họa sĩ chỉ cần dùng sơn mà vẽ, thì vấn đề khác lại nảy sinh. Raphael không hề biết dung mạo các học giả trước đó ra sao, chẳng có sách vở, tư liệu gì ghi lại hình ảnh của họ. Chàng họa sĩ trẻ tuổi quan sát những người xung quanh để làm mẫu vẽ.

Bức tranh hoàn thành, dân chúng ùn ùn kéo tới để chiêm ngưỡng. Còn Giáo hoàng thì vô cùng hãnh diện, Ngài tự hào nói nơi có bức bích họa là căn phòng đẹp nhất thế gian.

Khí chất của một hoàng tử tài hoa

Cuốn sách Ai là học giả vĩ đại nhất? không chỉ kể cách mà tác phẩm Trường học Athens ra đời, còn tiết lộ những nét tính cách thú vị của danh họa Raphael. Ngay từ đầu sách, danh họa đã hiện lên như một người ham chơi: “Để xem, một người ưa thích rong chơi như ông ấy có thể vẽ những bức họa tầm cỡ được không nhé?”.

Tạo hình của Raphael trong cuốn sách là một chàng trẻ tuổi với trang phục và chiếc mũ xanh, một con người nhỏ bé, sinh động đi lại trong thánh đường rộng lớn. Nhân vật xưng “ta”, tỏ ra là một người tinh nghịch, có phần tự phụ, luôn miệng tự nhận “ta là Raphael đáng kính”, “ta là Raphael thiên tài”.

Thanh hoi hoa Raphael - khi chat cua mot vi hoang tu hinh anh 3
Kiệt tác Trường học Athens.

Nhưng đó cũng là chàng trai với đôi mắt sáng, chiếc mũi cao, luôn tươi tắn trước mọi thử thách. Trước bài toán chọn ai là học giả vĩ đại, “Raphael tinh anh tuyệt đỉnh” đã chọn những nhà toán học trước tiên, bởi nền tảng của mọi khoa học và phát minh chính là toán học, các nhà toán học chính là học giả chân chính.

Chàng trẻ tuổi tự nhận “Ta là Raphael sâu sắc”, thừa hiểu rằng không thể bỏ qua các nhà hiền triết dạy về tư duy; không thể bỏ qua các nhà thiên văn học. Là một người công bằng, Raphael chọn cả những học giả nữ xuất sắc, bởi vậy trong tranh có nhà toán học nữ Ai cập Hypatia, cùng thi sĩ Sappho.

Nét tính cách ngang tàng của Raphael còn thể hiện ở việc ông suy nghĩ và hành xử với Michelangelo. Cùng thời gian Raphael vẽ Trường học Athens, Michelangelo cũng được Giáo hoàng đề nghị vẽ bức bích họa Sáng tạo thế giới. Nhân vật uyên bác thời Phục Hưng ấy bị Raphael gọi là “gã Michelangelo kiêu ngạo”, “một kẻ tự phụ không bao giờ nói lời từ chối”.

Tuy vậy, Raphael quả là người công tâm không để cảm tính lấn át. Chứng kiến Michelangelo làm việc, Raphael phải thừa nhận: “Tuy là kẻ huênh hoang kiêu ngạo, nhưng quả thật tài năng của Michelangelo là số 1. Ông ta đang vẽ những nhân vật trong Kinh Thánh sống động như đã thấy ngoài đời vậy”. Và cuối cùng, Raphael tuy không ưa “gã kiêu ngạo”, nhưng vẫn đưa chính hình ảnh của Michelangelo vào bức bích họa Trường học Athens.

Sách Ai là học giả vĩ đại nhất? còn tiết lộ nét tính cách tinh nghịch của Raphael. Ông đưa những người thân, người yêu quý vào làm hình mẫu trong tranh. Ví dụ, nhà triết học vĩ đại Platon được vẽ theo khuôn mặt của Leonardo da Vinci - họa sĩ mà Raphael nể phục. Hay nữ học giả trong tranh được vẽ theo khuôn mặt của bạn gái Raphael; nhà toán học Euclid được vẽ theo hình mẫu của Bramante - người đã giới thiệu Raphael tới Giáo hoàng.

Thanh hoi hoa Raphael - khi chat cua mot vi hoang tu hinh anh 4
Hình ảnh Raphael thiên tài với đôi mắt sáng, có phần tinh nghịch trong cuốn sách.

Và cuối cùng, chính Raphael cũng có mặt trong bức bích họa về những học giả vĩ đại nhất ấy. Khi bức tranh hoàn thành, Giáo hoàng đang tự hào khoe tác phẩm với mọi người, bỗng Ngài đứng khựng lại khi thấy Raphael và Michelangelo xuất hiện trong tranh. Vị họa sĩ trẻ tuổi khi ấy chỉ nhún vai, ý rằng: “Giáo hoàng không thể tự vẽ các học giả trên bức tranh như thế này, chỉ có họa sĩ như chúng tôi mới làm được việc đó. Thế nên chúng tôi đương nhiên phải có một chỗ đứng trong tranh chứ”.

Đọc xong cuốn sách, mỗi người đã có câu trả lời cho câu hỏi “Ai là học giả vĩ đại nhất?”. Đó là Raphael, người đã chọn lọc và tập hợp những học giả vĩ đại nhất trong một bức tranh, và đó là một họa sĩ tài năng, thông minh, công tâm, đầy bản lĩnh.

Khi Raphael đột ngột qua đời ở tuổi còn trẻ, Giáo triều Rome đã tiếc thương, tổ chức Thánh lễ Misa và mai táng họa sĩ tài danh tại ngôi đền Pantheon, nơi yên nghỉ của các bậc vĩ nhân thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn