Kinh Thi trong đời sống và tư tưởng Trung Hoa

Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20182:00 CH(Xem: 4892)
Kinh Thi trong đời sống và tư tưởng Trung Hoa
bbc.com
Martin Kern BBC Culture

Rebecca Hendin Bản quyền hình ảnh Rebecca Hendin

Tự cổ chí kim, chưa có cuốn sách nào được trân trọng nhiều như Kinh Thi, một hợp tuyển thơ mà như lời một nhà bình luận là bộ thơ "kinh điển về trái tim và tâm hồn nhân loại".

Kinh Thi là hợp tuyển thi ca đầu tiên của Trung Quốc.

Khổng Tử được cho là người đã biên soạn, tổng hợp, chọn lọc "thi tam bách" - một trong các tên gọi thời ban đầu của tập thơ này - từ tổng số ba ngàn áng thơ, "bỏ đi những tứ thơ lặp lại và chỉ lựa những gì phù hợp với các quy tắc nghi lễ".


Đến cuối thời Tây Hán (202 trước Công nguyên - 9 sau Công nguyên), đã có ít nhất bốn trường phái khác nhau, mỗi trường phái có một loạt những cách diễn giải khác nhau đối với mỗi áng thơ.

Giống như các trường ca của Homer trong thế giới phương Tây, Kinh Thi có tầm ảnh hưởng vươn ra rộng khắp chứ không chỉ trong khuôn khổ văn thơ, và có tác động vô cùng to lớn, dài lâu lên nền văn minh Trung Hoa.

Kinh Thi tác động đến giáo dục, chính trị và đời sống cộng đồng.

Thời xưa, các bài thơ được trích dẫn, được viện dẫn như quy ước ứng xử ngoại giao; được dùng trong các cuộc cãi lý; được lấy để bình phẩm, so sánh, mà thường là trào phúng thay vì khen ngợi, trong các tình huống mang tính lịch sử; và được đem ra giáo huấn để soi sáng, giúp mở mang tri thức.

Kinh Thi tạo ảnh hưởng lên xã hội Trung Quốc qua những vần thơ và cả qua hình thức thể hiện những vần thơ đó.

Bộ hợp tuyển nổi tiếng nhất là "Mao thi", một trong bốn bản được sưu tầm, biên soạn thời ban đầu. Mao thi được chia làm bốn phần: 160 bài về khí (Phong), 74 bài nhạc nơi yến tiệc cung đình (Tiểu Nhã), 31 bài nhạc chốn triều hội cung đình (Đại Nhã), và 40 khúc ca ngợi (Tụng).

Trong phần Tụng, 31 bài thơ thời nhà Chu được coi là cổ nhất, có từ những năm đầu nhà Tây Chu (1046-771 trước Công nguyên).

Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Bức họa Hoàng đế nhà Chu giết rồng được vẽ trên tường tại Đền Nghi Hưng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Những khúc ngợi ca này, tất cả đều khá ngắn, được trình diễn nhằm ca ngợi đức hy sinh của các tổ vương nhà Chu: chúng được trình diễn dưới nhiều hình thức đa dạng, gồm nghi thức dâng thịt, gạo và rượu; phần lễ nhạc được biểu diễn với trống, chuông cùng các loại đàn gió, đàn dây; những điệu múa kể lại cuộc chinh phạt trước đó của nhà Thương; và những khúc tráng ca để cho bậc thiên tử nhà Chu ca tụng các bậc tiên đế và cầu xin tổ tiên phù hộ. Nói một cách vắn tắt thì thơ ca Trung Hoa bắt đầu từ nghi lễ tôn giáo.


Qua việc gắn với các nghi lễ, Tụng giúp điều chỉnh trật tự xã hội. Tôn kính 'ý Trời' là yếu tố quan trọng trong nền chính trị cổ đại Trung Hoa; với việc nhấn mạnh thông điệp này, Kinh Thi trở thành trụ cột cho uy quyền cai trị của nhà Chu.

Khác với Tụng, nhiều bài trong Đại Nhã mang nội dung tôn vinh, ca ngợi công đức trời biển của nhà Chu; chúng là văn tự cốt lõi về chính trị và văn hóa của triều đại này.

Giống như Tụng, các bài ca có nội dung rõ ràng; những câu chuyện kể trong đó không gây tranh cãi.

Nhưng phần Phong mang tính thách thức hơn nhiều. Đây là phần gồm những bài thơ ca dân gian của 15 vùng, quốc gia chư hầu, chủ yếu nằm dọc sông Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc. Không một khúc ca nào kể về lịch sử.

Có một số bài thể hiện nội dung khá dễ gây nhầm lẫn: bài ca về khát vọng, giai điệu về sự chia ly của những người yêu nhau vào lúc trời rạng, sự phản kháng của người nông dân trước quan tham, những lời khắc khoải nhớ thương của anh lính xa nhà, hay của vợ chàng mòn mỏi đợi chờ chốn quê. Ở đây, sự nhân văn trong suy nghĩ và trong tình cảm được thể hiện một cách đầy đủ - và đây là nơi mọi cách diễn giải được bắt đầu.

Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Phong trào Ngũ Tứ hồi 1919 do sinh viên Trung Quốc khởi xướng

Phong trào Ngũ Tứ (là phong trào đấu tranh phản kháng chính trị và văn hóa thực dân do giới học sinh dấy lên hồi năm 1919) đã tìm cách xây dựng một di sản văn hóa quốc gia mới từ những tàn dư của một đế chế đã tồn tại hai ngàn năm nhưng rốt cuộc đã sụp đổ. Khi đó, Phong trở thành thứ mới: những bài dân ca vốn hấp dẫn mọi người nhờ sự đơn giản và giai điệu lặp đi lặp lại dường như đã đi thẳng vào tận trái tim những người dân thường.

Bài thơ Phong đầu tiên và nổi tiếng nhất, Quan Thư, được truyền tụng là một giai điệu về hôn nhân hạnh phúc. Nhưng có từng phải vậy không?

Chu Hy (1130-1200) từng cổ súy cho việc trở lại của bản thân những từ ngữ được dùng trong các bài thơ này, sau khi các học giả thời Hán và rất nhiều người trong những thời sau đó đã chôn vùi chúng dưới tầng tầng lớp lớp các cách bình thơ uyên thâm; và có bằng chứng cho thấy là các nhà thơ thời phong kiến này - ngược với các học giả - luôn biết cách trân trọng giá trị mà Phong thể hiện ở bề mặt, dùng những hình ảnh sống động trong đời sống tự nhiên để diễn tả khát vọng, tình yêu và đau khổ.

Khác với bất kỳ văn tự nào có từ thời xưa của Trung Quốc, các bài thơ được yêu mến, do đó tồn tại dưới hai hình thức song song: một là những lời bình uyên thâm và hệ thống thi cử quan trường trong nhà nước phong kiến, và một là thơ ca trong trí nhớ truyền khẩu nơi dân gian.

Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Chu Hy, nhà triết học, chính trị gia, và cũng là nhà thơ thời Tống, đưa ra cách chú giải Kinh Thi dựa trên bản thân các từ, ngữ được dùng trong các bài thơ

Đáng chú ý là không có thư tịch cổ nào từng cho chúng ta thấy Phong là thơ dân gian thuần túy. Những truyền thuyết có từ thời phong kiến ban đầu nói rằng các quan trong triều "thu thập" thơ ca trong "hang cùng ngõ hẻm" đem về tâu lên vua nhằm phản ánh những điều kiện sinh hoạt trong xã hội, những tâm tư của muôn dân; và người ta tin rằng chỉ sau đó các bài thơ mới được phổ nhạc cung đình.

Thế nhưng cũng không có gì giúp khẳng định được nguồn gốc các bài thơ là từ trong dân gian; mọi dẫn chiếu hay trích dẫn các bài trong Kinh Thi, dù là các bài thơ có trước hay có sau sự hình thành của đế chế vào năm 221 trước Công nguyên, đều cho thấy chúng thuộc nội dung dành để giảng dạy cho giới tinh hoa, và dần dần được tập hợp vào khuôn mẫu Ngũ Kinh của Khổng giáo.

Trong truyền thống đó, mỗi dòng thi ca đều mang nhiều nghĩa khác nhau. Một cách bình thời nhà Hán coi Quan Thư là lời ca tụng Chu Văn Vương (1099-1050 trước Công nguyên) và vợ vua. Một cách diễn giải khác lại coi bài thơ là lời phê của Chu Khang Vương (1005-978 trước Công nguyên).

Và cuối cùng, một số văn tự được viết trên thẻ tre và lụa từ thời thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, được tìm thấy trong ngôi mộ mới được phát hiện gần đây, ghi nhận rằng "Quan Thư dùng để diễn tả sự hấp dẫn tình dục và sự khát khao được chiếm hữu" để hướng tới suy ngẫm đạo đức.

Thông qua thơ ca, nghi lễ và âm nhạc, cách giáo dục theo kiểu Khổng Tử tìm cách dạy dỗ tế nhị về đạo đức - do có thể dễ dàng học thuộc dưới dạng bài ca, Kinh Thi giúp đặt ra luật lệ cho cách ứng xử. Những bài thơ trong đó, khác với truyền thống phương Tây, đa phần là của các tác giả khuyết danh và viết theo lối giản dị.

Thế nhưng bên dưới bề mặt đó, các bài thơ mang nhiều tầng ẩn ý khác nhau. Với thời nay, các bài thơ, mà đặc biệt là trong phần Phong, cất lên nhiều tiếng nói khác nhau. Mang những ẩn ý mơ hồ, chúng khiến mọi nỗ lực nhằm diễn giải giản lược, gán cho chúng một thông điệp hay một ý nghĩa đơn lẻ đều trở nên thất bại.

Và ngay cả những ai có thể thuộc được toàn bộ "thi tam bách": nếu quý vị không thể ứng khẩu được các bài thơ một cách sáng tạo, linh hoạt thì "dùng các bài thơ được vào việc gì?" Nói vắn tắt thì vấn đề không bao giờ nằm ở chỗ các bài thơ đó - toàn bộ đều của các tác giả khuyết danh - có ý nghĩa gốc là gì, hay chúng xuất xứ từ đâu. Vấn đề luôn nằm ở chỗ khác: quý vị sẽ làm thế nào để khiến chúng có ý nghĩa gì đó mới mẻ?

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn